Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Hoài Hương thực hiện
Thứ sáu ngày 20 tháng 2 năm 2009 3:16 AM
 Lâu nay, mỗi khi có bài lý luận - phê bình văn học trực diện và có xu hướng “nóng bỏng” của Nguyễn Hoà xuất hiện trên mặt báo thì hầu như văn đàn lại một lần xôn xao và phải nói rằng, nhiều bài viết của ông đã làm nảy sinh các ý kiến khác nhau…

Kết thúc một năm với nhiều “ồn ào” của văn chương, vậy theo đánh giá của ông thì văn chương Việt Nam trong năm 2008 có diện mạo như thế nào?

Tôi có thói quen và cả ham thích nữa, từ góc nhìn của mình để phác hoạ diện mạo của văn học - văn chương sau một năm. Tất nhiên góc nhìn đó dù có cố gắng khách quan đến đâu thì cũng chỉ là góc nhìn của một người và không có tính áp đặt. Về câu hỏi của bạn, theo tôi năm 2008 là năm đã bộc lộ khá rõ nét điều trước đây tôi đã định danh là “chuyển dịch trong sự nhiễu loạn”.
Nhiều năm qua, trong giải thưởng văn học hàng năm của Hội nhà văn Việt Nam và các Hội địa phương, tác phẩm về lý luận - phê bình gần như vắng bóng, hay nếu có thì sau đó cũng tương tự như “bóng chim tăm cá”, không mấy ai nhắc đến hay ít có tác dụng gì cho văn chương. Theo ông, có phải là lý luận - phê bình không còn “đất” hoặc không còn ai quan tâm, vì không mang lợi ích gì ngoài “đấu đá” hoặc lăng-xê nhau?
Trước hết, cần thống nhất rằng lý luận - phê bình là một chuyên ngành khoa học. Vì thế chẳng ai “cấp đất”, cũng chẳng ai có thể “thu hồi đất” của lý luận - phê bình. Vấn đề là lý luận - phê bình đảm đương được các chức năng nghề nghiệp hay không. Lâu nay, chúng ta không còn xa lạ với ý tưởng về cuộc “khủng hoảng của lý luận - phê bình”, đó là sự thật, vậy làm sao có thể đòi hỏi nhiều hơn ở một chuyên ngành khoa học khi nó đang lâm vào khủng hoảng. Còn các giải thưởng văn học ư? Cũng lâu rồi tôi cũng không mấy tin vào các giải thưởng. Riêng với giải thưởng lý luận - phê bình thì đôi lúc tôi còn thấy khôi hài. Tỷ như các giải thưởng đã trao cho Vừa làm vừa nghĩ, Giăng lưới bắt chim chẳng hạn. Tôn trọng tác giả và tác phẩm, nhưng tôi không coi đó là tác phẩm lý luận - phê bình. Riêng chuyện “đấu đá”, có lẽ bạn nói đúng. Năm qua, một số nhà lý luận - phê bình, một số nhà văn nhà thơ viết “lý luận - phê bình” cũng ghê thật. (Bạn lưu ý là tôi để khái niệm này trong ngoặc kép, vì tôi nghĩ hình như đa số các “nhà” này cũng chưa biết lý luận - phê bình là cái môn gì!). Còn lăng-xê ư, biết nói thế nào được nhỉ, khi mà việc làm này như đã trở thành chuyện thường ngày trong sinh hoạt văn học. Nói ra có khi lại đụng đến “nồi cơm” của người khác, vì tôi ngờ ngợ đang có những người mưu sinh bằng nghề lăng-xê!
Mấy năm nay không riêng gì trong văn học, mà lý luận - phê bình trong các ngành nghệ thuật khác cũng tỏ ra thiếu, yếu, kém. Riêng về văn học, có ý kiến cho rằng, thật sự hiện nay văn học Việt Nam chưa có lý luận - phê bình đúng nghĩa, mà chỉ là những bài viết cá nhân không hệ thống, không phải là lý thuyết về lý luận - phê bình hoàn chỉnh cho văn học Việt Nam đương đại? Ông nghĩ sao?
