Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người gác chữ cho chồng

Nguyễn Huy Thắng
Thứ sáu ngày 13 tháng 3 năm 2009 10:43 AM
 
Cụ Trịnh Thị Uyên, người bạn đời của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã ra đi ngày 7-3-2009, hưởng thọ 89 tuổi. Cùng với sự ra đi của cụ, nửa phần còn lại của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã mãi mãi ra đi. Sống giản dị, khiêm nhường, nhưng chính cụ đã góp phần quan trọng làm nên sự nghiệp của chồng. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Huy Thắng, trưởng nam của cụ, để tỏ lòng tri ân với phu nhân một nhà văn tiêu biểu của nước nhà.
Những năm chống Mỹ, có một thời gian chúng tôi theo cơ quan mẹ sơ tán về một vùng đất Sơn Tây. Mẹ tôi làm ở Nhà xuất bản Văn học, bên cạnh công việc thủ quỹ còn được cơ quan giao thêm việc đếm chữ. Bấy giờ nhuận bút sách tính theo số chữ. Sách ra, có bản in thử, người ta sẽ cho đếm số chữ rồi nhân với mức nhuận bút được trả. Mức cao nhất là A1, khoảng hơn ba lăm đồng một trang tác giả (tức là một nghìn chữ); mức này rất hiếm khi được trả, mà cũng chỉ trả cho các tác giả lớn cấp lãnh tụ, hoặc cho những cuốn sách đặc biệt, cần được tôn vinh (như những cuốn Từ tuyến đầu Tổ quốc hoặc Sống như Anh..., nếu tôi nhớ không nhầm). Mức tiếp theo, A2, cũng là danh giá lắm, thường chỉ  trả cho những tác phẩm thực sự có giá trị về văn học của những nhà văn có “thương hiệu”, đâu như trên ba mươi đồng một trang tác giả. Tiếp đến là mức B1, trên hai mươi đồng, cũng chỉ dành cho những cuốn kha khá một chút, còn mức B2 mới là đại trà, được trả cho những cuốn “thường thường bậc trung”... Tuy thế, dù là mức nào thì vào thời buổi ấy, được in một cuốn ở Nhà xuất bản Văn học cũng là tốt lắm rồi, khi mà các tác giả, tác phẩm thường là phải “xếp hàng” hàng năm mới đến lượt được xuất bản hay tái bản, sau khi đã qua đủ các khâu xét duyệt mà khâu nào cũng đồng nghĩa với hàng tháng trời chờ đợi...
Mùa hè nóng nực, chúng tôi thường chờ tắt nắng một lúc là mấy mẹ con mang chõng, mang ghế ra góc sân gần vườn ngồi. Khi ấy trời đã dịu mát và còn đủ sáng để tranh thủ làm một cái gì đó. Tôi thì đọc sách (mẹ tôi làm ở nhà xuất bản, coi như “của nhà trồng được”). Còn mẹ tôi thì đếm chữ trên một bản in thử vừa mới được chuyển từ Hà Nội xuống. Bà ngồi hơi cúi người, bản in thử để mở trên đùi, một tay cầm bút chì, một tay chiếc quạt giấy. Cả hai tay đều làm việc liên tục. Tay quạt luôn phe phẩy trong khi tay bút liên tục đưa chiếc bút dò trên các hàng chữ, miệng nhẩm lẩm đếm theo. Năm, mười, mười lăm... bà cứ thế đếm từng năm chữ một, cho đến khi tròn một trăm thì dừng tay, gạch một nét mảnh ở sau chữ thứ một trăm đó. Đồng thời gạch thêm một nét ở ngoài lề, đậm hơn. Sau đó, bà sẽ đếm các nét ngoài lề đó, cứ mười nét thì bà lại gạch chéo một cái, để biết là đã được một nghìn chữ, tức là một trang tác giả... Cuối cùng, cộng các gạch chéo sẽ ra con số hàng nghìn, các gạch đậm ngoài lề sau cái gạch chéo cuối cùng sẽ ra con số hàng trăm, và đếm số chữ còn lại sau nét gạch mảnh cuối cùng sẽ ra con số hàng đơn vị. Rồi nhân lên với hệ số trang tác giả, sẽ ra số tiền chính xác đến từng chữ một. Mẹ tôi làm việc đó vô cùng cẩn thận, mỗi khi cảm thấy bị nhầm là đếm lại ngay, kẻo “để thiệt cho tác giả”, như bà vẫn nói. Tôi đọc mãi cũng mỏi, thỉnh thoảng ngừng đọc, ngẩng lên, vẫn thấy bà cặm cụi đếm, tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự cần mẫn của bà. Đôi khi thấy bà ngừng tay, dướn người ngồi thẳng dậy, vươn vai, vặn người, tôi mới biết bà cũng mỏi. Nhận thấy tôi đang nhìn vẻ dò hỏi, bà quạt với sang cho tôi mấy cái, chắc là nghĩ tôi nóng...
