Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

7 lần hẹn gặp ông Chủ tịch Hội Nhà Văn

Phong Sương
Thứ năm ngày 19 tháng 3 năm 2009 9:04 PM
 
Nhiều lần trong cuộc đời làm báo của mình, tôi bị các nhân vật là quan chức từ chối phỏng vấn. Họ từ chối cũng đúng thôi vì những vấn đề tôi hỏi đều “tế nhị, nhạy cảm, động chạm” theo quan niệm của họ. Nhưng ít ra thái độ dù khéo léo hay lạnh lùng từ chối một cuộc phỏng vấn ngay từ đầu còn làm cho phóng viên dễ chịu. Bởi lẽ, họ còn có thời gian tìm kiếm nguồn tin khác mà hoàn thành bài vở cho đúng hẹn với yêu cầu cấp thiết của tòa soạn. Cuộc “hẹn hò” với ông Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam là một giấc mộng “kinh hoàng” trong cuộc đời làm báo của tôi. Bảy lần “hẹn hò” phỏng vấn là bảy lần ông cho tôi “leo cây”. Hơn hai tuần lễ, tôi thấp thỏm, bồn chồn, đứng ngồi không yên hết gọi điện lại chờ đợi ông tại phòng làm việc riêng. Nhưng những gì tôi nhận lại chỉ là những lời “bong bóng” phập phồng hết nổi lại chìm. Thà rằng, ngay từ đầu ông từ chối. Đằng này…
Lần đầu tiên vào một chiều cuối thu tháng 9. Tôi gọi điện hẹn gặp nhà thơ Hữu Thỉnh trong một tâm trạng rất thoải mái và hứng khởi. Bởi lẽ, tôi đã nghe nhiều giai thoại về tính cách nhẹ nhàng, khéo léo rất được lòng người của ông. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn có lần tâm sự, anh phục nhất nhà thơ Hữu Thỉnh là năng khiếu “truyền dẫn” lòng say mê, niềm hứng thú sáng tác văn thơ cho các hội viên HNV. Nếu quả đúng như vậy, tôi dạt dào hy vọng ông sẽ dành cho mình một cuộc phỏng vấn cởi mở về những vấn đề thời sự của đời sống văn chương nước nhà.
Tôi bấm máy. Ở đầu dây kia vang lên một tiếng nói nhỏ nhẹ: ”Xin hỏi ai gọi đấy?”. ”Dạ, cháu là…phóng viên…ạ. Cháu muốn xin bác một cuộc phỏng vấn nhỏ về các vấn đề thời sự của văn học, đặc biệt là giải thưởng Văn học sắp công bố của Hội.”. “Đang họp, đang họp, cuối giờ chiều gọi lại nhé”. Nghe giọng nhà thơ thì thào đứt quãng chìm lẫn trong tiếng phát biểu sang sảng thì chắc đúng ông đang trong cuộc họp rồi. Đợi đến 5 giờ chiều, tôi gọi và nhắc lại lời đề nghị. “Xin lỗi, tuần này chú bận lắm cháu ạ. Khổ lắm. Họp suốt từ thứ sáu, sang cả thứ bẩy, chủ nhật. Không có một lúc rỗi nào đâu. Thứ hai cháu gọi lại nhé.”. Thấy giọng ông hốt hả, vội vã như vậy tôi cũng đành buông máy. Chẳng gì nhà thơ cũng là lãnh đạo một Hội Văn học đồ sộ với số lượng lên tới hơn 800 hội viên. Làm nhà “quản lý” văn chương thì chẳng khác nghề “làm dâu trăm họ”. Mỗi một cây viết lại là một thế giới sáng tạo khác biệt với những cách nghĩ, quan điểm, lý tưởng sống phong phú đa dạng. Đứng đầu một thế giới phức tạp như vậy, chắc hẳn nhà thơ đau đầu lắm.
