Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và “Thơ viết trong đêm tự tử”

PV TTVH
Thứ năm ngày 5 tháng 3 năm 2009 9:53 PM
Mới đây, trên blog cá nhân của mình, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã công bố “10 bài thơ viết trong đêm tự tử. Đó là những bài thơ được viết vào chính đêm ông định dùng hai khẩu súng ngắn bắn vào đầu mình – ngày 11/11/1981....  Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

“Nếu anh định tự tử thì anh sẽ gọi mấy người đến để làm nhân chứng?”
 
PV: Thưa nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo,  đây có phải là lần đầu tiên ông công bố những bài thơ “Thơ viết trong đêm tự tử” của mình?
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: 
Đây là lần đầu tiên tôi công bố những bài thơ này trên Blog. Tôi đã định viết xong rồi để đó thôi, nhưng vừa rồi vì trong 1 bài viết trên báo CAND, Nguyễn Hòa (nhà phê bình) cho rằng,  việc tôi định tự tử hồi 1981 là câu chuyện hoang đường và hỏinhân chứng.  Tôi đã trả lời Nguyễn Hòa mấy dòng như sau:
Đọc bài Nguyễn Hòa thấy nói về tôi, tôi có vài ý kiến cho Nguyễn Hòa rõ.
Anh Nguyễn Hòa trích một đoạn tôi trả lời phỏng vấn rồi hạ một câu: Giá ngày ấy ông bóp cái cò súng thì có phải thi ca nước nhà đã có một sự kiện bi tráng để lưu danh muôn thuở hay không, nhưng tôi lại ngờ đó là chuyện hoang đường, vì chỉ có mỗi mình ông là... chứng nhân!?.
Thử hỏi: Nếu anh Nguyễn Hòa định tự tử thì anh sẽ gọi mấy người đến để làm nhân chứng?
Tự tử mà cần người làm chứng ư? Mời họ đến để xem anh tự tử? Tôi thật không thể hiểu một nhà lý luận phê bình như anh Nguyễn Hòa lại có thể hỏi một câu… ngu xuẩn như thế.
Riêng đặt câu hỏi đã là một sự áp đặt và quá chủ quan. Như thế là một cách đọc văn chương bằng định kiến chứ không phải sự phê bình. Nó hạ thấp phê bình và làm rối các giá trị văn chương thực sự. Đó là lối phê bình gây rối , hay chú ý đến những chuyện vặt vãnh mà không chú ý đến dòng chảy lớn của văn chương hay tác giả. Cách đặt vấn đề như thế làm méo mó đi nhiều sự thật.  Và tôi thấy cần phải công bố những bài thơ đó.
PV: Nếu không có lí do kia thì ông có định “giấu nhẹm” những bài thơ ấy đi không?
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:
Những gì tôi viết ra, chưa công bố lúc này sẽ công bố lúc khác. Tập thơ 10 bài viết trong chính đêm tôi định tự tử, tôi nghĩ,  có thể một dịp nào đó  tôi  sẽ in chúng vào tuyển tập. Chính cách “hạch sách, rỉa rói”của Nguyễn Hòa khiến tôi không muốn trò chuyện, nên tôi quyết định công bố trên blog của mình cùng với trang Website của bạn tôi là trannhuong.com. Đó là cách tốt nhất để thấy rằng văn chương sinh ra đều có những cái cớ của nó. Mà những cái cớ nảy ra từ sâu thẳm mỗi người mới có được những tác phẩm văn chương có tình cảm, có quan niệm. Nói cách khác, văn có gốc từ người.
“Thơ đã cứu tôi thoát chết”
Pv: Vậy ông có thể nói rõ hơn về câu chuyện “chỉ có mỗi mình ông là... chứng nhân” hay cũng chính là cái cớ của Thơ viết trong đêm tự tử?
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: 
Câu chuyện nó cũng đơn giản. Nó có liên quan tới một bài thơ khác của tôi, đó là bài Tản mạn thời tôi sống. Bài thơ ấy không phải là một bài thơ chính trị, nhưng tôi nói những điều đó bằng linh cảm dự báo của một nhà thơ đối với các thay đổi của xã hội Việt Nam. Lúc ấy tôi đã nói ra được một Sự Thật đau đớn, và xã hội VN sẽ phải thay đổi. Tôi tin rằng đó là quy luật. Nhưng khi họ đánh tôi, ép tôi, thì họ bảo: Ông nói Chúa như thế là ông đánh vào đảng. Nói xấu thần tượng tức là nói xấu cụ Hồ. Họ đem tôi ra kiểm điểm. Rồi cùng với đó là những chuyện không vui về gia đình, những phức tạp trong các mối quan hệ văn chương, cuộc sống. Tôi thấy một một áp lực ghê gớm, một sự bức bí đến nghẹt thở. Tôi có ý định tự tử.
Năm 1981. Trong khu tập thể của các nhà văn quân đội, tôi và nhà thơ Nguyễn Hoa ở cạnh nhau, chung vách có cửa thông qua. Vì là sĩ quan, tôi và Nguyễn Hoa đều có súng ngắn, mỗi khẩu súng mười viên đạn. Lúc đó Nguyễn Hoa về quê. Tôi mở tủ lấy khẩu súng của anh ấy, thêm vào khẩu của tôi là hai.
Tôi suy nghĩ nếu chỉ dùng khẩu súng của mình thì có thể không chết mà chỉ bị thương. Mà bị thương thì mệt quá. Tôi không sợ chết nhưng sợ bị thương. Chết thì không còn biết đau đớn là gì, còn bị thương thì đau. Tôi lắp đạn vào cả hai khẩu súng, trải khăn trắng lên gối, nằm dài trên chiếc giường cá nhân.
Tôi nằm ngửa, kê hai khẩu súng vào hai bên thái dương.
