Trang chủ » Tin văn và...

Tôi viết thế vì tôi... không tin!

Nguyễn Hòa
Chủ nhật ngày 8 tháng 3 năm 2009 6:27 PM
 
(Một phần bài viết này đã đăng trên Thể thao & Văn hoá ngày 8.3.2009)
 
Quãng chục năm trước, đọc cuốn Cảm luận văn chương của Nguyễn Trọng Tạo (NXB Văn hóa - Thông tin, H.1998) thấy ông ta kể: “Vào trường Đại học Viết văn Nguyễn Du khóa 1, còn mấy tháng nữa thì mãn khóa, lại bị quân đội buộc thôi học đi nhận nhiệm vụ mới” (Sđd, tr.330), tôi thắc mắc không biết tại sao quân đội lại đối xử như thế. Tò mò đi hỏi, không rõ thực hư thế nào, có người bảo với tôi là chẳng có “nhiệm vụ mới” nào cả, ông ta bị buộc thôi học vì một lý do rất khó kể ra ở đây? (Về việc này, cũng không rõ thực hư ra sao, nghe nói trên chuyến xe “kết hợp” cùng Nguyễn Trọng Tạo về Quân khu 4, có cả mấy nhà văn nhà thơ đi cùng? Trên lethieunhon.com, một nick Ngọc Mộc nào đó đã kể vanh vách về chuyện này như là người trong cuộc, rồi bị xoá, không biết tại sao? Nhân đây, rất mong Nguyễn Trọng Tạo làm sáng tỏ lý do ông ta bị quân đội buộc thôi học, ít nhất cũng để xoá tan lời đồn đại? Tôi mong như vậy vì nghĩ, nếu đấy là hoang tin thì Nguyễn Trọng Tạo nên tự bảo vệ danh dự, nếu đó là sự thật thì chẳng hoá ra ông ta lại nói oan cho quân đội? Tuy nhiên, vẫn mạn phép lưu ý Nguyễn Trọng Tạo cân nhắc kỹ trước khi làm sáng tỏ, vì nếu muốn, có thể xác minh sự việc).
Rồi ngày 17.8.2004, đọc bài Không thể đo chiều cao cách tân bằng cái thước mét cũ ghi lại cuộc đàm luận văn chương giữa Nguyễn Trọng Tạo với Nguyễn Thụy Kha trên một web của người Việt ở nước ngoài, tôi lại buồn cười. Ngoài việc nói một câu xanh rờn: “thời đại đã tìm ra hai chú cún giữ cửa văn học là HMĐ và PCÐ...” (mà tôi đồ rằng có khi Nguyễn Thuỵ Kha cũng chưa đọc HMĐ, PCĐ viết gì!?) và tự khen thơ mình có tính dân tộc, sau khi tố khổ từng phải chịu cay đắng vì thơ ca, Nguyễn Thuỵ Kha kể: “người ta nói với tôi một cách rất “công bằng” là: Có hai phương án, một là ông ra khỏi quân đội, hai là xuống đơn vị làm phó trung đoàn trưởng, còn nếu ông muốn ở lại quân đội làm văn nghệ thì chúng tôi không thể bảo vệ được ông”. Cứ tin theo lời Nguyễn Thụy Kha thì cái vị “người ta” nào đó cũng oái oăm, vì rất khó có trường hợp một người vừa có thể “ra khỏi quân đội” lại vừa có thể “xuống đơn vị làm phó trung đoàn trưởng”. Chẳng lẽ quân đội bổ nhiệm một cán bộ cấp trung đoàn lại đơn giản như vậy hay sao? Tôi nói thế bởi với hơn 30 năm quân ngũ, tôi từng ở từ tiểu đội, trung đội, đại đội, trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn, học viện đến Bộ Quốc phòng mà chưa gặp một trường hợp như Nguyễn Thuỵ Kha kể bao giờ; khảo sát một số bạn đồng ngũ trước đây, họ cũng bảo chưa gặp; hay Nguyễn Thuỵ Kha là... “ca” đặc biệt? Tiếp xúc với các thông tin kiểu như trên tôi cho rằng, lâu nay đã và đang có xu hướng kỳ quặc là một số vị có vẻ ham đánh bóng tên tuổi, “mông má” lại quá khứ, khoái kể lể công tích, bịa ra sự cố bị đàn áp vì viết văn làm thơ, thích khoác lên mình “chiếc áo” tân tiến, sớm biết phản tỉnh, thậm chí tỏ ra... sám hối (nhất là khi họ phát ngôn, tâm sự trên các diễn đàn ở hải ngoại). Vị thì kể từng là “quân sư” cho lãnh đạo cấp cao, vị lại bảo có lần tuyệt thực vì oan ức văn chương. Trên Thể thao & Văn hóa (25.2.2005), Nguyễn Trọng Tạo kể công lao của ông ta với ấn phẩm ông ta gọi là “báo Thơ”, trong khi bất cứ ai đã đọc ấn phẩm này đều thấy ghi rõ rành rành là phụ bản báo Văn nghệ và trên thực tế, ấn phẩm này chưa bao giờ tồn tại với tư cách là một tờ báo, chưa được bán độc lập mà phải ký sinh vào tờ Văn nghệ. Muốn mua Văn nghệ phải mua kèm phụ bản Thơ, như muốn mua bia hơi phải kèm theo... mua lạc. Báo là báo, phụ bản là phụ bản, sao có thể nhầm lẫn như vậy được nhỉ, mà nhầm lẫn để làm gì?
Tôi nghĩ, với các trường hợp này, chỉ có thể nói rằng một số nhà văn nhà thơ đã tự để mình trôi theo xu hướng thả sức nhớ lại “thành tích” trong quá khứ theo nguyên tắc... “tin thì tin không tin thì thôi”! Đến bài Mừng vui còn có hôm nay (đăng trên web T, sau đó pots lên weblog hoingovanchuong với nhan đề Trên chiếu thơ Việt Nam tình tự...) tôi lại biết bài thơ Tản mạn thời tôi sống của Nguyễn Trong Tạo tý nữa phải vác thêm một bi kịch có thể giúp tác giả làm nên một sự kiện ngang với... Maiakôpxki! Vì thế trong bài Từ sự quảng bá vô hại đến thói “mục hạ vô nhân” (CAND Cuối tuần, 15.2.2009) tôi đã đề cập tới loại hiện tượng này theo một biên độ rộng, và tôi viết về Nguyễn Trọng Tạo chỉ nhằm đưa ra ví dụ về một loại hiện tượng mà theo tôi là ít khả năng làm sang trọng cho văn đàn. Đó là đoạn: “Ông nhà thơ kiêm nhạc sĩ khác thì mông má một sự vụ văn chương từng xảy ra với bản thân, rồi hẳn vì bi phẫn quá ông nói vống lên: “Tôi nghĩ mình làm thơ là để nói lên những cảm nghĩ trung thực của mình. Thế mà họ lại đàn áp một nhà thơ trung thực, mà lại là nhà thơ bộ đội, thì thà chết mẹ nó đi còn hay hơn” và ông quyết định “chết mẹ nó đi” bằng cách kê hai khẩu súng ngắn vào hai thái dương, song rốt cục ông quyết định... ở lại. Giá ngày ấy ông bóp cái cò súng thì có phải thi ca nước nhà đã có một sự kiện bi tráng để lưu danh muôn thuở hay không, nhưng tôi lại ngờ đó là chuyện hoang đường, vì chỉ có mỗi mình ông là... chứng nhân!?”. Đoạn văn này đã làm Nguyễn Trọng Tạo sôi lên sùng sục, coi đó là “sự áp đặt và quá chủ quan”, và trước khi trả lời phỏng vấn trên Thể thao & Văn hoá (5.3.2009) ông ta đã viết trên blog cá nhân, comment vào web có đăng bài Từ sự quảng bá vô hại đến thói “mục hạ vô nhân” khẳng định câu hỏi trên là “ngu xuẩn”, đồng thời nhanh chóng công bố 10 bài thơ được gọi là... “thơ viết trong đêm tự tử”! (Nếu tôi là Nguyễn Trọng Tạo, tôi sẽ không đặt tên 10 bài thơ là Thơ viết trong đêm tự tử, vì có ai tự tử đâu mà đặt tên như thế. Để gọi đúng tên sự vật và để tương ứng với tình huống, tôi mạo muội thử đưa ra mấy cái nhan đề, đại loại như: Thơ viết trong đêm định tự tử, Thơ viết trong đêm có ý định tự tử, Thơ viết trong đêm suýt tự tử, Thơ viết trong đêm tý nữa thì tự tử, Thơ viết trong đêm có ý định tự tử rồi thôi, Thơ viết trong đêm rốt cục là không tự tử...!).
