Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Võ Hồng, lá vẫn còn xanh

Trần Thức
Thứ ba ngày 3 tháng 3 năm 2009 6:32 PM
 
Tôi tìm đến ngôi nhà 51 Hồng Bàng trong cơn mưa tầm tã. Nha Trang đang hồi hộp chờ bão. Đã 40 năm kể từ lần đầu tiên tôi đến đây, nhưng từ cánh cổng đến mấy chậu kiểng ở góc sân, lối đi hẹp dẫn lên căn gác vẫn không có gì thay đổi như chẳng hề vướng bận đến những xôn xao của cuộc đời. Chỉ có một thay đổi nhỏ: trước cổng không còn treo tấm bảng kéo dây gọi Võ Hồng (chủ nhân dùng một chùm lon buộc vào nhau, nối ra cổng bằng một sợi dây, khách bấm chuông bằng cách kéo dây), và người ra đón khách không phải là Thầy - nhà văn Võ Hồng - như mọi khi mà là một phụ nữ. Chị tự giới thiệu, chị là Võ Diệu Hằng, con gái đầu của Thầy. Thầy lâm trọng bệnh, nhớ nhớ quên quên từ hơn hai năm nay.
 
Vợ Thầy mất sớm (1957), Thầy gà trống nuôi con và vẫn độc thân đến tận bây giờ. Khi đã bước qua ngưỡng cổ lai hy, nhiều lúc nhìn lại cuộc đời mình, Thầy không giấu được nỗi ngậm ngùi: Đứa út vừa lên ba/ Biết mẹ qua tấm ảnh/ Miệng chỉ quen gọi cha/ Khi đói và khi lạnh/ Chị lớn chín tuổi tròn/ Đóng vai người mẹ nhỏ/ Vội vã học điều khôn/ Cửa nhà tập coi ngó/ Thằng giữa khi vào lớp/ Tên mình tưởng tên ai/ Thầy hỏi không biết đáp/ Nghe chim hơn nghe bài/ Nay các con nên người/ Mỗi đứa đi mỗi ngả/ Mình cha căn nhà xưa/ Trông vừa quen vừa lạ”.
Bài thơ thật buồn, nhưng là một nỗi buồn thánh thiện, nó không đẩy con người vào bóng tối tuyệt vọng mà trái lại, giúp người đọc thanh lọc tâm hồn để sống người hơn. Đúng như GS Trần Hữu Tá đã nhận xét: Khi đọc truyện của Võ Hồng, cái buồn dịu dàng như cứ phảng phất đâu đây. Nhưng thật kỳ diệu, tâm trạng của người đọc không bị chùng xuống, yếu đi, mất lòng tin vào cuộc sống, mà ngược lại như bình tĩnh, thanh thản hơn... Ít có nhà văn nào nghiêm khắc với văn mình như Võ Hồng. Vì thế, tôi có cảm giác mỗi tác phẩm của ông như một tiếng đàn độc huyền, rung lên rồi cứ ngân vang trong tâm tưởng người đọc giữa đêm vắng. (Hương hoa không bao giờ phai nhạt, TTCN 18/10/2003).
Mặc dù đã tìm mọi cách để gợi, nhưng trước sau Thầy vẫn lắc đầu, chỉ nhớ mang máng: Đệ ngũ 2. Đúng rồi, năm 1967, tôi từ Huế chuyển về Nha Trang và vào học lớp Đệ ngũ 2 (nay là lớp 8) trường Lê Quý Đôn. Tại đây, tôi đã gặp Thầy trong buổi học đầu tiên. Thầy dạy chúng tôi môn vạn vật (tức môn sinh), nhưng tình yêu văn chương của chúng tôi lại được nuôi dưỡng từ chính những giờ học tưởng chừng như rất khô khan ấy. Cứ đến giờ vạn vật là lớp học sinh động hẳn lên. Là người có óc quan sát tinh tế và có khiếu hài hước, mỗi học sinh trong lớp đều được Thầy bóc ra một nét tính cách hoặc một đặc điểm nào đó để trở thành những tên gọi nhớ đời. Chẳng hạn: Nguyễn Đào Doãn, vì hay cúp cua trốn học nên được Thầy tặng cho một biệt danh là Nguyễn đào ngũ”. Nguyễn Mậu người Phú Yên, thanh mảnh thư sinh, giỏi toán nhất lớp nên nhiều nàng ái mộ thì được gắn với câu ca dao: Thương chi cho uổng tấm tình/ Nẫu về quê nẫu nẫu bỏ mình bơ vơ”...
