Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đỗ Hoàng chập chờn cõi tỉnh cõi mê

Vũ Nho
Thứ bẩy ngày 14 tháng 3 năm 2009 7:54 PM


 Qua tập thơ  Nếu trái đất không còn chảy máu
   Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2008

 
 Khi đọc tập thơ Nếu trái đất không còn chảy máu, tôi cứ hình dung tác giả là một chàng trai biển khỏe khoắn, ngang tàng : “ Chế ngự những con sóng như trói những con trăn dài/Một mình anh thách đố cùng trùng khơi cao rộng/ Tấm ngực trần/ngày ngày đập tung từng tảng sóng” ( Chàng trai biển). Nhưng không chỉ có thế, anh ta còn là một kẻ l•ng tử, thích giang hồ và không ít mộng mơ. Chàng trai biển ấy “bềnh bồng giữa cõi si mê” ( Nhớ về), nhiều khi như một kẻ mộng du “Chân ngờ ngợ bước, tóc liêu xiêu bồng”
( Hồn hoa). Còn trong lòng thì chất chồng những mơ mộng,  khát khao, ước vọng, hoang tưởng… “ Thắc thỏm m•i bao nhiêu nuối tiếc” ( Em đồng quê)… Tỉnh và mê, mê và tỉnh cứ đan xen, lẫn lộn, nối dài theo những bước chân thi nhân trên đường đời làm nên  dáng vẻ, hồn vía, giọng điệu thơ Đỗ Hoàng.
 Đỗ Hoàng mê ấy là khi anh bị cái đẹp bỏ bùa, bắt vía. Con người thi sĩ đa đoan, đa cảm ấy giống như anh bạn lớp 9c “ quên chết/ Yêu đến lá là si mê” ( Bạn mới ra tù). Cảnh đẹp, rượu ngon, bạn tốt, mĩ nhân (nhất là mĩ nhân) thường làm cho mê man, đắm đuối. Sao không thể say mê được khi mang hồn l•ng tử, thi nhân trước cuộc đời ngồn ngộn, ngạt ngào những hương, những sắc. Này là sông Thao nao nức như người:
  Gió dâng hương gió, mây dâng sóng
  Tam Thanh thu chín lúa vàng mơ
  Sông Thao buông biếc làn tóc mộng
  Mai mảnh hình thương tự thuở xưa
    Bồi hồi sông Thao
Này đây Bà Rịa ảo huyền với phố với em:
  Sẵn trăng, sẵn gió, sẵn rượu, sẵn mây
  Phố khơi vơi hoặc huyền hồng thắm
  Bà Rịa em
  Chờ
  Có phải em chăng?
    Nhớ Bà Rịa
Này là mơ mộng cuộc tình trăm năm với “ mưa huyền diệu, gió vắn dài” của người có cái nhìn phù phép:
  Ơi người để lại ánh nhìn
  Cõi hoang đất đá hóa thành trăm năm
    Tình trăm năm
Thế rồi đắm đuối với Đêm áo trắng,(*) say mê với Tên em, mơ mơ mộng mộng với Người xa lạ, ngẩn ngẩn ngơ ngơ với Cần Thơ- Cầm Thơ, bay bổng lửng lơ Trên đôi cánh thiên nga theo vũ điệu dịu dàng như lụa như nhung. Bỗng nhiên lại lo lo lắng lắng, sợ sợ sệt sệt như một kẻ nhút nhát, rụt rè “sợ đến trăm điều” khi Bên em, bên vẻ đẹp ao ước :
  Tóc thương thương
  áo thương thương
  Bàn tay,
  ánh mắt,
  làn hương,
  dáng người
   Bên em
Cứ thế đi trong cõi mê, cũng là cõi mộng, cõi mơ : “Cõi mơ xa đến vô cùng” ( Cõi thực).  Sự mơ mộng làm cho thơ Đỗ Hoàng  có nét đắm đuối, long lanh những vẻ đẹp  mong manh, thánh thiện.
