LÊ VĂN CUÔNG - NGUYÊN PHÓ ĐOÀN ĐBQH THANH HÓALTS: Mới đây, hàng loạt Bộ, ngành, địa phương vừa báo cáo không – chưa phát hiện tham nhũng. Ngay cả những ngành được cho là có điều kiệntham nhũng nhất như tài nguyên, môi trường cũng… không có tham nhũng.
Những báo “sạch” về tham nhũng nói trên hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta đang được nghe, chứng kiến, khi nhũng vẫn được cơ quan chuyên trách đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp, đe dọa tới sự tồn vong của chế độ…
Để làm rõ thêm vấn đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu bài viết của ông Lê Văn Cuông – nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, với tựa đề “Bộ máy chống tham nhũng “trùng trùng điệp điệp” mà khó bắt tham nhũng"
Báo cáo tham nhũng “nhẹ nhàng”
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng nói: “ăn của dân không từ một cái gì” khi nói về tham nhũng.
Tham nhũng đã kinh khủng tới mức “người ta làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả nghìn tỷ đồng.
Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ - Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng từng phát biểu.
Nghiêm trọng hơn, “tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ”, như cách nói của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong khi đó nhiều cử tri, Đại biểu Quốc hội, đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước… đều cảm thấy lo lắng, bất an, có khi xen lẫn cả sự xấu hổ, buồn tủi khi nhìn vào thực trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Chỉ cần nghe tới 2 từ “tham nhũng” là ai cũng thấy bức xúc.
Sở dĩ nhiều người có những phản ứng dữ dội như vậy bởi những bức trong công tác phòng chống tham nhũng đã dồn nén từ lâu, đến mức không thể kìm nén.
Nhưng nếu đọc các bản báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng hằng năm của các Bộ, ngành, địa phương thì nghe thật “nhẹ nhàng” và cũng thật nực cười.
Nhẹ nhàng ở chỗ là bản báo cáo nào cũng viết giống nhau có khi lặp lại của năm trước.
Cả nước mỗi năm phát hiện vài chục vụ, có địa phương thanh tra hết lần này tới lần khác nhưng không phát hiện tham nhũng, chưa phát hiện tham nhũng.
Có Bộ, ngành khi hỏi thì vì sao không - chưa tham nhũng thì vui vẻ khẳng định chúng tôi quyết liệt, tăng cường chống tham nhũng, nên không để xảy ra tình trạng tham nhũng.
Kỳ lạ và nực cười. Đâu đâu cũng nói “nghiêm trọng, phức tạp” nhưng lại phát hiện rất ít và “cơ quan tôi không có tham nhũng”.
Thực tế thì lại khác. Chẳng cần nói đâu xa, mấy ông sếp doanh nghiệp công ích lĩnh lương bạc tỷ, vậy mà bao năm trời mới bị phát hiện. Vậy kê khai tài sản, thu nhập để làm gì?
|
Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (ảnh: QUỐC TOẢN). |
Mấy năm về trước, người ta nói rằng chưa chống được tham nhũng là do thiếu chính sách pháp luật, thiếu bộ máy chuyên trách.
Còn bây giờ luật đã được sửa, nhiều nghị định, thông tư, chính sách đã được ban hành.
Bộ máy chống tham nhũng "trùng trùng, điệp điệp", từ Đảng đến thanh tra, điều tra, kiểm toán... Vậy mà vẫn khó bắt được tham nhũng.
Những vụ tham nhũng được khui ra chủ yếu nhờ người dân và báo chí.
Các vị cũng nên tự đặt câu hỏi, dân có dám tố cáo tham nhũng khi người tố cáo bị dồn vào “thế chân tường”, thậm chí là bị khởi tố, đe dọa về tính mạng?.
Trong khi đó, số ít người mạnh dạn phanh phui tham nhũng, tốn bao công sức… nhưng sự đền đáp ấy lại thật “kỳ lạ”. Người ta thưởng cho họ số tiền mệnh giá nghìn đồng, sau những thành quả chống tham nhũng.
Quả là nực cười!
Không ai tự “vạch áo cho người xem lưng”
Nhiều ý kiến cho rằng, có một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất” vẫn tồn tại trong bộ máy công quyền.
Đây là những thành phần dễ tham nhũng nhất. Đối tượng tham nhũng không ai khác là người đứng đầu các đơn vị từ Trung ương đến cơ sở.
Người ta dựa vào cái “quyền” do vị trí mang lại để thực hiện những hành vi xấu, tiêu cực, gây ảnh hưởng đến sự tin tưởng của người dân vào bộ máy công quyền.
Nếu là đảng viên bình thường không có chức vụ, vị trí thì rất khó tham nhũng.
Mặt khác, hầu hết các hành vi tham nhũng thường hoạt
động ngầm, theo đường dây, và khó phát hiện. Khi đã hoạt động theo "guồng máy" tham nhũng thì người ta thường bao che bảo vệ nhau.
Còn người tố cáo thì bị đe dọa, trù dập thì họ làm sao mà có động lực để tố cáo tham nhũng.
Cho nên báo cáo không – chưa có tham nhũng cũng là điều hiển nhiên.
Do do, khi Đảng, Nhà nước đánh giá tham nhũng đang còn phức tạp, nghiêm trọng thì các đơn vị cần xem xét lại kết quả phòng chống tham nhũng của đơn vị mình.
Bởi lẽ, thành tích trong công tác chống tham nhũng không phải là những bản báo cáo đẹp như tranh vẽ “không, chưa có tham nhũng”, mà chính là việc cơ quan chức năng tự phát hiện, xử lý tham nhũng như thế nào?
Hay nói cách khác, nếu người đứng đầu, gương mẫu trong công tác phòng chống tham nhũng, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tiêu cực thì đó có thể gọi là thành tích.
Còn để người dân, hoặc báo chí phát hiện tham nhũng thì đâu được gọi là thành tích của đơn vị được giao chống tham nhũng...
Ngược lại, nếu các Bộ, ngành, địa phương không phát hiện tham nhũng trong tình trạng tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay thì gọi là chống tham nhũng kém chứ không thể gọi là thành tích không - chưa phát hiện tham nhũng.
Mặt khác, thường những người tham nhũng thường rất sợ công khai, minh bạch tài sản...
Do đó, khi xác định được đối tượng dễ tham nhũng và để chống tham nhũng có hiệu quả thì không nên làm tràn lan, mà tập trung vào bộ phận có chức có quyền. Mặt khác, không nên kê khai tài sản theo kiểu cho có rồi để đó.
Thực tế cũng chứng minh ở đâu có quyền lực, ở đó phải có thiết chế tương xứng, đủ mạnh giám sát, để quyền lực ấy không bị tha hóa. Chúng ta không thể để cấp trên giám sát cấp dưới, còn lãnh đạo thì bỏ ngỏ.
Cho nên, cần có một lực lượng chuyên trách có chức năng giám sát hành vi, lối sống, quan hệ xã hội, tài sản của người đứng đầu tài đặc biệt là những vị trí có khả năng tham nhũng cao, thì sẽ phát hiện thấy tham nhũng.
Vấn đề là chúng ta có dám, có quyết liệt làm việc này hay không? Bởi bổng lộc của một số cán bộ đứng đầu thường do chức vụ đem lại, không dễ từ bỏ.