Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hư thực - Một hành trình còn dài

Trần Sáng
Thứ sáu ngày 6 tháng 3 năm 2009 8:12 PM
 
Một cốt chuyện không rõ ràng, với các nhân vật mơ hồ, mộng mỵ, kỳ ảo. Một câu chuyện đọc xong khó có thể kể lại được.
Hư Thực (tiểu thuyết của Phùng Văn Khai - NXB Văn Học 2008) rõ ràng đã mang những đặc điểm của tiểu thuyết mới - mới ở đây xin được hiểu theo tinh thần của Alain Robber Gillet (nhà tiểu thuyết người Pháp, một đại diện tiêu biểu cho dòng tiểu thuyết này) là: lối viết phá thể, xóa bỏ tuyến tính, đảo lộn quá khứ và hiện tại, đảo lộn trật tự lô gic. Với lối viết này, tác giả như đặt lại vấn đề hiện thực. Đối với tiểu thuyết mới, cái hiện thực đáng chú ý chính là cái hiện thực mang trong trí nhớ, trong trí tưởng tượng của nhà văn... Hiện thực thường nhật lọt vào trường quan sát thị giác của con người chỉ tầng hiện thực thứ nhất, hiện thực duy lý, nó chỉ là cái đà để để người viết tiếp tục dấn sâu vào trong hành trình khám phá vũ trụ nội tâm sâu thẳm cua con người.
Rõ ràng với những đặc điểm như vậy thì người đọc truyền thống với tư cách là những chủ thể tiếp nhận, sẽ buộc phải thay đổi cách đọc để có một hệ mỹ học tương ứng khi đọc tiểu thuyết Hư Thực. Nếu không liệu họ có thể kể lại một cách mạch lạc về cuộc đi của Y và họ Đào chăng? (hai nhân vật chính của tác phẩm). Chắc chắn đó sẽ là một thử nghiệm thất bại, bởi cái hành trình mộng mỵ, khởi hành trong một đêm trăng lạnh cuối đông đó, không hề có chỗ cho những suy nghĩ mạch lạc, những đoạn đối thoại mạch lạc, những hành động mạch lạc, dưới sự kiểm soát mạch lạc của lý tính. Tất cả là những dòng suy tư, những hình ảnh mơ hồ, rời rạc, đứt nối, tưởng chừng cực kỳ rối rắm, vô minh. Tuy nhiên, nếu người đọc kiên quyết chối bỏ vai trò giám sát hà khắc và lạnh lẽo của lý tính, thì hành trình của Hư Thực sẽ hiện dần lên như trong trò chơi xem tranh không gian ba chiều - một trò chơi  mà hình ảnh thực của bức tranh chỉ hiện ra khi lớp hình ảnh bên ngoài đã bị xóa nhòe - đó là một hành trình đi tìm tự do, một hành trình trở về với bản ngã chân thực của con người, mà Y và họ Đào là những đại diện. Cũng với cách thấu thị như vậy, Trong Hiện thực thứ hai của bức tranh đó, theo lối tiên nghiệm, những câu hỏi hiện sinh sẽ dần hiện lên như: Đời sống của chúng ta là gì? Tự do là gì? Phải làm sao để thấu triệt được nó? Những ảo giác ma quái của Y về người bạn đồng hành, về mối tương giao kỳ lạ của anh chàng nhà văn kỳ quặc này với bầy sói (trong truyện gọi là lũ Hồng Cẩu Quẩy), với cô gái người rừng. Phải chăng là báo động một tình trạng bất khả kháng của con người bị vây khốn trong cái bẫy đời sống tham lam đang dần dà thít lại. Y và họ Đào hai mà phải chăng chỉ là một, rồi cách nhìn đa, phức trập trùng những mâu thuẫn của Y về họ Đào, khi thì phấp phỏng những lo âu, nghi hoặc như đối với một kẻ hôn ám luôn tiềm ẩn đầy những bất an . (trích trang 10:... họ Đào nằm bất động, mắt mở trừng trừng, có một làn khói mỏng, đùn phảng phất trên khuôn mặt hoang hóa, râu ria lạnh lẽo...Y nằm như bắt vít xuống gường. Tim óc Y bắt đầu cựa quậy, rồi sùng sục sôi lên. Mẹ kiếp! nếu là ma thì ta đây chứ không phải là mi có quyền trỗi dậy dọa nạt bạn bè. Cầm bút thì cùng cầm bút, hà cớ gì mà ma mãnh, xảo thuật trù úm anh em...” nhưng có lúc lại hồ hởi khâm phục như đối với một người  viết cao quí đích thực, một nhân cách cao quí hiếm hoi, không muốn dùng ngòi bút để xu thời nịnh thế: “... cứ như họ Đào, thân cô thế cô, lang bạt kỳ hồ, bấp bênh nghề ngỗng, gia đình xa vắng, vợ con không màng, tiền tài im lặng. Độc thân hơn bốn mươi năm, lại tội nợ cầm bút viết văn, lại viết không xu thời, chiều thế, thì kiếp người  cũng như kiếp bướm như có như không...” như một cách nhận diện bản thể độc đáo, họ Đào phải chăng chính là một nhị bản của Y? là phần vô thức sâu thẳm trong mỗi con người chúng ta mà ngay cả sự minh triết cũng chưa bao giờ thấu triệt.
