Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Phòng hẹp, Lòng mênh mông ý thơ

Nguyễn Văn Học
Chủ nhật ngày 15 tháng 3 năm 2009 6:35 PM
 
 
“Từ ngày nghỉ làm, lại chuyển xuống khu tập thể Vạn Mỹ, Quận Ngô Quyền,Hải Phòng, tôi sống như ốc đảo. Sáng vợ đi chợ bán đậu phụ khoá cửa bên ngoài, tôi như bị giam, bù lại con tôi lắp cho bố điện thoại nên lúc nào nhớ ai là nhấc máy! Bạn văn chương thương tôi nghèo lại bảo: Ông để máy xuống tôi gọi lại! Thế là nói chuyện thả phanh. Từ đầu năm 2008 con tôi mua cho bố máy tính, tôi như mở tung cánh cửa đến với cuộc đời”. Đó là lời của ông Trần Quốc Minh, một nhà thơ tật nguyền, mỗi khi ai đó hỏi về mình, ông lại tâm sự như thế, không phải để ôn nghèo kể khổ, mà để vơi đi nỗi buồn, và để tâm trạng mình thoát khỏi sự giam hãm của căn phòng chật hẹp 6 mét vuông.
1.Dọc chiều dài đất nước, có không ít người tật nguyền, nhưng đã vượt xa sự giam hãm của bệnh tật, thể xác, để làm nên những tác phẩm thơ ca được bạn đọc cả nước yếu mến. Đó là Đỗ Trọng Khơi đất Thái Bình, là cô bé Trần Ngọc Lan xứ Thanh ra Hà Nội học, là nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng ở Quảng Ngãi…Thành phố cảng Hải Phòng cũng có một người như thế, đó là nhà thơ Trần Quốc Minh, hơn nửa thế kỷ sống trong nỗi khó khăn của một người tật nguyền, thì cũng là đoạn đời dài ông hy vọng, thất vọng rồi lại tìm thấy niềm tin ở cuộc sống.
Hỏi thăm mãi rồi cũng tìm được nhà. Ông chuyển về ngoại ô thành phố, căn nhà nhỏ, căn phòng cũng nhỏ. Không gian tĩnh lặng đủ “lơ mơ” buồn để thi sĩ sinh thơ. Từ ngày nghỉ làm công việc kế toán ở một Hợp tác xã, do bị giải thể, Trần Quốc Minh chỉ quanh quẩn trong nhà. Cũng là thời gian ông yếu đi nhiều hơn. Đôi chân cứng đơ di chuyển rất khó khăn, nhiều lần ngã chảy máu đầu. Con trai ông bảo sẽ mua mũ bảo hiểm cho ông, rồi anh nghĩ cách, bảo bố vịn thành ghế tựa để đi. Từ “sáng kiến” của con trai, ông không bị ngã nữa. Căn phòng riêng chật hẹp của ông, chỉ có 6 mét vuông,  nhưng lại có tới 6 giá sách, được ông gìn giữ cẩn thận. Mọi sinh hoạt của một nhà thơ tật nguyền đều khép kín trong 6 mét vuông này. Nhà thơ bảo mình còn tự tắm được, nhưng mỗi lần kéo dài mất hai tiếng đồng hồ. Quần áo để lại cho người vợ tảo tần, dám hy sinh vì ông, bà Bùi Thị Dậu giặt giũ. Khoảng 3 tháng bà Dậu lại cắt tóc bằng kéo cho chồng, lúc ấy nhà thơ buộc phải để vợ tắm cho. Trần Quốc Minh nói: “Cuộc sống của tôi vất vả như thế đó, nhưng so với hoàn cảnh của một số người tàn tật khác tôi còn may mắn hơn chút ít!”
