Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thơ xuân của Đỗ Phủ

Nguyễn Thị Lan
Thứ năm ngày 5 tháng 3 năm 2009 6:06 AM
 
Nguyễn Thị Lan
1. Người xưa thường nói “Vạn vật khởi ư xuân” (Vạn vật bắt đầu từ mùa xuân). Trong bốn mùa thì mùa xuân là mùa đẹp và con người có nhiều thiện cảm. Với thi ca Trung Quốc, có cả một “vườn xuân” trong thơ Đường (618-907). Viết về mùa xuân, thơ Đường có nhiều bài được người đời hơn một nghìn năm nay truyền tụng. Có thể kể tên mười bài tiêu biểu của mười tác giả: Xuân giang hoa nguyệt dạ (Đêm hoa trăng trên sông xuân) của Trương Nhược Hư, Hồi hương ngẫu thư (Ngẫu nhiên viết nhân buổi về làng) của Hạ Tri Chương; Xuân hiểu (Buổi sớm mùa xuân) của Mạnh Hạo Nhiên; Điểu minh giản (Khe chim kêu) của Vương Duy; Xuân tứ (Tứ xuân) của Lý Bạch; Khuê oán (Nỗi oán của người khuê phòng) của Vương Xương Linh; Xuân oán của Kim Xương Tự; Đê Đô thành nam trang (Đề ở trại phía nam Đô thành) của Thôi Hộ; Thanh minh của Đỗ Mục; Xuân tịch lữ hoài (Tình lữ thứ lúc đêm xuân) của Thôi Đồ.
2. Cũng như các thi nhân đời Đường, mùa xuân đã trở thành đề tài khá phổ biến trong thơ Đỗ Phủ (712-770). Đọc thơ Đỗ Phủ trong những tập Đường thi tuyển dịch chúng tôi nhận thấy thơ xuân của Đỗ Phủ có những dấu hiệu dễ nhận về hình thức và nội dung. Về mặt hình thức: trong nhan đề bài thơ hoặc hệ thống ngôn ngữ toàn bài thường xuất hiện từ “xuân” như: “Xuân vọng” (Trông xuân); “Ai giang đầu” (Nỗi đau xót ở bên sông); “Văn quan quân thu Hà Nam, Hà Bắc” (Được tin quan quân lấy lại Hà Nam, Hà Bắc); “Hỷ vũ” (Mừng mưa); “Giang mai” (Cây mai bên sông); “Khúc giang nhị thủ” (Hai bài sông Khúc); “Khách chí” (Khách đến); “Xuân nhật ức Lý Bạch” (Ngày xuân nhớ Lý Bạch).
Có những bài không có dấu hiệu hình thức như vậy nhưng nội dung lại nói về cảnh và tình mùa xuân như: “Khúc giang đối tửu” (Trước bàn rượu bên sông Khúc); “Vu Sơn nhật tình” (Ngày tạnh trên núi Vu); “Tuyệt cú”; “Giang bạn độc bộ tầm hoa” (Một mình dạo chơi tìm hoa ven sông).
Đọc thơ xuân của Đỗ Phủ ta thấy có hai mùa xuân trong thơ ông: một mùa xuân của đất trời, một mùa xuân trong lòng người.
3. Xuân của đất trời (cảnh xuân)
Từ thời nhà Tống, thơ Đỗ Phủ đã được gọi là “thi sử” (một bộ sử viết bằng thơ) bởi men theo năm tháng của các bài thơ ra đời có thể thấy những nét chính trong đời sống chính trị, xã hội đời Đường trước, trong và sau loạn An Sử. Thơ Đỗ Phủ thấm máu và nước mặt của thời đại nhưng thiên nhiên trong thơ Đỗ Phủ không phải bao giờ cũng thấm đẫm máu và nước mắt. Đỗ Phủ là bậc thầy của thơ tả cảnh.
