Trang chủ » Truyện

CÂY LỘC VỪNG “ĐI ĐÊM”

Trần Thị Nhật Tân
Chủ nhật ngày 24 tháng 7 năm 2011 5:33 AM
Truyện ngắn 

          1 - Anh nhà thơ xóm ra về. Còn lại quan thơ và đồ đệ trung thành tiếp tục mời mọc nhau. Quan thơ xẻo cái thủ gà mời đồ đệ:
          - Chú mày nhắm cái thủ gà cho đầu óc thêm sáng láng!
          Đồ đệ đã ngà ngà say. Cái mặt to bự, sần sùi gân guốc, khinh bạc, mắt trâng tráo:
          - Ông anh câu được con cá sộp!
          - Sộp cái con khỉ! Nhà hắn nghèo kiết xác.
          - Kiết xác. Sao lần nào ra thăm anh, hắn cũng mang quà quê? Khi đỗ xanh, đỗ đen, khi con gà trống ta nuôi thóc béo vàng. Lần nào ông anh cũng nháy di động gọi em đến... kê kích cho hắn phổng mũi và... tiếp tục cung cúc ông anh.
          Mồm quan thơ nhồm nhoàm thịt gà, nói:
          - Thì anh đã bảo chú rồi! Tay nhà thơ xóm này mê cái danh “Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh” lắm. Vậy nên hắn thì thụt đến anh, xin anh giúp cho vào Hội.
          Đồ đệ quan thơ tợp cạn chén rượu, tay quệt ngang mép:
          - Rượu quê hắn tuyệt! Anh đọc thơ hắn thế nào? Liệu có kết nạp được không?
          - Chú mày dốt! Dù thơ có kết nạp được thì ta cũng bảo phải từ từ... cố gắng viết... cố gắng ra một tập. Hắn phải đi lại, đem thơ cho mình đọc, mình sửa. Hắn phải chịu ơn mình đã chứ!
          Đồ đệ vỗ đùi đánh đét:
          - Trời! Ông anh cao thủ hơn em! Thằng em tưởng tay thơ xóm này, lọc cọc đạp xe hàng năm trời đi lại khổ sở với anh, thế là kết thúc được rồi.
          - Chú mày giỏi nghề tống tiền, ăn bậm quen rồi. Còn anh, đường đường là một quan thơ, có cóc khô gì mà gậm nhấm? Thi thoảng vớ được một anh thích cái danh hão, chẳng biết để làm gì. Nhưng hắn cắm đầu cắm cổ lo lót, chạy cho bằng được cái danh “Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật”. Tội gì mình không nhẩn nha gậm nhấm?
          Trời đã nhập nhoạng, hai kẻ say cứ rót rượu chúc tụng nhau. Khi can rượu đã cạn, hai gã say mèm. Kẻ nằm dưới đất, người ngồi ngửa ra ghế tựa ngáy khò khò...
          Vợ quan thơ đi về, nhìn cảnh chồng với đồ đệ của chồng bét nhè, tức lộn ruột. Thị lu loa:
          - Chồng ơi là chồng! Khổ thân tôi không? Cả ngày tôi còng lưng ngoài chợ Rồng. Chồng ở nhà rượu chè be bét. Mâm xương gà to thế kia chứ! Tiền ở đâu ra? Hả? Hay thơ ông in báo, tiền nhuận bút không đưa tôi?
          Thị đá vào chân chồng. Quan thơ mở mắt ngơ ngác:
          - Ơ... Làm gì nói to thế?
          - Tôi hỏi ông, tiền ở đâu ông mua gà? Hả?
          Quan thơ tặc lưỡi:
          - Gà của nhà thơ xóm mang ra đấy. Nó vẫn biếu đỗ lạc, đỗ xanh mình ấy.
          - Ông tệ thật! Vậy mà ông với thằng đồ đệ nốc hết con gà trống to thế kia à? Không để phần vợ con à? Cái đồ đồ... Ơ, nó chuồn lúc nào ấy nhỉ. Lúc tôi về, thấy nó nằm xoài dưới đất cơ mà. Cái thằng ma quái!
