TNc: Nhà văn Hoàng Quảng Uyên từ Cao Bằng về Hà Nội nhận giải sáng tác viết về Bác Hồ. Ông đến cơ quan tôi và nhờ đưa bài viết này muốn gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng. Với tình đồng nghiệp, bầu bạn tôi đưa bài lên mong được "mọi việc như ý"... Bức ảnh của tôi (Nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Quảng Uyên) là một khoảnh khắc thực về tình cảnh người dân “thấp cổ, bé họng”, bị oan trái, bị dồn đến chân tường,phản kháng lối hành xử trái pháp luật của “cán bộ công quyền” tỉnh Cao Bằng.
Vì đâu nên nỗi? Chuyện cứ như trêu cợt. Tôi xin trình bày tóm tắt như sau: Tháng 10 năm 2014, dành dụm được một ít tiền từ nhuận bút những bài viết báo, những công trình nghiên cứu lý luận văn học, nghiên cứu lịch sử, những tác phẩm văn học (đặc biệt là bộ tiểu thuyết 5 tập về Bác Hồ: MẶT TRỜI PÁC BÓ; GIẢI PHÓNG…) , tôi tiến hành sửa lại phần sân trước nhà: lát gạch, làm mái nhựa cao 5m trên phần đất cũ (không mở rộng, không lấn chiếm). Đột nhiên ngày 31-10-2014, một nhóm 5 người là cán bộ Phường Sông Bằng và thành phố Cao Bằng đến lập biên bản bắt dừng thi công và tháo dỡ công trình với lý do: Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép (Biên bản số 296/BB – VPHC ngày 31-10-2014).
Tôi hết sức sửng sốt, cố trình bày rằng “cỡ” công trình làm mái trần nhựa che mưa nắng sân trước nhà như của tôi không thuộc công trình phải xin giấy phép xây dựng và suốt dọc đường từ nhà tôi ra đầu cầu Sông Bằng, có gần mười “công trình” làm mái sân như của tôi mà không thấy bị “lập biên bản” nhưng các cán bộ công quyền không nghe lập biên bản xong rồi đi.
Quá bức xúc và lo sợ, ngày 7-11-2014, tôi gửi đơn tố cáo lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng kèm danh sách những người bị tố cáo và sự việc tố cáo, đúng thủ tục của đơn tố cáo, khiếu nại nhưng chờ đợi một thời gian dài (hơn 4 tháng) không thấy trả lời, ngày 25-3-2015 tôi làm đơn gửi lần 2 – vẫn không có văn bản trả lời. Ngày 4-4-2015 tôi gửi đơn lần thứ ba. Vẫn im lặng. Như vậy tính đến ngày 12-4-2015, bốn tháng đã trôi qua kể từ ngày tôi “bị” lập biên bản, tôi luôn sống trong lo âu, không biết “công trình xây dựng” của mình bị cưỡng chế, đập phá lúc nào? Hình ảnh vụ cưỡng chế đất đai nổi tiếng ở Tiên Lãng (thành phố Hải Phòng) ngày 5-1-2012 tại phần đất của ông Đoàn văn Vươn gây đổ máu, tù tội… luôn ám ảnh tôi. Nỗi lo âu, sợ hãi tăng đến đỉnh điểm khi Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng gửi tôi văn bản tái khẳng định việc lập biên bản ngày 31-10-2104 là đúng và cảnh báo (hăm dọa): “Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”.
Pháp luật nào? Pháp luật của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay luật (lệ) do Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng vẽ ra hay là luật rừng? Tôi rất muốn được đối thoại, trình bày trên cơ sở pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng không chấp nhận! và thật kỳ lạ là từ ngày lập biên bản (31-10-2014) đến nay không có một cán bộ công quyền nào đến “công trình” của tôi khảo sát tại chỗ để tận mắt thấy việc lập biên bản ngày 31-10-2014 là hoàn toàn trái pháp luật! Thấy chính quyền cố tình dồn ép, tôi làm đơn gửi Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Cao Bằng (ngày 13-4-2015) và được Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy trả lời: “ Nay chuyển lại đơn khiếu nại, tố cáo cho ông. Ông có thể gửi đơn đến Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng để được xem xét, giải quyết theo quy định (Công văn số 245/GB/UBKTTU ngày 20-4-2015).