3.1. Bức tranh xuân trong thơ Đỗ Phủ thật muôn màu, muôn vẻ, đẹp như gấm thêu
Mùa xuân trăm hoa đua nở. Thơ xuân của Đỗ Phủ tràn đầy hương sắc của các loại hoa nở mùa xuân: hoa đào, hoa lê, hoa mai… đặc biệt là hoa mai. ở Trung Quốc, mai nở vào cuối đông hoặc đầu xuân, tức nở trước những loài hoa khác. Do đó, hoa mai thường được xem là “sứ giả báo tin xuân”. Mai gắn liền với mùa xuân tới mức khi nói “một nhành xuân” (nhất chi xuân) thì có nghìa là “một nhành mai” (nhất chi mai). Trong bài “Giang mai”, cây mai bên sông hiện ra với sắc trắng thanh bạch, tinh khôi:
“Trước tháng chạp nhị mai vừa ló
Qua sang năm mai nở đã đầy cành
…Cây với tuyết nguyên cùng một sắc…”
Mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, vạn vật tốt tươi. Thơ xuân của Đỗ Phủ bát ngát một màu xanh. Từ màu xanh mơn mởn của cỏ non, liễu biếc… đến màu xanh của những dãy núi xanh om, rồi màu xanh của những hồ nước, dòng sông…
Nhưng bức tranh xuân đó không tĩnh lặng mà rất sống động với muôn sinh vật bé bỏng: một đàn cò trắng vút trời xanh, một con oanh vàng lảnh lót, một đàn bướm phơ phất lượn trong hoa, một con chuồn chuồn rỡn nước, một đàn hạc vút từng không…
Tương phản với những cái cực nhỏ là những cái cực lớn như mặt đất, bầu trời. Có cả một “trời xuân” (thanh xuân) trong thơ Đỗ Phủ.
Trong hàng chục bài thơ viết về mùa xuân, Đỗ Phủ có bài “Tuyệt cú” là một bài đặc sắc:
“Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc,
Một hàng cò trắng vút trời xanh.
Nghìn năm tuyết núi song in sắc,
Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình”
(Tản Đà dịch)
Đây là bài thứ ba trong chùm thơ thất ngôn tứ tuyệt của Đỗ Phủ. Bài này được sáng tác vào năm Quảng Đức thứ hai (764). Bài thơ bày tỏ niềm hoan lạc của Đỗ Phủ sau những năm chiến loạn nhưng cũng biểu lộ niềm khao khát được đi du lãm Đông Ngô của ông. Bài thơ như một bức tranh tứ bình tuyệt mỹ về mùa xuân phương Bắc. Mỗi câu thơ là một bức tiểu họa xinh xắn có thanh có sắc, có xa có gần, có động có tĩnh, có không gian vô hạn, có thời gian vĩnh hằng.
3.2. Xuân đẹp nhưng xuân chóng tàn
(Phải chăng cái đẹp bao giờ cũng chóng tàn và bởi chóng tàn nên nó càng đẹp?)
Người Trung Quốc có câu: Mây ngũ sắc dễ tan, mùa xuân chóng tàn, ngọc liu li dễ vỡ. Thơ xuân của Đỗ Phủ hay có cảnh hoa tàn. Trong “Khúc giang đối tửu” ông viết: “Đào hoa tế trục, lê hoa lạc” (Hoa đào nhỏ rụng theo hoa lê). Trong “Khúc giang nhị thủ” ông tả “Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân” (Một cánh hoa bay làm cho vẻ xuân kém đi). Trong “Khách chí” ông nói đến “Hoa kính bất tằng duyên khách tảo” (Khách đến đường hoa chưa kịp quét). Mùa xuân vừa ló rạng nhưng rồi cũng khuất bóng lúc nào chẳng hay, chằng khác gì “trong xuân sinh là thu sát điêu tàn, sau hạ trưởng là đông sầu xơ xác”. Đó là cái định luật vô thường, biến chuyển khôn lường của vũ trụ.
4. Mùa xuân trong lòng người (tình xuân)
Mùa xuân trong thơ Đỗ Phủ thật đẹp nhưng thơ xuân của Đỗ Phủ nói riêng và thơ sơn thuỷ của ông nói chung không đơn thuần miêu tả phong cảnh thiên nhiên mà thường được kết hợp với đời sống xã hội với tâm sự của bản thân. Điều đó làm cho thơ ông khác hẳn với thơ sơn thủy Nam triều (trước đời Đường)

4.1. Thương xuân, tiếc xuân
Xuân đẹp nhưng xuân qua nhanh. Xuân đến rồi xuân lại đi như cơn gió dịu mát vô tình thoảng qua. Trong bài “Khúc giang” Đỗ Phủ đã diễn tả cái nỗi buồn thấm thía sâu sắc vô cùng khi thấy hoa tàn rụng bay trước cơn gió ơ hờ của mùa xuân. Nhà thơ bồi hồi thương tiếc cho một mùa xuân sẽ trở gót quay đi:
“Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân
Phong phiêu vạn điểm chính sầu nhân”
(Một cánh hoa bay làm cho vẻ xuân kém đi,
Muôn đoá tả tơi trước gió, khiến người rợi buồn)
Nhạy cảm trước sự trôi chảy không ngừng của thời gian, thương tiếc cho cái đẹp chóng tàn, đó là một trong những cảm xúc chủ đạo trong thơ xuân của Đỗ Phủ.
