(Đọc “Mỗi nhà văn một chuyện lạ” của Phạm Khải, Nhà xuất bản Dân trí, 2014) Phạm Khải viết nhiều thể loại: Thơ, phê bình, tiểu luận, chính luận, bút ký, phóng sự, chân dung văn học, tản văn…
Bạn đọc quen với chuyên mục “Mỗi nhà văn một chuyện lạ” trên Báo Văn nghệ Công an mà Phạm Khải trực tiếp duy trì từ nhiều năm trước. Bây giờ anh tập hợp lại những bài viết ấy của mình thành một cuốn sách xinh xắn, nhiều “lượng thông tin”, và dễ đọc.
Phải là người có tình yêu văn học, và quý mến các nhà văn sâu sắc mới có “lửa” để viết được cuốn sách này. Tác giả truyền được cái “lửa” đó cho người đọc.
Tôi đã đọc nó một cách hào hứng, đôi lúc bật cười vì các chi tiết dí dỏm sinh động. Anh kể chuyện, đôi khi pha nét “giai thoại” về các nhà văn, những nhà văn mà tôi có phần quen biết xưa, giờ thấy anh miêu tả rất đúng, chấm phá vài nét như người ký họa mà lột tả được chân dung.
Phạm Khải khai thác những nét thuộc về đặc điểm tính tình, cuộc đời nhà văn, vui, lạ… đều có giọng ưu ái, kính trọng, nâng tầm của nhà văn lên.
Đó là điều đáng quý.
Đọc xong mỗi bài viết, tôi đều ngắm lại bức ảnh nhà văn in kèm ở đầu trang. Để tôi phải ngắm lại bức ảnh đó, chính là do hiệu quả của bài viết. Nếu bài viết trượt qua trong đầu tôi, tôi sẽ không ngắm ảnh làm gì.
Với các nhà văn lớn, cuộc đời “nghiêm nghị”, tác giả đều khéo tìm ra các chi tiết sinh động để kể chuyện. Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng ...v.v…
Đặc biệt anh may mắn tìm ra các “chi tiết vàng” trong đời một số nhà văn…
Nguyễn Công Hoan viết truyện ngắn hay ngang ngửa với truyện ngắn hiện đại phương Tây. Ai cũng nghĩ ông chịu ảnh hưởng nhiều của văn học phương Tây. Nào ngờ, ông không có hứng thú mấy khi đọc truyện dịch. Ông muốn tự trong đầu mình nghĩ ra “kiểu cách văn Việt Nam”.
Phạm Khải dẫn chứng: Thời đi học, Nguyễn Công Hoan chỉ đọc chương đầu tiểu thuyết “Bá tước Môngtơ Crítxtô”, phục là tài, nhưng sau không đọc tiếp. “Những người khốn khổ” của Huygô ông cũng chỉ đọc một nửa rồi bỏ dở.
Nhiều nhà văn Liên xô sau này ông chỉ nhớ mặt qua ảnh, nhưng quên tên, chỉ hình dung chung là… nhà văn Liên Xô.
Viết truyện, ông sửa đi sửa lại câu văn, chỉ sợ nó giống văn Tây.
Nguyễn Tuân cũng chăm chút câu chữ đến đáng nể. Ai sửa, cắt câu chữ của ông, ông phản đối quyết liệt. Tên sách “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” của ông, Tô Hoài chịu trách nhiệm xuất bản, đề nghị sửa thành “Hà Nội đánh Mỹ”, sợ mệnh đề “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” cứ như mình đứng ở bề trên mà ban khen cho Hà Nội.
Kể ra Tô Hoài như thế đã đáng bậc đại cao thủ trong nghề biên tập. Nhưng Nguyễn Tuân không chịu, nhà xuất bản phải giữ nguyên “giọng văn” cho ông.
Đôi khi Nguyễn Tuân thà bỏ cả bài, cả quyển, không in chứ không muốn bị sửa văn vì bất cứ lý do gì. “Khí phách” ấy đâu phải đùa. Là một người ba mươi năm làm nghề biên tập, tôi biết “mẹo luật” của nó. Anh biên tập chẳng sung sướng gì, mang vạ vào thân, rước khổ vào người, khi phải thò bút “biên tập”. Nhưng gặp nhà văn như Nguyễn Tuân cũng khiến anh biên tập phải suy nghĩ nhiều. Tất nhiên người viết phải như cỡ Nguyễn Tuân thì “nghề biên tập” mới “nhàn” được...
Phạm Khải kể chuyện “Dế mèn” Tô Hoài thường xuyên đi “kiểm tra sức khỏe” ở bệnh viện, và do đó có “lý do chính đáng” vắng mặt đúng vào các dịp cơ quan họp đấu đá nhau căng thẳng. Nguyên Hồng vật vã viết văn, và luôn khóc tu tu trước các tình huống truyện bi thương do chính mình “bịa ra”.
Nguyên Hồng quả tình mau nước mắt. Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều việc người ta chỉ nhíu mày đăm chiêu, thì ông đã bật khóc nức nở rồi.
Vũ Ngọc Phan có tình yêu với nữ sĩ Hằng Phương đẹp và lãng mạn như tình yêu của chàng Trixtăng với nàng Ydơ - hai nhân vật chính trong cuốn truyện dân gian Pháp do chính ông dịch.
Tú Mỡ đặt bút là chế giễu, bông đùa sự đời, nhưng cuộc sống hàng ngày lại ít nói ít cười.
