Trang chủ » Tin văn và...

“TÙY HỨNG HỖ TRỢ” hay là TÙY TIỆN PHÊ PHÁN

Phạm Thành Trai
Thứ ba ngày 14 tháng 7 năm 2009 5:14 PM
         
  Khi đọc bài “ Hỗ trợ sáng tác” nhỏ giọt, tùy hứng của Lê Hoài Lương được đăng trên Tiền Phong Online ( Chủ Nhật, 12/4/2009 )thì rất nhiều anh chị em trong Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định đều bất bình về những nội dung sai trái của nó.         
  Với tư cách là hội viên của Hội, nguyên là phó thư ký chi hội Nhà báo tạp chí Văn nghệ Bình Định, tôi xin có đôi lời kính gởi lên Ban biên tập của bản báo này.        
   Bài viết này không ngoài mục đích cung cấp cho Ban biên tập nội dung kết luận của Đoàn thanh tra mà UBND tỉnh Bình Định căn cứ vào đó, đã ra quyết định ( Quyết định số 1684/ QD-CTUBND, ngày 07/8/2008 ) yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, phê bình những cán bộ, hội viên đã có đơn thư phản ảnh, nêu những nội dung không đúng sự thật .         
  Nội dung cốt lõi của kết luận là trong 5 năm ( 2002- 2007 ) hoạt động, Hội Văn học nghệ thuật Bình Định đã thực hiện đúng việc thu chi tài chính kế toán, không để xảy ra hiện tượng xâm phạm tài sản, tiền nong của Nhà Nước, cán bộ quản lý không có biểu hiện tư túi cá nhân, lạm dụng tiền tài của Ngân sách.        
   Nhiều nội dung phản ảnh không đúng, gây nghi ngờ làm ảnh hưởng đến uy tín của tập thể Hội và  cá nhân lãnh đạo Hội văn học nghệ thuật tỉnh.          
Từ nhận thức riêng của mình, tôi vẫn nghĩ là Ban biên tập báo Tiền phong chưa hề biết được nội dung kết luận của Đoàn thanh tra tỉnh và cũng chưa thấu hiểu hết trách nhiệm cùng sự lo lắng của lãnh đạo tỉnh Bình Định đối với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà đang có những biểu hiện chống báng cá nhân gây mất đoàn kết nội bộ bỡi những đơn thư phản ảnh sai sự thật của một số cán bộ hội viên của Hội.           
  Sau đây, tôi xin phân tích mấy điều mà theo tác giả bài báo là những “đòn phủ đầu” đối với lãnh đạo Hội VHNT Bình Định.           Đó là “tiền đi đâu?”, anh ta thẳng thừng vạch mặt rằng: với 2,3 tỷ đồng khoản  tiền chi trong 5 năm :2002-2007 (Số tiền được tính từ những con số kết luận của Đoàn thanh tra: Tổng số kinh phí hoạt động được cấp: 2.790.670.000đồng, tổng số kinh phí đơn vị được thanh quyết toán:2.319.478.570đồng) . “ Nhưng  chỉ có 225.632.965 đồng, chỉ bằng 1/10 so với tổng số tiền đã chi là đến được với hội viên” .Đây quả đúng là một “ý kiến lớn” mà tác giả đã dựa trên sự nhận định lệch lạc, nghi ngờ người khác theo kiểu “suy bụng ta ra bụng người” của mình.         
Trời đất ơi! Chẳng lẽ Đảng, Nhà Nước cho thành lập Hội VHNT ra để rồi thành cái nơi có quyền đi nhận tiền Ngân sách về rồi chỉ độc làm một cái việc duy nhất là chia tiền đút túi hay sao mà anh ta cứ khẳng khái chất vấn thế?.     
    Xin nói rõ, số tiền trên 225 triệu đồng đó là số tiền mà Hội đã chi cho một số hội viên có tác phẩm theo đúng mức hỗ trợ mà lãnh đạo Tỉnh đã cho phép ( theo quyết định của UBND tỉnh đã nêu trên ). Không có khoản tiền nào”đến được với hội viên”một cách chung chung xô bồ theo kiểu suy nghĩ mờ ám của tác giả.        
  Không cần nói, ai cũng hiểu là kinh phí sáng tạo văn học được Tỉnh cấp là để phục cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh nhà.        
  Trong 5 năm trời (2002-2007 ), với khoản kinh phí tuy không nhiều nhưng đã được lãnh đạo Tỉnh cân đối, hỗ trợ như vậy, Hội khắc phục rất nhiều khó khăn thiếu thốn để đảm bảo thực hiện được những hoạt động chuyên môn của cả 8 chi hội chuyên ngành, đảm bảo số kỳ, số lượng tạp chí văn nghệ, rồi đi thực tế, hội họp…trong từng năm.  Và các khoản chi tiêu ấy, hằng năm, Hội đều phải chấp hành  nghiêm chỉnh chế độ thanh quyết toán với Sớ Tài chính, với Kho Bạc Nhà nước. Nếu chi sai một đồng, Hội sẽ bị các cơ quan quản lý tài chính này xuất toán, buột bồi hoàn ngay.                                                                  