Bẵng đi một dạo, tôi không thấy mẹ tôi đếm chữ nữa. Tôi hỏi thì được bà cho biết bây giờ đã có thêm người đếm chữ ở dưới Hà Nội, không phải đưa lên nơi sơ tán nữa. Tôi mừng cho mẹ tôi bớt việc, nhưng lại tiếc thế là không được đọc “ké” các bản in thử nữa; dù chúng có lẫn các nét gạch chì giữa các hàng các chữ, lại chưa được đóng thành tập cho dễ mở dễ đọc thì cũng còn tốt chán so với không có gì mà đọc!
Nhưng rồi một hôm, tôi lại thấy mẹ tôi đếm chữ. Không phải đếm trên bản in thử, cũng không phải đếm cho một tác giả nào khác, mà chính là đếm cho... cha tôi. Đó là cuốn Bắc Sơn, vở kịch nổi tiếng của cha tôi hồi đầu Cách mạng, nay được tái bản. Khỏi phải nói mấy mẹ con chúng tôi vui sướng đến thế nào. Không chỉ niềm vui tinh thần thôi đâu, kèm theo đó sẽ là tiền nhuận bút, tuy không nhiều nhặn gì nhưng cũng thật quý báu đối với gia cảnh chúng tôi khi đó. Thấy mẹ tôi đếm chữ cuốn sách sắp ra trên một bản in cũ gia đình còn giữ được, thoạt đầu tôi cứ ngỡ bà sợ người ta đếm thiếu chữ của cha tôi, làm thiệt cho mình. Tôi liền gạt đi, bảo rằng chẳng ai đếm sai đâu, mà nếu có sai có thiếu đôi chút thì cũng cho qua cho nhẹ người. Mẹ tôi không nói gì, nhưng vẫn cặm cụi đếm, thỉnh thoảng lại ngừng tay, dướn người cho đỡ mỏi, quạt mạnh một hồi liền như cho bõ cơn nóng... Một tuần, hai tuần, rồi một tháng, hai tháng sau, sách của cha tôi đã ra, gia đình đã nhận được 10 cuốn bản quyền, còn lại là khoản nhuận bút mà cả nhà đều trông mong. Thế rồi cũng đến ngày mẹ tôi được mời lĩnh nhuận bút. Tôi nhớ hôm ấy đi học về, thấy mẹ tôi đang bày bàn thờ bố tôi, bên cạnh nải chuối to và lọ hoa hồng mới cắm, bà đặt cả mấy cuốn sách bản quyền và một tập tiền mà tôi đoán ngay là tiền nhuận bút cuốn sách. Không kìm được, tôi liền hỏi mẹ tôi: “Được bao nhiêu hả mẹ?” Mẹ tôi ngừng tay chỉnh lọ hoa, quay lại tôi nói, vẻ tươi cười nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng: “Sách bố con được xếp loại A2!”
Bấy giờ tôi mới hiểu ra. Mẹ tôi đếm chữ không phải lo nhuận bút sẽ được bao nhiêu, có bị tính nhầm tính thiếu gì không, mà là để biết sách của chồng mình được xếp loại gì. Nếu bị xếp loại thấp, hẳn bà sẽ buồn lắm, buồn và tủi cho chồng mình. Thật mừng cho chúng tôi, vở kịch Bắc Sơn của cha tôi mà khi ra đời từng được đánh giá: “Bắc Sơn mở ra một nền kịch mới”, “Bắc Sơn xứng đáng là vở kịch cách mạng thành công nhất từ trước tới nay” – đã được xếp loại A2, không phải mức cao nhất trong thang nhuận bút, tất nhiên rồi, nhưng là mức cao nhất có thể cho một tác phẩm văn học không thuộc loại thời sự!