Phan Khôi, chủ bút báo Phụ nữ tân văn, luôn viết bài cởi bỏ lễ giáo phong kiến cho chị em, nhưng đời thực lại nghiêm khắc, thậm chí bị xem là “gia trưởng” với vợ và con gái. Tinh thần Nho học từ trong máu vẫn còn quán tính mạnh, mặc dù ý chí đã hướng tới văn hóa phương Tây. Từ nhận thức đến hành động là phải có một lộ trình dài....
Đọc Phạm Khải, tôi tiếp tục bật cười trước các “thủ trưởng” khả kính của mình. Đây là thư “tỏ tình” của nhà phê bình văn học Hoài Thanh gửi người yêu (bà Phan Thị Nga - sau là vợ ông): “…Chị Nga ... Tôi hiểu chị là người thực và nghiêm…Tôi muốn giao thiệp cùng chị, mục đích trước nhất là tìm một người bạn, sau nữa nếu tính tình chúng ta đồng điệu với nhau, là tìm một người yêu...”.
Chà, văn chương bình thơ “rồng bay phượng múa” của tác giả “Thi nhân Việt Nam” đâu rồi!
Các cụ ngày xưa nghiêm túc, chân thực và hồn nhiên thật.
Với mỗi nhà văn, Phạm Khải thường nhấn mạnh vào một “đặc thù” nào đó trong tính tình, lướt qua là người đọc nhớ ngay.
Chế Lan Viên - bộ óc siêu việt của thơ ca Việt Nam, hàng ngày luôn tranh luận đến cùng để tìm lẽ phải, “chân lý”. Không bao giờ lùi bước, nhường nhịn ai trước lý lẽ. Nóng nảy, làm mất lòng khối người chỉ vì lý lẽ. Nhưng bình thường lại rất tận tình chu đáo giúp đỡ người khác để bù lại cho người ta cái phần “lý lẽ” ông đã chiến thắng.
Nguyễn Hiến Lê, đầu óc chưa viết xong cuốn này đã chuẩn bị cho cuốn khác. Ngày đọc 6 tiếng đồng hồ, viết 6 tiếng. Không họp hành, tiếp khách, du hí, không đam mê gì ngoài sách vở. Viết hơn 100 tác phẩm giá trị, nhiều thể loại. Một nhà tu khổ hạnh, hành đạo của ông là viết sách.
Phan Tứ hôm nào cũng phải viết vài trang. Không xong thì ngày mai viết bù. Thời khóa biểu của Phan Tứ chặt chẽ. Người yêu đến chơi, ông nhìn thời khóa biểu nói: “Lịch là ngày mai mới gặp nhau cơ mà”. Ở chiến trường, đặt lịch “Ít nhất là một năm không sốt rét”. Cảnh sát giao thông chắc phải nêu gương Phan Tứ: Nửa đêm, đường không bóng người, đạp xe qua ngã tư, Phan Tứ vẫn giơ tay xin đường…
Nguyễn Minh Châu, chữ nghĩa trên trang sách cuồn cuộn như sóng trào, nhưng hàng ngày khi phải nói trước đám đông thì ấp a ấp úng. Nhất là khi thấy cái micrô vang to “giọng nói vớ vẩn” của mình thì ông thật sự hoảng sợ.
Trần Hữu Thung, nhà thơ xứ Nghệ, tưởng ẻo lả thư sinh ai ngờ lại là đô vật có hạng. Đang ngồi Chủ tịch đoàn hội nghị trên tỉnh, có người đến rỉ tai, Chủ tịch đoàn Hữu Thung lặng lẽ rút lui. Hóa ra, tại quê đang có hội vật. Đô vật xã bên đã lên đài thách đấu, không có Trần Hữu Thung về thì xã ông có nguy cơ thua to.
Hoàng Trung Thông, Viện trưởng Viện Văn học, cùng nhiều “chức to” khác nhưng chuyên đời quần áo xuềnh xoàng, đi dép lê, sẵn sàng ngồi quán nước vỉa hè dân dã.
Quang Dũng có bài thơ “Tây Tiến” nổi tiếng (sau này được đưa vào chương trình trung học phổ thông) nhưng có thời, ai nhắc đến bài ấy là ông xua tay, sợ.
Nguyễn Bính - nhà thơ tài hoa và rất “đa tình phố huyện”, thích gài tên các cô gái mình yêu vào các bài thơ.
Vân vân và vân vân…
Trong thời đại văn hóa nghe nhìn, kinh tế thị trường, muốn hay không muốn, vị thế của văn học không được như trước. Nhưng với tầm nhìn xa, không thể không khẳng định văn học là một bộ phận tinh hoa của văn hóa. Đất nước nào cũng phải chăm lo xây dựng một nền văn hóa cao cấp, có tầm vóc, và như vậy không thể không chăm lo đến sự phát triển của văn học.
Trong bối cảnh ấy, việc xuất bản những cuốn sách ngỡ chỉ là để giải trí nhưng giàu hàm lượng tri thức như cuốn “Mỗi nhà văn một chuyện lạ” của Phạm Khải rất có ý nghĩa. Nó góp phần nhắc nhở sự tôn vinh văn học, và tinh thần trọng thị đối với đội ngũ sáng tạo ra nó.
16-7-2014
(nguồn: Văn nghệ Công an số 288, ra ngày 21-7-2014)