Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Về “bức ảnh quái gở”

Thanh Thanh Huyền
Thứ hai ngày 2 tháng 3 năm 2009 12:57 PM
  
        (Phiếm đàm)
   Bức ảnh nhà thơ Hữu Thỉnh phía trong cánh cửa in trên Nhà báo và Công luận (số 7 ra ngày 13/2), theo tác giả LTN thì đó không dừng lại ở loại quái gở mà tới mức “cực kỳ quái gở”. Dư luận nổi sóng. Ban Biên tập NB& CL phải vội thanh minh “Bức ảnh đã lột tả khoảnh khắc như muốn giấu mình đi, thu mình lại”, “Mắt buồn như thoáng nét âu lo trước những nhiễu nhương, nhốn nháo...”.  Thành chuyện thị phi rồi, bên này rằng bên kia thẩm mỹ kém, “ác ý”; bên kia “quát” lại: chớ có “suy diễn, quy chụp”. Đúng như câu ca dao: Mai mưa trưa nắng chiều nồm/ Trời còn luân chuyển huống mồm thế gian, lại nhớ chủ nghĩa mackênô (mặc kệ nó). Nhưng đang là tháng Ba tháng hội hè mà, nông nhàn, văn nhàn, tôi liền click vào trannhuong.com, quyết tâm xem lại bức ảnh “quái gở”. 
   Nhìn vào ảnh thấy cánh cửa, nghĩ đến chữ môn. Chữ Hán, môn cũng có một nghĩa là cửa - chỗ ra vào, chỗ quan hệ với bên ngoài.
   Để giáo hoá, Khổng Tử thường dùng lễ. Chữ lễ có nhiều nghĩa, ở đây chỉ giới hạn trong phép ứng xử, kỉ luật tinh thần, tu thân, nhân ái, đôn hậu. Xưa bồng môn, cửa sài (cửa bằng cỏ, tre, củi) thường là chỗ bộc lộ, chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, nơi bộc lộ bản tính của ông chủ. Có vị thích giao du (có khi vì mục đích nào đó), coi cửa nhà mình như cái chợ ai ra vào cũng được - Môn như thị, Ngô Gia Tự đã cho đề ba chữ ấy trên cổng nhà ông. Cửa tư dinh cũng như công đường, thường có nhiều loại khách. Người ba đấng của ba loài. Có những vị khách tri âm tri kỷ, có khách giao dịch công việc... và có cả vị khách bất đắc dĩ phải tiếp. Nhiều nhà nho thích Vô tạp tân môn, nghĩa là trước cửa không có khách tạp. Người quân tử ai cũng học chữ lễ để tự kiềm chế mình (Quân tử ước chi dĩ lễ). Trong đó, có cả việc tự hạn chế giao tiếp. Lão Tử thường ngồi suy nghĩ trong nhà, không ra khỏi cửa mà biết được việc thiên hạ (Bất xuất hộ, tri thiên hạ). Có những cửa nhà vắng khách, vắng như chùa Bà Đanh. Có những vị quan đóng cửa không tiếp khách (Bế môn tạ khách), nhà quan mà vắng vẻ có thể giăng lưới bắt chim sẻ ở ngay cửa được (Môn khả la tước).. Khổng Tử bảo: Cái gì không hợp lễ thì đừng nhìn, không hợp lễ thì đừng nghe, không hợp lễ thì đừng nói, không hợp lễ thì đừng làm (XII.1). Kinh Dịch, hào 3 quẻ Cách, rằng: Con người ta phải thận trọng như lội qua sông sâu, đi trên băng mỏng: Chính hung, trinh lệ, cách ngôn tam tựu, hữu phu – “Hăng hái tiến lên thì xấu, bền vững giữ đạo và thận trọng, lo lắng, tính toán, sắp đặt kế hoạch tới ba lần thì kết quả mới chắc chắn”. Người quân tử gánh vác việc lớn, sao có thể lúc nào cũng hiện diện, ngẫu hứng.    
   Nguyễn Trãi rất quý khách. Quốc Âm thi tập có mấy câu thơ về khách: Ngỏ cửa nho chờ khách đến..., Khách đến chim mừng hoa xẩy rụng... / Khách đến cổng sài chim ríu rít... Ức Trai thi tập có câu: Bồng môn đảo lý nghinh giai khách. Cửa nhà cỏ, xỏ dép trái phải lẫn nhau (vì mừng quá, vội) để ra đón khách quý. Song không phải đón khách nào Ức Trai cũng mừng, ông ngại tiếp khách tục. Thi tập ấy còn có câu: Trúc hữu thiên can lan tục khách - Trúc có nghìn cây ngăn khách tục...      
   Sự thế, luôn “co que ruột ốc”, Lòng người tựa mặt ai ai khác/ Sự thế bằng cờ bước bước nghèo (Bài 32), Đường thế nào nơi chẳng thấp cao (Bài 47), dẫu có đan tâm (lòng son) thì Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc/ Nước chảy âu khôn xiết bóng non (Bài 49). Từ đó, mà ngẫm, cánh cửa nửa khép nửa mở, nét mặt có chút phân vân cũng là chuyện bình thường, với mọi người mọi thời. Con người ta thời gian sống trong nhà nhiều, những phút thấp thoáng bên cửa cũng không ít, nên trong Truyện Kiều, có 93 từ nhà (với nghĩa là nơi ở), lại có 31 từ cửa (với nghĩa là chỗ ra vào). Đời người lắm lúc phải trông ngóng: Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.
   Nhất là bây giờ, phía ngoài cánh cửa, “khách” còn là một ráng mây, một ngọn gió, một xu thế... 
   Có nhiều thứ, mài chăng khuyết nhuộm chăng đen.
   Lại chợt nhớ đến hai câu trong Quốc Âm thi tập: Khó bền mới phải người quân tử/ Mạnh gắng thì nên kẻ trượng phu(Bài 43). Nhà văn Khái Vinh rất thích bốn chữ: khó bền (thấy việc khó cần phải bền), mạnh gắng (gặp lực mạnh thì càng phải gắng). Đọc thơ Nguyễn Trãi cốt lên dây cót cho mình, để dưỡng khí dưỡng chí. Thơ Nguyễn Trãi vốn có lửa, chạm là bén. Bởi vậy, kẻ nữ nhi này dám mạnh miệng mà rằng: “Nỗi đau nhân thế” không chỉ với riêng ai. Phán thế cho oách, chứ chính cái phận cô quả này còn đang chịu luỵ: thân gái còm, còn ở tranh tre một vòm, lận đận đầu mom, chơi Web tuần chỉ đôi ba lần dòm, cộng tác buổi đực buổi cái với trannhuong.com, đâu dám làm om, mà múa may nhí nhố quá cũng sợ bị... bòm! Phiếm đàm cho vui, mà cũng hy vọng: người bảo “cực kỳ quái gở”, kẻ nói “suy diễn, quy chụp”, kể cả nhiếp ảnh gia “siêu hạng” kia cũng đều là thành viên chính thức của “Ngôi nhà vui vẻ”. Vậy có thơ rằng: “Ngươi ác ý!”, “Mi hồ đồ!”/ Trannhuong.com rất xôm trò đầu xuân./.