Theo tôi, dường như trong khi bức xúc về ý kiến của tôi, Nguyễn Trọng Tạo đã không đọc kỹ đoạn văn để thấy trong đó có cụm từ “nhưng tôi lại ngờ”, cụm từ này có vai trò bảo đảm cho câu hỏi tôi đưa ra chỉ là một giả định, chẳng lẽ ông ta không biết một câu hỏi giả định thì làm sao có thể là “áp đặt và quá chủ quan”? Khi viết “tôi lại ngờ đó là chuyện hoang đường, vì chỉ có mỗi mình ông là... chứng nhân!?” tôi đâu có yêu cầu phải cung cấp “nhân chứng”. Ông ta kể sao thì biết vậy, riêng tôi thì không tin. Nếu ông ta có kể đã chuẩn bị 10 khẩu súng cho tương đương với 10 bài thơ tôi vẫn cứ không tin. Tôi không tin vì khó có thể hình dung một vị sĩ quan quân đội vừa ra khỏi chiến tranh được mấy năm lại viết thế này: “Tôi suy nghĩ nếu chỉ dùng khẩu súng của mình thì có thể không chết mà chỉ bị thương. Mà bị thương thì mệt quá. Tôi không sợ chết nhưng sợ bị thương. Chết thì không còn biết đau đớn là gì, còn bị thương thì đau”. Dí súng lục vào đầu để bóp cò mà lại lo chỉ bị thương thì e hơi hi hữu, hay là sĩ quan - nhà thơ thì nỗi “lo” cũng khác người? Tôi không tin còn vì trong bài Mừng vui còn có hôm nay (Trên chiếu thơ Việt Nam tình tự...), Nguyễn Trọng Tạo kể vì bị kiểm điểm do đã làm bài thơ Tản mạn thời tôi sống nên ông ta có ý định tự tử. Đến bài trả lời phỏng vấn trên trên Thể thao & Văn hoá (5.3.2009), hình như thấy nguyên nhân thơ ca còn thiếu sức nặng, ông ta bổ sung thêm mấy nguyên nhân nữa: “cùng với đó là những chuyện không vui về gia đình, những phức tạp trong các mối quan hệ văn chương, cuộc sống. Tôi thấy một một áp lực ghê gớm, một sự bức bí đến nghẹt thở. Tôi có ý định tự tử”? Qua đó có thể thấy, ý định tự tử của ông ta (nếu có thật?) là từ mấy nguyên nhân, đâu phải chỉ do bị kiểm điểm vì đã làm “một bài thơ thể hiện bằng linh cảm dự báo của một nhà thơ đối với các thay đổi của xã hội Việt Nam”. Như vậy, tại sao trước đây Nguyễn Trọng Tạo lại bắt bài thơ kia phải gánh vác toàn bộ nguyên nhân làm ông phải đi đến chỗ “có ý định tự tử”? Cuối cùng, tôi không tin còn vì hiện tượng “đánh bóng”, “mông má” quá khứ đã nhàm đến mức tiếp xúc với thông tin loại này tôi chỉ thấy buồn cười chứ không thấy tin cậy và kính trọng.
