Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Từ sông Tô Lịch đến sông Sài Gòn

Nguyễn Quang Thân
Thứ tư ngày 4 tháng 3 năm 2009 9:55 PM
Chữ nghĩa to tát vậy thôi chứ với tôi thì chỉ là hành tung của một cuộc dọn nhà, mà lại dọn nhà ở tuổi xưa nay hiếm! Đồng Nai đã trải, Phú Xuân cũng từng, không phải đại gia mà cũng Sài Gòn - Hà Nội đi về chán chê gần ba chục năm nay, khi vì tình khi vì công việc. Tưởng được chết ở Thăng Long, vậy mà phải từ bỏ căn hộ với cái gác xép mộng công hầu bên sông Tô Lịch bao nhiêu năm (xin hiểu viết văn công ăn nhuận bút, hầu chữ thiên hạ). Cũng chỉ còn một an ủi là đời mình chưa tàn trong ngõ hẹp như thi sĩ họ Vũ ngày xưa, lại còn được tung tẩy giang hồ trên đoạn đường áp chót nữa chớ!
Nhà tôi ở Hà Nội gần kề bên sông Tô Lịch. Có lẽ không cần tả dài dòng, chỉ nhớ lại cuộc chơi đố vui của sinh viên mới đây, có một cậu đưa ra đoạn ruy-băng đen kịt rồi đố là cái gì? Cô bạn gái thông minh nói liền là sông Tô Lịch, ăn giải. Năm mươi ba năm trước, tôi lần đầu đến Hà Nội mới giải phóng, sông Tô Lịch còn trong xanh, thơ mộng lắm. Người dân bên sông thả bè trồng cải soong và rau muống mép nước, hai món rau bản vị cho bữa cơm dân nghèo Hà Nội. Thỉnh thoảng thấy có người đưa vó ra cất. Chắc những cái vó này được gác trên bếp ga để vừa rồi đưa ra bắt cá trên đường Thái Hà trong trận lụt lịch sử vừa qua.
Năm 1990, tôi từ Hải Phòng về làm dân Thủ đô. Không ai dám trồng cải soong nữa, nhưng bè rau muống vẫn còn, mãi gần đây, mới hết sạch rau trên mặt dải băng đen vì ăn vào có thể đi... Văn Điển. Dễ tính mấy cũng thấy bây giờ mà còn gọi là sông Tô Lịch thì e rằng chưa thạo tiếng Việt. Tô Lịch không còn là sông nữa theo bất kỳ tiêu chuẩn dễ dàng nào. Đó là cái bể phốt lộ thiên khổng lồ của Hà Nội. Nói sai xin... chết liền!
Rời hẳn một con sông từng nổi tiếng trong thơ văn, có 18 năm sống không mong đợi gì (có làm dự án đâu mà mong đợi!), ra đi cũng không hề nuối tiếc, đây là nói không nuối tiếc cái bể phốt thôi chứ Hồ Gươm còn đó, Hồ Tây còn đó, những căn phố hẹp thánh thót tiếng dương cầm vẫn còn đó, bồi hồi chàng trai những đôi mắt nào còn đó, còn cả trong tôi. Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long, Nguyễn Du còn phải kêu lên mừng rỡ khi không ngờ bạc đầu còn được thấy Thăng Long, huống gì tôi phải xa Hà Nội sao không nhớ tiếc. Nhưng tôi vẫn đi về phương nam với niềm hy vọng về một vùng đất ưu ái với người nghèo, người già.