Tôi gọi lại cho ông vào buổi chiều thứ 2, đúng theo lời đã hẹn. Lần này, chưa kịp hỏi gì tôi đã nghe tiếng ông sang sảng ở đầu dây: ”Cháu ơi, tuần này chú cũng bận lắm, không hở được kẽ nào để tiếp cháu đâu”. “Cháu cũng biết chú bận lắm nhưng cháu chỉ xin chú 30 phút thôi. Bài này cháu đã khất tòa soạn đến một tuần rồi. Cháu mà không phỏng vấn được chú là bị đuổi việc đấy ạ.”. “Thôi cháu ơi. Thế để chú giới thiệu cháu phỏng vấn Trần Đăng Khoa, Phan Thị Vàng Anh nhé?”.”Không chú ơi, chú là Chủ tịch Hội Nhà Văn rất nhiều năm rồi. Hơn ai hết chú sẽ là người nắm chắc nhất những vấn đề của Hội. Vì thế, phỏng vấn chú sẽ là phương án mà bạn đọc quan tâm nhất ạ”.” Thôi, thế đến thứ 6 gọi lại đi. Tuần này chú bận lắm, không thở được nữa ấy. Thế nhé!”. Chưa kịp nói gì, đầu dây kia đã kéo dài những tiếng tút tút lạnh lùng. Lời từ chối của ông làm tim tôi đau nhói vì nỗi mỏi mòn chờ đợi suốt chục ngày qua. Thế nhưng, trong thời điểm đó, tôi hừng hực một quyết tâm sẽ không bỏ cuộc. Bằng bất cứ giá nào tôi cũng sẽ thực hiện bài phỏng vấn ông Chủ tịch Hội Nhà Văn sau bao nhiêu công sức chuẩn bị, chờ đợi.
Lần thứ 4, tôi gọi lại cho ông vào thời điểm cuối ngày của một ngày cuối tuần. Tôi nhẩm chắc khi ấy ông đã thoát khỏi một tuần bận rộn, mỏi mệt. Cũng như những người ông ở tuổi 65, chắc hẳn ông đang vui đùa ở nhà cũng những đứa cháu nội, cháu ngoại dễ thương, xinh xắn. Trong tâm trạng nhẹ nhõm, hạnh phúc chắc hẳn ông không nỡ lòng nào từ chối tôi một lần nữa. Đúng như dự đoán, lần gọi thứ tư, ông đã chấp nhận hẹn gặp tôi. Ông nói đúng 8h30 sẽ tiếp tôi tại phòng làm việc riêng, tầng Ba, Hội Nhà Văn Việt Nam. Tôi rối rít cảm ơn ông rồi suốt hai ngày cuối tuần thức đêm, thức hôm gò lưng chuẩn bị câu hỏi phỏng vấn.
Các cụ vẫn thương nói: “Qúa tam ba bận”, còn tôi phải mất đến “quá tam năm bận” mới gặp được nhà thơ Hữu Thỉnh. Tính hay lo xa, tôi đã “chầu chực” ở cổng Hội Nhà văn sớm hơn 15 phút so với dự định. Anh bảo vệ hồ hởi chỉ tôi lối lên phòng làm việc của ông trên tầng ba rồi nói theo: “Cứ lên đó chờ đi, giờ này ông ấy chưa đến đâu”. Lọ mọ một lúc, đi qua vài cầu thang ngoắt nghéo, tôi đã nhìn thấy căn phòng dán tấm biến “Chủ tịch” sáng chói, hai cánh cửa im ỉm ánh lên màu gỗ nâu. 8h30, 8h45 rồi 9h, vừa đi đi lại lại dọc hành lang chật hẹp, tôi vừa bồn chồn liếc nhẩm giờ ông tới. Đến đúng 9h10, khi vừa rút điện thoại ra khỏi túi, tôi nhìn thấy dáng ông chầm chậm bước lên cầu thang. Một tay buông thõng xách cặp, một tay nặng chĩu chồng nhật báo “nóng hổi” tin tức, trông ông trẻ trung, phong độ hơn nhiều so với những người cùng độ tuổi 65. Đoán tôi là phóng viên hẹn gặp, ông vội thanh minh lý do đến trễ và lởi xởi mờ tôi vào phòng làm việc. So với khoảnh sân chật chội (không có lấy một nhà gửi xe), cầu thang quanh co, hành lang dài hẹp của Hội, thì phòng riêng của Chủ tịch hội khác hẳn: rộng rãi, sạch sẽ và ấm cúng. Vừa loay hoay rót ấm chà đặc sánh, ông vừa vui