Trang chủ » Tin văn và...

Xin đừng thả nổi việc "thả thơ lên trời"

Phạm Khải
Thứ năm ngày 5 tháng 3 năm 2009 6:49 PM
 

1. Ai từng có dịp ghé qua sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong các Ngày Thơ Việt Nam mấy năm trở lại đây, hẳn đều nhận thấy nghi lễ thả thơ đã được lãnh đạo Hội Nhà văn chuẩn bị khá... kỳ công. Từng tốp nam thanh nữ tú yểu điệu trong trang phục truyền thống, tay cầm những quả bóng bay được đính những tấm lụa hồng có in thơ trên đó, chỉ chờ phát lệnh là nhất loạt thả chúng bay vào trời xanh. Đã có hàng ngàn cặp mắt xúc động dõi theo những quả bóng - thơ nói trên. Phải nói, đó là giây phút thiêng liêng mà những người yêu thơ đều không thể quên được. Nhưng, càng xúc động trước nghi thức này bao nhiêu, người yêu thơ lại càng cảm thấy... hẫng hụt bấy nhiêu khi được biết công tác tuyển chọn thơ trong thực tế đã không được quan tâm đúng mức. Thậm chí, nó gần như bị... “thả nổi”.Thả thơ trong Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu
Cảm giác này tôi có được sau khi đọc bài viết của nhà thơ Trần Quang Đạo giãi bày những khó khăn của ông cùng nhóm tuyển chọn trong việc chọn thơ cho Ngày Thơ Việt Nam năm nay (bài viết được tải trên blog của nhà thơ Trần Quang Đạo, cũng như trên trang web của nhà văn Phong Điệp và nhà thơ Trần Nhương cách đây ít hôm).
 
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Đạo cho thấy, không có một vị nào trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn hoặc trong Hội đồng Thơ của Hội đứng ra cáng đáng việc chọn thơ này. Thậm chí, một số hội viên còn tìm cớ...cáo lui. “Tôi nhớ, năm ngoái, PGS.TS NĐĐ đã từ chối, năm nay nhà thơ ĐHG cũng không nhận lời...”- Ông Đạo thổ lộ. Bản thân nhà thơ Trần Quang Đạo, nhà lý luận phê bình văn học Lưu Khánh Thơ (hai người tuyển chọn thơ năm nay) cũng nhận việc với một sự... cực chẳng đã (nói như ông Đạo là ngoài yêu thơ, ngoài “trách nhiệm hội viên” thì một phần là do ông “cả nể”). Kết cục là, nhà thơ Trần Quang Đạo đã phải “lục chọn và bê về hàng chồng sách để đọc, rồi cân nhắc chọn ra, quả thật vừa tốn thời gian, vừa tất bật”. Còn nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ, vì “những ngày đó có người anh ruột bị nhồi máu cơ tim, phải thường xuyên vào viện chăm sóc, nên cứ cuống cả lên”. Nhưng rốt cục, nói như ông Đạo “rồi tất cả mọi việc cũng được thực hiện, 50 câu thơ năm nay cũng được thả lên trời”.
 
2. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu, cái khó không phải là thả được thơ... lên trời, mà quan trọng là phải neo nó được vào lòng người. Thực tế, trong số 50 câu được chọn trong năm nay, đã có những câu thơ bị trích dẫn sai (như các câu của Tú Xương, Hàn Mặc Tử, Hoàng Trần Cương...). Một số câu chưa được thuyết phục… Sau khi báo chí có bài lên tiếng chỉ trích vấn đề này, ông Đạo đã dẫn ra nhiều lý do để giải thích, trong đó có những lý do như “do tâm trí của người đi chăm nuôi người ốm nặng trích theo trí nhớ”, do “sai ở khâu biên tập lại của Ban tổ chức, hay lỗi mo-rát”...
Nhiều lý do được đưa ra, song điều đáng bàn là cần phải có phương pháp tuyển chọn thế nào?
 
Ai cũng biết, những câu thơ hay phải là những câu ít nhiều đọng lại trong trí nhớ, gây ám ảnh tâm trí người đọc, trong đó có người tuyển chọn. Nghĩa là, người tuyển chọn, ngoài việc có năng lực cảm thụ văn học tinh nhạy, còn phải có một vốn liếng thi ca phong phú (nói nôm na là phải yêu và thuộc nhiều thơ). Chứ đến khi được giao việc mới khệ nệ khuân sách về đọc, mới a lô a la cho người nọ người kia nhờ “chọn giúp”, theo tôi là không đắc sách. Vả lại, những câu thơ hay nhiều khi đến với tâm hồn người đọc theo kiểu “trầm tích”, không phải cứ căng mắt ra, cố đọc, cố nghĩ... là xong.
 
Chọn thơ hay cũng không thể xuất phát từ việc nhìn... người, mà trước hết phải từ bản thân chất lượng của chính những câu thơ. Việc người tuyển chọn gọi điện cho một số nhà thơ, yêu cầu họ “tự ứng cử” để mình chọn, rồi khi thông báo lại cho họ, thấy họ tỏ ra “rất khoái” thì coi như mình đã thành công (như trường hợp chọn câu thơ của nhà thơ LHQ), thiết nghĩ cách chọn thế cũng chưa lấy gì làm đảm bảo. Bởi chọn thơ hay là chọn cho công chúng, để bàn dân thiên hạ cùng thưởng thức, chứ không phải để chiều lòng các nhà thơ!
 
Một điều nữa cũng cần phải nói thêm ở đây: Việc chọn thơ trước tiên phải dựa vào trí nhớ, song không thể quên thao tác đối chiếu văn bản (việc này kể cũng không khó khăn gì bởi những tác phẩm ưu tú hiện đều được tái bản nhiều). Không nên coi việc hỏi nhau qua điện thoại là xong. Bởi cứ cái cảnh bên hỏi giọng Quảng Bình, bên trả lời giọng Nghệ An (như nhà thơ Trần Quang Đạo từng kể về cuộc trao đổi giữa ông với nhà thơ Hoàng Trần Cương) thì việc câu thơ của ông Cương bị in sai là hoàn toàn có khả năng xảy ra từ đây...
 
Tóm lại, muốn nói gì thì nói, việc chọn thơ chất lượng hay không vẫn phải phụ thuộc vào năng lực của người tuyển chọn. Nhà thơ Xuân Diệu từng viết “Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người”. Một khi Hội Nhà văn chấp nhận cả những người làm việc chọn thơ cho Ngày thơ Việt Nam trong tình thế “bất đắc dĩ”, thì việc thơ chọn xong, bị dư luận lên tiếng phản ứng mạnh mẽ, cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Phạm Khải (Nhà thơ, nhà phê bình)
 
Nguồn : TTVH