Căn hộ mới của tôi lại kề bên sông Sài Gòn. Thế này mới đáng gọi là sông chứ! Dòng sông phẳng lặng, mênh mông bốn bề vây quanh đảo Thanh Đa. Sông rộng như hồ Trúc Bạch. Tuy năm nào cũng ra vào TP.HCM một hai lần, chưa vào được thì nhớ. Nhưng vào sống một hai tháng thì lại muốn ra Hà Nội vì không chịu nổi cái nắng cho đến Tết Công-gô không râm mát một ngày, vì cái ồn ào nào cũng chỉ làm người ta vui một thời gian rồi lại mệt mỏi, căng thẳng; vì thỉnh thoảng một anh bạn nhà văn, nhà báo nào đó gặp nạn, nhăn nhó, méo mặt sau một trận bề hội đồng, ông ở gần mặt trời mà lại may, họ mừng cho tôi. Thực ra gần lửa thì rát mặt, chưa bị cháy cũng là trời thương. Và cuối cùng là vì nhớ. Vâng, sống mãi ở Hà Nội người ta dễ chán. Nhưng xa Hà Nội thì nhớ, không chỉ riêng Vũ Bằng, nhớ một giây run rẩy trước ngọn gió heo may đầu mùa, nhớ một món ăn, một chén trà góc phố buổi sáng. Mà cái nhớ này nó mới da diết làm sao! Nhưng lần này thì yêu hay ghét, chán hay thích, nhớ hay không, mặc, số phận đã an bài. Tôi hòa nhập vào Sài Gòn cũng như mấy triệu người Nam tiến nửa thế kỷ nay, có khác chi. Sài Gòn đất nước tôi, của tôi, tôi ở, có gì lạ.
Ba mươi năm trước, lần đầu tiên tôi vô Sài Gòn, Vũng Tàu. Cái hồ hởi sau ngày 30/4 đang lắng xuống. Nhiều người vui nhưng cũng lắm người buồn. Buồn tâm trạng. Buồn sinh kế. Buồn tương lai. Buồn quá khứ. Buồn vì kẻ ở người đi; kẻ trong người ngoài. Buồn không vì cái gì hết. Nhạc Trịnh Công Sơn như bè trầm đệm cho một cuộc sống lạ lẫm với tất cả mọi người, mọi tầng lớp, kể cả những người chiến thắng vừa mới trở về.
Lạ vì lần đầu tiên người Sài Gòn đi xếp hàng mua gạo. Lạ vì lần đầu tiên người Sài Gòn nhìn thấy hạt bo bo. Lạ vì sao thợ cắt tóc, thợ sửa giày dép, sửa Honda cũng vào tổ hợp. Cái Sài Gòn ngày ấy ngơ ngác nhìn người ra đi, nhìn người dọn tới. Như thay nước trong bình, như dòng sông Sài Gòn lầm lì chảy xuôi khi thủy triều xuống, chảy ngược khi thủy triều lên. Thôi thì gọi là nỗi buồn bao cấp, nỗi buồn hậu chiến, dù chưa chắc đủ, chưa chắc đúng cũng nhẹ mình. Nhưng ngay hồi đó tôi đã cảm thấy sức sống tiềm ẩn của một Sài Gòn từng là hòn ngọc Viễn Đông. Có thể nói ai bê trễ, ai thở than, ai sầu não buông xuôi nhưng người Sài Gòn thì không. Sức sống ấy lộ ra trong cái bây giờ ta đang mơ cho mọi người, đó là tính chuyên nghiệp của cuộc sống. Cô gái bán cà phê đưa hộp đường lại ngay chỗ anh khi anh mới nhấp ngụm đầu tiên, vì qua cái liếc mắt cô biết anh cần thêm đường. Khi anh trả tiền lớn, người bán hàng nào cũng biết thối lại cho anh trong nháy mắt. Vào cổng một cơ quan, một chung cư, người gác dan chỉ cho anh đường đi lối lại ân cần, chu đáo. Tôi và Nhật Tuấn vào quán cà phê của họa sĩ Hoàng Ngọc Biên thấy anh đang giúp con gái hầu bàn, tiếng anh dạ” khách rất chuyên nghiệp, mặc dù hôm qua anh lại vừa kiêu kỳ khi nhận vẽ bìa cho một cuốn sách của NXB Văn Học. Tôi vừa ở Hà Nội vào và đó là những gì quyến rũ tôi.
Lúc đó Hà Nội cũng không vui gì hơn. Cơ chế bao cấp cũng đang đè nặng cuộc sống tự nhiên của một xã hội đã qua nhiều năm hòa bình chứ không còn chiến tranh nữa. Nhưng tôi đã gặp quanh tôi quá nhiều người thở dài, buông xuôi và cam chịu. Cứ như là đang bị trói. Mua không được gạo thì họ nhịn ngay bữa tối chờ hôm sau mậu dịch có hàng. Gánh chè đậu đen bán ế, họ ngồi thở dài rồi bắt con ăn trừ bữa (đâu đã có tủ lạnh như bây giờ). Người Sài Gòn không thế. Không mua được gạo mậu dịch, họ đi mượn gạo hàng xóm hay cầm chiếc nhẫn rồi kéo chồng con ra quán hủ tiếu. Gánh chè ế ư? Người ta đưa mời mấy bà đồng nghiệp bán cơm tấm, cháo canh ăn chè ủng hộ, ế hàng mà cười như pháo ran.