 Vô thức theo tinh thần của Sigmund Freud đó là những sự kiện tâm linh cá nhân, chìm khuất trong góc tối của tâm hồn và không bao giờ biểu hiện, hoàn toàn khác với bản năng. Nó là động cơ tiềm ẩn, có khi trở nên mãnh liệt, thôi thúc hành động đến mức không kiểm soát được. Không hợp với lý trí... Trong Hư thực, vô thức được Phùng Văn Khai sử dụng như một cỗ Linh Xa ma quái, để cho nhân vật đầy mộng mỵ là Y đẩy đi rất xa trong hành trình ngược, lặn sâu vào bản thể, như một phản ứng trước hiện thực đầy bất an.
Rồi con mắt thứ ba của Y được khai mở phải chăng chính là Huệ nhãn  tàng ẩn trong mỗi chúng ta, một thần nhãn hằng tồn, nhưng chưa bao giờ được khai mở, vì nó đã bị vùi lấp một cách thô bạo bởi chấp ngã nặng nề trong mỗi con người.
Phải chăng? nó là một sự dự báo cho một cách nhìn khác về con người, về đời sống? Con người với phần chìm của tảng băng tâm linh, rõ ràng không thể là đối tượng cho những lối nhìn giản lược, thô thiển.
Những hình ảnh hay là những ảo giác, những giấc mơ trong Hư Thực. Tựa như các mảnh vỡ của của một lọ độc bình cổ. Tuy mỗi mảnh chỉ chứa một nét hoa văn kỳ quặc, nhưng trong nó lại ẩn chứa những trầm tích ngữ nghĩa khốc liệt. Cô gái dã nhân bị săn đuổi như một lời chối bỏ quyết liệt đối với sự vô minh tăm tối của cái gọi là thế giới văn minh đang nặng nề, ô nhiễm. Cuộc hốn chiến của những đạo quân vàng, quân đen. Phải chăng là hình ảnh của thế giới phi lý, bất ổn, với những bạo lực, khủng bố, xung đột triền miên. Những thằng người mặc áo số (tù nhân) lầm lũi, vô cảm phá phách. Là gì? nếu không phải là tâm lý bầy đàn, với những ứng xử máy móc phi nhân bản của các bản ngã bị đè bẹp bởi tầng tầng những định chế lạnh lùng. Người nhà của ông lão tật nguyền đang lún dần, lún dần, cô gái điên sống trong bãi rác với những con búp bê tết bằng nilon. Tất cả các mảnh vỡ đó ghép lại đã nói lên điều gì? nó cảnh báo một tình trạng bất ổn, một hiện thực phi nhân của đời sống, dưới lớp vỏ êm đềm.
Mặc dầu chở trên mình bao thông điệp lớn lao là vậy song thật đáng tiếc, Hư thực chưa thể được coi là một cuốn tiểu thuyết mới hoàn chỉnh. Trước hết là về mặt ngôn ngữ, tác giả chưa thành công trong việc xác lập một hệ ngôn ngữ riêng cho tác phẩm. Nếu như một tác phẩm theo phong cách truyền thống đòi hỏi một ngôn ngữ càng sáng rõ, khúc triết bao nhiêu càng tốt. Thì ngược lại, với một cuốn tiểu thuyết đầy ảo giác mộng mỵ như Hư Thực cần tương thích một lối hành ngôn mơ hồ sương khói, tiệm cận đời sống, có lẽ sẽ hiệu dụng hơn chăng? Mặt khác, chỉ khi tác giả dụng ngôn một chất liệu như vậy, thì ngôn ngữ mới có tính tự trị và văn bản mới trở thành một văn bản mở, một “kết cấu vẫy gọi” (theo cách gọi của W.Iser và U.Eco - các nhà chú giải học hiện đại và phê bình ký hiệu học). Và lúc này thì văn bản hoàn toàn có quyền trịnh trọng mời độc giả cùng tham gia vào hành trình khám phá hứa hẹn đầy thú vị.
