Trang chủ » Tin văn và...

Thước núi, tấc sông

Lê Thanh Phong
Thứ ba ngày 10 tháng 3 năm 2009 2:59 PM
 
Lao Động số 51 Ngày 09/03/2009 Cập nhật: 7:52 AM, 09/03/2009 
 
(LĐ) - Ngày 4.3 tại Hà Nội, Ban thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQVN và Quân chủng Hải quân đã thống nhất các biện pháp tuyên truyền về biển, đảo tới các tầng lớp nhân dân.
Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đảo kết hợp giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của tổ quốc.

Vùng biển rộng và hàng trăm hòn đảo lớn - nhỏ đã được cha ông khai phá. Quá trình dựng nước, mở nước và giữ nước hùng tráng đó đã được lịch sử ghi, chứng minh đầy đủ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của VN đối với biển đảo, trong đó có biển Đông, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sự thực không thể chối cãi đó vẫn đang bị các quốc gia khác không thừa nhận, vẫn đang phải đàm phán, thương lượng và chờ đợi một cách giải quyết công bằng, trên cơ sở hoà bình và tôn trọng lẫn nhau.
Sự thực đó cũng cần phải được toàn thể công dân của nước VN biết đến. Không phải chỉ biết như một kiến thức địa lý thông thường, mà phải bằng nhận thức về lịch sử quốc gia, dân tộc gắn liền với lòng yêu nước.
Chúng ta đã tuyên truyền về biển đảo nhưng chưa thấm sâu vào hồn các thế hệ thanh niên học sinh, để toàn dân nhận thức về những mảnh đất tiền tiêu xa xôi đó là một phần máu thịt. Chúng ta cần lưu tâm sâu sắc việc giáo dục, tuyên truyền về biển đảo.
Môn học địa lý trong nhà trường cần phải tăng cường nhiều hơn kiến thức về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó có dân số, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng.
Môn học lịch sử cần phải dành thêm những bài học nói về công cuộc mở nước ra biển Đông, với Hải đội Hoàng Sa từ thời nhà Nguyễn.
Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi rõ những chiến công mở cõi của cha ông, lịch sử hiện đại còn đó những trận đánh anh dũng và sự hy sinh của biết bao người lính để giữ gìn biển đảo.
Lịch sử có máu xương, nước mắt mới có sức lay động lòng yêu nước, mới ghi lòng tạc dạ con cháu mai sau.
Các nhà viết kịch, dựng phim hãy dành tâm huyết nhiều hơn để sáng tạo thêm những tác phẩm nói về cha ông đã giã từ đất liền ra đi khai phá những hòn đảo giữa mênh mông trùng dương từ xa xưa để cắm mốc chủ quyền làm phên giậu phía đông cho tổ quốc.Phải công bằng mà nói, chúng ta đã chưa làm được nhiều việc khắc cốt ghi tâm các địa danh biển đảo cho tất cả công dân. Tuyên truyền về biển đảo không phải bằng những thông tin khô khan, những câu khẩu hiệu dễ nhớ chóng quên, mà là khơi dậy những thao thức về tình yêu lịch sử, suy nghĩ về giống nòi.
Xin hãy đưa lời của Vua Lê Thánh Tông nói với triều thần vào trong sách giáo khoa lịch sử, để cho học sinh ghi nhớ nằm lòng - rằng: "Ta phải giữ cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy một phân núi, một tấc sông của Vua Thái Tổ để lại".
Lê Thanh Phong