Sau những năm đổi mới, trên vỉa hè Hà Nội cán bộ công nhân về hưu hay chưa đổ ra kiếm sống. Một nhà báo nước ngoài nhận xét rất tinh, Hà Nội là thành phố không dân, đúng hơn là cán bộ nhiều hơn dân. Còn lâu mới có tính chuyên nghiệp trong kinh doanh nhỏ lẻ, trong dịch vụ. Thời bao cấp khó khăn, người Sài Gòn xoay xở theo cách của mình, không vụn, không cò con kiểu bà chủ quán cà phê Hà Nội vừa bán hàng vừa bình luận về nhân sự trung ương, nhưng tiếc từng viên đá cho khách. Tài xoay xở của miền đất phương nam bao giờ cũng có dáng dấp đĩnh đạc, làm ăn lớn.
Lạc quan và sống một cách chuyên nghiệp, đó là sức sống Sài Gòn. Chính sức sống đó đã làm TP.HCM tỉnh ngủ nhanh hơn nhiều nơi khác sau mấy năm buồn hậu chiến để bước vào giai đoạn tiền đổi mới dưới thời ông Linh, ông Kiệt. Thật vậy, sức sống tiềm tàng của dân tộc chứ không phải cái gì khác đã thay đổi cái cũ, tạo nên cuộc đổi mới với những thành tựu hôm nay.
***
Từ sông Tô Lịch, tôi lại đến bờ sông Sài Gòn. Dòng sông vẫn rộng, vẫn miệt mài chảy ngược chảy xuôi. Khác trước ở chỗ đen hơn, bốc mùi lục bình thối và những mùi đặc biệt khác. Báo chí chạy tít phải cứu sông Sài Gòn. Cứu sông Sài Gòn là cứu dân Sài Gòn. Hà Nội không có tờ báo nào kêu gọi cứu sông Tô Lịch. Không ai kêu gọi cứu một người đang hấp hối.
So với 30 năm trước, TP.HCM thêm mấy quận, dân thêm mấy triệu người. Tôi không biết cư dân được phân bổ lại như thế nào. Như bất kỳ thành phố lớn nào, dân cư được pha loãng ra mỗi ngày. Thật khó tìm một người Hà Nội. Chuyện khó tin! Cũng thật khó tìm một người Sài Gòn. Cháu là người TP.HCM nhưng không phải dân Sài Gòn – một anh lái tắc xi bảo tôi. Còn bác? Tôi người Hà Nội nhưng không phải dân Hà Nội!. Vậy đó.
Sự thống nhất chính trị có thể vững chắc hơn, đó là điều tốt đẹp. Nhưng giao thoa văn hóa giữa hai miền trước đây xa cách thường có cái được kèm theo cái mất. Cái đáng sợ là một quốc gia nhạt nhòa văn hóa, chỗ nào cũng giống chỗ nào. Ai mà chẳng buồn khi vừa rời sông Tô Lịch một dải băng đen lại đến bên sông Sài Gòn ô nhiễm; vừa thoát nạn kẹt xe, nắp cống, đào đường ở Ô Chợ Dừa lại gặp một ván bài đôminô những xe là xe ngay ở ngã tư đường Võ Thị Sáu và nạn lô cốt trên đường Điện Biên Phủ.
Cũng chưa hẳn đã hoàn toàn như thế. Ở Hà Nội, nếu anh lỡ va quệt với xe ai đó trên đường, dù đó là một cô gái xinh như mộng hay một anh chàng bảnh bao, sáng sủa như kỹ sư tin học, anh có nguy cơ bị mắng: Đi kiểu gì thế, thằng già?. Cũng may là ở đây, nơi tôi vừa dọn đến, tôi chưa thấy trường hợp nào như vậy. Cầu mong văn hóa và sự tử tế cũng như sự không tử tế đừng bao giờ giống nhau, ngang tầm nhau để người ta còn hy vọng.
Nguồn: PN