Phòng hẹp không giam giữ nổi hồn thơ, không hạn chế được sự giao lưu của người yêu thơ, yêu sách và gần như bị “thơ hành” Trần Quốc Minh. Ông vẫn coi việc viết văn làm thơ là công việc hạnh phúc nhất. Ngày còn đi làm ông thường xuyên lên Hội Văn nghệ Hải Phòng, gặp các bạn viết như Thi Hoàng, Thanh Tùng, Đào Cảng, Phạm ngà, Trần Lưu... Từ ngày nghỉ làm, lại chuyển xuống khu tập thể Vạn Mỹ, ông ít đi lại hơn, do sức khỏe giảm sút. Bù lại, ông đã có máy tính, được nối mạng, có điện thoại, đủ để ông theo dõi được những hơi thở của cuộc sống bề bộn ngoài kia, và biết được công việc sáng tác của các bạn viết. Có máy tính, ông lao vào học sử dụng máy tính. Trước hết học truy cập để đọc sách, báo, sau đó tập đánh văn bản. Đây là việc rất khó với ông. Nhà văn Bão Vũ gửi qua email cho ông một bản hướng dẫn học sử dụng máy tính, ông Minh ghi ra giấy rồi tập từng thao tác, sau một thời gian, ông sử dụng được. Trần Quốc Minh tâm sự: “Vẫn còn đôi chút sai, anh em vẫn chỉ thêm. Tuy ở trình độ mổ cò nhưng sướng lắm!”
Khoảng hai năm trở lại đây, nhà thơ Trần Quốc Minh gặp được Blog Cát Biển của nhà thơ trẻ Minh Trí. Đây là một trang văn học giàu lòng nhân ái. Tại đây ông được giao lưu với bạn viết, bạn đọc, bằng các bài thơ, truyện ngắn mi ni, các bài bình thơ, các bài viết về chân dung các nhà văn, nhà thơ: Nguyên Hồng, Lê Đại Thanh, Thúc Hà, Đào Cảng... Cũng là những dịp để ông học  hỏi, trao đổi và có thêm kiến thức về văn học, nuôi lớn cho mình cái sức xuân lúc nào cũng tươi rói trong thơ.
2.Trần Quốc Minh sinh ra trong một gia đình nghèo, là con trai duy nhất. Vì là con trai nên tôi được cưng chiều, thế nhưng số phận đã không mỉm cười, sau một trận ốm nặng năm 4 tuổi cậu bé bị bại liệt hai chân. Ngày ấy đang là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, gia đình tản cư vào xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá nên không có điều kiện chạy chữa, Trần Quốc Minh thành cố tật! Lên 6 tuổi cậu được cha mình dạy chữ, lại học lỏm các bài của cô em gái. Nhà thơ tâm sự: “Đến khi vào lớp một (hệ 10 năm) cha đèo xe đạp đưa tôi đến lớp hàng ngày. Học xong lớp 4 thì tháng 5 -1955 gia đình tôi hồi cư về Hải Phòng. Tôi xin vào học lớp đệ thất(tương đương lớp 5) cho đến khi tốt nghiệp cấp III tại trường cấp III Ngô Quyền Hải Phòng. Nơi đây nhà giáo Hà Thúc Chỉ (tức nhà thơ Thúc Hà) người thầy đầu tiên nhen lửa văn chương trong tôi. Thời gian học ở Ngô Quyền cha tôi thường xuyên đưa đón; có khi là em gái; có khi là bạn cùng lớp”
Năm 1962 Trần Quốc Minh đỗ ngành Văn trường Đại học tổng hợp. Khi cầm giấy báo trúng tuyển ông đã khóc, bởi đây còn là mơ ước của cả một dòng họ, nay đã thành sự thật. Học được hai tháng sau khi khám lại sức khoẻ chàng Minh quá yếu, nhà trường đưa ra nhiều lý do, cuối cùng giải quyết cho anh về. Trần Quốc Minh lâm vào tuyệt vọng, một nỗi tuyệt vọng tràn trề, vô bờ bến. Nhưng chàng trai đã vuốt nước mắt nghẹn ngào, nhìn cha mẹ và các em, nghĩ rằng họ chẳng có tội tình gì; Anh đã cố gắng sống. Sau đó, cuộc đời lại một lần mỉm cười với Trần Quốc Minh, khi chàng trai quyết tâm mua sách về tự học nghề kế toán hợp tác xã thủ công nghiệp, sau 6 tháng đi thi đỗ đầu ngành thủ công nghiệp Hải Phòng. Sau đó được bổ nhiệm làm kế toán trưởng Hợp tác xã may mặc xuất khẩu Hữu Nghị Hải Phòng. Những năm tháng đó, lương kế toán của chàng được 65 đồng là tươm lắm rồi, ngoài nuôi thân chàng đỡ cha mẹ nuôi các em ăn học. Tuy vậy, trong lòng Trần Quốc Minh lúc đó vẫn âm ỉ mạch văn, như ngọn lửa không bao giờ tắt. Ai đó nói cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Với Trần Quốc Minh, cánh cửa đại học đã đóng lại, nhưng bù lại có công việc, và sau đó sẽ là văn chương.