vẻ cười nói hỏi han tôi hết chuyện công việc đến chuyện chồng con. Tôi thật ân hận nếu được gặp ông sớm hơn, tâm trạng lo âu, e ngại vì sự “xa cách” của các quan chức sẽ không ám ảnh trong tôi lâu đến vậy. Để không mất thời gian, tôi bật sẵn máy ghi âm và vào ngay vấn đề bắt đầu cuộc phỏng vấn. Nhưng, hỡi ôi, đầu óc tôi như quay cuồng khi ông trả lời lại: Hôm nay, chú chỉ dành cho cháu được một phút thôi, còn không phỏng vấn, phỏng viếc gì hết.”. Tôi tái người hỏi lại:” Tại sao vậy chú? Hôm trước chú đã đồng ý để cháu phỏng vấn rồi mà.” Tôi không thấy một sắc biến thái nào trên mặt ông. ”Tại cháu gọi nhiều quá nên chú nói vậy thôi. Hôm nay chú nói lại là chú bận lắm. Phải đến thứ 2 tuần sau chú mới sắp xếp được công việc. Sau 10h thứ hai cháu gọi lại nhé. Gặp được hay không lúc ấy chú mới hứa được”. Tôi không còn tin vào tai mình nữa. Ít ra ông cũng là bậc cha chú của tôi mà sao ông lại hành xử không khác một đứa trẻ con lên năm vậy? Khoảnh khắc đó, tôi cố gắng bình tĩnh trở lại và tìm mọi lý lẽ thuyết phục nào là cháu đã phải mất bao công sức chờ đợi chú; chỉ có chú là người duy nhất có thể trả lời thấu đáo mọi vấn đề của Hội; nếu không phỏng vấn được chú chắc cháu sẽ đuổi việc mất…Tình thế cam go đến nỗi tôi phải lấy lý do là “đồng hao, đồng hương” Lập Thạch- Vĩnh Phúc nài nỉ ông đồng ý trả lời. Vừa nghe tôi nói, ông vừa chối đây đẩy lại còn “đuổi khéo” tôi bằng lời nhắc uống nước nhanh nhanh lên rồi về cho ông làm việc. Từ nay đến chiều ông còn vài ba cuộc họp nữa, bận không có hơi mà thở nữa. Đến nước này, tôi đành tung ra con bài cuối cùng thường hay áp dụng trong những tình huống cần “chai mặt”: “Vậy chú cứ đi họp đi ạ! Cháu sẽ ngồi chờ chú đến trưa và mong chú cho cháu xin 15 phút vàng ngọc.” Nhìn thẳng vào tôi, ông thản nhiên đáp: Cháu cứ ngồi đấy chờ. Chú đem sách báo, tài liệu sang phòng khác làm việc không biết đến lúc nào mới về đâu. Trời ơi, đến lúc này tôi chỉ còn biết kêu lên than trời! Chưa kịp để tôi đáp lại, ông xoay lưng đi vội ra khỏi phòng rồi vọng lại một lời nhắn nhủ: “Thứ 2 tuần sau gọi điện lại nhé!”
Thất thểu rời khỏi Hội Nhà Văn, đầu tôi vẫn loang loáng giọng thơ nhỏ nhẹ của ông: Thứ hai, thứ hai nhé…Một lần nữa, tôi lại thử thách lòng kiên trì của mình bằng cách nhấc máy gọi điện cho ông. Vừa kịp nhắc tên, tôi đã nghe tiếng ông vọng lại thì thào, thì thào như thể ông đang ngồi giữa một hội nghị cực kỳ quan trọng: ”Đang bận họp, lúc khác gọi lại nhé”. Chiều 31.10.2007, tôi gọi lại cho ông lần thứ 7. Những hồi chuông kéo dài cho đến giây cuối cùng khi những tiếng tút tút réo rắt vang lên. Tôi thử lại lần thứ 8. Vẫn những hồi chuông dài rồi tắt ngấm. Ông không nghe máy. Phải chăng vì số điện thoại này đã quá “nhẵn mặt”? Lần thứ 9, thứ 10, thứ 11…đáp lại tôi là những hồi âm: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”. Ông đã tắt máy. Đồng thời cũng tắt ngấm trong tôi lòng tha thiết muốn gặp lại ông một lần nữa.