Trời đất! Vì ba lần gửi đơn lên Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng không được “xem xét” nên tôi mới có đơn khiếu nại, tố cáo chính Ủy ban nhân dân thành phố lên cơ quan Đảng bởi những cán bộ lãnh đạo UBND thành phố do tỉnh ủy quản lý, nay lại bảo gửi đơn lên UBND thành phố để “xem xét” chẳng khác gì là trò đánh đố! (Có thể cách giải quyết của Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy là đúng nhưng tôi vẫn có cảm giác mình bị bỏ rơi!). Tôi đang trù tính có nên kêu tới trung ương hay không (vì vụ việc này quá nhỏ - chỉ cấp phường, thành phố là giải quyết được) thì một đoàn cán bộ công quyền lại đến phần đất của tôi “thực thi công vụ”. Trong lúc túng quẫn tôi chợt nhớ chuyện cầu thủ bóng đá Tấn Tài quỳ lạy trọng tài giữa sân trong một trận đấu, tôi bèn vái lại (chứ không quỳ) những cán bộ công quyền, xin cán bộ thực thi công vụ theo đúng pháp luật chứ không xin “tha tội”! Xem ảnh sẽ có người bảo tôi là hèn, là nhục nhã… nhưng đây chỉ là hành động phản kháng (có thể có một chút tiêu cực!). Chứ còn biết làm sao! Trong tình cảnh bi đát này tôi không đủ điều kiện, không đủ lực, đủ gan gài mìn, bắn súng đạn hoa cải “chống lại” những người thực thi công vụ như Đoàn Văn Vươn (không biết Đoàn Văn Vươn đã được ra tù chưa?!.) Cũng có người thông cảm với tôi mà rằng: “Ngày xưa Hàn Tín còn chịu chui qua háng kẻ vô lại để được yên thân, mưu cầu việc lớn và phục thù.” Tôi không phải là Hàn Tín, lại càng không phải là Đoàn Văn Vươn, tôi chỉ là một công dân sống bên chân một quả đồi để viết về lịch sử, văn hóa và những tấm gương đẹp đẽ trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh… dâng bạn đọc yêu quý, nay bất chợt bị dồn tới chân tường mà bột phát hành động như vậy. Tôi mong hình ảnh của tôi có thể giúp ích một chút cho đời, làm cho những ai tự cho mình đứng trên pháp luật, nhũng nhiễu, hành hạ những người dân “thấp cổ, bé họng” sẽ bớt đi những việc làm sai trái và góp phần làm bớt đi những nỗi oan trái mà người dân Cao Bằng đã, đang và sẽ phải hứng chịu và tôi mong hình ảnh “kêu cứu” của tôi thấu tới trung ương. Được như thế từ trong tâm khảm tôi cũng đôi phần được an ủi, lấy lại niềm tin về Đảng và chế độ tươi đẹp.
Tất cả những điều tôi trình bày trên đây là sự thật. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và rất mong được pháp luật che chở, bảo vệ.
PHẦN II
Đọc phần “giải trình” của tôi, nhiều người sẽ ngỡ ngàng mà rằng: “Cứ như tưởng tượng, hư cấu! Thật đúng là nhà văn”. Xin thưa: Một trăm phần trăm là sự thật không hề có chút hư cấu, tưởng tượng nào!
Tôi xin trình ra đây “công trình” cải tạo, sửa chữa nhà ở của tôi để mọi người thấy: Trên phần đất cũ sân trước nhà, tôi lát gạch (trước đây láng xi măng) và dựng một mái nhựa cao 5 mét che mưa nắng. Với “quy mô” công trình như thế thì khi cải tạo, sủa chữa không cần phải xin giấy phép xây dựng! Điều này Nghị định 64/2012/NĐ – CP -ngày 4-9-2012 về cấp giấy phép xây dựng ghi rõ. Xin dẫn nguyên văn khoản 6, điều 2 “giấy phép xây dựng, cải tạo: là giấy phép được cấp để thực hiện sửa chữa, cải tạo công trình đang tồn tại có thay đổi về kiến trúc các mặt đứng, thay đổi kết cấu chịu lực, thay đổi về quy mô công trình và công năng sử dụng”.