          Quan thơ móc túi, xì xấp tiền vào mặt vợ:
          - Nó ma quái mới lừa được kẻ ngốc trong thiên hạ, mình mới được sái. Đây! Tiền nó biếu “quan bà”!
          Vợ quan thơ chộp ngay nắm tiền, cười hi hí:
          - Còn quan ông, cứ lờ việc làm mờ ám của thằng quái?...
         
2 - Tại nhà thơ xóm. Hai vợ chồng đang chọn lạc ở sân. Những củ mẩy để riêng một đống. Vợ thơ xóm mừng vui nói:
          - Năm nay sản lượng đỗ lạc nhà mình gấp rưỡi năm ngoái ông ạ.
          - Thì mình chăm bón nhiều phân chuồng, vun xới đúng kỹ thuật, năng suất phải cao chứ.
          - Tôi bàn với ông, mình phơi săn giòn, bọc bao ni lông  để cuối năm bán được giá. Tết, vợ chồng con Hồng về chúc tết, mình cho thằng cháu ngoại ít tiền mua giấy bút. Năm nay cháu vào cấp ba rồi ông ạ.
          Anh thơ xóm ậm ừ mồm. Còn trong đầu đang nhẩm tính số đỗ lạc này, từ nay đến cuối năm sẽ chia đều ra cho mỗi lần đến thăm quan thơ. Hôm rồi, mình mang con gà trống cồ to thế, quan thơ ngại ngần không muốn nhận. Mình nói mãi quan thơ mới đồng ý cho mình làm con gà, luộc lên cùng chén. Vừa lúc dọn mâm, đồ đệ quan thơ đến. Trông hắn bặm trợn dữ tợn. Lần đầu mình gặp hắn. Nhưng hắn mến mình ngay. Hắn còn nói quan thơ nên sớm kết nạp mình vào Hội Văn học Nghệ thuật. Hắn khen thơ mình hay, còn hơn ối anh đang là hội viên kia. Giọng hắn cứ như dao băm thớt. Trong bữa rượu, quan thơ luôn nhắc mình từ nay đừng đem gà vịt lôi thôi. Chỉ túi đỗ lạc như mọi khi, rang lên nhắm rượu, đơn giản gọn nhẹ. Trông bề ngoài, cái mặt sắt đen xì, dáng đi đĩnh đạc oai vệ, mình tưởng quan thơ khó tính. Nhưng ngồi nói chuyện, mới thấy quan thơ xuề xòa...
          - Ông khiêng hộ tôi bao lạc với!
          Mải nghĩ, anh thơ xóm không để ý vợ đã buộc túm đầu bao lạc từ khi nào.
          Khiêng xong mấy bao lạc lên gác bếp, anh thơ xóm vớ ấm tích chè tươi, rót uống liền hai bát. Trong đầu anh nhẩm tính: sáng mai, chờ cho vợ sang giúp việc bên ngoại, mình tranh thủ đạp xe lên phố xem tập thơ in ấn đến đâu.
          Tối mịt ngày hôm sau, vợ thơ xóm mới về. Vừa bước chân vào sân, vợ anh thơ gọi toáng lên:
- Bố nó đâu rồi? Sao nhà im ắng thế?
          - Đây! Tôi đang cho lợn ăn đây!
          - Ôi chao, sao hôm nay bố nó chịu khó thế. Bố nó ơi, ra tôi bàn.
          - Bàn gì thì để ăn cơm tối. Tôi đang cho lợn ăn dở tay.
          Vợ anh thơ xóm đon đả đến bên chồng nhỏ nhẹ:
          - Bố nó này, mai bố nó rút sổ tiết kiệm mười triệu cho bà ngoại vay. Hai tháng nữa cậu nó ở trong Nam đem ra trả.
          Anh thơ xóm tái mặt, nhưng trấn tĩnh nói:
          - Mượn mượn cái gì? Nhà mình nghèo nhất họ. Gần chục năm trời tôi ốm o, chẳng làm được gì. Giờ tích cóp mấy lứa lợn, gặp thời giá leo thang vù vù, mình được mươi triệu.
          - Thế nên tôi muốn bàn với bố nó. Đằng nào mười triệu gửi tiết kiệm, để sang năm nhà mình gom góp thêm, sửa cái mái ngói dột nát. Nay bà xây nhà, chỉ còn thiếu gạch lát nền là xong. Cậu gọi điện bảo bà vay tạm. Hai tháng nữa cậu mang tiền về trả, không sai hẹn.
