Trang chủ » Tin văn và...

VIỆT NAM MUA TÀU CHIẾN CỦA ANH

Nguyễn Xuân Diện
Thứ năm ngày 23 tháng 4 năm 2009 8:21 PM
 
Cách đây đúng 139 năm, dưới thời vua Tự Đức, trước các báo cáo dồn dập của quan chức các địa phương miền duyên hải về việc bọn Thanh phỉ (phỉ Tàu) nghênh ngang đe dọa, quấy phá, triều đình nhà Nguyễn đã quyết định mua tàu chiến có trang bị đại bác của Anh quốc.
Tài liệu về việc Việt Nam mua tàu chiến của Anh quốc hiện vẫn còn được lưu trữ. Đó là những Châu bản - các bản sớ tấu được đích thân nhà vua phê duyệt bằng mực son đỏ (châu - chu). Châu bản là loại tài liệu đặc biệt quan trọng vì nó mang bút tích của nhà vua, được bảo quản trong các kho lưu trữ của cung đình, nội dung liên quan đến nhiều việc, nhiều người.
Mặc dù trong thời gian từ 1802 - 1945, trải qua nhiều cơn binh lửa và sự tàn phá của khí hậu, thời tiết, nhưng kết quả kiểm kê cho thấy còn lại đến 3.200 tập, mỗi tập dày 6-10 cm với trên dưới 600 trang giấy bản mỏng, nhẹ.
Triều Tự Đức (1848 - 1883) còn giữ được 352 tập, mỗi văn bản trong các tập này đều mang bút tích của vua Tự Đức. Trong số các châu bản triều Tự Đức, có 2 bản ghi việc VN mua tàu chiến của Anh quốc.
1. "Ngày 27.1.1870, niên hiệu Tự Đức 23, Bộ Hộ trình việc phái viên Lê Huy đã mua một chiếc tàu chiến ở Hồng Kông, hiện chiếc tàu này đang neo đậu ở Đà Nẵng. Đây là chiếc tàu chiến đầu tiên triều đình Việt Nam mua về sử dụng"(Tờ 109-110, CB.342 - phông tài liệu Sử và Quân sự).
2. "Ngày 4.2.1870, niên hiệu Tự Đức 23, Nguyễn Tri Phương, Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Chính, Nguyễn Chí và Hoàng Tuấn Tích dâng tấu báo cáo tường tận về kích thước và máy móc của chiếc tàu chiến mua của Anh ở Hồng Kông. Chiếc tàu này có trang bị súng đại bác"(Tờ 65-69, CB.343 - phông tài liệu Quân Sự).
Hiện hai văn bản có dấu son lời phê của chính tay vua Tự Đức - một ông vua vẫn được các sử gia hiện đại đánh giá là nhu nhược - và các con dấu của triều đình đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia tại Hà Nội.

Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm)
Tham khảo từ nguồn Châu bản triều Tự Đức (1848 – 1883)