Đọc 10 bài “thơ viết trong đêm tự tử” của Nguyễn Trọng Tạo, tôi lại tiếp tục... ngờ. Tôi ngờ vì một mặt mô-típ này không có gì mới, một mặt tôi ngỡ đó phải là kiệt tác như công trình toán học của Galoa (É.Galois) hoàn thành trước đêm đấu súng, hay là bài thơ của Exênhin (S.Esenin) viết trước lúc ra đi, nhưng xem chừng 10 bài thơ cũng xoàng và hơi “sến”. Tôi tin, nếu 10 bài thơ thực sự hay thì Nguyễn Trọng Tạo đã công bố rồi, chứ không chờ đến khi làm tuyển tập. Điều này làm tôi nhớ tới qua niệm Cận tử nghiệp của nhà Phật. Ngoài việc bàn về tái sinh, Cận tử nghiệp còn cho rằng, trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, trí tuệ con người như ngọn đèn cạn dầu, trước khi tắt thì bừng sáng một lần. (Có thể coi Cận tử nghiệp là nguồn gốc tinh thần đưa tới các bài “kệ thị tịch” của nhiều vị thiền sư trước lúc viên tịch, như Kệ thị tịch của các vị Vạn Hạnh, Diệu Nhân, Quảng Nghiêm...). Từ góc độ Cận tử nghiệp để xét 10 bài “thơ viết trong đêm tự tử”, tôi thấy động lực để Nguyễn Trọng Tạo “bóp cò” cũng không mạnh mẽ lắm, có lẽ vì thế ông mới không “bóp cò”, mà... chuyển sang làm thơ. Thế nên, mới có cái gì đó hơi bị khôi hài khi giới thiệu 10 bài thơ của ông, trên lethieunhon.com lại có cái tiêu đề Cuộc sống vẫn tiếp diễn sau khi hoàn tất Thơ viết trong đêm tự tử! Tuy nhiên, tôi thấy có sự khác nhau rất cơ bản giữa các vị như Vạn Hạnh, Diệu Nhân, Quảng Nghiêm, Galoa, Exênhin... với Nguyễn Trọng Tạo. Các vị ấy đã ra đi mà không hề biết công trình toán học, bài kệ, bài thơ của họ được người đời đón nhận ra sao, họ cũng không biết hậu thế đã tôn vinh họ như thế nào. Còn Nguyễn Trọng Tạo xứ ta thì vẫn sống nhăn, lại tích luỹ thêm được tài sản thơ ca, chờ khi có điều kiện thì công bố để mọi người thưởng lãm. Vì thế tôi càng không tin, cho dù sau đây Nguyễn Trọng Tạo có thể sẽ trả lời tôi rằng: “tin thì tin không tin thì thôi”!

5.3.2009
Vĩ thanh 1: Sau khi gửi bài này tới Thể thao & Văn hoá, tôi mới được đọc comment của Nguyễn Trọng Tạo tại bài Từ trình diễn thơ đến lễ trao giải thưởng văn chương trên lethieunhon.com, post lúc hơn 6 giờ chiều 5.3.2009. Nội dung comment nguyên văn như sau: “Anh mở các trang chủ đều không thấy bài Nguyễn Hòa cá mương đớp đít anh. Nhưng anh cũng vui là các nhà văn Hà Nội hôm qua đều chả coi thằng Hòa là gì, thậm chí có người giả vờ không biết. Nhưng nó vẫn “sống” được là nhờ các tờ lá cải Nhơn ơi. Anh đã trả lời một chút về chuyện tự tử”. Khi phải sử dụng đến loại ngôn từ như comment trên đây thì người viết đã tự chứng tỏ sự bất lực và chứng tỏ luôn cả “phẩm chất văn hoá” của mình. Comment này đã vô tình (cố ý?) bộc lộ Nguyễn Trọng Tạo là ai. Nó bổ sung cho tôi thêm cứ liệu để củng cố điều tôi đã kết luận rằng, đối với một số người thì đôi khi bên trong cái vẻ trí thức thực chất chỉ là một “nhân cách hạng ba”. Tôi hơi tiếc là đã viết bài này, nhưng vì đã viết thì phải công bố, nên tôi không rút bài trên Thể thao & Văn hoá. Vả lại tôi còn nghĩ, nếu không viết thì làm sao có thể làm ai đó nhảy dựng lên, rồi vì bức xúc mà con người thật của họ lộ ra? Thêm nữa, tôi không rõ có phải mình “sống” được là nhờ các báo lá cải hay không, nhưng chắc chắn có một điều là thời còn làm phụ bản Thơ, chính Nguyễn Trọng Tạo đã mời tôi viết bài, và gần đây hơn, cộng sự của ông ta tại hoiluan.vanhocvietnam đã mấy lần gửi mail “trông mong” tôi tham gia viết bài cho web này. Chẳng lẽ hoiluan.vanhocvietnam và phụ bản Thơ cũng nằm trong số ấn phẩm mà ông ta gọi là lá cải?