Khi được xác định là một chuyên ngành khoa học thì trước hết, lý tính phải là yêu cầu hàng đầu của thao tác nghiên cứu. Với lý luận - phê bình, dù vai trò của cảm tính và trực giác có lớn đến đâu thì vẫn không thể thay thế vai trò của lý tính. Gần đây tôi có viết rằng, nếu mỗi đầu sách in 1000 bản và có 1000 người đọc, thì chí ít sẽ có 1000 ý kiến khen - chê. Dù một số khen - chê đích đáng thì cũng không thể coi mọi khen - chê ấy là lý luận - phê bình, để khi viết ra, sẽ có 1000 bài phê bình. Nếu vậy thì lý luận - phê bình khác gì “cái điếu cày uỷ ban, ai cũng có thể... hút!”. Mỗi khoa học đều có một hệ thống khái niệm, phạm trù, phương pháp nghiên cứu... riêng, không nắm được vấn đề có tính nguyên tắc đó thì đừng nghĩ đến thực hành. Chẳng có ngành khoa học nào mà mọi người đều có thể tham gia cả. Nhiều người trong chúng ta nói vanh vách về khoa học, song hiểu khoa học là cái gì, thực hành ra sao... thì xem ra còn mù mờ. Tôi nói thế vì căn cứ vào sản phẩm lý luận - phê bình chứ không căn cứ vào phát ngôn. Đã lâu rồi, sự thịnh hành của quan niệm coi mọi đánh giá, khen - chê tác phẩm văn chương đều là lý luận - phê bình đã đưa tới cái nhìn phiến diện về một ngành khoa học. Sự thịnh hành ấy lại được hỗ trợ bởi một số lý thuyết, quan niệm đã lạc hậu... làm cho lý luận - phê bình càng thêm trì trệ. Theo tôi, quan niệm nghiêm túc, khoa học, cùng một hệ thống lý thuyết mới đang là đòi hỏi bức thiết của lý luận - phê bình văn học ở Việt Nam.
Một tác phẩm văn học hay, theo “con mắt” nhà lý luận - phê bình của ông có tiêu chí gì? Việc đánh giá tác phẩm theo kiểu “ăn khách” và có giá trị nội dung, nghệ thuật nhưng lại không bán được, sẽ được các nhà lý luận - phê bình nhìn nhận ra sao?
Với sự phát triển của khoa học về văn chương như ngày nay thì tiêu chí đánh giá một tác phẩm văn học phụ thuộc vào việc người viết lý luận - phê bình đứng từ góc nhìn của lý thuyết nào, sử dụng phương pháp nào. Tựu trung, muốn khẳng định một tác phẩm là “hay” thì chí ít cũng phải chứng minh được thành công của nó trên hai phương diện tư tưởng và nghệ thuật. Theo tôi thì tác phẩm “ăn khách” cũng có nhiều loại. Loại gợi tò mò. Loại giúp “xả e”. Loại chỉ là mẹo mực “đánh” vào thị hiếu của một số người đọc... Gì thì gì, đa số tác phẩm được gọi là “ăn khách” gần đây đều có tuổi đời không cao, nhất là tác phẩm chỉ là sản phẩm của một chiến dịch lăng-xê. Nói vậy nhưng cũng phải thừa nhận một điều là sinh hoạt văn học đang có những biến dịch với sự xuất hiện của nhiều kiểu bạn đọc khác nhau. Nói cách khác thì sự “phân tầng thị hiếu văn học” là hiện tượng có thật. Giống như trong báo chí, có tờ nghiêm cách lại có tờ bị coi là “lá cải” nhưng vẫn bán đắt như tôm tươi. Nếu có điều gì đáng trách thì có lẽ là ở chỗ một vài cây bút lý luận - phê bình đã dễ dãi, a dua mà không góp phần nâng cao thị hiếu và nhận thức thẩm mỹ của người đọc.
