Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ngoại tôi

Trần Tố Loan
Thứ năm ngày 5 tháng 3 năm 2009 7:16 PM

     Mỗi khi xem Videoclip bài hát Mùa thu trắng của nhạc sĩ Trần Tiến, tôi lại da diết nhớ bà ngoại.
    Người bà có ánh mắt của thời xa vắng.
    Người bà như không sống ở thời hiện tại.
    Tôi đã nhiều lần lặng nhìn đôi mắt ấy hướng về một thời xa xăm nào đó trong quá vãng. Những chiều dịu buồn, ánh nắng đã nhạt, bà ngồi tựa cửa nhìn ra cõi mông lung mà mắt như không dừng lại ở đâu cả, chắc lúc đó dòng kí ức của bà đang phiêu diêu trong cõi mộng tưởng.
    Tôi đã từng giật mình khi thấy bà thản nhiên cầm hòn than đỏ trong tay mà như không biết. Ngay cả khi ngồi bên bếp lửa tâm trí bà cũng như đang gửi đi đâu.
      Bà đang sống cho ngày xưa!
     Theo lời kể của mẹ, ngoại tôi mang họ Đào, sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có bậc nhất ở vùng Đức Thọ - Hà Tĩnh. Từ bé cho đến khi lấy chồng, bà sống trong cảnh giàu sang, sung sướng, kẻ hầu người hạ đầy nhà. Ngày bà lấy chồng, gia đình cho rất nhiều của cải còn gửi theo nàng hầu. Chồng bà là hậu duệ của dòng họ Phan nổi tiếng trong vùng. Một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối. Ông bà sinh được 10 người con, sống đầm ấm, hạnh phúc. Tuy thuộc tầng lớp đại địa chủ nhưng ông bà rất yêu thương người nghèo, ai khó khăn ông bà đều cho thóc gạo.
      Nhưng cuộc sống giàu có, hạnh phúc kéo dài không lâu!
     Cơn lốc cải cách ruộng đất cuốn trôi tất cả.
     Gia đình nội ngoại tan tác, cụ ngoại bị bắt đi tù. Thư về cho gia đình, sợ người ta đọc, cụ viết bằng chữ ngược. Về sau mất thế nào mẹ không rõ. Ông ngoại đang dạy học ở Vinh thấy ngoài đó người ta “đánh” địa chủ ầm ầm liền  trở về nhà tuyệt thực một tuần rồi qua đời, lúc đó mẹ tôi 3 tuổi. Người ta hả hê đến lột hết tài sản bọn địa chủ. Gia đình ông bà ngoại khánh kiệt. Một bà goá trẻ cùng mười người con sống trong cảnh ghẻ lạnh của xóm giềng, sự kì thị của xã hội, có kẻ ác ý còn ném đất đá, đổ cả mát gà vào nhà.
     Bà vẫn âm thầm sống, âm thầm nuôi con, âm thầm lưu giữ kí ức về thời xa vắng.
     Người goá phụ ấy đã dấu nỗi đau vào tận nơi sâu thẳm cõi lòng. Lặng lẽ sống, lặng lẽ vun vén cho các con như một bần cố nông. Mười người con của bà lớn lên, người chết trẻ, người lưu lạc, người hi sinh trong kháng chiến, còn 3: hai cậu và mẹ tôi.
    Thẳm sâu trong miền kí ức của tôi, hình ảnh người bà lưng còng, mắt sáng buồn, đi gom từng hạt đỗ, hạt lạc, hạt vừng gửi cho gia đình cô con gái ở xa luôn gọi dậy trong tôi một nỗi xúc động, buồn thương lạ lùng. Hạt đỗ của bà gửi bao giờ cũng nhiều màu, nhiều loại trộn lẫn. Bà đã đi bao nhiêu cánh đồng để nhặt được chừng ấy đỗ?
     Mỗi lần có cháu ở xa về chơi, bà lại dẫn đi khoe hàng xóm. Bà tỉ mẩn ngồi chia kẹo ra thành nhiều gói nhỏ chia cho trẻ con khắp làng. Những ngày có cháu về chơi  đôi mắt xa vắng của bà lại ánh lên những tia sáng lấp lánh. Tôi là người hay về thăm bà nhất, có lần đã tự mình đạp xe theo đường núi từ Thạch Hà về Đức Thọ. Lần nào về bà cũng vui, cố gắng làm hết mọi việc để cậu mợ không có lí do gì mà nặng nhẹ với cháu.
