Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XIN CHO HAI CHỮ BÌNH YÊN

Dương Đức Quảng
Thứ bẩy ngày 17 tháng 4 năm 2010 4:27 PM
Ngày 7-4, kỷ niệm 103 năm ngày sinh của ông Lê Duẩn, cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tôi đã định viết một bài về ông dưới cái nhìn của một nhà báo có 3 năm, từ 1981 đến 1984, làm phóng viên đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư, nhưng sau rồi lại thôi.
Ba năm từ 1981 đến 1984 là quãng thời gian gần cuối đời của ông Lê Duẩn (ông mất ngày 10-7-1986), người giữ cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lâu nhất kể từ ngày thành lập Đảng, một nhân vật lịch sử mà tên tuổi gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trong nhiều thập kỷ của thế kỷ 20. Ba năm ấy, trong các chuyến được tháp tùng ông đi thăm các đơn vị và các địa phương, trong đó có chuyến ông về thăm quê ở làng Bích La Đông, Triệu Phong, Quảng Trị và thăm tỉnh Bình Trị Thiên, tôi đã được nghe nhiều điều từ gan ruột của ông. Đây là giai đoạn ông Lê Duẩn không còn được khỏe như trước, nhất là sau khi ông phải sang Liên Xô phẫu thuật vì bị khối u tuyến tiền liệt, trở về nước luôn phải đeo một chiếc túi dẫn nước tiểu bên mình. Như thường thấy ở những người già “thất thập cổ lai hy”, lại còn bị bệnh hiểm nghèo, gần đến cõi vĩnh hằng, mỗi lần gặp đồng chí, đồng bào quê hương, ông đều bộc bạch, tâm sự nhiều điều, có điều, nói như cách nói của cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, “vào một ngày đẹp trời nào đó”, tôi sẽ viết ra. Còn trong bài viết này tôi chỉ xin kể lại một vài điều về thái độ của ông Lê Duẩn đối với Trung Quốc, có liên quan đến chi tiết “liệt sĩ Trung Quốc ở Việt Nam” mà trong một bài mới nhất TAI HẠI VÌ THIẾU MẤY CHỮ HAY VẪN LÀ CHUYỆN CHÍNH SÁCH THÔNG TIN trên log của mình và trên TranNhuong.com, nhà báo Nguyễn Vĩnh, bạn tôi, có đề cập đến.
Tôi nghĩ có lẽ ít ai có được chất chiến trong người như ông Lê Duẩn khi đối đầu với ngoại bang, bất kể là Pháp, Mỹ hay một cường quốc nào khác có ý đồ thôn tính, xâm lược hoặc bành trướng, bá quyền đối với Việt Nam. Ông Lê Duẩn kể rằng, ngay từ năm 1957, sau khi được Bác Hồ gọi từ chiến trường miền Nam ra Bắc, ông được Bác cử sang Trung Quốc gặp Mao Trạch Đông và một số nhà lãnh đạo Trung Quốc (tất nhiên chuyến đi đó là bí mật, cả hai bên đều không công bố bất cứ điều gì). Trong một lần gặp Mao Trạch Đông, sau khi nghe ông Lê Duẩn thông báo tình hình cách mạng miền Nam, Mao Trạch Đông chỉ vào tấm bản đồ thế giới treo trên tường rồi khoát tay một cái, kéo dài bàn tay từ Trung Quốc xuống tới vùng biển Inđônêxia, nói với ông Lê Duẩn:
- Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc cách mạng giải phóng thế giới. Chúng tôi có một tỷ dân, đủ sức đưa 500 triệu người xuống vùng Đông Nam Á làm cuộc cách mạng giải phóng này…
Cái mà bây giờ nhiều người hay nói tới là vùng biển “lưỡi bò” kéo dài hải phận Trung Quốc xuống vùng biển Đông Nam Á, bao trùm nhiều quần đảo và vùng lãnh hải của nhiều nước mà bản đồ Trung Quốc đã in phải chăng xuất phát từ ý đồ này của Mao Trạch Đông từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước, thậm chí còn sớm hơn? Câu nói và cái khoát tay trên bản đồ xuống tận quần đảo Indonexia của Mao Trạch Đông khi tiếp ông Lê Duẩn rõ ràng bộc lộ ý đồ bành trướng của Trung Quốc, không chỉ đối với Việt Nam mà đối với toàn khu vực.
Trong những năm Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Trung Quốc đã viện trợ và giúp đỡ Việt Nam lương thực, vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng…và có một sự thật không phải chỉ đến bây giờ mọi người mới biết là đã có quân đội Trung Quốc hiện diện ở miền Bắc nước ta. Nhà ngoại giao Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, nhà báo Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng biên tập tờ tuần báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao đã viết trên các trang mạng trong những ngày qua về việc quân đội Trung Quốc giúp ta làm đường ở một số tỉnh biên giới phía Bắc trong những năm chiến tranh đó, như ở Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh…Một số người trong số các đơn vị quân đội Trung Quốc này đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, được Trung Quốc coi là liệt sĩ, mộ phần vẫn còn ở Việt Nam. Hàng chục năm nay, vào tiết thanh minh thân nhân của họ, nhiều năm còn có cả người của cơ quan ngoại giao Trung Quốc cùng đi đã đến thăm viếng các phần mộ này.