 Nhưng người thơ ấy không chỉ có mê, mà còn nhiều khi tỉnh. Khi tỉnh, khi không mê là khi đối mặt với cuộc đời, đau lòng với những điều trông thấy. Mà cuộc đời với một người đ• từng khoác áo lính thì  điều đau đớn, trăn trở nhất chính là chiến tranh. Cuộc chiến  vẫn chưa thể dứt, trái đất vẫn còn chảy máu, dù máu đổ đ• thành biển:
  Trái đất không một phút bình yên
  Máu muôn loài đêm ngày đang đổ
  Phía chân trời họng súng vẫn nhô lên
     Biển máu
Không thể không day dứt khi lên Vạn lí trường thành gặp nghìn đời biên ải:
  Chưa ở đâu máu xương người đọng lại
  Sâu như nguồn, cao như núi như non
  Đến cây lá cũng tím bầm sắc huyết
  Mà chiến tranh, binh lửa đang còn
     Lên Vạn lí trường thành
Nỗi riêng thăm thẳm của anh là băn khoăn về mẹ chân lấm tay bùn: “ Tóc mẹ bạc dần những đêm ít ngủ/ Nỗi lo nào cũng để về con!” ( Về mẹ), về những bà mẹ trong chiến tranh “ ngùi ngùi dáng mẹ/Tấm lưng còng giữa thành quách hoang sơ!” ( Trên Vạn lí trường thành). Niềm riêng ấy còn là những chuyện riêng công việc, áo cơm:
  Bao năm rồi tôi mỏi mòn lăn lóc
  Trên ba miền đất nước ngược xuôi
    Đường xin việc
Là chuyện thế sự nhức nhối:
  Một buổi vàng tăng giá mấy lần
  Loanh quanh giữa chiều ba mươi tết
  Khổ nghèo vô giá cũng tăng nhanh
  Bến xe, nhà trọ như hang cướp
    Quy Nhơn tức sự
Nhà thơ chì chiết những kẻ tàn ác hơn vua chúa phong kiến ( Thế sự), thương cảm con trâu gầy trên đồng đất Trung Hoa ( Con trâu gầy), ngậm ngùi về miếng cơm manh áo những người dân quê mình : “ Những bữa ăn sắn khoai, muối nhạt/ Cứ theo nhau nối tiếp ngày ngày” ( Ruộng đồng Trung Hoa). Máu hiệp sĩ nổi lên, có khi Đỗ Hoàng quyết liệt, bi phẫn :
  Ta bụi đời
  Ta hạt cát bỏ quên
  Ta tru, muốn gào lên vài tiếng
    Khách trọ
Anh hô to, gọi giật : “ Hỡi ai lương thiện! Có còn không?” ( Quy Nhơn tức sự).
 Như đ• nói trên, Đỗ Hoàng đi giữa cõi tỉnh cõi mê, anh nghiêng về mê hơn là tỉnh, anh nghiêng về mộng hơn là thực, nhưng những lúc tỉnh thức cũng là những lúc có bao nhiêu nỗi niềm cứ tưởng khuất lấp bảng lảng bỗng hiện ra chói gắt. Nó khiến người ta phải giật mình.
 Có thể nói sau nhiều năm lăn lộn, đối mặt với cuộc thế trần tục nhiều nỗi buồn, lắm niềm vui, Đỗ Hoàng đ• nghiệm ra nhiều điều. Trong số đó có phải là điều cơ bản này chăng?
  Vạn năm mọi chuyện cũ rồi
  Thế thì thôi, thế thì thôi mộng gì?
    Hư vô
Thế nhưng Chết khó, mà còn sống thì không thể không mộng mơ, không  thể không chấp nhận cuộc đời với bao vinh nhục, trái ngang, xấu tốt, trắng đen, phi lí của nó.  Bài thơ viết từ năm 1992, nhưng từ đó đến nay, Đỗ Hoàng vẫn bềnh bồng giữa cõi si mê, vẫn cặm cụi rút ngắn “Khoảng cách từ trái tim người đến trái tim tôi” (Khoảng cách) và gắng gỏi miệt mài “Làm mặn cho đời trong từng trang viết” ( Thi nhân).
      Hà Nội 11/10/2008
--------
(*) Những chữ in nghiêng là tên các bài thơ trong tập.