          - Không vay vo gì sất. Cứ để tiết kiệm nó nảy nở.
          Vợ anh thơ nài:
          - Bà bảo vay mấy tháng, bà trả lãi như ngân hàng, không thiếu một cắc. Mất tí nào mà nỡ không cho bà vay tạm?
          - Tôi đã bảo không là không mà lại.
          - Ơ, bố nó hôm nay khùng khùng thế? Tính ông vốn hiền lành cơ mà. Của chồng công vợ. Mấy lứa lợn chỉ tôi chăm là chính, mấy khi ông cho nó ăn? Lâu nay ông dở chứng, chỉ thơ thơ thẩn thẩn cả ngày. Sáu mươi tuổi, vào Hội Người cao tuổi rồi, ông còn đạp xe lọc cọc đi phố. Tôi lo xảy ra tai nạn lắm.
          Anh thơ xóm lặng ngắt nghe vợ ca cẩm. Thấy vợ bỏ vào nhà, anh thở phào nhẹ nhõm. Anh chạy ra ao vơ mảng rau muống ném vào cho lợn nhai. Bỗng vợ gọi giật:
          - Bố nó! Bố nó vào đây! Nhanh lên! Vào tôi bảo tí!
          Nghe vợ gọi giật, vẻ hốt hoảng, anh thơ xóm vứt nắm rau ngoài sân chạy vào. Vợ anh nắm tay thì thầm:
          - Mất sổ tiết kiệm rồi!
          - Mất thế nào được.
          - Ừ nhỉ! Trộm có lấy sổ, nhưng không có chứng minh thư thì rút tiền thế nào được? Vậy ông cất đi đâu?
          Anh thơ xóm ấp úng:
          - Tôi, tôi cất chỗ khác.
          - Cất đâu ông đem ra đây tôi xem. Sáng mai ông đi rút tiền về sớm, tôi mang sang cho bà vay. Con cái gì, có sổ tiết kiệm, mẹ già ngoài tám mươi làm nhà vay nóng hai tháng không được. Ông muốn phạm tội bất hiếu à?
          - Để mai tôi tìm.
          - Không mai mốt gì hết. Tôi nhận nhời với bà rồi.
          - Nhưng...
          - Ông này lạ nhỉ, ông phát rồ hay sao. Ông đưa ngay sổ tiết kiệm ra đây. Không thì tôi hỏi ông từ giờ cho tới sáng mai.
          Thấy khó chối quanh, anh thơ xóm đành kéo vợ ngồi xuống thềm, thú thật đã rút mười triệu tiết kiệm đem in tập thơ rồi. Vợ anh thơ lặng ngắt nghe, lặng lẽkhóc như mưa. Một lúc lâu, vợ anh thơ nói tức tưởi:
          - Ma sui quỷ khiến hay sao, mà ông vác mười triệu đi in tập thơ như vậy? Sách in ra, ông đem cho, chắc gì người ta đọc thơ ông như dưa khú ấy? Mồ hôi nước mắt, công sức của vợ mấy năm trời. Một thoáng, ông ném mười triệu vào đống lửa. Ông không thèm bảo tôi một câu xem sao. Trời ơi!...
          Biết lỗi, anh thơ xóm nịnh vợ:
          - Thì từ nay bà để tôi chăm lứa lợn này, lứa lợn khác bù vào. Tôi chỉ in tập thơ một lần này thôi. Vì theo quy định, phải có tập thơ mới được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Tôi vào Hội được tiếng danh giá nhà thơ, bà cũng thơm lây.
          - Thơm tôi chả thấy, chỉ thấy thối. Tôi hỏi ông, được cái danh hão ấy ông để làm gì? Có ra tiền, ra nhà cửa, ra lúa khoai được không? Như mấy ông bà nghỉ hưu, buồn tình mới rủ nhau làm thơ. Họ ngâm nga cho nhau nghe để giết thì giờ nhàm chán. Mình nông dân, cổ cày vai bừa, đầu tắt mặt tối chưa đủ no, đua đòi hão.