Không biết có duyên nợ gì với Đà Lạt không mà đối với Thầy, bài hát Ai lên xứ hoa đào của Hoàng Nguyên mãi mãi là một thế giới bí ẩn đầy quyến rũ, như một kỷ niệm đằm thắm, một nỗi nhớ không tên. Bình thường, Thầy là người vui tính, hóm hỉnh và luôn luôn có sẵn những nhận xét bất ngờ; nhưng có lần, tôi chợt bắt gặp ánh mắt của Thầy bỗng trở nên xa xăm khi đâu đó giọng ca Hoàng Oanh văng vẳng cất lên: Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa. Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai. Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa.... Thử trí nhớ của Thầy lần nữa, tôi hỏi: Thầy có còn thích nghe bài Ai lên xứ hoa đào?. Đôi mắt dường như sáng lên, Thầy nói: Rất thích. Một tuyệt tác!. Tôi tiếp tục truy: Thầy còn nhớ Lê Thị Vân ở đường Hồng Bàng gần nhà Thầy?. Lắc đầu. Thầy có nhớ Nguyễn Bắc Sơn?. Trả lời: Tác giả Chiến tranh Việt Nam và tôi. Thầy có nhớ Đỗ Hồng Ngọc?. Trả lời: Ngọc bác sĩ”. Tôi lại hỏi vì sao Thầy không nhớ tên học trò mà nhớ tên BS Đỗ Hồng Ngọc? Câu trả lời trẻ” đến bất ngờ: Tên ai đẹp mới nhớ!. Tạ ơn Trời Phật, căn bệnh vẫn còn nương tay, chưa biến ký ức của Thầy trở thành một sa mạc hoang vắng.
Dạy vạn vật nhưng Thầy luôn khuyến khích chúng tôi sáng tác thơ văn. Để có động lực sáng tác thì phải có chỗ cho những tác phẩm ra đời. Thế là Thầy hướng dẫn chúng tôi làm báo. Năm ấy, lớp Đệ ngũ 2 trình làng một Đặc san Xuân với số lượng... duy nhất một bản viết tay trên giấy pelure màu. Tôi viết chữ tương đối đẹp nên được phân công làm họa sĩ” trình bày. Báo in xong, mọi người háo hức chuyền tay đọc. Vui nhất là buổi bình văn, chúng tôi nhận xét từng bài và tự chấm điểm cho nhau, cuối cùng là phần nhận xét của Thầy. Bao giờ cũng vậy, Thầy khen chê rất chính xác và chừng mực; người được khen dĩ nhiên là vui nhưng không kiêu, người bị chê” tuy buồn nhưng cũng không thấy mình quá kém cỏi. Lần ấy, tác phẩm đoạt giải cao nhất là bài thơ Vịnh ông táo của nữ sĩ” Thanh Mai, một trong hai cây văn của lớp. Tôi xin được chép ra đây vì biết đâu, chính tác giả cũng không còn nhớ.
Đội mão đi hia chẳng mặc quần
Ngồi trên bếp lửa ngó dương gian
Hằng năm ghi chép về Thiên đế
Mọi chuyện ác lành nơi cõi trần
Trời giáng phúc lành hay giáng họa
Tùy theo lá sớ của ông dâng
Hai mươi ba, táo quân từ giã
Bếp núc vắng tanh nhẹ nhõm thân
Mới đó mà đã 40 năm, Đệ ngũ 2 Lê Quý Đôn với những Lê Vân, Thanh Mai, Nguyễn Đào Doãn, Nguyễn Mậu, Đinh Bạt Sơn, Nguyễn Văn Quýnh, cả xóm nhà lá Diên Khánh Phường, Thành, Huân... bây giờ các bạn đi đâu, về đâu?
Tôi chỉ học ở trường Lê Quý Đôn hai năm, lên Đệ tam (lớp 10), tôi chuyển sang trường Võ Tánh. Tuy không còn được học với Thầy nhưng Thầy luôn hiện diện trong những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời tôi. Hồi đó, trung học đệ nhị cấp (nay là THPT) học theo chương trình phân ban. Lên lớp Đệ tam, học sinh đã bắt đầu định hướng cho tương lai của mình. Khả năng tôi nghiêng về toán, nhưng lại quyết định theo ban C (văn, ngoại ngữ) và sau này sẽ theo ngành sư phạm để được... như Thầy. Tiếc rằng tài hèn đức mọn, tôi chỉ đi được nửa đường khát vọng, trở thành nhà giáo; nhưng với văn chương, tôi mãi mãi là một gã si tình lạc lối.
Những năm còn học ở Đại học Sư phạm Huế rồi sau này ra trường, đi dạy, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được thư của Thầy. Những bức thư được viết trên giấy pelure khi thì màu xanh, lúc màu hồng nhạt, nét chữ vừa chân phương, vừa bay bướm; trên góc mỗi bức thư, bao giờ Thầy cũng điểm xuyết bằng một đóa hoa. Không chỉ ở tác phẩm văn chương mà ngay cả ở những lá thư gửi học trò, Thầy là sự tổng hợp tuyệt vời giữa tính chuẩn mực, mô phạm của nhà giáo với sự lãng mạn, bay bổng của nhà văn. Thầy rất vui và chia sẻ quan điểm khi đọc được bài của tôi trên một tờ báo nào đó. Thầy truyền bá cho tôi triết lý vô cầu mỗi khi tôi phải đối diện với bão tố của cuộc đời. Cũng nhờ vậy mà tôi giữ được sự bình tâm trước sức cám dỗ của những hào quang giả tạo, biết từ chối những vai diễn không phải của mình. Với tôi, Thầy là mãi mãi, chẳng bao giờ cũ”.