     
Quan điểm của ông về “văn học bình dân” - mang tính thương mại và giải trí, có cả cái gọi là “văn chương mạng”, và “văn học bác học” mang tính tư tưởng - nghệ thuật cao...?
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải thích ứng với tình trạng phân tầng của thị hiếu trong xã hội hiện đại. Song, muốn thừa nhận điều đó cũng phải có điều kiện, dù đa dạng như thế nào thị hiếu vẫn có mẫu số chung. Là ai, ở đâu, làm gì, tuổi tác, giàu nghèo ra sao... thì mỗi người hay mỗi nhóm người muốn cảm thụ, thưởng thức nghệ thuật một cách lành mạnh bao giờ cũng phải dựa trên và hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Thị hiếu nghệ thuật nói chung, thị hiếu văn học nói riêng, là kết quả tổng hoà của rất nhiều yếu tố, trong đó có truyền thống văn hoá của cộng đồng, không gian văn hoá sinh tồn của mỗi người, rồi thói quen, học vấn, lứa tuổi, nghề nghiệp, khả năng kinh tế... Thậm chí cả nơi cư trú cũng liên quan tới thị hiếu, như thị hiếu người ở đô thị cũng có điều khác với thị hiếu người ở nông thôn, thị hiếu người ở vùng núi cũng có điều khác với thị hiếu người ở đồng bằng. Hiểu điều đó, chúng ta mới có thể chấp nhận sự tồn tại của nhiều dạng thức văn học tồn tại như là sự tương ứng với các thị hiếu, như bạn gọi là văn chương bác học, văn chương bình dân, văn chương mạng...
Trong đời sống văn học hiện nay, dường như văn chương bình dân đang giữ vị trí ưu thắng. Tôi tôn trọng dòng văn chương này, ít nhất cũng ở chỗ nó đang đáp ứng được thị hiếu của một số bạn đọc, nhưng tôi không đề cao dòng văn học này, vì tôi khó tìm thấy ở đó các ý nghĩa tư tưởng - nghệ thuật có khả năng gây xúc động và giúp con người “lớn” hơn. Những câu chuyện tình cảm ướt át có pha thêm tý sex, những mô tả trần trụi, những triết lý “đầu Ngô mình Sở”, những tình huống giật gân, những ám ảnh tâm lý như mang màu sắc “giả tạo”,... khó có thể sống với muôn đời, song lại làm một số người thích thú, giúp họ giải trí, vì phù hợp với thị hiếu của họ. Không sao cả, điều muốn nói là có người lại thổi phồng chúng lên, gán cho chúng các giá trị mà bản thân chúng không có,... từ đó làm sai lệch các chuẩn mực tư tưởng - nghệ thuật mà tác phẩm văn học cần phải đạt tới. Còn văn chương mạng, với tất cả sự dễ dãi và phóng túng của nó, cũng có một số đặc điểm gần gũi với văn chương bình dân. Không ngẫu nhiên một số tác phẩm trước khi được xuất bản đã ra mắt trên mạng, trong đó đa số thường “hót” và ồn ào vài ba tháng rồi im ắng. Nếu để ý bạn sẽ thấy, các tác phẩm có chất lượng một tý thường không được đăng trước trên mạng, phải chăng vì tác giả muốn giữ bí mật, muốn bảo đảm nhuận bút không bị hao hụt, đăng trước trên mạng thì còn bán cho ai nữa (?). Còn văn chương bác học, có lẽ ở thời điểm này văn học của chúng ta vẫn chưa có được cơ may ấy. Quan niệm như thế nên cách đây không lâu tôi đặt ra một câu hỏi rất thiếu lạc quan rằng “tác phẩm đỉnh cao - ước mơ còn ở phía chân trời?”!
