Trang chủ » Tin văn và...

"Thơ trẻ 360 độ": Mong đợi ngậm ngùi

Thiên Anh
Thứ bẩy ngày 21 tháng 2 năm 2009 2:33 PM

Ngày Thơ Việt Nam đã trôi qua với nhiều dư vị khác nhau. Năm nay, sân thơ trẻ tại Văn Miếu vẫn nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Chương trình “Thơ trẻ 360” qui tụ nhiều khuôn mặt mới và cũng nhận được không ít sự tán dương. Tuy nhiên, tác giả Thiên Anh cho rằng những đánh giá ấy chưa được chính xác lắm, và anh đề nghị đưa lên lethieunhon.com bài viết của mình đã công bố trên báo Giáo Dục Thời Đại để người yêu thơ tham khảo thêm!
 
      Trước khi ngày thơ lần thứ VII được khai diễn những thông tin về sân thơ trẻ tại Văn Miếu khiến không ít công chúng yêu thơ khấp khởi mừng thầm. Tất cả những thông tin liên quan được những nhà tổ chức bí mật đến phút chót. Điều duy nhất mà công chúng được biết là chủ đề của sân thơ trẻ năm nay là Thơ trẻ 3600 với những gương mặt thơ mới tinh đầy hứa hẹn và một màn trình diễn được quảng cáo là công phu độc đáo. 

      Từ sự cạn kiệt về ý tưởng
 
      Sáng Nguyên tiêu, dòng người nườm nượp đổ về sân Văn Miếu với tâm trạng chờ đợi một buổi trình diễn thơ bùng lửa và đầy cá tính. Dường như trời cũng chiều lòng người , thời tiết lúc sáng sớm hơi se lạnh song dần ấm lên lúc về trưa. Nhưng có một điều khá bất ngờ là cho đến hơn tám giờ mà sân thơ trẻ vẫn thưa bóng người trong khi đó người ta đã cảm nhận được không khí ngày hội thơ ở sân thơ chính. Thế nhưng điều đó cũng chỉ giảm đi chút ít tâm thế chờ đợi của bạn yêu thơ trẻ. Tiết mục mở đầu của chương trình với sự xuất hiên của cùng lúc 8 gương mặt thơ trẻ trong trang phục những chiếc áo nâu sòng. Trang phục này đã được giữ nguyên suốt buổi trình diễn thơ bất kể người trình diễn là nam hay nữ và nội dung bài thơ như thế nào. Có lẽ những người đạo diễn đã đề cao tính nhất quán quá mức cần thiết hoặc cũng có thể họ nghĩ áo nâu sòng có hơi hướm dân gian đương đại. Cả chương trình ngoài hai tiết mục được dàn dựng bởi cả 8 gương mặt thơ xuất hiện cùng một lúc, các tiết mục còn lại là sự xuất hiện của 2 hoặc 3 gương mặt đan xen nhau với những động tác hình thể đơn giản. Suốt hơn một giờ đồng hồ, người xem chỉ được thưởng thức một nhịp điệu đều đều nhưng ai cũng nghĩ chắc chắn sự cao trào vẫn đang ở phía trước. Nhưng rút cục điều họ mong đợi đã không bao giờ đến. Tất cả những người có mặt ở