*
*  *
Song không phải bao giờ mẹ tôi cũng được toại nguyện như vậy. Vài năm sau khi cha tôi qua đời, Nhà xuất bản Văn học làm tuyển tập kịch của ông. Đương nhiên trong các tác phẩm được tuyển chọn có vở kịch Vũ Như Tô. Vở kịch này của được xuất bản năm 1946, nhưng không in kèm lời Đề tựa, mặc dù cha tôi đã viết nó từ năm 1942, khi soạn xong lần đầu. Sau này, khi sách ra, ông mới dán lời Đề tựa được đánh máy lại vào một cuốn và mang theo suốt những năm kháng chiến. Được biết về tập sách, mẹ tôi liền giới thiệu lời Đề tựa vở kịch với nhà xuất bản và đã được chấp nhận. Như về sau bà kể lại với các con, bà rất thích cái lời đề ấy, đặc biệt câu kết: “Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm.” Thực ra, bà cũng không hiểu lắm ý nghĩa của những lời  ấy đâu, nhưng cứ nghĩ một khi chồng mình đã viết ra tất phải có lý do; khi ông còn sống nó chưa được in ra thì nay có điều kiện bà phải làm việc ấy! Vậy nên mẹ tôi đã thật bất ngờ khi gặp nhà văn Nguyễn Tuân, bà có kể lại sự việc thì bác lắc đầu nói: “ấy chết, sao chị lại dại thế. Bây giờ đâu đã phải lúc làm cái việc ấy”. Quả nhiên, sau khi sách ra, bà để ý người ta thường trích dẫn lời Đề tựa vở kịch để phê phán tác giả hơn là khen. Việc này quả đã khiến bà khổ tâm không ít, e rằng có khi mình làm hại chồng mình cũng nên. Bà chỉ thực sự yên tâm khi đến thời Đổi mới, vở kịch Vũ Như Tô được nhìn nhận lại, và cùng với nó là cái lời Đề tựa mà có người thậm chí còn cho rằng, đó là một phần hữu cơ không thể thiếu của tác phẩm.
Cũng trong mối lo bảo toàn di cảo của chồng mình, mỗi khi đi sơ tán mẹ tôi đều mang theo nhật ký của ông trong một chiếc va li nhỏ. Cho đến một lần, Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, không khí chiến tranh đặc biệt nghiêm trọng. Mẹ tôi lo ngại mình có bị làm sao thì nhật ký của chồng có thể lọt ra ngoài, trong đó có một số đoạn mà bà cho rằng rất không có lợi cho ông. Bà đành lấy kéo cắt đi những đoạn ấy cho được yên tâm. Nhưng như thể không đang tâm hủy bỏ một phần máu thịt của chồng mình, bà lại cất mấy mẩu cắt rời ấy vào giữa những trang bản thảo, giấy tờ khác của cha tôi. Về sau, khi soạn lại các tài liệu của ông, may sao tôi đã tìm được những mẩu ấy và dán lại vào các trang nhật ký. Tôi không chỉ mừng đã bảo toàn được nhật ký của cha, mà còn thật vui khi khoe với mẹ mấy trang nhật ký “châu về Hợp Phố” ấy, và thấy bà nâng niu như đón người thân trở về...