          - Thôi, tôi chót dại rồi, bà nó thương tôi, đừng nói nữa.
          - Chót dại! Rồi ông lại đến cái dại khác cho mà xem. Ai đời, dám vác đi mười triệu in tập thơ. Giá như độ ba bốn triệu, nghe còn đỡ xót. Ông in kiểu gì mà đắt thế?
          - Quan thơ bảo in một tập thơ phải qua nhiều khâu lắm. Nào ban biên tập đọc duyệt này. Mua giấy phép in này. Có giấy phép mới đến nhà in này. Một tháng sau mới in xong. Nói chung, in một tập thơ phải qua nhiều khâu lắm. Đoạn nào cũng phải chi tiền. Đây là quan thơ làm giúp. Chứ mình tự lo lót, in ra tập thơ, phải mười lăm triệu cơ.
          Vợ ông thơ xóm gạt đi:
          - Từ nay tôi cấm ông lên phố gặp quan thơ. Ông cứ đi sinh hoạt tổ thơ xóm cho vui tuổi già, tôi đồng ý. Mấy năm nay ông đi nhiều, gầy rạc đi. Không khéo lại quỵ xuống thì khổ.
          Bữa cơm tối ấy ảm đạm. Hai vợ chồng thơ xóm chẳng ai nói một câu. Vợ anh ta không khóc thành tiếng, nhưng nước mắt cứ chảy ròng ròng vào bát cơm. Bà cố nuốt cho xong bát cơm, buông đũa đi nằm.          

3 - Chờ đợi mong mỏi mãi từ đầu năm con hổ Canh Dần, đến một ngày cuối năm ấm áp, anh thơ xóm mới nhận được tin vui. Tiếng máy điện thoại reo. Ở đầu dây bên kia, tiếng ông quan thơ léo nhéo rằng: Ban lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh quyết định kỳ họp Bộ môn Thơ lần này, sẽ bỏ phiếu kết nạp anh. Nghe tin vui vào ban trưa hửng nắng, bầu trời tíu tít cánh én xuân chao lượn, lòng anh nhà thơ xóm khấp khởi mừng thầm. Anh tức tốc phóng xe ra phố gặp quan thơ. Khi đi, anh không quên đem theo chút quà quê, gọi là “cây nhà lá vườn” để nhâm nhi với quan thơ như những lần trước.
          Ba giờ chiều, nhà thơ xóm hớn hở lượn xe sóng đôi cùng quan thơ về nhà. Cổng khóa, vườn hoa cây cảnh rộn tiếng chim hót vui tươi. Anh đoán: chắc vợ đang lóp ngóp ngoài đồng che cho mạ khỏi bị cơn rét chiều mai đang tràn về. Anh lấy trà ngon, phích nước pha mời khách. Anh ra sân, thấy quan thơ đang mê đắm trước cây hoa lộc vừng. Hai tay quan thơ chắp sau lưng, đôi mắt rắn liếc lên liếc xuống, từ ngọn đến gốc cây lộc vừng. Anh thơ xóm sững người. Nhịp tim anh đập dồn. Anh nhớ lại ông cụ trước lúc tắt thở. Ông cụ tay run run nắm tay anh dặn:
          - Con ơi!... con chăm cây lộc vừng cẩn thận con nhá. Đời con chắc sẽ khá hơn đời nô lệ của cha. Cả đất Thiên Bản này, chỉ có cây lộc vừng của cha là quan huyện để mắt đến. Oai quan huyện, cả vùng này chả ai không biết tiếng. Quan đã thích đồ vật của ai thì quan đoạt cho bằng được. Mỗi khi quan ghé qua xóm nhà, có nhã ý vào liếc cây lộc vừng, cha liền cầm cuốc ra vườn sau lánh mặt.
          Con ơi!... vụ mùa năm ấy sâu bọ ăn trụi lúa. Cha không đủ thóc nộp thuế. Quan huyện có trát gọi cha lên hỏi tội trốn thuế. Quan nói:
          - Cái hôm quan đi qua nhà mày xem cây lộc vừng, thì mày lại lánh mặt quan. Nếu như lúc ấy mày biết điều, gá mẹ nó cây lộc vừng thay vào suất thuế, có phải hay bao nhiêu không?