sân thơ trẻ lúc ấy đều có cảm giác hẫng hụt như họ vừa bị đánh cắp niềm tin. Một thứ niềm tin được hình thành tự nguyện bởi họ đã chờ đợi và tưởng tượng ra một bữa tiệc thơ khác hẳn so với những gì mà họ đã chứng kiến. Đơn điệu, nhạt nhoà và nhàm chán đấy là cảm giác chung của hàng ngàn người đã dành buổi sáng mùa xuân tuyệt đep để chờ đón một sự phá cách và sôi nổi của những người viết trẻ.  Nhưng có lẽ bản thân những nhà thơ tham gia trình diễn hôm đó cũng chỉ là những người nhập vai đọc thơ có điệu bộ đơn thuần theo một kịch bản có sẵn mà lí trí đã mach bảo họ không được vượt qua một cảnh giới có sẵn và một kịch bản cứng nhắc mà người khác đã vạch ra cho 8 khuôn mặt thơ trẻ. Và họ chỉ cần tập luyện thành thục theo thói quen, và trình diễn như một đứa trẻ trả bài dạng học thuộc long. Nhà thơ trẻ Thuỵ Anh cũng đã mường tượng cảm thấy điều đó khi cho rằng buổi trình diễn chưa đã,          chưa bộc lộ hết cá tính thơ của từng người khi giao lưu với người dẫn chương trình. Xin lưu ý là ở đây chỉ là giao lưu với người dẫn chương trình, nữ nhà văn Phong Điệp chứ không hề giao lưu với khán giả, vì điều đó không có trong kịch bản.
      Không thể phủ nhận những người tổ chức sân thơ trẻ đã làm việc hết sức, đã cố gắng mang đến cho công chúng một buổi trình diễn thơ đa màu sắc nhưng mang tính hệ thống cao nhưng không phải cứ nỗ lức hết mình thì sẽ có kết quả tốt. Khi những ý tưởng sáng tạo cạn kiệt, sự vay mượn được đồng hoá với tìm tòi thì thơ đã không thể lên ngôi trong ngày hội tôn vinh thơ và những nhà thơ. Không chỉ sự đơn điệu được thể hiện trên sân khấu mà nó còn hiện hữu ngay trong cách trang trí sân khấu thơ và những cây thơ . Ba năm nay cách thể hiện và trang trí nó vẫn thế, vẫn là cách thức in thơ thành những poster và dựng lên chạy dọc sân thơ. Một vài khổ thơ hoặc cả một bài thơ được trích dẫn, một tấm ảnh và đôi ba dòng tiểu sử. Hình như việc sắp đặt thơ hiện đại vừa đơn giản vừa gần gũi lại tạo không khí cũng như đặt biệt phù hợp với việc trình diễn thơ đã cố tình bị lãng quên. Còn sân khấu trình diễn thì vẫn thế, đọc thơ hay trình diễn thơ cũng không cần sự khác biệt. Sân khấu có sàn cao và cách quá xa công chúng, khiến người xem có cảm giác các nhà thơ mất đi sự giao lưu với khan giả. Và hình như sân khấu để trình diễn thơ cũng chẳng khác biệt sân khấu ca nhạc hay kịch nói là bao nhiêu.
 
