Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ngày Thơ này năm ngoái

Đào Phương Liên
Thứ năm ngày 26 tháng 2 năm 2009 3:42 PM
  
TNc: Đào Phương Liên (lien phuong <daophuonglien_712@yahoo.com.vn) ái nữ của nhà thơ Lê Đạt vừa gửi cho Trannhuong.com bài viết này. Ngày Thơ Mậu Tí tôi còn gặp ông và nhận một nụ cười rất đẹp của ông. Vậy mà... Xin giới thiệu cùng các bạn nhân sắp đến ngày giỗ đầu Anh Lê Đạt
 
Ngày thơ Nguyên tiêu Kỷ Sửu qua đi mà trong tôi vẫn nguyên nỗi thảng thốt… Mới đấy mà đã một năm! Tôi vẫn còn như thấy hiển hiện trước mắt nụ cười hóm hỉnh và gương mặt tươi rói của bố tôi, nhà thơ Lê Đạt, ngày thơ Mậu Tý.
Tôi vốn không phải đệ tử của Nàng Thơ nên không mấy háo hức không khí hội hè của người đẹp đỏng đảnh này. Vì thế câu chuyện giữa bố con tôi chỉ đẩy đưa năm câu ba điều tỉ như “ Ngày hội có vui không bố?” hoặc “ Có chuyện gì xảy ra không bố?” rồi chuyển đề tài. Nhưng riêng năm Mậu Tý, vì trước đó bố tôi đã bị ngã nên tôi lo lắng trách Ông : “ Bố bị đau chân thế sao còn đi?”. Bố tôi im lặng vẻ “hối lỗi” rồi nói nửa như thanh minh, nửa như khoe : “ Bố không nỡ phụ lòng mọi người. Mà Bố được xếp vào sân thơ trẻ đấy. Bố cũng chỉ có mặt một tí rồi về thôi mà.” Tôi truy tiếp: “ Bố đã đến, sao không ở lại? Về nửa chừng thế e có mất lịch sự quá không?” “ Bố thấy hơi mệt trong người”. Tôi nổ luôn “ Đấy nhé, Bố cứ chủ quan. Người chưa khỏe, không ham vui được đâu ”.  Rồi có vẻ để xóa đi sự lo lắng của cô con gái lắm điều, bố tôi chợt cười khà khà, đôi mắt sáng lên vẻ thơ trẻ: “ Có chuyện này ngộ lắm, con ạ. Vừa mới bắt đầu khai mạc. Chưa đến giờ thả thơ vậy mà quả bóng thơ của Bố đã bay vụt lên. Mà lạ, mọi lần chúng cứ lượn lờ, chao đảo, lần này bay mất hút luôn”. Tôi tò mò “ Thái độ mọi người sao hả Bố?” “ Thoạt đầu mọi người lặng đi. Rồi ai đó thốt lên : Lê Đạt thăng rồi! Thế là nhốn nháo bình tán. Cậu giữ bóng tái mặt, luông cuống. Bố vội trấn an…”
Tôi chột dạ, rụt rè :” Liệu có điềm… gì không Bố?”. Bố tôi hồn nhiên “ Chị chỉ vớ vẩn, điềm điếc gì?”. Thật kỳ, chỉ mấy câu nói đó thôi mà mọi lo lắng trong tôi tiêu tan. Không biết có phải lây cái vô lo của bố tôi không mà chị em chúng tôi, nếu có nghĩ thì cũng chỉ nghĩ đến tật bệnh chứ không một ai nghĩ đến cái kết cục đau xót kia! Ngay cả khi bác dâu tôi giục làm lễ thượng thọ cho bố tôi, chị em chúng tôi cũng gạt đi, phần vì một chứng nghiệm rất mơ hồ rằng “ hình như sau lễ thượng thọ, các cụ hay ngồi trên nóc tủ lắm”. Phần khác, tận trong sâu thẳm chúng tôi thấy bố chưa…già đến độ làm lễ thượng thọ. Vậy mà…
Tết nguyên tiêu Kỷ Sửu năm nay, Bố tôi, nhà thơ Lê Đạt vẫn “ ngoan cố” có mặt cùng các bạn hữu. ĐƯỜNG CHỮ của Người phản ánh khá rõ mối bận tâm đến việc mở mang bờ cõi ngôn ngữ với một ước vọng làm cuộc sống ngày càng đa nghĩa hơn, phong phú hơn. Ông luôn tâm niệm “ không chỉ có hy sinh, đổ máu mới là yêu nước. Việc phát triển, làm giàu ngôn ngữ mẹ đẻ cũng là một cách…”
Là người cùng đi với từng trang LÊ ĐẠT – ĐƯỜNG CHỮ, chúng tôi , những người con của Ông thật sự bất ngờ trước tính thời sự của những bài thơ cũng như những tình cảm Ông gửi gắm qua các câu chữ. Không một sự kiện, một biến động nào của dân, của nước mà không được Ông quan tâm, phản ánh. Từ việc cứu lúa chống hạn đến niềm vui của người nông dân khi nhận trâu, nhận ruộng. Từ việc cải cách đến niềm vui đổi đời của những người mẹ đổ thùng, vốn bị khinh rẻ kỳ thị nay thấy con mình được học hành, được khen thưởng. Từ việc đón bộ đội miền Nam tập kết đến việc chống hòa bình chủ nghĩa… Bài thơ nào cũng đầy nhiệt huyết, đầy tâm tình khiến chúng tôi không kìm được nước mắt, thốt kêu lên “ Bố đúng là một nhà thơ tình!”. Điều mà Ông có vẻ muốn giấu biệt sau cái vẻ đơn giản, “ Di Lặc”  suốt những năm tháng thắc mắc “ Bố là ai” của tuổi thơ chúng tôi…
Tình yêu trong ông lấp lánh qua từng con chữ, ngây thơ, trong sáng.