*
*  *
Mẹ tôi vốn không được học nhiều, mới chỉ học đến lớp bốn bổ túc. Nhưng do đọc nhiều lần các tác phẩm của cha tôi nên bà gần như thuộc lòng nhiều đoạn, nhiều câu. Năm 1972, tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô của cha tôi được tái bản. Nhận được sách bản quyền, mẹ tôi tức thì đọc ngay. Cuốn sách in trang trọng, bề thế, có cả ảnh tác giả. Ai nấy đều khen. Mẹ tôi đọc say sưa, mải miết, vẻ rất hài lòng. Nhưng rồi càng đọc, mẹ tôi càng tỏ vẻ băn khoăn. Đến lúc đọc xong, gấp cuốn sách lại, mẹ tôi có vẻ thẫn thờ. Tôi còn nhớ như in buổi chiều hôm đó, mẹ tôi gọi tôi lại, chỉ cho hai chỗ đánh dấu. Chỗ đầu ở ngay đầu sách, chỗ thứ hai ở gần cuối sách. Mẹ tôi bảo, như bà nhớ thì ở lần in đầu đoạn cha tôi tả đám đông tản cư ở chương 2 có cảnh một cụ già ốm yếu cõng một đứa cháu quặt quẹo chít khăn đại tang lê bước về phía ga. Còn ở chương 18, đoạn tả dòng suy nghĩ của nhân vật chính Trần Văn trong lúc gác đêm một ngày trước hôm Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, có một câu mà bà rất thuộc: “Chiến tranh đang đến, vô lý như một định mệnh”. Thế mà nay đọc lại, không thấy hai đoạn ấy đâu cả. Tôi cũng đọc đi đọc lại để kiểm tra, cũng không thấy thật. Tức thì mẹ tôi đến nhà xuất bản nêu thắc mắc. Bà được giải thích rằng bây giờ đang lúc chiến tranh, hai chi tiết đó không có lợi cho bạn đọc, nên biên tập viên đã cắt bỏ. Việc đã rồi, mẹ tôi chỉ còn biết yêu cầu, lần sau những việc như thế các anh phải báo cho tôi biết chứ...
Buổi tối cả nhà ngồi ăn cơm, mẹ tôi kể lại chuyện mà giọng vẫn còn run run xúc động. Rồi bà nói, như tự bảo mình mà cũng như nói với chúng tôi: Bao giờ in lại, phải bảo người ta lấy lại mấy chỗ ấy mới được.
Điều này, may sao chúng tôi đã thực hiện được sau ngày hòa bình lập lại, khi Nhà xuất bản Văn học làm Tuyển tập và sau đó là Toàn tập của cha tôi!
*
*  *
Đã có nhiều đổi thay diễn ra trong nghề xuất bản. Từ in ti-pô chuyển sang in ốp-xét. Từ sắp chữ chì đến chế bản điện tử. Từ nhuận bút tính theo trang tác giả chuyển sang tính theo giá bìa... Các sách của cha tôi cũng lần lượt được tái bản, nâng cấp, nhiều cuốn thật sang trọng, bề thế. Gia đình chúng tôi cũng có điều kiện ở tốt hơn nên đã lập một góc lưu niệm cha tôi. ở đó chúng tôi bày những cuốn sách cũ, mới của ông, đương nhiên trong đó có những cuốn bề thế, trang trọng như tôi vừa nói. Nhưng quý nhất trong số đó, đối với gia đình chúng tôi, là cuốn Bắc Sơn in năm 1946 được mẹ tôi dùng đếm chữ ngày nào. Quý vì thời điểm xuất bản đã hơn sáu mươi năm đã đành, lại càng quý hơn vì ở đó có các nét bút tích của mẹ tôi. Đặc biệt hơn nữa là cuốn nhật ký có những trang cắt dán như trên đã nói. Một trong những trang ấy đã được gia đình chúng tôi dùng làm phụ bản cho bộ Nhật ký của cha tôi mới xuất bản thời gian gần đây. Tất nhiên nó đã được sao chụp lại nguyên dạng, với vết cắt dán có thể gây khó hiểu cho bạn đọc. Với kỹ thuật vi tính, người ta hoàn toàn có thể “tẩy” cái vết cắt dán ấy đi. Nhưng tôi đã yêu cầu giữ nguyên như một chứng tích về sự lao tâm khổ tứ của mẹ tôi – người gác chữ cho chồng mình...
Chú thích ảnh:
Bà Trịnh Thị Uyên và các con, ảnh chụp cuối năm 1958 để gửi cho ông Nguyễn Huy Tưởng bấy giờ đang đi thực tế ở Điện Biên.
(Nguồn: Văn nghệ)