          Rồi quan quát:
          - Lính đâu! Gô cổ thằng này lại, tống ngục!
          Cha chợt nghĩ: “Của đi thay người” liền chắp tay lạy quan:
          - Bẩm lậy quan!... con... con xin biếu quan cây lộc vừng...
          Con biết không, cha tiếc của thì ít nhưng tiếc công mình tạo dáng, uốn nắn công phu nhiều năm mới có cây hoa lộc vừng đẹp. Vậy là cha ra sức chăm sóc cây lộc vừng này, tạo dáng còn đẹp hơn cây xưa. Đời con, đất nước hòa bình, chẳng còn quan huyện áp bức bóc lột như thời cha. Con hãy chăm chút cây lộc vừng để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng con nhé!...
          Năm tháng đã qua rồi. Cho đến hôm nay, ai vào nhà anh thơ xóm đều không ngớt lời khen cây lộc vừng đẹp. Gốc nó xù xì cổ thụ. Thân cây khù khoằm sương gió. Cành cây xòe tán như bóng mây lướt qua, những chuỗi hoa buông lả lơi như tóc cô gái quê nhẹ bay trước gió. Anh thơ xóm chủ vườn thấy quan thơ tỉnh lẻ này ngơ ngẩn ngắm cây hoa lộc vừng nhà mình. Anh biết ngay cây hoa đã có sức làm mê hồn bất cứ ai nhìn thấy nó.
          Chủ vườn tính toán: Cây lộc vừng này nếu đem bán chợ hoa tết, xoàng ra cũng trên chục triệu. Nhưng cây lộc vừng của gia bảo. Trước khi nhắm mắt, ông cụ đã dặn... nhưng... anh thơ xóm tặc lưỡi, nảy ra một quyết định táo bạo. Anh chợt nhớ đến câu nói của nhà thơ nào trong một tờ báo: “Người làm thơ phải chớp lấy thời cơ. Khi anh bắt được cái tứ rồi, phải cầm bút viết ngay. Sau đó anh gọt giũa từ ngữ... hoàn chỉnh sau...”. Phải rồi!... mình bắt lấy thời cơ!...
          Tối mịt, vợ nhà thơ xóm làm đồng về, giật mình hỏi chồng từ ngoài cổng:
          - Ơ mình ơi! Cây lộc vừng nhà ta đâu rồi?
          Anh thơ xóm ậm ừ, bỗng nảy ra câu nói dối vợ:
          - Tôi, tôi, cho anh bạn mượn, chơi mấy ngày tết mà!...
          - Mượn, mượn cái gì? Cây hoa của gia bảo, cốt ngày tết bà con họ hàng đến chúc năm mới, mọi người ngắm hoa, tưởng nhớ cụ.
          Anh nhà thơ xóm gạt đi:
          - Thôi bà vào bếp nổi lửa, tôi đói rồi!
          - Ơ ông này hay thật! Ở nhà cả ngày mà ông không thổi cơm à?...
          Thổi xong cơm bước ra sân, vợ anh thơ xóm túm tay chồng hỏi:
          - Tôi hỏi ông, có mười một bao đỗ lạc. Sao hôm nay tôi đếm, chỉ còn chín bao? Ông khuân đi đâu lắm thế? Ông cứ như con chuột đục khoét cái nhà này vậy?
          Anh thơ xóm cười xoa dịu:
          - Thì hôm nọ in xong tập thơ, mình không có phong bì cảm ơn thì thay bao đỗ lạc, đáng là bao!
          - Chết chửa! Thời giá leo thang. Ông biết một cân lạc giờ bao nhiêu không? Sáu mươi nghìn cân nhân. Mỗi bao của mình gần hai mươi cân đấy. Ông ăn hại quá đấy! Ông điên rồi. Thơ với chả thẩn.  
          4 - Chiều ba mươi tết, tại nhà quan thơ trên phố. Quan thơ nói với vợ:
          - Mình này, phải thuê xe chở cây lộc vừng đi đêm nay, trả anh nhà thơ xóm thôi.