…Em đạp đu lên cho bổng
Lưng trời chỉ có hai ta
Tóc xõa tìm nhau
Áo xòe cánh ủ
Dải thắt lưng bay ngàn sợi tơ hồng
(Đu – 1956 – trang 78 ĐƯỜNG CHỮ)
Nóng bỏng bầu nhiệt huyết yêu đời, yêu người.
…Tôi rất muốn thơ tôi
Rúc lên
Như những tiếng còi nhà máy
Dựng mọi người đứng dậy
Xuống đường
Cùng lớp lớp công nhân
Đi kiến thiết công trường đất nước.
(Chống hòa bình chủ nghĩa -1956 – trang 34 ĐƯỜNG CHỮ)
Nhân hậu ngay cả khi ông phê phán những hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống.
… Cuộc sống cho dù lắm mưa
nhiều gió
Nhiều cay đắng xót xa
Cũng còn đẹp gấp vạn lần cái chết
Chết là hết
 hết đau
 hết khổ
Nhưng cũng hết vầng trăng soi sáng trên đầu
Hết những bàn tay e ấp tìm nhau…
(Nhân câu chuyện những người tự tử - 1956 – trang 60 ĐƯỜNG CHỮ)
Tình yêu trong Ông đã hơn một lần làm mủi lòng gỗ đá, đã biến chúng thành những linh hồn sống, biết rung động, biết sẻ chia:
… Ghế đá rùng mình
Lần đầu tiên trong đời
Bỗng chán cuộc đời làm đá
Hồn ghế đá rủ nhau
Từng đôi từng đôi
Tay khoác tay tâm sự
Đi suốt đêm không ngồi
Cây trút lá gửi tình hôn mặt nước
Mưa gió buồn cũng rủ nhau đi
(Bài thơ trên ghế đá - 1957  - trang 80 ĐƯỜNG CHỮ)
Hay:
… Đến bao giờ mới có những thiếu nhi trăm tuổi
Ngậm ngùi thương ông Bành Tổ chết non
Những bà mẹ vừa sinh con vừa hát
Đau khổ bật thành tiếng cười
Hòn đá bảo tôi
Củ khoai bảo tôi
Vân vân bảo tôi
Sao thơ anh chưa cho tôi nói
Chưa cho tôi làm người?...
(Cửa hàng Lê Đạt – 1958 – trang 387 ĐƯỜNG CHỮ)
Vì yêu văn xuôi hơn thơ, nên chúng tôi thích những bài thơ có đầu có cuối như những truyện ngắn của Bố tôi in những năm 50 – 60 của thế kỷ trước. Cũng cùng tâm trạng đó, nhà văn Tạ Duy Anh, đã thốt kêu : “ Cũng lạ! thời buổi này mà vẫn có ông ngồi cặm cụi tìm cách phát triển từng con âm, từng cái nghĩa của chữ…”. Nhưng khi đi hết những bài thơ trước kỷ nguyên Bóng Chữ của Ông, chúng tôi chợt nhận thấy một điều : Ông không thể không đổi mới ! Lòng tự trọng không cho phép Ông lặp lại mình. Ông không thể viết lại những gì ông đã viết hơn 50 năm trước.
