Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hồn người hoá tiết Thanh Minh

Phan Cung Việt
Thứ tư ngày 4 tháng 3 năm 2009 1:05 PM
 
 Nhà văn Xuân Thiều quê xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ngày 1 tháng 4 năm 1930, mất ngày 4 tháng 4 năm 2007, tại Hà Nội. Những con số của sự ra đời và sự ra đi, những địa danh hằng sống hằng yêu và nơi ra đi, với ông, là sự linh diệu. Ông sinh và ra đi ở tiết Thanh Minh của trời đất.
 Tôi có quyền nghĩ rằng, câu thơ của Nguyễn Du “Thanh Minh trong tiết tháng ba”, đại thi hào cùng quê Hà Tĩnh với ông, có nhiều can cớ với số phận của ông. Và câu này nữa, “Thiều quang mấy chục…” thì như đã là tiền duyên. Chữ “Thiều” ở đây làm ta thú vị đến sửng sốt. Như bất chợt gặp lại ông vậy!
 Là thanh niên thời đại, ông cầm súng chiến đấu cho độc lập tự do, là lẽ đương nhiên. Và việc ông cầm cây bút để trở thành một nhà văn tên tuổi, càng đúng hơn nhiều. Tiểu sử cuộc đời và tiểu sử văn học của ông thật tươi đẹp. Hãy nhắc đến  những tác phẩm chính: Đôi vai (tập truyện ngắn), Một người lính (tập truyện ngắn), Chiến đấu trên mặt đường (ký sự), Mặt trận kêu gọi (truyện dài), Đi xa (tuỳ bút), Trước giờ ra trận (thơ), Trời xanh (tập truyện ngắn), Bắc Hải Vân Xuân 1975 (bút ký), Thôn ven đường (tiểu thuyết), Khúc sông (tập truyện ngắn), Từ một cánh rừng (kịch bản phim), Tư Thiên - tức Huế mùa mai đỏ (tiểu thuyết), Gió từ miền cát (tập truyện ngắn), Người mẹ tội lỗi (tập truyện ngắn), Khúc hát  mở đầu (truyện dài); Xin đừng gõ cửa (tập truyện ngắn), Và nỗi nhớ (thơ), Tuyển tập truyện ngắn Xuân Thiều, Tiếng nói cảm xúc (tiểu luận văn học)…
 Đến tiết Thanh Minh này, nhớ hai năm ngày ông ra đi, bạn đọc lại gặp những tác phẩm tái bản tươi mới của ông: Xuân Thiều – 10 truyện ngắn chọn lọc (dày 310 trang); Huế - mùa mai đỏ (680 trang). Bộ sách chọn lọc nhân 60 năm ra đời báo Văn nghệ có truyện ngắn nổi tiếng của ông viết về người chiến sĩ quản tượng – Và mới nhất, xinh xắn thôi, tuyển thơ 580 năm La Giang - Đức Thọ, có bài thơ chọn lọc tràn đầy cảm xúc của ông, viết từ tháng 1 năm 1966: Hành quân qua quê:
  Quê ơi!
  Sao vừa lạ vừa quen
  Ngày tôi trở lại
  Đò sông La chở cả trời đêm…
 Đúng, nhà văn Xuân Thiều, nhà thơ Xuân Thiều đang trở lại đó. Những người tham gia chuẩn bị bộ phim về ông, về sự nghiệp văn học của ông, mường tượng những sắc màu kỳ diệu làm nền cho những quãng đời của nhà văn. Bầu trời sông La xanh đến kỳ lạ như ôm lấy cả Trường Sơn. Màu hoa mai vàng rực của Huế, của Bình Trị Thiên khói lửa, nơi ông dành quãng đời đẹp nhất để chiến đấu và cầm bút. Cái màu Ba Vì núi Tản nơi ông nằm lại… Rõ ràng sắc màu cũng là một sự linh diệu.
 Tôi không muốn điểm lại hoặc bình luận về tác phẩm của nhà văn Xuân Thiều như các nhà phê bình văn học vẫn làm lâu nay. Với một cuộc đời sống cuộc đời văn chương như Xuân Thiều, ông vẫn là sáng tạo khi mách cho ta thử làm một trắc nghiệm. Đó là các khoảng trống mà người đó để lại mà về sau ta mới thấy. Đó là cái thời sự nóng cuả công việc sáng tác.