Trong trập trùng những cơn mơ, hình ảnh, tác giả có thể biến nó thành trùng trùng những biểu tượng có tính ẩn dụ cao và giàu sức biểu nghĩa. Thật đáng tiếc là trong Hư Thực, mặc dù rất nhiều những hình ảnh, những sự kiện, những câu chuyện phi lý, kỳ ảo (con tàu chạy trong đêm trăng, lũ sói mắt đỏ - Hồng Cẩu Quẩy, linh hồn thiếu nữ hóa thân vào cây Sung – Mộc tinh – cô gái dã nhân, người đàn bà điên, những con búp bê rác, ông già tật nguyền sống trong căn nhà đang lún xuống v.v.... Nhưng hình như, chưa có hình ảnh nào đủ tính tượng trưng như một biểu tượng, cũng như chưa có câu chuyện nào có thể toả ra từ trường của sự ám ảnh để trở thành một huyền thoại.
 Trong một sự so sánh chưa thực sự được thỏa đáng lắm, thì Nguyễn Bình Phương (một nhà văn thường sử dụng bút pháp hiện thực kỳ ảo trong các sáng tác của mình, đã  xác lập được một lối hành ngôn riêng, rất độc đáo, nó nằm ở biên giới mong manh giữa cái lạnh lùng cuả một kẻ quan sát ngoài cuộc  (tính phi chủ thể-theo cách gọi của các nhà lập thuyết hậu hiện đại) với sự chủ động dự phần của một chủ thể sáng tạo. Chất thơ của văn phong, cùng với những quan sát trực giác tâm linh tinh tế và sự dụng công trong cấu trúc ngôn ngữ... đã đem đến một chiều sâu triết học cho tác phẩm: "Mưa xuân ắt phải khác mưa rào. Mưa xuân buồn bã phơ phất lang thang như người mộng du mặc áo xám đi trên đồng vắng bãi thưa. Mưa rào lấp lánh ngân nga tiếng chuông. Sấm gừ gừ ở chốn cao xa, uyển chuyển hệt như con mèo thoắt lui về thoắt phóng ra, soãi hai chân trước, móng co cứng lại cào lên tấm vải bạt đã cũ rích nhưng còn khá bền. Mưa rào thực sự là một đám rước." (trang 9- tiểu thuyết Người đi vắng) Hoặc: "Cái chết bao giờ cũng là điều vĩ đại cuối cùng mà con người đạt đến. Bao nhiêu năm nay, con người cứ khao khát thanh thản, khao khát tự do, bình đẳng, khao khát cả nỗi cô đơn tịch mịch nữa? Những điều đó đều nằm trong cơ thể của cái chết." (trang 173- tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già)
Trong Hư Thực, mặc dù tác giả đã đúng khi chọn một lối hành văn thiên về triết luận để diễn đạt, song cũng giống như đa số các trường hợp tương tự, bi kịch của sự “lực bất tòng tâm” đã đã bộc lộ qua những triết lý vụng về, chủ quan, khinh xuất, thậm chí đỗi chỗ có thể còn phản lại tác giả một cách không chủ định:." Đừng tưởng đầu đường xó chợ là không còn nhân cách. Chúng ta phải có những suy nghĩ khác, ông bạn ạ. Phải biết cúi mình xuống. Phải nằm sát đất nghe giun dế than thở". (trích tiểu thuyết Hư Thực)
Đọc đoạn văn này hẳn chúng ta phải hiểu rằng tác giả đã công nhiên khẳng định vai trò “thượng đế” của nhà văn và nghiêng mình cúi xuống lắng nghe những lời rên rỉ của đám giun dế (cũng có thể hiểu là những nỗi đau khổ của chúng sinh). Hẳn nhiên đây phải là một hành động hạ cố! Tuy nhiên điều này lại hoàn toàn mâu thuẫn với tinh thần hiện sinh của toàn bộ câu chuyện. Và như vậy thì căn để sâu sa của hiện trạng này chỉ có thể giải thích là: Tác giả đã không có một căn bản triết học vững chắc đủ sức nâng bổng tác phẩm của mình lên (mượn cách nói của nhà bác học Hy Lạp Arsimet). Đây cũng là điểm yếu chí tử của người viết nước ta nói chung, đặc biệt với những tác giả sáng tác theo phong cách hậu hiện đại.