     An Tiến - Đức An - Đức Thọ nơi bà và cậu mợ tôi sống là một vùng quê nghèo, buồn nhưng thanh bình kì lạ. Một vùng bán sơn địa đầy đá ong. Bà chỉ ước một ngày quê mình có điện. Người ta chở cột điện về để bên đường cái và lãng quên nó cho cỏ dại phủ kín. Gia đình tôi chuyển từ Thạch Hà ra Vinh trong lần chia tỉnh năm 1991. Bà ra thành phố chơi về có ai hỏi thăm thì chỉ nói: Ngoài nớ (ấy) đèn điện sáng trưng.
     Về già bà sống tằn tiện bằng suất tiền tuất liệt sĩ của dì Bảy, con cháu may quần áo hay cho cái gì cũng cất dành. Bà đã sống một cuộc đời lặng lẽ và u uẩn cho đến tận lúc chết. Ánh mắt vẫn thuộc về miền quá khứ.
     Bà ra đi cũng lặng lẽ như cuộc đời của mình. Năm ấy tôi học lớp 10. Trưa đi học về, mẹ bảo cùng anh rể và mẹ ra bến xe về quê thăm bà, người nhà gọi điện ra bảo bà ốm. Tôi vẫn ngờ rằng mẹ biết trước điều khủng khiếp ấy mà cố dấu. Chờ mãi mới có xe, chiều tối mới đến nhà bà. Về đến nơi mới biết họ đã đưa bà đi...Tôi thấy chết lặng cả cõi lòng. Sao mọi người đưa bà đi nhanh vậy?
      Nấm mồ bà tôi nằm lẻ loi trên một triền đồi toàn cây keo tai tượng trong ánh hoàng hôn là hình ảnh cuối cùng tôi lưu giữ về bà. Tôi thấy nhói buốt trong ngực chỉ biết khóc khan không thành tiếng. Khi người nhà hạ gói đồ của bà treo trên xà nhà xuống, mở ra đốt thì thấy toàn là quần áo mới...Chỉ đến khi đó tôi mới khóc oà lên. Ôi người bà có ánh mắt u buồn của tôi! Bà đã cất dành để làm gì vậy?
     Không còn bà nữa, tôi ít về quê hơn. Bạn bè tôi ai cũng đầy đủ ông bà nội ngoại, còn tôi, ngay từ nhỏ đã chỉ có mỗi một bà ngoại nên mất bà lòng tôi trống vắng lạ lùng. Khi còn ở Vinh, mỗi lần giỗ hoặc Tết tôi đều về thắp hương cho bà.
     Bà vẫn nằm lẻ loi giữa đồi cây keo tai tượng nay đã xanh tốt um tùm. Mỗi lần đứng giữa bạt ngàn đồi núi, bên cạnh nấm mồ đơn chiếc của bà lòng tôi lại trĩu nặng và luôn tự hỏi đâu là ý nghĩa đích thực của cõi sống này? Không có ai trả lời tôi, chỉ thấy lá reo với gió. Tôi nghe trong lòng bàng bạc nỗi nhớ thương và nuối tiếc vô hạn, chợt nhớ mấy vần thơ của thầy Trương Đăng Dung:
Thôi em đừng khóc
rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi
một ngày kia hết mọi buồn vui
chui xuống cỏ ta sẽ nằm đưới cỏ
bàn tay ta bất động giữa đất dày
bàn tay ta thôi tìm nhau run rẩy...
(Ảo ảnh-TRƯƠNG ĐĂNG DUNG)
     Thế mà tay bà đã không còn run rẩy cầm bàn tay cháu hơn 13 năm có lẻ rồi đấy. Ngày sang cát bà, tôi không về được. Lòng tôi sắt lại khi nghe mẹ kể lúc mở ra quan tài ra thì chỉ thấy rễ cây trắng như giá ôm lấy thân thể bà... Lấy chồng xa thiệt thòi như thế đấy bà ạ. Bà hãy xem những dòng chữ này như một nén tâm hương cháu dâng lên bà. Cháu vẫn luôn nhớ ánh mắt của bà - người bà thuộc về Mùa thu trắng của tôi.