Chiều 7.3.2009, commnet nói trên của Nguyễn Trọng Tạo đã bị xoá khỏi lethieunhon.com, không rõ tại sao, vì nó bẩn thỉu quá chăng? Tôi có gọi điện hỏi Lê Thiếu Nhơn, và được giải thích là Nguyễn Trọng Tạo đề nghị xoá, ông ta định gửi mail chứ không comment. Khó có thể tin một blogger như Nguyễn Trọng Tạo lại nhầm lẫn giữa mail và comment? Khôi hài hơn, comment này nằm chềnh ềnh trên web của Lê Thiếu Nhơn đến hơn hai ngày thì người viết mới phát hiện ra!
Vĩ thanh 2: Có mấy thông tin vừa “đến tai” tôi là nhân sự kiện này, tại một vài cuộc gặp gỡ đã có người chửi bới tôi không tiếc lời, lại có kẻ huênh hoang khoe khoang gọi điện đến người có trách nhiệm đề nghị... đuổi tôi ra khỏi nơi đang làm việc. Vốn đã quen với nguyên tắc thực chứng, nên tôi chưa tin vào các thông tin này, dù chúng y hệt nhau. Tuy vậy, tôi vẫn xin nói luôn là cái trò “mách bố” đó cũ lắm rồi, nó chỉ cho thấy sự kém cỏi, sự tự tin đến lố bịch của người làm việc đó mà thôi. Từ ngày cầm bút đến nay, tôi đã biết về nhiều cú điện thoại và đơn vu khống đối với tôi, đó là sự thật và tôi không quan tâm. Ai đó đã và đang có ý định gọi điện, làm đơn thì cần cân nhắc kỹ lưỡng, đừng tự bộc lộ bản thân như thế, vì trước mắt tôi, đó chỉ là trò hề.
Vĩ thanh 3: Tôi đã kết thúc thì lại đọc bài Không thể không tin gì mà viết của Nguyễn Trọng Tạo trên Thể thao & Văn hoá (8.3.2009), nên tôi phải viết thêm đôi dòng. Ở bài trên, Nguyễn Trọng Tạo tiếp tục đưa ra “chứng cớ” chỉ một mình ông ta biết để kể về “ý định tự tử” và sự ra đời của 10 bài thơ. Ông ta cho rằng sự việc của ông ta diễn ra như vậy vì: “Chắc chắn nó khác với người khác đôi chút, vì tôi là một nhà thơ”. Có lẽ là “nhà thơ” thì cũng khác với người khác đôi chút thật, kể cả việc tôi không yêu cầu đưa ra nhân chứng mà ông ta vẫn khăng khăng rằng tôi “hỏi ai là “chứng nhân”...”. Và tôi hân hoan vì đã đoán trúng phóc, bởi Nguyễn Trọng Tạo kết thúc phần dành cho tôi bằng câu thơ “tin thì tin không tin thì thôi”!
ài suy nghĩ về những trào lưu tiểu thuyết thế kỷ XX