   Do vậy, còn lại 2,1 tỷ đồng, con số do Lê Hoài Lương làm phép trừ, rồi gân cổ hỏi: “Chi vào đâu và sao chưa được công khai?” thì ta cũng dễ dàng hiểu được khoản tiền ấy chi vào đâu.       
  Còn về công khai số liệu thì rõ ràng từ  12/2007, Hội đã dán bản”Bản báo cáo tài chính công khai 5 năm (2002-2007) ở tại văn phòng Hội để tất cả hội viên có điều kiện tìm hiểu, ghi nhận.      
  Và cái vấn đề “Hỗ trợ tùy hứng” và “Bình Định có chính sách riêng!?” mà anh ta đã dồn bút lực để giáng “đòn chí tử” xuống Thường vụ Hội và cả lãnh đạo Tỉnh thì nó cũng đủ để bộc lộ sự hám tiền và cả sự hiểu biết nửa vời của anh ta về trách nhiệm kiểm toán và chế độ quản lý tài chính mà Nhà Nước đã giao cho các cơ quan chuyên môn .      
   Có lẽ nhiều anh em trong Hội văn nghệ thuật tỉnh đã biết Bình Định là tỉnh đầu tiên sớm ban hành quy định về sự hỗ trợ xuất bản và phổ biến tác phẩm của văn nghệ sĩ . Đây chính là sự quan tâm  của lãnh đạo tỉnh đối với lực lượng sáng tác văn học. Và Hội cũng là cơ quan đã tranh thủ trình và mong Tỉnh  sớm ban hành chính sách hỗ trợ đó. Ấy thế mà khi Hội chi phí theo quyết định của Tỉnh thì anh ta lại phê phán là: “Dường như không có quy chuẩn nào”      
   Còn 3-4 “minh chứng” nữa mà anh ta đã nghe láo nháo đâu đó lại vơ vào làm căn cứ để phê phán Thường vụ Hội là “hỗ trợ tùy hứng”.  Xin nói nhỏ (vì thực ra cũng chẳng muốn nhiều người biết ) về cái chuyện mà anh ta “cần nói thêm”. Và cũng chính cái điều anh ta  nói thêm này, nó đã làm lộ rõ cái chân tướng hám tiền mà  anh ta đã khéo giấu khuất sau những lời lẽ quy kết chê bai lãnh đạo Hội. Đó là chuyện Hội tổ chức các chuyến đi thực tế về các địa phương và đến các  doanh nghiệp và được các đơn vị này  cho xe đưa đi đón  về và chiêu đãi cơm nước nghỉ ngơi. Cho nên sau mỗi chuyến đi, Hội chỉ chi theo thực tế (là 300.000 đồng cho 15người/một chuyến, khi đi Cát Khánh- Đề Gi, Thủy điện Sông Hinh năm 2006) thì bị anh ta phê phán ngay:”Sao lại có thể chi số tiền quá bèo bọt như vậy”. Theo anh thì Hội phải lên dự toán đúng ba -rem  nào tiền xe cộ đi về, nào tiền ăn, tiền nứơc uống, nào bao thứ chi cần cho tham quan sáng tác, …nghĩa là dư sức, dư chứng cứ để rút tiền triệu trong Ngân sách đem về mà chia cho anh em, như thế mới là đúng điệu, không tùy hứng.  Và để tiếp tục minh chứng cho ý kiến phê phán “xác đáng” của mình, anh ta đã nêu lên một số dẫn chứng việc chi tiền hào phóng cho văn nghệ sĩ của một số tỉnh bạn ( như Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi,…).         Như “Hội viên ở khắp nơi chỉ cần đăng ký đề tài là được nhận 8-9 triệu đồng. Như Chi hội nhiếp ảnh của Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên : “Được giải ngân ngay 40 triệu đồng từ đầu năm (2008).  Như ở Gia Lai, tỉnh tài trợ theo quy mô: “cứ thơ mỏng hơn truyện nên quy đồng 3-5 triệu đồng / một cuốn”.  Và như Quảng Ngãi “cũng chi hẳn hết tiền cho anh chị em nào đăng ký trong năm”.          Việc mỗi tỉnh có một chính sách riêng là việc bình thường và việc nghiên cứu học tập lẫn nhau là việc do Trung ươg Hội tổ chức hoặc các hội tìm hiểu qua văn bản trao đổi. Không chối cãi gì, khi chính anh ta đã bảo những việc này là nghe từ nhà thơ này, nhà văn nọ nói… Ấy thế mà anh ta không  ngần ngại gì khi lên tiếng  chê trách quy định hỗ trợ của Tỉnh nhà  và ra ý mách bảo, chỉ vẽ cho lãnh đạo Tỉnh Bình Định nên học tập và áp dụng những thông tin chưa kiểm chứng ấy. Thật là cách nghĩ  và lối nói của một con người hay tùy tiện và thiếu mô phạm.      
   Cuối cùng, tôi kính mong Ban biên tập Báo Tiền Phong quan tâm đến trách nhiệm của mình góp sức cùng lãnh đạo Tỉnh làm cho Hội văn học nghệ thuật Bình Định ổn định hơn để tiếp tục phát triển mạnh những hoạt động sáng tạo, góp phần vào công tác tư tưởng của Đảng.  
      
 P.T.T
(Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam- Hội viên Hội VHNT tỉnh Bình Định)
ĐT: 0986606216