Thà rằng ông từ chối ngay từ đầu là không thể trả lời đã là một nhẽ. Đằng này, ông đối xử với tôi chẳng khác một đứa trẻ con lên năm: Này mày ngoan đi nhé rồi tao sẽ thưởng kẹo cho. Lúc nào nó khóc ông lại lấy kẹo ra nhử nhưng chẳng đời nào cái kẹo kia rơi vào tay nó. Thái độ bỡn cợt, nhập nhằng của ông chẳng làm tôi thất vọng lâu vì suy cho cùng, ông có quyền đồng ý hay không đồng ý cuộc phỏng vấn này. Chỉ có một điều, tôi không hiểu tại sao ông lại có thái độ “trốn tránh” và “đùn đẩy” trách nhiệm như vậy. Một vài năm trở lại đây, tính minh bạch, công khai trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp đã có những thay đổi đáng kể. Từ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đến các Phó Thủ tướng đã đăng đàn đối thoại trực tiếp với dân chúng quan Internet. Đối với các phóng viên, việc đề nghị một cuộc phỏng vấn với quan chức cấp Vụ trở lên đã không quá khó khăn vì mỗi Bộ, Ngành đều có những người phát ngôn chính thức và chính xác về các vấn đề thuộc thẩm quyền. Đến như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ mới đây cũng đã đối thoại trực tuyến với người dân suốt gần 4 giờ đồng hồ không ngơi nghỉ. Khi gặp những câu hỏi hết sức gai góc như: “Vì sao Thủ tướng lại ký chỉ thị nghiêm cấm tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức? Như vậy có đi ngược lại mục tiêu tự do, dân chủ mà Thủ tướng đang phấn đấu không?” hay “Có người nói, con gái ông lấy chồng Việt Kiều còn 2 con ông đi học ở Mỹ trong khi trước đây ông chiến đấu chống Mỹ?” Thủ tướng đã rất thẳng thắn trả lời nhẹ nhàng, thỏa đáng. Nếu theo dõi truyền thanh, truyền hình ở các nước phương Tây, mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy là bất kỳ nhà chính trị nào cũng bị hỏi khó cả. Một nhà báo Anh đã từng bình luận: Đó chính là tính cách đặc thù của truyền thông tự do bởi vì bản chất của nó thay mặt công chúng giám sát những việc làm của chính phủ. Các phóng viên hỏi những gì người dân muốn biết, và trách nhiệm của các chính khách là phải trình bày rõ ràng mạch lạc chính sách của họ. Đến như TT George W. Bush, người chịu trận gần như hàng ngày trước truyền thông và đối lập. Ông Bush có lẽ cũng không thích thú gì với những màn công kích của báo chí nhưng sau tám năm, khả năng đối phó của ông đã cải thiện đáng kể. Những việc né tránh câu hỏi khó của báo giới đã làm cho các quan chức ứng phó thiếu linh hoạt khi gặp phải tình huống buộc phải trả lời. Khi đó, tờ báo sẽ có những cuộc phỏng vấn dở khóc, dở cười. Hình ảnh của quan chức vô hình chung sẽ méo mó và đáng thất vọng trong con mắt dư luận. Sự cởi mở của các quan chức xét cho cùng chỉ có lợi cho chính cơ quan, ban ngành mà họ đang phụ trách.
Vì thế, cách từ chối phỏng vấn của ông Chủ tịch Hội Nhà văn khiến tôi rất băn khoăn, trăn trở:  Tại ông không thích báo chí hay những điều tôi hỏi đều “tù mù, tế nhị, động chạm, nhạy cảm” khiến ông không thể trả lời? Cách đây vài năm, khi xảy ra nghi án văn chương về bài thơ “Hỏi”, tôi nhớ không một tờ báo nào phỏng vấn được ông về vụ việc này. Ông đã chọn cách im lặng để sự việc chìm xuồng thay vì đối thoại một cách trực tiếp, thẳng thắn với công luận. Đến dự lễ giao lưu với sinh viên khoa Văn trường ĐH SP I, ông còn thốt lên: “Câu chuyện đạo thơ mà người ta dựng lên ấy, biết thanh minh thế nào... Trời ơi! Chỉ có người viết ra nó mới biết được thôi...”. Đâu có phải ông không có cơ hội thanh minh? Nếu có những um xùm, tin đồn, bịa đặt không hay về ông hoặc cơ quan ông đang phụ trách, ông có thể chọn cách nhận lời phỏng vấn mà đối thoại lại công luận những vấn đề chưa sáng tỏ. Ngày nào, ông còn chọn cách im lặng thay cho đối thoại thì ngày ấy những “bóng ma” vẫn tiếp tục treo lơ lửng như những nghi án không thể gột rửa. 

Nguồn: lethieunhon.com