Trong sinh hoạt văn chương ở Việt Nam hiện nay dù nhiều người thích thú bàn luận về “hậu hiện đại”, nhưng hình như lại thiếu vắng các tác phẩm mang tính chất thời đại như Lưu dân (Immigration), Lạc địa (Displaycement), Giạt ra rìa (Margimalization), Đa chủng tộc (Multiracial), Giao lưu văn hoá (Acculturation), rồi “văn học xanh, văn học sinh thái” (Ecoliterature)… Là một nhà lý luận - phê bình, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Đúng là hiện tại ở Việt Nam hiện tại, nhiều người làm văn chương (cả sáng tác lẫn lý luận - phê bình) đang say sưa với hậu hiện đại. Trước khi đưa ra ý kiến của mình, tôi xin dẫn lại một điều thú vị mà nhà lý luận - phê bình Văn Giá đã viết trên báo Người Hà Nội rằng: “Hiện giờ, có một cực là không cần biết đến hậu hiện đại là gì; một cực khác, hậu hiện đại đang có nguy cơ trở thành thời thượng, nơi nơi thấy nói đến hậu hiện đại. Nhưng rõ ràng, không nhiều thì ít, cái cảm quan hậu hiện đại đã có mặt và thấm dần vào cảm quan chung của người Việt, nhất là các văn nghệ sĩ. Tôi vẫn ao ước sẽ có một hậu hiện đại mang màu sắc Việt Nam. Tại sao lại cứ phải y xì Tây chứ. Vâng, một hậu hiện đại riêng của tiếng Việt, rộng ra là văn chương và văn hóa Việt. Nhưng làm thế nào để có được điều đó còn tùy thuộc chung vào nỗ lực không của riêng ai”. Ao ước của anh Văn Giá là chính đáng và thiện chí, nhưng để ao ước đó trở thành hiện thực thì theo tôi, còn xa lắm. Tôi chưa biết “cảm quan hậu hiện đại” đã thấm vào văn nghệ sĩ thế nào, nhưng căn cứ vào ý kiến của một số văn nghệ sĩ, tôi nghĩ là họ nói theo “mốt”, nói để theo kịp với cái “thời thượng” hơn là ý thức tự thân. Ví dụ, một văn sĩ kiêm thi sĩ rất hăng hái với hậu hiện đại đã trả lời phỏng vấn thế này: “tôi đặc biệt muốn nhắc tới Bút Tre. Hình như sinh thời ông không tự nhận mình sáng tác theo phong cách gì, và nếu giờ vẫn sống tôi tin ông cũng chẳng nhận mình là “hậu hiện đại”, nhưng tinh thần giải thiêng và thủ pháp giễu nhại của ông thật tuyệt vời. Đó chính là một nhà thơ hậu hiện đại rất tiêu biểu, hơn nữa lại đi tiên phong, ít ra là ở phía Bắc”. Hoá ra theo anh này thì vấn đề của hậu hiện đại trước hết là thủ pháp chứ không phải là “cảm thức”. Nếu chỉ căn cứ vào giễu nhại, giải thiêng để xác định hậu hiện đại thì chắc là các tác giả hậu hiện đại đi tiên phong chẳng phải lọ mọ tìm tòi làm gì, cứ học tập Francois Rabelais là xong. Rất tiếc là Francois Rabelais - một bậc thầy về giễu nhại và giải thiêng, lại không được coi là nhà văn hậu hiện đại. Gần đây, tôi còn thấy một thi sĩ trả lời phỏng vấn là sắp tới sẽ tập trung làm thơ... hậu hiện đại, và tôi lại buồn cười.