 Thử nói về văn xuôi. Các thế hệ nhà văn lại trăn trở về công việc sáng tác. Nhiều khi một vấn đề cơ bản như đổi mới thi pháp lại đặt ra như từ đầu. Đọc lại hàng chục tác phẩm của nhà văn, qua đủ các thể loại, ta chỉ thấy một nền tảng là sức sống, là sự dấn thân và “tiếng nói cảm xúc” như là một đặc trưng muôn thuở của văn học. Làm sao không có hoặc thiếu hụt vốn sống, không có hoặc thiếu hụt “tiếng nói cảm xúc” mà đẻ ra được cái gọi là tác phẩm văn học. Huế - mùa mai đỏ, không chỉ lớn ở số trang, mà chính là tính sử thi của thời đại, sự dấn thân tận cùng của nhà văn… làm nên cả số phận và mầu sắc huy hoàng. Tác phẩm sẽ cài đặt ra những vấn đề không nhỏ mà lịch sử văn học sử sẽ tìm kiếm về chiến tranh, về hậu chiến, về lòng dũng cảm, về cái Chân cái Thiện cái Mỹ của nhà văn. Thôn ven đường, Bắc Hải Vân Xuân 1975 cũng vậy… dù thể loại khác nhau, bút pháp khác nhau, nhưng là cách đặt vấn đề có tầm vóc, có chiều sâu của một nhà văn lớn. Sự khốc liệt và phẩm chất cuộc chiến lại rất sâu, đi một lối riêng của cảm xúc. Đi lối riêng để nó cất tiếng nói riêng. Đặc biệt với nhà văn Xuân Thiều đó là Truyện ngắn - một kho tàng như mỏ chìm nhiều vỉa phải dụng công khai thác. Đôi vai là một thí dụ, Trời xanh là một thí dụ, Xin đừng gõ cửa là một thí dụ…
Tôi đọc lại các truyện Tháng ngày đã qua, Gió từ miền cát…Vùng rừng ẩm ướt, Tiếng đất… cả 10 truyện ngắn chọn lọc trong tập sách này có sức nặng ngang nhau, chụm lại làm một nhưng không cái nào thay thế được cái nào. Thẳm sâu mà rát tự nhiên(TS Văn học Phạm Quang Trung); sự điềm tĩnh của một nhà nho – tôi muốn nói: sự điềm tĩnh của nho học - lại sắc sảo nhạy bén của một cây bút năng động (TS Nguyễn Hữu Đạt). làm nên diện mạo của văn học Việt Nam thế kỷ 20 (Nguyễn Nam Khánh)… Bạn đọc mai sau sẽ tìm kiếm tôn vinh xứng đáng một “truyện ngắn truyền thuyết không dễ có về đề tài chiến tranh: Truyền thuyết về Quán Tiên. Nếu Huế - mùa mai đỏ huy hoàng ở sử thi, Thôn ven đường sâu thẳm cuộc chiến tranh giữ nước… thì Truyền thuyết về quán Tiên là bản tình ca độc đáo, còn mãi với thời gian. Tôi chạnh nghi: Truyện ngắn rõ nhất về số phận nhà văn Xuân Thiều và Truyền thuyết về quán Tiên lại rõ nhất số phận truyện ngắn của ông. Ông   lớn là như vậy.
Những ý tưởng khám phá về đời văn của nhà văn Xuân Thiều – cũng như không nhiều nhà văn hiện đại của chúng ta – là công việc của tương lai, công việc của các thế hệ nghiên cứu phê bình văn học. Như tập tiểu luận Tiếng nói cảm xúc ông đã bày tỏ sớm, sâu, đầy kinh nghiệm và trách nhiệm nhà văn. Đêm nay tôi nghĩ về ông và thấy ở nơi ông một niềm hạnh phúc trọn vẹn. Ông đã hoá thân vào tiết Thanh Minh của trời đất rồi, nhưng đến Thanh Minh này và chắc mãi những Thanh Minh sau, người thân của ông lại dâng những tác phẩm để đời của ông, trong mùi mực tươi mới, lên bàn thờ, để cúng tổ tiên trời đất. Ông là người hiếm hoi có được hạnh phúc đích thực tận cùng!
       Đêm 18.12.2008
      Nhà văn Phan Cung Việt
 

Huế - Mùa mai đỏ
Xuân Thiều
680 trang
14,5x20,5cm
110000
Huế - mùa mai đỏ, tập tiểu thuyết được tái bản của nhà văn Xuân Thiều, tác phẩm đã được giải thưởng của Bộ Quốc phòng năm 1944 và tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995.