Cũng là những hành trình lặn sâu vào bản thể, đặt ra những hoài nghi về hiện thực (theo tinh thần của Milan Kundra: tiểu thuyết là hiền minh của sự hoài nghi) nhưng những hoài nghi được đặt ra trong Hư Thực mới chỉ dừng lại ở những hoài nghi xã hội học chứ chưa phải là những hoài nghi triết học.
Bên cạnh đó thì sự thiếu một trực giác tâm linh bén nhạy, (cũng theo lối tiên nghiệm, đây gần như là một điều kiện cần của dạng tiểu thuyết này). Chính điều này đã dẫn đến hiện trạng, mặc dù tác giả đã sắm được cỗ xe linh giác, nhưng thật đáng tiếc, kẻ cầm cương dẫn dắt cuọc hành trình lại là một gã xà ích có tên là duy lý. Chính vì thế tác phẩm vẫn chưa tạo được sự ám ảnh tèi đa cần thiết lên người đọc: “ Làng Bái những ngày ấy chìm trong đói nghèo, xơ xác và u ám. Từng rặng tre ken dày lớp lớp chạy vòng quanh làng lu”n rũ xuống, ủ ê. Đêm đêm, những thân tre kẽo kẹt cọ vào nhau vọng ra thứ âm thanh ma quái. Trẻ con làng Bái, từ bao nhiêu năm lớn lên trong những âm thanh u ám quái đản ấy, lớn lên trong sự thì thào dọa dẫm tị nạnh đe loi của những kẻ góa chồng góa vợ tai ác đầy khó hiểu, những gã ma cô ma cậu lạc từ đâu đến và mấy ông cán bộ cán bèo quen đấu đá bị mất chức quyền suốt ngày hậm hực, chuyên xúi bẩy người nhẹ dạ và tự mình trộm cắp vặt". thì cã thể thấy bất chấp những nỗ lực tự thân, tác giả vẫn không xác lập được một huyền thoại mới để lý giải một cách thuyết phục cho sự biến mất của người làng.
Với ý hướng lý giải về sự tha hóa của con người. Nhưng với không gian u ám, tối tăm cùng với những bi kịch nhân sinh như: cái chết bí ẩn của đứa bé cùng câu chuyện loạn luân điên rồ của gã đàn ông thô lậu được diễn đạt như một lát cắt nhỏ trong câu chuyện, dường như mới chỉ là những thế chấp nhẹ cân. trong một biểu hiện tương tự để lý giải cho sự biến mất của làng Macondo của G.Macket (tiểu thuyết Trăm năm cô đơn - giải NoBel văn học năm 1982-NXB văn học năm 1993) được bảo chứng bằng một đại tự sự của một dòng họ với một phổ hệ kéo dài đến bẩy đời và đương nhiên sức thuyết phục lớn đã toát ra bởi cả không gian văn hóa kỳ bí của tân lục địa đã được chở trên con thuyền có trọng tải khổng lồ đó.
Tuy nhiên, đối với một người mới nhập môn dòng tiểu thuyết mới như Phùng Văn Khai, thì làm được như vậy, kể ra cũng là đáng kể. Bên cạnh đó sự không bằng lòng với những thứ cũ mòn, nhàm sáo để thử sức trong công cuộc khai phá những vùng đất mới, luôn là những nỗ lực đáng tôn trọng và khâm phục của bất kỳ người cầm bút nào. Bởi lẽ thiếu điều này thì liệu nhà văn liệu có xứng đáng được gọi là người sáng tạo. Con đường văn học là con đường vạn lý, nó chưa bao giờ từ chối bất kỳ khách lữ hành nào. Những thể nghiệm của Phùng Văn Khai tuy kết quả còn rất vừa phải, song dù sao đó cũng là những bước dầu tiên của một hành trình còn dài.