Hiểu còn lỗ mỗ như thế mà vẫn tuyên ngôn hoành tráng về hậu hiện đại thì còn lâu lắm văn chương xứ ta mới có tác phẩm hậu hiện đại đích thực. Đối với một số cây bút, dường như hậu hiện đại na ná như một loại công cụ sáng tác hơn là một xu hướng tinh thần của sáng tạo. Tôi không rõ người ta quên (không biết?) hậu hiện đại hay không sẽ toát lên từ tác phẩm sau khi hoàn thành, đến với với công chúng, và bất chấp ý muốn của tác giả là gì. Để có “cảm thức hậu hiện đại”, người sáng tác phải hội tụ trong mình nhiều yếu tố, trong đó sự phát triển của trình độ nhận thức và bối cảnh tinh thần của xã hội cũng giữ một vai trò quan trọng.
 
Trong một số bài viết của ông về thơ, ông có nói đến cách tân, tân hình thức, hiện đại, hậu hiện đại, kể cả thơ “múa may”… Hình như ông chưa hài lòng với những kiểu thơ như thế. Vậy theo ý ông, phải như thế nào mới là thơ để không mặc “chiếc áo rộng cho một cơ thể còm”?
Tôi nói luôn rằng, tôi không dị ứng nào với các xu hướng thơ bạn nhắc tới ở trên. Ở thời kỳ mà tính đa trị, sự phức hợp của các góc nhìn đang làm cho đời sống văn học trở nên đa dạng, sinh động thì cũng làm cho sự phức tạp tăng lên và chúng ta cần phải thích ứng với bối cảnh ấy. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội - con người như hiện nay thì sự mọi sự phức tạp đều khó có thể vượt ra khỏi những tiêu chí có khả năng tổ chức, duy trì bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống. Bạn đi đường, thi thoảng thấy có người vượt qua đèn đỏ, lấn sang làn đường bên trái, bạn sẽ nghĩ giao thông hỗn loạn. Nhưng quan sát kỹ, bạn lại thấy đa số mọi người đều dừng lại trước đèn đỏ và ai đó lấn sang làn đường bên trái rồi cuối cùng vẫn phải trở về với làn đường bên phải. Vậy là với đa số người, luật giao thông vẫn có giá trị đấy chứ. Với thơ cũng thế thôi, khi người ta viết nhân danh tân hình thức, hậu hiện đại và gì gì nữa để trình ra trước xã hội loại sản phẩm văn chương thô thiển, tục tĩu thì công chúng và người làm lý luận - phê bình nghiêm túc sẽ lên tiếng phê phán, bởi họ căn cứ vào các tiêu chí thẩm mỹ - đạo đức chung của xã hội. Chính vì thế mà tôi dị ứng với lối nhân danh xu hướng, trào lưu văn học này nọ để sản xuất ra sản phẩm “phản văn hoá”. Còn “chiếc áo rộng” và “cơ thể còm” là hình ảnh có tính tượng trưng, tôi sử dụng để bàn về một nghịch lý là: với những gì đang có, nhà thơ Việt Nam khó có thể đến với hậu hiện đại. Tôi chỉ cảnh báo chứ không phản đối, đặc biệt là cảnh báo xu hướng mượn danh nghĩa hậu hiện đại.
Hiện tại hình như đang có hiện tượng biến văn đàn thành “sàn diễn sân khấu” để sắm vai, diễn trò trục lợi… Ông cho biết ý kiến riêng của  mình?
Nếu trục lợi về vật chất thì khó, vì làm sao biết được sau khi “diễn” người ta kiếm được bao nhiêu. Còn văn đàn đã bị một số người biến thành “sàn diễn”, thì hình như có thật. Tôi nhận thấy có một hiện tượng là tác giả càng phát biểu trên báo chí nhiều thì tác phẩm càng chán. Tác phẩm xôn xao dư luận thì cũng có nhiều loại. Sự xôn xao xảy ra với tác phẩm hay với cả tác phẩm dở (nhất là tác phẩm sống sít, bậy bạ), nên xôn xao không phải là tiêu chí để đánh giá tài năng và thành công, xin đừng ngộ nhận. Kể cũng thật buồn cười, có tác giả viết được một hai tác phẩm gây “xôn xao” rồi không thấy viết lách tiếp nữa, từ đó lại sinh tồn nghề nghiệp, duy trì “danh tiếng” bằng cách gây xôn xao qua mấy câu trả lời phỏng vấn về tình yêu, về gia đình, về “anh ấy”, về “mốt” và... thi thoảng lại “doạ” sắp có tác phẩm này các tác phẩm kia. Lại có vị khệnh khà khệnh khạng cứ như “đại gia”, thi thoảng phán về cái này một tý, phán về cái kia một tý, càng phán thì càng chứng tỏ sự nhạt nhẽo và hời hợt. Với các trường hợp này, xin nói thẳng là báo chí cũng có phần trách nhiệm, vì đôi khi đã dung túng và tạo nên một số “giá trị giả”.