Trong nhiều tác phẩm viết về chiến tranh của ông, có lẽ ở tập tiểu thuyết này, nhà văn Xuân Thiều miêu tả trực diện nhất cuộc chiến đấu, hy sinh của người lính, người dân Việt Nam trong chiến dịch Tết Mậu Thân - Huế 1968.
Trận chiến có tính quyết định nhằm giải phóng Huế không thuận lợi như dự kiến ban đầu, dù những người lính vô cùng mưu trí, gan góc, dũng cảm. Người đọc không thể quên cái chết của Đại úy Song, chính trị viên Tiểu đoàn, anh không tán thành chủ trương trụ lâu ở Huế trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Tương quan lực lượng giữa ta và địch chưa cho phép. Trụ lại không phải không có tác dụng, nhưng giữa cái được và cái mất, thực tế chứng tỏ mất nhiều hơn. Những ý kiến đầy tâm huyết của anh khi ấy chưa được chấp nhận. Một vài người cho anh là kẻ hèn nhát, tham sống sợ chết. Để tỏ rõ phẩm cách chiến sĩ trung kiên của mình, anh tình nguyện dẫn đầu tiểu đoàn xung trận và đã hy sinh thật quả cảm.
Tuy nhiên, dân Huế đã được sống trong tâm trạng của những người dân giải phóng trong 24 ngày. Đó cũng là những ngày cầm cự trong thế giằng co quyết liệt giữa lính ta và địch, là những ngày người dân Huế náo nức chuẩn bị cho cuộc sống mới của đời tự do, họ là lực lượng nổi dậy ở địa phương phối hợp với bộ đội góp công rất lớn giải phóng Huế, vì thế, không chỉ bộ đội ta hy sinh, mà máu người dân đã đổ.
Không chỉ có sự sum vầy sau bao năm xa cách mà còn là đau xót, giằng xé nội tâm khi phải đối mặt với bản thân mình, với gia đình mình. Tiêu biểu như gia đình Trung đoàn trưởng Tư Thiên. Có ai ngờ Tư Thiên, một trung đoàn trưởng gan dạ, dũng cảm, nổi tiếng, lại có Chiến - thằng con trai chuẩn bị tốt nghiệp trường sĩ quan Đà Lạt; Mai – cô gái hết lòng ngưỡng mộ Ba Tư Thiên, là y tá của cơ quan tham mưu lại từng có chồng là lính Nguỵ. Đến cả bà Đào, vợ ông, cũng đã từng phải đối phó với thời thế cay nghiệt, mà về ở với người khác để tránh sự đàn áp gia đình Việt cộng… Những tâm lý giằng xé, đan xen trong tình yêu, tình vợ chồng, tình cha con cùng với cuộc đấu tranh giữa sống - chết của người lính tương xứng với tầm vóc lớn lao của cuộc chiến làm nên sức hút của tác phẩm. Vì thế, tập tiểu thuyết không chỉ là bài ca về sự hy sinh dũng cảm của người lính và khát vọng độc lập tự do của Tổ quốc, mà còn làm người đọc cảm nhận sâu sắc sự hy sinh của từng người dân, từng gia đình Huế nói riêng và người dân Việt nói chung trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua.
Đọc Huế - Mùa mai đỏ, người đọc chắc chắn sẽ đồng cảm với tác giả Xuân Thiều qua lời bộc bạch của ông: “Đối với tôi, cuộc sống ở chiến trường đã răn dạy mình nhiều điều. Hoà nhập vào đời sống người lính ở chiến trường, trái tim ta trở nên đa cảm hơn, lòng ta trở nên nhân hậu, ưu ái hơn, độ lượng hơn và nhất là bớt ích kỷ hơn. Tiếp xúc với đời sống chiến sĩ như được nghe một bản nhạc không lời. Không ai bảo ban ta từng câu từng ý cụ thể, nhưng ta cảm nhận được  những điều tốt lành qua hành động, tâm tư của những người lính vào sống ra chết. Hít thở được chút hương hoa này, cúi đầu bái phục vẻ đẹp người lính, ấy là nhà văn đã tự nâng mình lên.”
Sách do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành tháng 12/2008, sách dày 680 trang,    khổ 14,5x20,5cm. Giá bìa: 110.000đ