Đầu năm 1964 chi hội văn học nghệ thuật Hải Phòng thành lập. Trần Quốc Minh nghe nói đến nhà văn Nguyên Hồng làm Chủ tịch thì rất lấy làm nể phục.  Ông âm thầm làm ca dao rồi làm thơ, nhưng gửi đi chẳng nơi nào in. Và rồi, một điều may mắn, cũng là cơ duyên xảy đến. Trần Quốc Minh bùi ngùi nhớ lại: “Mùa hè năm 1965 có một người đến chỗ tôi làm việc, anh là cán bộ biên tập Sở Văn Hoá Hải Phòng; anh bảo có rảnh đi chơi với anh. Lúc đó là cuối giờ chiều tôi đi với anh. Anh bảo anh là Vân Long, vừa nhận được chùm ca dao gửi về Sở Văn Hoá, anh chọn đựơc 2 bài của tôi sẽ in tập Hải Phòng rực rỡ chiến công. Lúc ấy có hai niềm vui: một là được in bài đầu tiên, hai là được gặp nhà thơ Vân Long. Anh Vân Long chính là người đưa tôi đến với THƠ. Anh coi tôi như đứa em chịu nhiều thua thiệt, bảo ban tôi điều hơn lẽ phải, vẫn biết thơ thì không ai dạy được ai, nhưng được quen một nhà thơ tên tuổi, hỏi có hạnh phúc nào hơn”. Một năm sau(1966) nhà thơ Vân Long tặng Trần Quốc Minh tập tia nắng với lời đề tặng “Thân mến tặng Trần Quốc Minh một Tia nắng của cuộc đời mà mình ‘tóm’ được. Đợi ở Minh những buổi bình minh rực rỡ...”. Đó là một lời động viên, một sự hy vọng. Sự mong mỏi, giúp đỡ của nhà thơ Vân Long đã không uổng phí. Trần Quốc Minh đã không làm ông thất vọng.
Trong khoảng thời gian còn làm kế toán, năm 1977, thêm một niềm vui nữa đến với Trần Quốc Minh. Đó là một cô gái thường đến nơi ông làm việc để may áo. Bà con xã viên trêu đùa, gán ghép. Đùa thành thật, cô gái may áo đó đã thành vợ của ông từ nằm 1978 đến giờ, làm một người vợ thảo hiền, hay lam hay làm, hết mực thương chồng. Lại sinh cho ông một cậu con trai thông minh. Cậu con trai Trần Quốc Việt, ông đặt tên như vậy với ý nghĩ là họ Trần, nước Việt, là niềm hy vọng của cả một dòng họ. Năm 1990, bà Dậu vợ ông về mất sức. Bà không mấy quan tâm đến việc ông làm thơ viết văn, trừ khi đi lĩnh nhuận bút thay chồng. Ông Minh viết giấy ủy quyền, bà lên Hội Văn Nghệ xin xác nhận rồi ra Bưu điện lĩnh tiền. Nhà thơ nói về vợ mình, như một ân nhân của cả đời một người làm thơ bất hạnh. Hàng ngày lo cho chồng ăn sáng rồi đi chợ bán đậu phụ, ông Minh cứ đùa: “Em là Tây Thi đậu phụ của anh!” Ông yên tâm về “hậu phương” của mình, để chú tâm vào việc đọc sách và sáng tác.