4.2. Xuân và đời người
Cũng trong bài “Khúc giang”, chịu ảnh hưởng của Đạo học, lấy tư tưởng xuất thế làm kim chỉ nam cho thực tại nhân sinh, Đỗ Phủ xem công danh, sự nghiệp, vinh hoa phú quý như mây trôi, gió thổi.
“Vật lý dường này vui cũng phải
Cần chi tiếng hão bận cho đời”
 hay “Nhắn cho phong cảnh thường thay đổi
Tạm chút chơi xuân kẻo nữa hoài”
Xuân qua nhanh cũng như đời người thật ngắn ngủi. Vậy tại sao không vui hưởng để tuổi xuân trôi qua không hoài phí?
4.3. Xuân và quê hương
Mỗi độ xuân về lại gợi cho kẻ tha phương ly xứ nỗi niềm nhớ cố quận quê hương, nơi chôn rau cắt rốn một cách da diết não nùng. Sống trọn vẹn trong hoàn cảnh loạn ly (loạn An Sử), Đỗ Phủ gần như cả cuộc đời phải tha phương. (Và rồi cuối cùng ông chết thảm thương vì đói và bệnh tật trong một con thuyền rách nát trên dòng sông Tương nơi đất khách quê người). Chính vì vậy nỗi nhớ quê nhà của ông thắm thiết vô cùng. Mỗi độ xuân về, những cây mai bắt đầu hé nụ, nhà thơ lại chạnh lòng nhớ quê hương:
“Cố hương nào thấy đâu đâu
   Núi Vu chót vót một màu xanh om”
(Giang mai)
Cố hương thì mịt mù xa cách, chỉ thấy núi Vu chót vót như chặn đứng đường về, chặn đứng cả niềm hy vọng được trở về cố hương của nhà thơ.
Bài “Tuyệt cú”12 cũng một tâm trạng ấy:
“Sông xanh càng trắng chim trời
     Núi cao biếc thắm rạng ngời đỏ hoa.
Thấy rằng năm hết xuân qua
     Hôm nao mới được về nhà thăm quê?”
Một nỗi buồn mênh mông sâu lắng và dằng dặc vô cùng. Nhà thơ khắc khoải tự hỏi “Hôm nao mới được về nhà thăm quê?”. Trong một ngày xuân đẹp trời, câu hỏi ở nơi tha phương đó đã mang cả tấn bi kịch của cuộc đời Đỗ Phủ.

4.4. Xuân và đất nước
Nhưng thơ xuân của Đỗ Phủ không chỉ ghi lại những tâm sự của cá nhân ông mà trong đó còn có bóng dáng của thời đại. Đỗ Phủ cùng nhịp thở với nhân dân, đất nước của mình. Mọi niềm vui, nỗi buồn của ông hòa với niềm vui, nỗi buồn của dân tộc. Đất nước đau thương nên thơ xuân của ông cũng tràn trề nước mắt.
Đây là hình ảnh của chính Đỗ Phủ trong một ngày xuân “nước mất” ở bài “Ai giang đầu”:
“Ông già Thiếu lăng nghẹn ngào khóc,
Ngày xuân thui thủi khúc sông Khúc
Bên sông cung điện khóa nơi nơi
Bồ, liễu vì ai khoe thắm lục?”
Và đây là một mùa xuân đầy nước mắt trong “Xuân vọng”
“Nước mất nhưng núi sông còn,
  Thành xuân quạnh quẽ um tùm cỏ gai.
Cảm thời hoa để lệ rơi,
  Biệt ly chim cũng vì người xót xa.
Tháng ba rồi lại tháng ba,
  Thư nhà buổi loạn đáng là vàng muôn.
Gãi đầu tóc bạc thêm cùn,
  Búi lên xổ xuống trâm luồn lại rơi.
Đỗ Phủ làm bài thơ trên vào tháng 3 năm 757 lúc ông bị quân phản loạn An Lộc Sơn bắt giam tại kinh thành Trường An. Lúc này đang là mùa xuân. Nói đến mùa xuân mà không nói đến lòng người phơi phới, không nói đến hoa cười chim hót mà chỉ nói đến “lệ rơi” “biệt ly đủ biết tâm trạng của thi nhân đau khổ như thế nào trước cảnh chiến tranh loạn lạc.