      Đến sự nhạt nhoà của thơ
 
      Chủ đề của sân thơ trẻ năm nay được các nhà tổ chức lựu chọn là Thơ trẻ 3600 . Ở đó tình đa dạng và sự chuyển động của thơ trẻ đương đại được tôn vinh. Tuy vậy việc chỉ có 8 nhà thơ trẻ tham gia trình diễn đã hạn chế triệt để tính đa dạng của vườn thơ trẻ. Không biết ban tổ chức đã lựu chọn các gương mặt tham gia sân thơ này theo tiêu chí nào nhưng nếu quả thực như lời của người dẫn chương trình Phong Điệp là những gương mặt mới tinh và tiêu biểu nhất cho những người cầm bút hiện nay thì quả thật đáng báo động về tính bản sắc của thơ trẻ đương đại. Hầu hết các nhà thơ trẻ đều chưa ra tập thơ riêng và không mấy khi xuất hiện trên văn đàn khiến sức hút của sân thơ trẻ giảm nhiệt hẳn so với những năm trước. Chỉ riêng những tên tuổi lấy lừng như Dương Tường, Hoàng Hưng hay Vy Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư hay Nguyễn Vĩnh Tiến đã có một sức hút nhất định với công chúng. Chắc chắc những tên tuổi đó xuất hiện họ sẽ thể hiện cá tính sáng tạo một cách mạnh mẽ  và để lại những ấn tượng đặc biệt. Tuy nhiên việc lựa chọn những tên tuổi mới cũng là một ý tưởng không tồi nếu như họ gây được ấn tượng từ chính tác phẩm của mình. Tuy nhiên nếu dừng lại ở buổi trình diễn ở ngày thơ thơ thật sự các nhà thơ trẻ đã thất bại hoàn toàn trong nỗ lực xây dựng hình ảnh và phong cách của mình đối với công chúng.
      Các nhà thơ lần lượt hoặc cùng một lúc xuất hiện trên sân khấu để trình diễn những tác phẩm của mình nhưng có lẽ phải 10 phút sau khan giả mới hiểu họ đang đọc các bài thơ riêng lẻ do chính mình sáng tác, bởi giọng thơ và giọng đọc của họ quá giống nhau, giống nhau đến nỗi không thể biệt nỗi đó là thơ của ai, họ đang đọc các sáng tác của mình hay một bài thơ của bạn diễn. Tệ nhất là mở đầu và kết thúc bài thơ khi nào cũng khó mà phân biệt được. Cá tính của các nhà thơ gần như bị triệt tiêu, triệu tiêu ngay cả trong cách phục trang đồng nhất quần bò áo nâu đến sự tuân thủ kịch bản một cách máy móc. Chính điều đó đã tạo nên sự nhạt nhoà của các gương mặt thơ và nhàm chán của công chúng. Trong số các gương mặt thơ trẻ, Nguyễn Anh Vũ có lẽ là người gây ấn tượng hơn cả, không chỉ bởi khả năng diễn khá thuần thục cộng với sự xuất hiện với tần suất cao nhất mà bởi vì thơ của Vũ ít nhiều có sự khác biệt. Mặc dù Nguyễn Anh Vũ đã có lần khiêm tốn nhận rằng “mình là một hoạ sĩ nên tư duy hình ảnh là tốt nhất còn tư duy ngôn ngữ không thực sự tốt” trong buổi lễ ra mắt một tập thơ mà anh là hoạ sĩ vẽ bìa. điều đó thật đáng để chúng ta suy nghĩ.
      Và sự lạm dụng hai từ trình diễn như con dao hai lưỡi đang bộc lộ những mặt trái của mình. Người xem sân thơ trẻ năm nay dường như không khỏi ngơ ngẩn khi nhơ đến những Dương Tường, nhóm thơ Lá Trầu, Nhóm Ngọc Đại, Vy Thuỳ Linh… đã khuấy động sân khấu và khắc sâu dấu ấn trong long công chúng năm nào. 8 gương mặt thơ trẻ năm nay còn cách quá xa những điều đó. Họ chỉ mới dừng lại ở mức đọc thơ có điệu bộ minh hoạ đơn thuần chứ chưa thể tiệm cận đến nghệ thuật trình diễn thơ đương đại. Điều này một phần do họ một phần do sự lạm dụng 2 chữ trình diễn bởi không phải thơ nào cũng có thể trình diễn và không phải nhà thơ nào cũng biết trình diễn. Trình diễn thơ phải là sự tôn vinh những cá tính thơ riêng biệt đặc biệt là quá trình sáng tạo lần thứ 2  ở chính trong quá trình trình diễn. Ở đó bài thơ đã hoàn chỉnh từ trước được cộng sinh với xúc cảm của công chúng và sự thăng hoa của nhà thơ mà trở thành sản phẩm nghệ thuật mang tính duy nhất trong thời điểm trình diễn. Sự hồi quy sáng tạo lúc này vừa mang tính đồng hiện vừa mang tính vụt hiện. Chính vì thế trình diễn thơ mang lại cho bài thơ nhiều đời sống khác nhau tuỳ thuộc vào không gian, cảm xúc và công chúng. Một bài thơ sau mỗi lần trình diễn là một tác phẩm mới có đời sống và công chúng riêng. Điều này dường như chưa được bộc lộ ở sân thơ trẻ 2009. Bởi dường như một nửa của quá trình trình diễn (sáng tạo lần thứ 2 ) là ở sự tương tác giữa nhà thơ và khan giả. Nói cách khác một tác phẩm trình diễn thơ không phải của riêng chủ thể sáng tạo mà là quá trình đồng sáng tạo của nhà thơ và công chúng. Đây là chìa khoá của nghệ thuật trình diễn thơ đương đại mà các tác giả trẻ phải nắm bắt mới mong đạt được thành công.
Thế nhưng dù còn nhiều hạn chế , công chúng chắc hẳn cũng nhận thấy sự nỗ lực hết mình của ban tổ chức và các gương mặt thơ trẻ. Chỉ tiếc cho những công chúng yêu thơ đã háo hức mong đợi để rồi ra về đầy thất vọng.
Nguồn: lethieunhon.com