3.Trong kháng chiến chống Mỹ, Trần Quốc Minh làm Bí thư Chi đoàn tiểu khu 14 từ đầu năm 1965 cho đến năm 1973. Đấy là thời gian giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc. Ngày ấy Hải Phòng như chảo lửa, đổ nát, đau thương, tang tóc. Trong không khí hừng hực ấy, sau mỗi trận đánh phá, cô phó Bí thư Chi đoàn đến đèo đồng chí Bí thư Trần Quốc Minh đi huy động đoàn viên thanh niên đánh dấu bom nổ chậm và giải quyết hậu quả. Với những thành tích trong kháng chiến; Năm 1985 ông Trần Quốc Minh được Nhà nước tặng huy chương kháng chiến hạng nhì. Đó là một niềm động viên lớn đối với một chàng Bí thư Chi đoàn đi lật đật xông ra chiến trường với biết bao hiểu nguy. Nhưng những chi tiết này, bè bạn ít người còn nhớ. Họ chỉ nhớ một nhà thơ tật nguyền làm thơ. Ngoài những tập thơ và văn in chung( Thành phố con tàu, Trồng nụ trồng hoa, Tuần hoàn của đất) nhà thơ Trần Quốc Minh cũng có những tập thơ in riêng như: Tôi chỉ mong (năm1995); Bắc cầu(năm 2000); Gió thổi từ biển(Trường ca- năm2006). Ông cũng đạt nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật như: Giải thưởng ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1996; Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm 1994-1995và 1996-1997; Giải ba truyện mi ni của tạp chí Tài hoa trẻ; Giải nhất cuộc thi thơ của người tàn tật Hải Phòng năm 1999. Bài thơ Bắc Cầu được triển lãm trong số 100 bài thơ của 6 nước Mỹ, Bra xin, Pháp, Úc, Việt Nam, Nhật Bản đã minh hoạ thành 100 bức tranh với chủ đề "Một trái tim, Một thế giới" năm 2000. Bức tranh Tình yêu của hoạ sĩ Thành Chương, minh hoạ cho bài thơ Bắc Cầu của nhà thơ Trần Quốc Minh, được Liên hợp Quốc chọn làm tem, phát hành trên thế giới năm 2001, năm quốc tế những người tình nguyện chia sẻ với những số phận bất hạnh, với số lượng 440.000 bản. Năm 2005, nhà thơ Trần Quốc Minh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi hỏi ông, văn chương đã đem lại điều gì, vì trên thực tế, có rất nhiều người bị văn “hành”. Trần Quốc Minh đủng đỉnh trả lời: “Đối với tôi văn chương như cứu cánh để tự khẳng định mình. Trong hoàn cảnh riêng văn chương đã nâng tôi lên để “Sống như một người bình thường”. Tôi rất yêu bạn hữu văn chương khi được chia sẻ, thông cảm, tôi lánh xa sự ghen ghét đố kỵ”. Có lẽ, người gắn bó với Trần Quốc Minh nhất là nhà thơ Vân Long. Suốt 44 năm qua biết bao biến đổi thăng trầm, tình cảm anh em giữa hai người không hề phai nhạt. Nhà thơ Vân Long là chỗ dựa tinh thần, có lúc cả vật chất, để Trần Quốc Minh có ngày hôm nay. Nhà thơ tật nguyền khẳng định vậy. Cha mẹ ông coi anh Vân Long như người anh cả trong gia đình. Và cũng chính Vân Long đã khuyên Quốc Minh lấy vợ, để có một người vợ thảo hiền.
Lúc này, tôi đang ngồi viết về ông, cũng là lúc nhà thơ Minh Trí gọi điện hỏi có cùng mấy anh em văn nghệ sĩ Hải Phòng đến thăm nhà thơ Trần Quốc Minh được hay không. Tôi xin phép, vì được xa xôi, hẹn sẽ trở lại  thăm Trần Quốc Minh sau, cùng với tập truyện mới của mình. Tôi nhớ lại, đọc những vần thơ ấn tượng của ông: “Em nhìn tôi như nhìn đi đâu/ Tôi nhìn em - vệt chân trời lùi mãi/ Dẫu biết người đi không trở lại./ Đàn một dây ngân lấy một mình” và thấy lạnh người. Chỉ mong ông mãi khỏe, để mở rộng thêm nữa kho tàng văn chương của mình
Nguyễn Văn Học
K8 Khoa Viết văn
Trường Đại học Văn hóa
ĐT 0904811719