Nếu bài Xuân vọng là xuân buồn, đau thương của Đỗ Phủ thì trong một bài thơ xuân khác nhà thơ lại diễn tả tâm trạng vui mừng khôn xiết của mình khi nghe tin thắng trận, quê hương được giải phóng. Đó là bài “Văn quan quân thu Hà Nam, Hà Bắc”
“Kiếm ngoại được tin thu Kế bắc,
Thoạt nghe nước mắt ứa hai hàng
Vợ con buồn thảm liền vui vẻ,
Sách vở mừng điên gấp vội vàng.
Ngày đẹp hát ngao thì chuốc rượu,
Trời xuân theo bước thẳng về làng
Ngay từ Ba giáp qua Vu Giáp
Rồi xuống Tương Dương tới Lạc Dương
Bài thơ được làm vào năm 763 khi ông còn ở Từ Châu. Tháng giêng mùa xuân năm đó quân Đường lấy lại các tỉnh Hà Nam (quê Đỗ Phủ) và Hà Bắc. Đang ở Kiếm Môn (Tứ Xuyên) nghe tin thắng trận, Đỗ Phủ mừng vui khôn tả nên đã làm bài thơ này.
Nhà bình luận đời Thanh Phố Khởi Long nhận xét: “Tám câu thơ đi nhanh như bay…Đây là bài thơ khoái trá bậc nhất trong cả đời Đỗ Phủ”.
Hai bài thơ xuân, hai không khí xuân, hai tâm trạng xuân của thi nhân nhưng đều nói lên rằng: thơ xuân của Đỗ Phủ cùng chung với vận mệnh của đất nước, dân tộc.
4.5. Xuân và nhân dân
Thơ Đỗ Phủ là tập “thi sử” nhưng Đỗ Phủ không hề “viết sử” một cách khách quan. ông đứng hẳn về phía “dân đen”, coi nỗi đau của họ như nỗi đau của chính mình; nỗi lo của họ cũng là nỗi dằn vặt tâm linh của ông. Một mùa xuân đại hạn, ông thấy mặt trời đỏ như máu, đất trời mù mịt, đồng khô đất nỏ, dân khốn đốn gào khóc. Cái mùa xuân tang thương như thế được ông miêu tả trong bài “Hỷ vũ”.
Thơ xuân của Đỗ Phủ tràn đầy tinh thần nhân đạo.
4.6. Xuân và bạn
Ngày xưa người bạn còn gần gũi hơn cả người tình. Đỗ Phủ đã có một tình bạn vong niên với Lý Bạch -  người hơn ông 11 tuổi. Hai người đã từng gặp nhau, cùng sống chung và cùng đi săn bắn ngao du sơn thủy rồi chia tay để không bao giờ gặp nhau nữa; nếu có gặp nhau thì chỉ là trong mộng. Đỗ Phủ đã viết hàng loạt bài thơ nhớ Lý Bạch: “Thiên mạt hoài Lý Bạch” (Cuối trời nhớ Lý Bạch), “Mộng Lý Bạch” (Mơ thấy Lý Bạch). Có một bài thơ xuân nằm trong chùm thơ nhớ bạn ấy của Đỗ Phủ là bài “Xuân nhật ức Lý Bạch”.
“Thơ Lý Bạch ai mà dám sánh,
Tứ siêu quần hùng mạnh phiêu diêu.
Thảnh thơi Bảo Chiếu cao siêu,
Dữu Tín mới mẻ lại nhiều vẻ tươi.
Tôi xuân này ngắm cây bắc Vị,
Anh Giang Đông vắng vẻ mây chiều
Bao giờ bình rượu bên nhau
Lại bàn văn học gót đầu đinh ninh”.
Bài thơ cho thấy tình bạn bè, tri kỷ là cái gì cao quý trên cuộc đời này. Trong một ngày xuân, Đỗ Phủ mơ ước gặp lại bạn, cùng uống rượu, cùng đàm đạo thơ văn. Bài thơ ấm áp một tình cảm yêu mến kính trọng và nhớ nhung của nhà thơ với bạn.
Trong bài “Khách chí” cũng vẫn tình cảm mến yêu trân trọng đó với bạn của Đỗ Phủ:
“Nhà nam nhà bắc đầy hơi xuân,
Chim rét vài đàn qua trước sân.
Khách đến đường hoa chưa kịp quét,
Cửa lau tay bạn mở lần khân.”
……
5. Mùa xuân trong thơ Đỗ Phủ là bức tranh thủy mặc màu sắc hài hòa. Bức tranh đó được vẽ với những nét chấm phá đơn sơ mộc mạc mà gợi cảm. Trong bức tranh đó ta thấy được cái huyền diệu của thiên nhiên vũ trụ và cả cái tinh diệu trong đời sống tình cảm của bậc “thi thánh” Đỗ Phủ.
Hải Dương tháng 2.2008