Tôi còn nhớ lần về thăm tỉnh Bình Trị Thiên, trong một cuộc nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ quê nhà, ông Lê Duẩn đã nói về việc quân Trung Quốc có mặt ở các tỉnh biên giới phía Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Những năm ấy, nhiều lần Trung Quốc đề nghị ta cho một số đơn vị quân đội sang giúp, vận chuyển lương thực, súng ống, đạn dược…bằng ô tô giải phóng của Trung Quốc, từ Trung Quốc vào Khu 4 và Trường Sơn. Bác Hồ hỏi ý kiến ông Lê Duẩn về việc này. Ông Lê Duẩn đã thưa với Bác rằng, không nên để Trung Quốc vào Khu 4, vào Trường Sơn, vào chiến trường miền Nam. Trong trường hợp thật đặc biệt chỉ có thể cho phép một số đơn vị công binh của họ vào giúp ta làm đường ở một số địa bàn miền núi phía Bắc, giáp Trung Quốc, tuyệt đối không để quân đội Trung Quốc vào sâu trong đất liền của ta, nhất là không cho quân Trung Quốc vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược vào chiến trường miền Nam. Ông thưa với Bác rằng: “Nợ xương máu là món nợ không thể trả được. Việt Nam không thể để mắc nợ xương máu với Trung Quốc“. Sau này chỉ có một số nhỏ đơn vị công binh, hậu cần của quân đội Trung Quốc có mặt ở vài tỉnh miền núi biên giới Việt-Trung, chủ yếu giúp ta làm cầu, đường, sửa chữa xe ô tô…Một số người của họ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, được Trung Quốc coi là liệt sĩ. Vì thế, việc hàng năm thân nhân của những liệt sĩ Trung Quốc này, nhiều khi có cả đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cùng đi, lên thắp hương và viếng mộ người đã mất trong những năm chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam là điều dễ hiểu.
Trong bài viết của mình, nhà báo Nguyễn Vĩnh nói rằng điều đáng tiếc mà cái công văn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn gây ra chính là vì sau chữ “liệt sĩ” còn thiếu mấy chữ cần nói rõ đấy là những liệt sĩ Trung Quốc hy sinh tại Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Tuyệt nhiên đây không phải là những tên lính Trung Quốc bỏ mình trong chiến tranh biên giới, tháng 2/1979 khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Tôi nghĩ, những người dân bình thường, chứ đừng nói gì tới các nhà hoạt động chính trị “trong đầu đã có sạn” (chứ không phải là đầu “Kỳ Lừa” như một câu thơ của nhà thơ Trần Nhương) của ta đâu có sự “nhầm lẫn” giữa liệt sĩ Trung Quốc hy sinh khi giúp ta trong kháng chiến chống Mỹ với những tên lính xâm lược Trung Quốc chết trận trong chiến tranh biên giới năm 1979 như thế.
Thời kỳ ông Lê Duẩn làm Tổng Bí thư đã xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc mà nguyên nhân chắc chắn không phải do Việt Nam gây ra. Song, nói gì thì nói, cuộc chiến tranh ấy đã gây nhiều đau thương, mất mát cho nhân dân ta mà không một ai mong muốn. Sau cuộc chiến tranh ấy, năm 1980 Quốc hội ta đã đưa vào bản Hiến pháp (sửa đổi) một điều khoản xác định Trung Quốc là “kẻ thù trực tiếp” của nhân dân Việt Nam . Mười hai năm sau, năm 1992, chính Quốc hội lại bỏ điều khoản này trong bản Hiến pháp sửa đổi. Nói tới điều thay đổi này, tôi nghĩ rằng, việc xử lý mối quan hệ của ta với Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ chưa bao giờ từ bỏ ý đồ bành trướng trong khu vực và thế giới, thì trong mọi tình huống phải theo đường lối ngoại giao khôn khéo của Bác Hồ, như Bác đã xử lý nhiều tình huống cụ thể trong những tình thế vận mệnh quốc gia ngàn cân treo sợi tóc của thời kỳ đầu mới giành được chính quyền, không thể khác được. Việc xác định bạn và thù trong đường lối đối ngoại là cực kỳ quan trọng, không thể vì một sự “bức xúc” nào đó mà xác định bạn thành thù và ngược lại, không vì một sự “hảo hảo” nào đó mà biến kẻ thù thành bạn. Song, tôi nghĩ, có nhiều mối quan hệ đối ngoại mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết những điều phức tạp của nó, mới có đủ thông tin để xử lý các tình huống mà người “ngoại đạo” không biết được. Bác Hồ từng bị người này người khác hiểu lầm trong một số đối sách với Pháp, với Tưởng Giới Thạch trong những năm đầu cách mạng mới giành được chính quyền, đến mức Bác phải viết thư gửi đồng bào nói rằng “Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”.
Vì thế, đọc một số bài viết trên mạng của người này người khác quá bức xúc, chỉ muốn “chiến” với Trung Quốc trước một số hành động của họ đối với ta gần đây, nhất là bắt giữ tàu thuyền và ngư dân của ta đánh cá trên vùng biển Hoàng Sa…, dù cũng bức xúc không kém, tôi vẫn cầu trời khấn phật rằng đừng có vì những việc này mà “chiến” thật với Trung Quốc. Tình thế đất nước hiện nay không phải là lúc “ngàn cân treo sợi tóc” như đã từng xảy ra, nên càng cần học Bác Hồ trong các đối sách với Trung Quốc, làm sao cho quan hệ hai bên tốt đẹp, tránh để xảy ra đụng độ chứ đừng nói là chiến tranh giữa hai nước như trước đây. Nếu không khéo thì có khi lại mắc mưu của thế lực này, thế lực khác chỉ muốn Việt Nam không được yên ổn để xây dựng và phát triển.Còn tôi, tôi chỉ xin cho hai chữ bình yên.
Vài điều thiển nghĩ như trên, vừa muốn cung cấp thêm thông tin vừa muốn trao đổi với ông bạn Nguyễn Vĩnh sau khi được đọc một số bài của ông và một vài người khác.