Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN NHƯƠNG - TỪ NHÀ KÝ HỌA ĐẾN ÔNG CHỦ TRANG WEB

Nguyễn Việt Chiến
Thứ năm ngày 11 tháng 3 năm 2010 5:57 PM
TNc: Thấy bài Nguyễn Việt Chiến viết về mình trên báo Thanh niên cũng hơi ngường ngượng nhưng vui tí tách trong bụng. Cái nước mình nó thế, cứ được khen một chút là sướng. Nếu mà chê là em hổng thích đâu. Đưa bài lên khoe với các bạn...

   Ngày thơ Việt Nam rằm tháng Giêng mới đây, tôi lại gặp nhà thơ Trần Nhương ngồi hý hoáy ký hoạ ở một góc Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Nhiều người hâm mộ tò mò, xúm xuýt vây xung quanh nhà thơ, chờ đến lượt mình được vẽ ký hoạ. Đã thành thông lệ hàng năm, khi ngày thơ Việt Nam trở thành một lễ hội văn hoá, cứ vào dịp rằm tháng Giêng,  các ông “đồ nho” thời hậu hiện đại mang mực tàu, giấy đỏ vào trình diễn thư pháp và “bán chữ” ở sân Văn Miếu, cũng là lúc nhà thơ Trần Nhương ngồi khiêm tốn dưới một tán cây, loằng ngoằng múa bút, đưa những nét hào hoa, bay bổng trên giấy vẽ.
   Cho đến giờ, nhiều độc giả không biết nên gọi Trần Nhương là nhà văn hay nhà thơ, vì ông đã xuất bản 3 tập tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn, 7 tập thơ và trường ca với mấy ngàn trang viết. Ông sinh năm 1941, quê ở xã Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ, hiện sống và viết  tại Hà Nội.
Trần Nhương có mấy năm làm giáo viên ở Hà Nội, năm 1965 vào bộ đội, năm 1979, ông theo học trường viết văn Nguyễn Du rồi về làm biên tập viên  Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, sau đó chuyển ngành sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, làm Phó giám đốc Quỹ Văn học và công việc khác đến năm 2008 nghỉ hưu. Trần Nhương đã giành được khá nhiều giải thưởng văn học cho thơ, tiểu thuyết và truyện ngắn của báo Văn Nghệ, Văn nghệ Quân đội; của Bộ Quốc phòng, tỉnh Vĩnh Phú, của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật VN và Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số.
   Phải nói, nhà văn Trần Nhương là một con người khá tài hoa trong các lĩnh vực sáng tạo. Không chỉ miệt mài viết văn, làm thơ, ông còn nổi danh với trang web trannhuong.com hiện có số lượng độc giả truy cập vào loại nhất, nhì cả nước. Bây giờ, Trần Nhương đi tới địa phương nào cũng được anh em văn chương tiếp đón nồng nhiệt như đón chào “Tổng biên tập” một tờ báo “văn chương mạng” tiếng tăm lừng lẫy. Điều đặc biệt mà không trang web nào có, trên trannhuong.com, chúng ta thường xuyên gặp những bức ký hoạ “lồng ghép” giữa chân dung thực của các nhà văn với những hình hoạ có tính hài hước rất thú vị và bắt mắt. Các nhà văn và nhân vật được ký hoạ dưới góc độ hài hước trên trang web của Trần Nhương, nhiều người cảm thấy thích thú, nhưng cũng không ít người cũng phải dằn lòng “nghiến răng” mà cười khi thấy mình xuất hiện bên mấy người đẹp ngồn ngộn vì “thiếu  vải”.
   Trên trang web của mình, nhà văn-hoạ sĩ Trần Nhương thoả sức trình diễn các kiểu thể nghiệm. Ông thích vẽ nuy và hình bóng “tươi mát” của chị em dường như làm cho các trang văn, trang viết của web: trannhuong.com thêm phần sinh động và cuốn hút độc giả. Cho đến nay, trong lĩnh vực hội hoạ, nhà văn Trần Nhương đã tham gia 7 triển lãm mỹ thuật cá nhân và cùng các nhà văn, hoạ sĩ nổi tiếng như: Nguyễn Khắc Phục, Đoàn Lê, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Minh Tường, Đức Dụ, Văn Hải, Trọng Thanh…
  Không chỉ có thế, trên trang trannhuong.com ta luôn bắt gặp những câu thơ hóm hỉnh, châm biếm sâu sắc khi tác giả viết về tâm trạng của chính mình và của bạn hữu văn chương. Có một lần, thấy vẻ mặt Trần Nhương không được vui, tôi hỏi nhà thơ thì được biết, ông mua một con chim sáo về nuôi cho vui cửa vui nhà nhưng mấy tháng liền nó không chịu hót. Trần Nhương mang con chim đến nơi mua để đổi con khác, thì được ông chủ bán chim cho biết: “Loài chim này nhốt trong lồng lâu quá nên nhớ bạn tình và không chịu hót, ông có đổi con khác cũng vậy thôi. Ông cứ kiên trì nuôi thêm thời gian nữa, con chim này hết nhớ bạn tình, sẽ lại hót thôi!”. Trần Nhương đành mang chim về nhà, nuôi tiếp và làm bài thơ sau: “Về hưu nuôi một con chim/Để mong bớt cái lặng im trong nhà/Ngày một, ngày hai, ngày ba/Thức ăn, nước uống, mang ra nhấc vào/Huýt sáo  líu ríu khơi mào/Ngọt ngào câu hỏi lời chào cậu chim/Thế mà nó vẫn lặng im/Đôi khi ánh mắt lim rim mơ màng /Nuôi chim mong tiếng hót vang/Mà chim không hót nghĩ càng chán thêm/Tôi ngồi nghĩ ngợi liên miên/Hay là nó muốn đòi tiền cát-xê…”. Nuôi chim mãi mà không thấy hót, nhà thơ đành phải: “ Tôi buồn thả cậu chim đi/Nó bay một quãng lại về… lạ chưa ?/Thương chim oanh liệt ngày xưa/Trong lồng lâu quá ngu ngơ một đời /Lặng im là lặng im ơi/Hình như đang cất bao lời với ta…”. Cho đến bây giờ, con chim ông nuôi vẫn không chịu hót mặc dù có thể nó đã quên bạn tình và nhà thơ lại thấy thú vị cho rằng chính sự im lặng đó lại nói với nhà thơ nhiều điều kỳ lạ hơn. Mấy đứa trẻ con hàng xóm sang chơi, hỏi nhà thơ Trần Nhương “Ông ơi thế chim của ông không chịu hót à?”, nhà thơ xoa đầu mấy đứa trẻ nói vui: “ Chim của ông nó không chịu hót vì nó già quá rồi không còn răng để nhai được bim bim các cháu ạ 

Ảnh nhà thơ Trần Nhương (ảnh Việt Chiến)
Bài trên Báo Thanh Niên Thể thao và Giải trí ngày 11.3