Soi trong khoản 6, điều 2 “công trình” của tôi trong 4 yếu tố ghi: có thay đổi thì cả 4 yếu tố của tôi đều không thay đổi, do vậy không nằm trong diện phải xin giấy phép xây dựng!
Để khẳng định và làm rõ điều này, mục d, khoản 1, điều 3 một lần nữa ghi trên giấy trắng mực đen rằng: “1 – Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng các công trình sau đây:
d./ Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kiến trúc các mặt ngoài, kết cấu chịu lực, công năng sử dụng và an toàn công trình”.
“Công trình” của tôi chỉ làm thêm mái che bằng nhựa, lát gạch trên nền sân cũ, không làm thay đổi kiến trúc các mặt đứng của ngôi nhà, không làm thay đổi kết cấu chịu lực, công năng sử dụng và an toàn công trình nên được “miễn” giấy phép xây dựng.
Pháp luật ghi rõ ràng như vậy nhưng những người thực thi công quyền vẫn không nghe, “quyết tâm” lập biên bản vi phạm! Tôi đấu tranh đến cùng nhưng Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng đưa luật xây dựng ra để “minh chứng” ,“bảo vệ” cho việc tôi phải xin giấy phép xây dựng:” Theo quy định tại điều 62 luật xây dựng ngày 26/11/2003 và điều 89 luật xây dựng ngày 18/6/2014 thì trước khi khởi công xây dựng công trình chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng” (công văn số 240/ UBND – VP ngày 17/4/2015). Luật xây dựng không sai nhưng không phải công trình nào cũng phải xin giấy phép xây dựng, điều này ghi rõ tại Nghị định 64/2012/NĐ - CP (tôi đã dẫn ở phần trên). Như vậy là mọi việc liên quan đến giấy phép xây dựng và xử phạt không có giấy phép xây dựng phải dựa trên Nghị định 64/2012/NĐ – CP. Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng “chủ ý” lờ đi Nghị định này,tổ chức đánh tổng lực (đánh hội đồng) nhằm hạ gục tôi bởi tôi là kẻ “cứng đầu, cứng cổ”, dám “cãi lại” các cơ quan công quyền.
Đó là hành động vi phạm nhân quyền, tôi phải tự đứng lên bảo vệ mình. Yêu cầu cơ bản của tôi là các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh Cao Bằng (và trung ương) đưa ra kết luận cuối cùng “việc lập biên bản số 296 ngày 31/10/2014 là đúng hay sai? Nếu đúng thì tôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tháo dỡ công trình. Nếu sai thì người làm sai phải sửa sai, Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng phải nhận ra sự sai sót của mình mà hủy bỏ biên bản 296 để tôi “an cư, lạc nghiệp” – khỏi phải sống trong lo âu, hoảng sợ”. Nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nói về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng : “làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che dấu sai phạm. Trả lời tiền hậu bất nhất là không thể được.” Việc giải quyết sự việc xảy ra đối với tôi bây giờ đúng như việc xử lý vụ Tiên Lãng nhưng năm trước đây: Không dám nhận sai, che dấu sai phạm, trả lời loanh quanh, tiền hậu bất nhất.
Tôi đang chờ một sự giải quyết thấu tình, đạt lý, đúng pháp luật từ Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng. Người có quyền , có thế là dao, người dân “thấp cổ, bé họng” là thớt, muốn băm, muốn vằm thế nào cũng được sao? Phật đã từng dạy:” Buông dao có thể thành phật!” Hãy nhớ!
Nhiều người biết sự thực đã an ủi tôi: Những sự việc xảy ra với ông, là nguồn tưu liệu phong phú để ông viết nên những cuốn tiểu thuyết, những kịch bản phim cực kỳ sinh động theo “chủ nghĩa hiện thực phê phán xã hội chủ nghĩa”. Ờ! biết đâu đấy: trong rủi có may, trong may có rủi mà! Hãy cứ chờ! Nhưng trước mắt là làm sao giải được nỗi oan mà tôi đã chịu đựng hơn 6 tháng qua!