Tôi nghĩ mình làm thơ là để nói lên những cảm nghĩ trung thực của mình. Thế mà họ lại đàn áp một một nhà thơ trung thực, mà lại là nhà thơ bộ đội, thì thà chết mẹ nó đi còn hay hơn. Cái chết của mình cũng là một lời cảnh tỉnh đối với người làm văn nghệ, người lãnh đạo văn nghệ. Tôi nằm nhìn trần nhà rất lâu, rồi lại nghĩ: sao lại vô lý thế này. Tôi bỏ ý định tự tử và ngồi dậy viết một mạch những ý thơ vừa xuất hiện trong đầu.
Pv:  Viết 10 bài thơ trong lúc đang có ý định tự tử, và khi viết xong thì ông đã cất cả hai khẩu súng đi. Ở đây thơ hay lí trí là ân nhân cứu ông thoát chết?
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: 
Có lẽ thơ đã cứu sống tôi. Vì cả cuộc đời phấn đấu cho thơ ca. Tôi phải sống để tôi còn làm thơ như thế nữa.
“Mười bài thơ và một lời ước muốn”
Pv: Vì sao ông đặt tên cho cả chùm thơ là “Mười bài thơ và một ước muốn”?
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: 
Có lẽ điều ước muốn của 10 bài thơ chính nằm ở câu thơ cuối bài thứ 10:
“Trái tim tôi nếu anh đó đem chon
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn”
Có người hỏi tôi: Vì sao không mọc lên bình minh mà lại là hoàng hôn. Tôi có nói rằng, trái tim của nhà thơ đã nhuốm buồn, nhất là khi vừa trải qua một cuộc giằng co tình thần mà dẫn đến 1 ý định tự tử như thế thì buồn lắm, và chỉ mong nó mọc lên hoàng hôn thôi. Mà hoàng hôn thì luôn làm xao động lòng người nhất. Tôi lại sinh ra từ làng quê, mỗi khi đi qua những cánh đồng hoàng hôn, nỗi nhớ quê lại hiển hiện, xa xăm. Hoàng hôn ấy là tâm trạng của nhà thơ, hay trái tim tôi từ ấy đã nhuốm hoàng hôn buồn vĩnh cửu.
Chỉ sau lần định tự tử tôi mới có cái ước muốn ấy, nếu không viết trong trường hợp ấy chắc câu thơ sẽ tươi sáng hơn. Thành ra thơ tôi cũng mang nhiều nỗi buồn: “Buồn đừng đi, Buồn đừng tan/ Mất Buồn còn lại tro tàn mà thôi”. Nỗi buồn đó lại chính là ngọn lửa để sưởi ấm thơ ca, sưởi ấm tâm hồn con người.  Đối với tôi, Buồn mà mất đi là mất lửa, mất Buồn như mất lửa, chỉ còn lại tro tàn.
Và ước muốn ấy cũng là ước muốn được nói lên sự thật.
Pv: Mười bài thơ có thể ông sẽ viết hay hơn, nhưng một ước muốn lại chẳng dễ gì toại nguyện?
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: 
Điều đó cũng đúng. Nói ra được sự thật đâu dễ dàng gì. Nhưng nếu như 28 năm trước tôi đã định kết  liễu đời mình vì muốn bảo vệ sự thât và những giá trị của nó,  thì 28 năm sau, khi lần đầu tiên công bố những bài thơ của mình cũng để chứng minh rằng có một sự thật. Sự thật không thể khác được!
Nói ra được sự thật là nhà thơ đã tìm được tự do. Tôi nghĩ, tự do đối với văn nghệ sĩ chẳng ở đâu xa. Tự do chính là lúc anh ta nói ra sự thật.
Pv: Vậy theo ông thì các văn nghệ sĩ của chúng ta đã có tự do hay chưa?
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Ai nói ra sự thật người đó có tự do. Tất nhiên là có quá nhiều sự thật mà người ta chưa nói ra hết được. Chính vì thế,  tôi vẫn cảm giác chẳng ai có thể có tự do trọn vẹn, bởi có những sự thật đến khi người ta chết rồi người ta cũng mang đi thôi. Con người còn đang cất giữ những sự thật thì đó không phải là con người tự do. Nhưng ít nhất, trong cái địa hạt văn chương của chính anh, hãy làm người tự do.
Vì trong xã hội, xấu đẹp gì thì nhà thơ cũng phải nói lên sự thật. Nếu mình không nói sự thật thì ai nói giúp mình?
Nhà thơ phải nói lên sự thật, không chỉ là sự thật tâm trạng của anh, mà còn cả sự thật ở bên ngoài anh. Anh có thấy không, anh có nghe không, anh có ngửi thấy không? Tất nhiên là sự thật phải được nói bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Ngay cả phim ảnh mà nếu nó làm giống hệt sự thật thì cũng là kém, huống gì thơ. Nghệ thuật là sự thật ở bên trên sự thật. Tại sao mà điện ảnh Việt Nam lại kém là bởi vì nó dùng một thứ ngôn ngữ của sự thật tầm thường, trong khi nghệ thuật lại là một sự thật cao hơn...
Pv: Một bạn đọc blog của ông cho rằng: “10 BÀI THƠ VÀ MỘT LỜI ƯỚC MUỐN quả là 1 Di Chúc nghệ thuật, nhưng là 1 Di chúc cho chính mình, của 1 nhà thơ trong lúc chấp chới giữa 2 dòng Sinh-Tử. Có mấy ai ở đời được đọc-lại-di-chúc như vậy?”. Ông nghĩ sao?
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: 
Một ý nghĩ thật sâu sắc và ngộ nghĩnh. Khi nhà thơ coi thơ là ký thác đời mình, thì thơ đó chính là người. Đấy cũng là ước muốn của chính tôi.
Pv: Cám ơn ông và chúc ông có những bài thơ mới…
10 BÀI THƠ VÀ MỘT LỜI ƯỚC MUỐN
(Thơ viết trong đêm tự tử)
 
