Công việc chuẩn bị của nhóm chủ trương chủ yếu diễn ra trên... Facebook. Từ phân công công việc, lên chương trình biểu tình, tới nội dung của các câu khẩu hiệu đều diễn ra công khai, minh bạch và dân chủ. Các Facebooker tùy theo khả năng, tự nhận phần việc của mình. Cách làm này cũng áp dụng với hai cuộc biểu tình diễn ra năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong đó, cuộc biểu tình lần đầu, theo đánh giá của cảnh sát, đã thu hút tới hơn 4000 người.
Mở đầu chương trình, đoàn biểu tình đã dành 1 phút mặc niệm cho những ngư dân vô danh bị sát hại trên biển, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974, Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1988 và cho những người vừa mất trong tai nạn máy bay tuần rồi.
Với ba dàn loa cỡ lớn chĩa thẳng vào Đại sứ quán Trung Quốc, những người biểu tình, trong ba tiếng đồng hồ từ 12h tới 15h đã hô vang các khẩu hiệu bằng bốn thứ tiếng: Việt Nam, Ba Lan, tiếng Anh và tiếng Hoa.
Những câu "Hoàng Sa- Việt Nam, "Trường Sa- Việt Nam", "Đả đảo Tập Cận Bình", "Trả lại đảo cho chúng tôi", "Tự do hàng hải ở Biển Đông", "Chấm dứt gây hấn", "Hòa bình cho Biển Đông"... vang lên không mệt mỏi.
Vào 30 phút cuối của chương trình, theo đề nghị của nhóm tổ chức, cảnh sát đã cho phép đoàn biểu tình tới hò hét nơi cổng chính.
Một nhóm Trung Quốc đứng lặng lẽ quan sát, chỉ trỏ, quay phim, chụp ảnh, nhưng họ không có phản ứng quá khích nào.