          Bà vợ ngớ ra:
          - Ông không điên đấy chứ? Cây lộc vừng đẹp như thế. Bạn thơ ông, bạn khối phố, ai đến ngắm hoa cũng khen cây hết lời. Giờ ông lại nói thuê xe chở cây lộc vừng đi đêm ba mươi, trả người cho thì kỳ quá!
          - Bé mồm chứ! – Quan thơ hạ giọng – Mình hứa với nó cuộc họp bộ môn cuối năm sẽ bỏ phiếu kết nạp hắn. Mình đã vận động, anh em nhất trí cả rồi. Không ngờ khi bỏ phiếu thì hắn chỉ được non nửa phiếu, thế có khổ tôi không chứ!
          - Hắn không được anh em bỏ phiếu kết nạp vào hội viên, thì liên quan gì đến ông? Sao ông bảo tay nhà thơ xóm này vì mê thơ mà gán cho ông cây lộc vừng, để đổi lấy suất hội viên tỉnh lẻ cơ mà!
          - Đúng thế! Nhưng giờ hắn không được kết nạp vào Hội, mình phải đem trả.
          - Không trả. Cây lộc vừng này đáng giá mấy chục triệu. Biết thế này, hôm rồi có người năn nỉ mua hai chục triệu, tôi bán quách cho xong. Được món tiền hời.
          Quan thơ nỉ non:
          - Em thương anh. Muốn anh còn tồn tại cái ghế quan thơ vài khóa nữa, để hưởng bổng lộc lâu dài, phải để anh đem trả cây lộc vừng cho anh nhà thơ xóm kia. Nếu chuyện vỡ lở, anh còn mặt mũi nào thi thố nữa? Vì thế, anh phải cho cây lộc vừng này đi đêm, để tránh những con mắt của đám thơ.
          Vợ quan thơ thở dài não nuột:
          - Thế này thì mình lỗ à?... Lúc nó đưa cây đến nhà mình, mình không mất tiền xe. Giờ mình đem trả cây, phải bỏ tiền thuê xe thì lỗ quá!...
          5 - Trở lại nhà thơ xóm. Chiều cuối năm giá buốt. Nghe điện quan thơ báo tin buồn, anh thơ xóm thẫn thờ như người mất hồn. Có lúc, miệng anh bật ra từ “thằng!... thằng!...”. Vợ anh đoán anh có chuyện gì buồn bực lắm. Anh vốn tính hiền lành, chẳng thù ghét ai bao giờ, dù ai làm điều gì xấu với anh, anh cũng không oán ghét họ. Năm hết, tết đến nơi rồi. Chỉ còn vài tiếng nữa đến giao thừa, mà chồng rầu rĩ thế kia. Vợ nhà thơ xóm lẳng lặng dụi củi nồi bánh chưng đang sôi sùng sục. Chị cầm chổi quét nhà, quét sân sạch sẽ...
          Gần đến phút giao thừa, nghe tiếng ô tô ngoài cổng, vợ nhà thơ xóm reo lên:
          - Nhà nó ơi!... ra đón khách xông nhà mình! Năm nay nhà ta có lộc to rồi!... Khách xông nhà đi ô tô, sang quá!...
          Nhìn thấy quan thơ bước xuống xe, anh nhà thơ xóm há hốc mồm.
          Quan thơ nhăn nhở cười:
          - Anh chị thông cảm... cây hoa quý chúng tôi không biết chăm, sợ nó tàn lụi đi. Xin gửi lại anh chị chăm sóc...
          Anh thơ xóm chưa biết nói gì với cái tay lá mặt lá trái này, thì vợ nhanh nhảu nói:
          - Vâng! Thưa bác, cây lộc vừng về xông nhà em lúc giao thừa là may mắn! Năm nay, nhà em nhiều lộc như cây hoa này. Năm Con Mèo, nhà em sạch bóng chuột đục khoét thóc ngô đậu lạc đỗ bác ạ!...
          Tiếng súng bắn pháo hoa mừng xuân mới từ thành phố vang rền. Những chùm pháo hoa muôn màu sắc nở tung trên bầu trời, giống những chuỗi hoa lộc vừng gia bảo của chủ vườn.
          Nhà thơ xóm xúc động nắm tay vợ vào lễ tổ tiên...
                                       
Ngày mồng Một xuân Tân Mão 2011