Ông được (hay bị) gọi là “người dọn vệ sinh văn chương”. Công việc này là do ông dấn thân để làm hay còn một “thúc đẩy” từ một “nguồn” khác?
Lâu nay, máy tính của tôi khi ở chế độ nghỉ là hiện lên dòng chữ “công ty vệ sinh môi trường văn chương!”. Dòng chữ ấy tuy tếu táo, song cũng mang chứa tinh thần tự ý thức của tôi. Nhìn nhận thật nghiêm túc, trên đời này chẳng ai có thể làm nghề mấy chục năm từ sự “thúc đẩy” của một “nguồn” nào cả. Tôi biết tự tạo ra áp lực làm việc cho mình để không phụ thuộc vào bất kỳ áp lực nào. Đọc - quan sát - suy ngẫm - kết luận từ góc độ nghiên cứu của mình, đó là quy trình có tính nguyên tắc đối với sự làm việc của tôi. Một vài toà soạn đặt tôi viết bài đã “nếm mùi” cái món này rồi. Tôi chỉ nhận lời khi bản thân đã có ý tưởng hay đã suy nghĩ về đề tài mà toà soạn đặt, còn không thì tôi từ chối. Ai đó đặt bài rồi lại gọi điện để nhắc, thì gọi một lần không sao, gọi vài lần là tôi không viết nữa. Có người coi đó là “tinh tướng”, nhưng khi hiểu quan niệm của tôi thì lại đồng tình. Tinh tướng mà làm gì, cuộc đời này còn nhiều người giỏi giang lắm đấy, đừng vội hợm hĩnh về mình. Vài người xúi tôi phê phán người này người khác, tôi nói luôn: “Tôi ghê tởm việc làm của anh, tôi không phải là thằng đâm thuê chém mướn”, rồi tôi đoạn giao luôn. Nếu mỗi người trong chúng ta không tập cho mình thói quen chịu trách nhiệm cá nhân thì khó có thể giúp nhau hoàn thiện. Tóm lại, tôi làm lý luận - phê bình vì yêu thích, vì tự thấy phải có trách nhiệm với công việc.
          
Rất nhiều bài viết của ông nói đến chữ “đạo văn”, và cũng hay nói vui về những kẻ “đạo văn” đó là “đứt dây thần kinh xấu hổ”. Theo ông, muốn chấm dứt “đạo” thì phải như thế nào khi người ta “đứt  dây thần kinh xâu hổ”?
Trước hết tôi khẳng định đạo văn là hành vi có chủ định chứ không phải sơ suất. Không thể coi việc “thuổng” của tác giả khác vài ba trang sách, thậm chí vài chục trang, là sơ suất được. Đạo văn có liên quan tới đạo đức trí thức, là sự xấu xa mà một người biết xấu hổ sẽ không làm. Còn để chấm dứt nạn đạo văn ư, trước hết là sự tự trọng của mỗi người. Sau đó là chế tài luật pháp, ví dụ: khi một cuốn sách bị phát hiện là đạo văn, tác giả phải có trách nhiệm thu hồi các cuốn đã phát hành, hoàn trả tiền bạc cho người đã mua, cơ quan chủ quản có biện pháp kỷ luật đối với tác giả. Không có biện pháp mạnh tay thì người đạo văn vẫn cứ nhơn nhơn, vẫn cao giọng dạy bảo người khác, rồi lại còn thăng quan tiến chức nữa thì xin lỗi, còn lâu người ta mới biết sợ, và nạn đạo văn sẽ tiếp tục hoành hành.