NGUYỄN TRỌNG TẠO
 
Trái tim tôi nếu ai đó đem chôn
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn!

1.
Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Tôi ra đi nào phải không yêu Mẹ
Tôi ra đi nào phải chẳng yêu người
Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Bạn bè tôi còn hy vọng tôi nhiều
Những bài thơ còn mắc nợ mây chiều
Chưa phải thế nhưng mà nó thê
Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Tôi ra đi đừng nghĩ vắng tôi rồi
Tôi ra đi vì yêu quá cuộc đời
Chưa phải thế nhưng mà nó thế

2.
Vì sao tôi phải tự giết mình bằng hai viên đạn
Điều băn khoăn không phải chuyện tình cờ
Tôi không phải là người cố chết
Vậy thì lý do gì?
Một viên đạn tự giết tôi cũng đủ
Còn viên kia? Đáng dành cho kẻ khác
Nhưng tôi đã thương kẻ khác hơn mình
Viên đạn kia sẽ giết tôi lần nữa!

3.
Người ta sống thế nào thì chết cũng vậy thôi
Tôi sống không dối lừa tôi chết không lừa dối
Hơn 30 năm trước tôi đến với đời này
Cũng ra đi từ đời này sau hơn 30 năm tuổi
Có khác chăng những ngày tôi đã sống
Gặp người này bằng cái bắt tay người khác bằng cái hôn
Giờ tôi chết một mình trong phòng kín
Khônng cái bắt tay. Cái hôn cũng không.

4.
Hoa ơi! Nếu bạn buồn rầu về cái chết của tôi
Tôi không muốn can ngăn sự buồn rầu của bạn
Chúng mình sống cho nhau như cây với cội
Khuyên can để làm gì nếu chẳng ích gì hơn
Và bởi vậy Hoa ơi xin đừng trách
Tôi ra đi không hỏi bạn một lời.