Võ Hồng sinh ngày 5 tháng 5 năm 1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thời chính phủ Trần Trọng Kim, làm bí thư Tòa Tổng đốc 4 tỉnh Lâm Viên, Đồng Nai Thượng, Bình Thuận, Ninh Thuận. Trong kháng chiến chống Pháp làm hiệu trưởng Trường trung học Lương Văn Chánh ở Phú Yên. Sau 1954 ở Nha Trang, viết văn và dạy học.
 Các tác phẩm đã in:
* Truyện ngắn: Hoài cố nhân (Ban Mai, SG, 1959), Lá vẫn xanh (Thời Mới, SG, 1962), Vết hằn năm tháng (Lá Bối, SG, 1965), Con suối mùa xuân (Lá Bối, SG, 1966), Khoảng mát (An Tiêm, SG, 1966), Bên kia đường (Mặt Trời, SG, 1968), Những giọt đắng (Lá Bối, SG, 1968), Nhánh rong phiêu bạt (Lá Bối, SG, 1970), Trầm mặc cây rừng (Lá Bối, SG, 1971), Trong vùng rêu im lặng (Hội VHNT Nha Trang, 1988).
* Tiểu thuyết: Hoa bươm bướm (Lá Bối, SG, 1966), Người về đầu non (Văn, SG, 1968), Gió cuốn (Lá Bối, SG, 1968), Như cánh chim bay (Lá Bối, SG, 1971), Thiên đường ở trên cao (Viết năm 1974, Sở VHTT Nghĩa Bình XB năm 1987).
* Thơ: Hồn nhiên tuổi ngọc (Trẻ, 1983), Thời gian mây bay (Đồng Nai, 1996).
Ngoài ra còn có tập Trầm tư (Trẻ, 1995), là những câu châm ngôn chọn lọc rút ra từ nhật ký.
(Theo Từ điển văn học bộ mới, NXB Thế Giới, Hà Nội, 2004)

Nguồn: Báo Phụ Nữ TPHCM