  
Khi ông đặt bút viết về một “trò” không minh bạch trong văn chương, ông có nghĩ đến nhân vật ông đề cập là ai? Ông có châm chước nếu như họ có “tên tuổi”? Và nếu “vạch mặt chỉ tên” rạch ròi, ông có ngại gì không?
Để chỉ rõ một trò không minh bạch nào đó trong văn học - văn chương, trước hết phải có đủ tài liệu, rồi luận chứng trên cơ sở tài liệu. Muốn có tài liệu thì phải đọc, đọc nghiêm túc, có hệ thống. Tôi đọc nhiều, càng là tác giả nổi tiếng và được ca ngợi thì tôi càng tìm đọc. Trước hết, đọc để học hỏi chứ không phải là “vạch lá tìm sâu”. Khổ một nỗi là tôi luôn đọc trong tâm thế phản biện. Đúng, hay và thuyết phục thì tôi “ok”, ngờ ngợ hay không thuyết phục thì tôi suy nghĩ, tự trả lời tại sao như vậy. Còn đọc lại thấy giống giống đâu đó thì tôi liên tưởng đến các cuốn sách hay tài liệu có liên quan mà tôi đã đọc, hoặc tôi dùng phép loại suy để tìm. Khi phát hiện “có vấn đề” thì tác giả là ai, tôi không quan tâm, tôi chỉ quan tâm xem toà soạn nào đó có “dám” cho đăng hay không. Đã có vài toà soạn trả lời “không”, rồi mong tôi thông cảm vì “ông ấy nổi tiếng quá”, hay “đấy là bạn của sếp tôi”...!
 
Có người khi đọc các bài viết của ông, đã tỏ thái độ không đồng tình, đôi khi họ còn có thái độ quá khích. Họ cho là ông không phải một nhà lý luận - phê bình đích thực, hay có người còn cho là ông “không biết gì”. Với những trường hợp như thế ông xử trí thế nào?
Viết một cách trực diện và lại riết róng như tôi vẫn làm thì sao có thể vừa lòng tất cả mọi người. Người ta bảo tôi “không phải một nhà lý luận - phê bình đích thực” hay “không biết gì” là còn tử tế chán. Ngoài vài vị giấu nỗi xấu hổ vào trong để múa miếng võ điển hình cho môn phái AQ là “không thèm chấp” Nguyễn Hoà, tôi còn được nghe nhiều hoang tin kinh dị hơn nhiều, kiểu như: Nguyễn Hòa ăn tiền để viết bài đánh ông X bà Y; báo A báo B trả Nguyễn Hòa nhuận bút cao để viết; Nguyễn Hòa “đánh đàn bà”; Nguyễn Hòa “đánh văn trẻ”; ngày tôi còn ở Văn nghệ Quân đội có người bảo tôi “cậy có báo và súng”, giờ thì người ta bảo tôi “cậy thế” nơi tôi đang làm việc; rồi Nguyễn Hòa học hành vớ vẩn, không bằng cấp nên đố kỵ với người có bằng cấp, Nguyễn Hòa “đánh lung tung” để nổi tiếng, Nguyễn Hoà cay cú vì không được vào Hội Nhà văn... Khôi hài nhất là có nhà lý luận - nghiên cứu - phê bình thấy tôi phê bình sách vở của người khác thì rất hỉ hả và “bổ nhiệm” tôi giữ chân “ngự sử văn đàn”, tới khi tôi phê bình tác phẩm của chính vị này thì “quyết định” nhanh chóng bị thu hồi và ông ta lập tức chuyển sang gọi tôi là “thằng lưu manh”! Tóm lại, để phê phán ở sau lưng tôi, một số người đã thực hành các thủ đoạn ngoài văn chương, bịa ra nguyên nhân ngoài văn chương để lý giải động cơ làm việc của tôi. Họ không dám tự vấn chính mình, không dám đối mặt với các ý kiến của tôi, nhất là ý kiến có liên quan đến tác phẩm, công trình của họ. Nếu quan tâm, bạn sẽ thấy sự phản biện đối với các vấn đề và hiện tượng văn học - văn chương tôi đặt ra là hầu như không có. Mấy “phẩm chất cao quý” bạn nhắc tới trong câu hỏi này có xuất xứ trên vài ba blog, hoặc topic trên internet mà chủ nhân lại là năm bảy cái nick ẩn danh. Trên internet, nơi ý kiến có thể phát biểu thoải mái mà người ta vẫn không đủ liêm sỉ để công khai danh tính, phải nấp dưới mấy cái nick ảo để phê phán tôi thì quan tâm làm gì, dù sao thì... “đoàn người cứ đi”!
