Tiểu thuyết của Nguyễn Thị Thu Thuỷ
Nhà xuất bản Hôị nhà văn cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết : “Mảnh Giấy Bạc” đúng dịp kỉ niệm 67 năm Ngày thành lập QĐNDVN. “Mảnh Giấy Bạc” viết về chiến sĩ tình báo. Điều có thể hình dung được công việc của một tình báo viên đầy mạo hiểm, họ đối mặt với quân thù hàng ngày hàng giờ, họ chấp nhận mọi sự hi sinh, kể cả sự hiểu lầm của gia đình, của đồng đội. Chiến công thầm lặng của họ trở thành những câu chuyện huyền thoại đi vào lịch sử đất nước. Đi vào văn học “Mảnh Giấy Bạc” là tiểu thuyết tình báo dày 300 trang, hấp dẫn bạn đọc ngay từ trang bìa là hình ảnh chiếc máy bay B52 đang bốc cháy, kéo theo dòng chữ tối mật (Topsecret). Gợi lại hình ảnh “bạc mệnh” của chiến dịch đánh phá Hà Nội băng B52 của đế quốc Mỹ.
Tiểu thuyết “Mảnh Giấy Bạc” hư cấu từ nguyên mẫu có thật: Đại tá Phan Mạc Lâm (Mạc Lâm) – nguyên chánh văn phòng Tổng Cục 2 người khai thác tài liệu, tin tức từ tù binh, hàng binh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ trong đó có bại tướng Pháp Đ. Catter và viên phi công Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội John Mắcken…. Với những cuộc đấu trí, đấu lý vô cùng căng thẳng để tìm ra những lời khai xác thực góp phần đắc lực phục vụ cho chiến đấu, chiến thắng của quân đội ta.
Tiểu thuyết “Mảnh Giấy Bạc” kể về những chiến công của đơn vị Mạc Lâm – Phòng khai thác tù hàng binh, một đơn vị nhìn bề ngoài không thấy gì đặc biệt của nghề tình báo, bằng tài trí và sự thông minh đầy bản lĩnh, can trường của các chiến sĩ tình báo QĐNDVN đã dựng thành công một vở kịch để đưa kẻ thù vào thiên la địa võng của thế trận chiến tranh nhân dân. Bẳng chính mảnh giấy chứa tài liệu giả và diệu kế của Bộ Tổng tham mưu đã làm cho cuộc chiến B52 của Mỹ bạc mệnh, thất thế (số phận nữ gián điệp Mari Hương cũng như mảnh giấy bạc).
Tiểu thuyết “Mảnh Giấy Bạc” được viết ra từ lời kể của chiến sĩ tình báo, đại tá Phan Mạc Lâm lúc ông đang nằm trên giường bệnh. Tháng 7 năm 2010 ông đi vào cõi vĩnh hằng. Một số chi tiết, tên nhân vật được tác giả hư cấu, đổi tên theo yêu cầu của người đã khuất. Hầu hết các nhân vật trong tiểu thuyết chỉ được kể tiểu sử vắn tắt đủ để bạn đọc phác thảo chân dung, tính cách, năng lực, nghiệp vụ của cán bộ chiến sĩ tình báo- những anh chị bộ đội cụ Hồ trong đơn vị Mạc Lâm công tác. Họ đều trưởng thành từ thực tế chiến đấu. Họ sáng tạo trong mọi khó khăn. Chiến công của họ giản dị như chính cuộc đời họ.
Đọc “Mảnh Giấy Bạc” ta thấy một kho tư liệu sống bởi nhiều kinh nghiệm vẫn mang tính thời sự. Đọc kỹ, bạn sẽ cảm nhận được hơi thở của những chiến sĩ tình báo, những người âm thầm chiến đấu, hi sinh cho tổ quốc và rất hiếm khi kể về mình.
Tiểu thuyết “Mảnh Giấy Bạc” viết về đề tài chiến tranh. Nữ tác giả trẻ tuổi Nguyễn Thị Thu Thuỷ đã gửi đến các bạn một tác phẩm văn học giá trị chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, trong đó có những chiến công hiển hách của các chiến sĩ tình báo quân đội.
Nguyễn Đăng Luận