5.
Không ngờ tôi có thể biết rõ ràng bài thơ cuối cùng tôi viết
Bài thơ nghiêm trang và run rẩy của tôi
Chỉ riêng điều này cũng thấy mình hạnh phúc:
Tôi không còn. Bài thơ tôi còn đây…

6.
Trên thế gian này tôi đến rồi đi như tia chớp mà thôi
Ôi cuộc đời ngắn ngủi
Chia tay tuổi thơ vẫy tung mùa phượng đỏ
Áo lính thời trai chưa kịp cũ
Ngoảnh lại yêu đương như muối xát lòng
Con gái bé bỏng ơi! Con là bài thơ lớn nhất
Mãi hoài thai những câu thơ ba viết
Hoài thai ba những giây phút yếu lòng
Bạn bè đông
Một hai tâm đắc
Suốt cả thời mình sống trên trái đất
Sống thật lòng như tia chớp vậy thôi
Ôi cuộc đời ngắn ngủi
Ghét bỏ làm chi tiếc nuối làm chi
Tia chớp thế nào phát sáng thế ấy
Người đến thế nào người cứ thế ra đi
“trên thế gian này tôi chỉ là người đi qua
em hãy vẫy cho tôi một bàn tay trìu mến”
Tôi đã vẫy cho Ê-xê-nhin cái vẫy tay anh muốn
Giờ đến lượt tôi. Ai sẽ vẫy tôi đây?

7.
Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây
Đối diện với chân trời tuổi nhỏ
Đối diện với bất công đau khổ
Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây
Lòng bộn bề và trời đầy mây
Khao khát tự do thì tự do bị trói
Khao khát yêu thương thì ba chìm bảy nổi
Sự thật thiêng liêng bị đánh tráo dối lừa
Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây
Để được hát bài hát mình lần cuối
Để được hát ngợi ca lẽ phải
Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây
 
8.
Bạn ơi! Có thể bạn đã ủng hộ tôi mà chưa đạt được
Bạn ơi! Có thể tôi với bạn đã cãi cọ nhau không bằng lời
Bạn ơi! Có thể bạn thờ ơ lãnh đạm với tôi
Bạn ơi! Có thể tôi với bạn đã thỏa thuận điều này. Điều khác chưa thỏa thuận
Cuộc đời là vậy nó cứ vậy kéo dài
Hôm nay tôi chết ai chết ngày mai
Hôm nay ai thương tôi ngày mai ai thương người
Hôm nay ai ghét tôi ngày mai ai ghét người
Cuộc đời là vậy nó cứ vậy kéo dài
Hôm nay tôi chết ai chết ngày mai

9.
Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế
Người ta sống với nhau dè dặt đến nghi ngờ
Nụ cười xã giao
Công việc cũng xã giao
Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế
Có khi vì một cái gì đó
Như lòng ganh tị  nhỏ nhen
Sẵn sàng đánh vào kẽ hở của lòng tốt
Trâu bò húc nhau cánh đồng bị dẫm nát
Bố mẹ giận nhau bỏ đói đàn con
Vì sao người ta miễn cưỡng nghe lòng thành thật
Vì sao người ta lại vu cáo anh khi anh đang lâm nạn
Vì sao anh tự tử người ta uống rượu mừng
Vì sao anh không biết tựa lưng
Vào những người trung thực
Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế
Đời bao nhiêu phe phẩy đứng chắn đường
Bọn phe phẩy ăn diện sang trọng quá
Da dẻ hồng hào
Nụ cười ma giáo
Cũng có khi mang trang phục quân nhân
Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế

10.
Nếu tim tôi có thể bóp tơi ra thành muôn hạt li ti
Tôi sẽ ném lên trời cho gió mang đi
Nếu tim tôi có thể rung âm nhạc
Thì tôi đã dành nó cho bài hát
Nếu tim tôi có thể viết thành thơ
Nó đã ở trong thơ tôi bao giờ
Nếu tim tôi có thể yêu say đắm
Nó đã ở trong ngực em đằm thắm
Trái tim tôi nếu ai đó đem chôn
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn!

Vân Hồ 3, đêm 11.11.1981
(Khi tôi viết xong 10 bài thơ này thì trời đã gần sáng. Tôi tháo 2 băng đạn ra khỏi 2 khẩu súng ngắn, cho vào bao súng. Một khẩu cất vào tủ của mình, một khẩu trả lại tủ Nguyễn Hoa, người bạn thân ở cùng phòng đang về quê).