Rất nhiều nhà thơ trẻ, rất nhiều bạn thơ trẻ khi đọc những bài thơ – truyện của ông đã thốt lên : “ Nếu không đề thời gian thì rất nhiều người sẽ tưởng mới sáng tác vì những bài thơ của Ông vẫn cập nhật, vẫn giữ nguyên tính thời sự, thời đại…”
… Cuộc đời đòi hỏi người làm thơ can đảm
Vạch mặt những con sâu cách mạng
Ẩn núp trong nếp cờ
Đội mũ đi hia
Phè phỡn trên lưng chế độ…
( Nhân câu chuyện những người tự tử - 1956 - trang 60 ĐƯỜNG CHỮ)
… Giông bão mênh mông
Anh nhìn Tổ quốc
Đất nước đêm nay trĩu đầu ngòi bút
Hàng vạn vần thơ mang nặng tình người
Anh nghe tiếng đất trời
Xao động lùm cây ngọn cỏ
Như hiệu thính viên
Đêm không ngủ
Ghi những lời cuộc sống
điện về
(Làm thơ – 1956 – trang 42 ĐƯỜNG CHỮ)
Ông luôn lạc quan:
…Tôi theo quê hương
 đi
 những ngày
 tuyệt vọng
Tai đã nghe
 thất bại
 điểm danh mình
Ta vẫn thắng
 như người
không biết nản
 lòng tin tưởng
Một chút lòng tin
 đủ cần bẩy
 một địa cầu

(Quê hương du ca – trang 361 ĐƯỠNG CHỮ)
Với một chút lòng tin như thế, với lòng yêu tiếng Việt thiết tha, dù phải chịu đại hạn “ Nhân văn” kéo dài hơn 30 năm Ông vẫn tiếp tục tâm nguyện của mình thuở tuổi 20: CÁCH TÂN THƠ VIỆT.
Và 30 năm “ tai nạn nghề nghiệp” đã giúp Ông có điều kiện chiêm nghiệm lại những trang viết của mình. Ông tìm cách mở ra những khả năng sống mới với quan niệm nhà thơ phải biết xuất hiện ngay cả khi vắng mặt. Và không muốn tiếp thị mình bằng sự ly kỳ trong đời thường, Ông náu mình trong đời CHỮ, nguyện trở thành “ phu chữ”, tìm cách làm mới chữ như một kẻ “rồ dại”( Chữ của nhà thơ Lê Đạt). Chính trong quá trình “rồ dại” đó, Ông phát hiện ra mỗi chữ có một hóa trị riêng hay còn gọi là vân chữ.  Ông quyết là “ người phát ngôn của sự câm lặng” ( Đoản ngôn – người phát ngôn – trang 442) . Vì thế Ông tìm cách thể hiện : Chữ ngắn – Tình dài – Nghĩa nặng.   “Tôi không biết nên hận hay nên cám ơn nó, cái đại hạn 30 năm đó?”.  30 năm bị lãng quên, náu mình trên đỉnh Vô Sơn,  không một lời kêu ca oán trách, đến nỗi những người sống quanh cứ ngỡ Ông là người đơn giản, vô lo, vô nghĩ.  Để những người con Ông không phải sống trong dằn vặt và mặc cảm như những người con của các bạn cùng cảnh ngộ.  Với bản tính nhân hậu, Ông tri ân tất cả những gì cuộc đời thử thách trong suốt 30 năm đó. Bởi biết đâu, nếu không có quãng lặng này, rất có thể Ông đã trở thành một viên thư lại trong chính trường hoặc trên văn đàn. Điều mà Ông đã dứt khoát chối bỏ khi quyết định trở thành một nhà thơ khi mới ngoài 20 tuổi !
30 năm đó đã giúp Ông thấy :
Thuở ấy tôi rất già
Mở miệng khuôn tổ tiên rập nói
Tôi bán khoán cửa
chùa Quán Ngữ
Lời chuộc tuổi mình
Nói thật khai sinh
( Chuộc tuổi – trang 176 ĐƯỜNG CHỮ )
Và rồi Ông lang thang trang lần quê chữ tìm mình. Ông trở về địa chỉ tuổi thơ” với mộng hường và tim bói đỏ, với những  giàn trầu già khua những át cơ rơi và mimôza chiều khép cánh mimôixa…
Và trong quá trình “ lang thang” cùng ĐƯỜNG CHỮ - LÊ ĐẠT, bạn đọc   sẽ gặp một phần trích DI CẢO của Ông, ngoài TỈNH MẸ, CỬA HÀNG LÊ ĐẠT, còn có ĐOẢN NGÔN và tiểu luận ĐƯỜNG CHỮ.
ĐƯỜNG CHỮ - LÊ ĐẠT lẽ ra sẽ được gửi tới tay bạn đọc vào ngày nhà thơ đột ngột đi xa nhưng do tâm huyết của nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà Văn, của ban Giám đốc nhà XB hội Nhà Văn và sự giúp đỡ của nhà sách Bách Việt, cuốn sách đã ở trên tay các bạn vào đúng ngày thơ Nguyên tiêu, ngày quả bóng thơ đã đưa thơ LÊ ĐẠT đến cõi thiên thu !
       10/2/09