  
Ông đã chọn cái công việc không mấy bình yên trong văn chương là làm lý luận - phê bình, đã bao giờ ông cảm thấy ân hận vì đã chọn lý luận - phê bình thay vì làm một công việc khác?
Tôi đến với lý luận - phê bình một cách ngẫu nhiên, chứ tôi không chọn nó. Vì chuyên môn đào tạo của tôi là văn hoá quần chúng, tôi cũng từng tâm sự với bạn bè rằng, nếu được chọn lại thì tôi sẽ làm Dân tộc học. Nói như thế không phải vì tôi ân hận, mà vì tôi thích nghiên cứu Văn hoá học và Dân tộc học, đó là những công việc phù hợp với lối suy nghĩ và tìm hiểu của tôi. Nói cách khác, là tôi rất khoái đặt ra những câu hỏi về các hiện tượng văn hoá - xã hội rồi buộc mình phải khảo sát để tìm ra câu trả lời. Còn bây giờ, đã “mang cái cái nghiệp vào thân” rồi thì có gì phải ân hận nhỉ. Nói thế song cũng có lúc tôi chán nản, chủ yếu vì như thấy trong nhiều trường hợp, sự ngay thẳng của mình hầu như không có ý nghĩa, trò đạo văn vẫn diễn ra, tác phẩm kém chất lượng vẫn được tung hô, công trình nghiên cứu cẩu thả vẫn được công bố và tán dương, các trò vè lố lăng vẫn thản nhiên được trình diễn trên văn đàn. Cũng may mà bên tôi còn có nhiều đồng nghiệp và bạn đọc tử tế, các cuộc gặp gỡ, các trao đổi qua điện thoại, các tin nhắn, các bức thư điện tử... của họ đã động viên tôi, giúp tôi có niềm tin vào công việc của mình.
   
Năm 2009 tới rồi, bằng con mắt của một người làm lý luận - phê bình văn học, ông dự đoán văn chương Việt Nam sẽ như thế nào?
Bước ngoặt theo hướng tích cực của văn học - văn chương chỉ có thể xảy ra khi những người làm công việc này được chuẩn bị tốt mọi yếu tố liên quan tới nghề nghiệp và tự ý thức về điều đó. Muốn như vậy cần phải có thời gian, hơn chục năm vừa qua và có lẽ cũng khoảng từng ấy năm nữa, văn học - văn chương Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ chuyển dịch. Vì thế theo tôi, năm 2009 này, văn học - văn chương có thể sôi động hơn, phức tạp hơn, nhưng thành tựu lớn vẫn còn là câu hỏi chứ chưa có câu trả lời. Tôi và bạn thử cùng chờ đợi xem sao!
Vâng, xin cảm ơn ông về những câu trả lời thẳng thắn và nghiêm túc. Và tôi cũng sẽ cùng ông chờ đợi để kiểm chứng một dự đoán!

Hoài Hương thực hiện