Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ngót nửa thế kỉ “Tình em”

Dương Đức Quảng
Chủ nhật ngày 15 tháng 2 năm 2009 3:02 PM
 
Trong một chương trình Trò chơi âm nhạc phát trên sóng Đài truyền hình Việt Nam cách đây ít lâu, khi dòng chữ “Tình em như cỏ hoa” của bài hát gốc hiện lên, đội trưởng một đội chơi đã đoán ra ngay, đó là lời bài hát “Tình em” của nhạc sĩ Huy Du, nhưng khi được hỏi  ai là tác giả phần lời của bài hát này thì lại không biết.
Còn tôi, và chắc rằng nhiều người yêu thích bài hát trên đều biết nhạc sĩ Huy Du đã phổ nhạc bài thơ “Tình em” từ chiến trường miền Nam gửi ra của Ngọc Sơn, một người lính làm thơ, từ 47 năm trước. Nghĩa là  ngót nửa thế kỉ nay “Tình em” đã sống trong lòng người đọc, người nghe.
 
“Tình em” đến với nhiều người trước khi đến với…em!
 
Tôi biết tên anh Ngọc Sơn từ năm 1962, khi lần đầu tiên được đọc bài thơ “Tình em” trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng phải đến 43 năm sau, tháng 8-2005 tôi mới được gặp anh. Lần ấy, một số anh chị em nhà văn, nhà báo, đạo diễn điện ảnh…từng ở chiến trường Khu V trước đây gặp nhau để bàn làm phim, viết báo về liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và liệt sĩ Nguyễn Văn Giá sau khi tập nhật ký của chị Trâm và 48 bức ảnh của anh Giá chụp trước khi hy sinh, trải qua 35 năm lưu lạc trên đất Mỹ mới được một cựu binh Mỹ trao lại cho hai gia đình. Anh Ngọc Sơn đến dự, không chỉ với tư cách là một nhà thơ từng ở chiến trường Khu V trước kia mà còn hơn thế nữa, anh là người Quảng Ngãi, nơi chị Trâm, anh Giá hy sinh, lại là bạn chiến đấu của anh K.T.H (tức anh M, con một nhà thơ lão thành nổi tiếng, người yêu của chị Trâm) trên chiến trường này…
Cũng từ lần gặp ấy, anh em chúng tôi thường hay gặp nhau. Anh đã tặng tôi một số tư liệu liên quan đến bài thơ “Tình em” và kể cho tôi nghe bối cảnh ra đời của bài thơ này.
Năm 1961, đang là Đại đội trưởng pháo binh thuộc Tiểu đoàn 300, Trung đoàn 14, Sư đoàn 324, anh Hồ Ngọc Sơn được lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Do phải giữ bí mật chuyến đi, anh dấu chị, nói là được cử đi học ở nước ngoài để chị khỏi lo lắng. Thời gian này anh và chị Trần Thị Mỹ Hiên mới cưới nhau được ít ngày. Chị quê ở Nghệ An, là chiến sĩ văn công cùng Sư đoàn 324 với anh. Ngày chia xa, cả hai vợ chồng trẻ đều bùi ngùi, không biết đến bao giờ mới gặp lại. Vào tới chiến trường anh mới viết thư ra, nói thật với chị là anh không đi học nước ngoài mà đã được cử vào chiến trường, hiện đang ở Quan Khu V, quê anh.
Vào một ngày đầu thu năm 1962, trên đường hành quân từ Kon Tum vào Gia Lai, có lẽ là do linh tính mách bảo, anh tạt ngang vào một Trạm giao liên và vô cùng bất ngờ, sung sướng nhận được lá thư đầu tiên của chị gửi vào chiến trường cho anh.
Đọc thư chị, anh bồi hồi, xót xa. Hành quân trong rừng le (một loại cây cùng họ tre nứa), lặng nhìn những chiếc lá vàng rơi đầy khu rừng trong nắng hanh, gió nhẹ mà lòng anh nặng trĩu. “Giá mà có với nhau một đứa con, giữ lại cho nhau một báu vật của tình yêu chúng mình, một kỷ niệm thiêng liêng suốt cả đời người, thì dù anh có xa cách bao lâu, có ở phương trời nào  em cũng đành lòng...”.
Đêm đó, dừng chân bên suối, ngả mình trên võng ngắm trăng, hình ảnh những chiếc lá vàng rơi rơi trên đường hành quân và từng lời trong thư của chị lại hiện ra trước mắt. Bất giác, anh nhớ tới một câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu “Yêu là chết ở trong lòng một chút…” , mà chạnh lòng nghĩ tới tình yêu của mình. Chỉ có điều, anh không cảm thấy có gì “chết ở trong lòng một chút” như câu thơ trên, bởi anh xa chị, chị xa anh nhưng tình yêu và niềm tin không bao giờ chết. Như chiếc lá kia xa cành, lá không còn màu xanh, nhưng khi mùa xuân về nguồn sống lại hiện lên trong từng chiếc lá mới, rời rợi đầu cành. Và thế là tứ thơ cứ tự nhiên xuất hiện. Mờ sáng hôm sau anh ghi vội vào nhật ký của mình mấy dòng thơ đầu tiên:

”Tình em
                   Gửi H.
Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi?
- Có gì đâu em ơi
Tinh yêu là sự sống!
Nên nắng hửng trong lòng
Mạch đời căng máu nóng”.
Anh viết đậm tên bài thơ, gửi H. là tên tắt của chị, viết hoa và gạch dưới câu “Tinh yêu là sự sống!” trong đoạn thơ mới làm. Anh mang theo những câu thơ dang dở, tiếp tục cuộc hành quân, qua biết bao nhiêu nương rẫy nở đầy hoa và cỏ non mơn mởn dọc các cánh rừng Gia Lai. Hết con suối này lại qua con suối khác, nước suối  chảy róc rách dưới chân cứ quấn quýt lấy anh, như tình yêu không muốn rời xa anh, một người lính đang trên đường ra trận. Còn cỏ hoa dọc theo các triền đồi và nương rẫy kia như hình ảnh của chị, người vợ tha thiết và âu yếm đang cùng anh hành quân. Và thế là những lời thơ cứ thế dâng trào theo từng bước chân anh:
“Anh đi xa bao núi
Tình em như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương
Chảy theo anh khắp rừng
Anh đi xa càng xa…
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha
Theo anh dài nương rẫy…”.
Anh viết tiếp những dòng thơ ấy vào cuốn sổ tay như ghi những dòng nhật ký riêng tư của mình. Vào tới nơi đóng quân, anh viết thư  cho chị, chép bài thơ “Tình em” gửi ra. Đầu năm 1963, anh nhận được thư chị, kèm theo bản nhạc “Tình em”, được phổ thơ Ngọc Sơn mà không ghi đầy đủ là Hồ Ngọc Sơn, nên chị không dám tin chắc là của anh. Trong thư chị hỏi: “Em nghe trên Đài họ hát bài “Tình em” nói là phổ thơ của Ngọc Sơn từ miền Nam gửi ra. Có phải là thơ của anh không?…” .
Sau này anh mới biết, sau khi gửi lá thư trên cho anh được gần nửa tháng, chị mới nhận được thư của anh, trong thư anh chép bài thơ “Tình em” gửi ra cho chị. Chị vô cùng sung sướng, hạnh phúc. Thế là, “Tình em” đã đến với nhiều người trước khi đến với…em!
 
Nhà thơ Tế Hanh và 20 đồng nhuận bút
 
Cuối năm 1962, tại một cánh rừng phía Tây Quảng Ngãi, anh vừa ngạc nhiên vừa xúc động khi nghe bài thơ “Tình em” của mình được ngâm và hát nhiều lần trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Hồ Ngọc Sơn tự hỏi, không biết bằng cách nào bài thơ lại được gửi ra Bắc, được in báo, được phổ nhạc trước khi bài thơ đến tay vợ mình. Có lẽ bạn anh, nhà thơ Thân Như Thơ đã làm việc này chăng?. Anh và nhà thơ Thân Như Thơ cùng là lính pháo binh ở Sư đoàn 324. Cả hai cùng vào chiến trường miền Nam năm 1961, cùng ở Khu V trong những năm tháng gian khổ, ác liệt, nhưng từ ngày vào chiến trường chưa một lần gặp nhau. Cả hai đều là những người lính yêu thơ nên mỗi khi viết thư thường gửi cho nhau những bài thơ mới làm. Có thể sau khi nhận được bài thơ “Tình em” và bài thơ “Cô gái dẫn đường” của anh, nhà thơ Thân Như Thơ gửi cả hai bài thơ này ra Bắc.
Sau này anh Hồ Ngọc Sơn mới biết, hai bài thơ của anh được nhà thơ Thân Như Thơ gửi ra Bắc đã đến tay nhà thơ Tế Hanh. Ông biên tập lại bài thơ “Tình em” cho ngắn hơn, hay hơn, bay bổng hơn và sửa lại tên bài thơ “Cô gái dẫn đường” thành “Cô gái Trường Sơn” rồi gửi cả hai bài thơ này cho báo Văn Nghệ đăng. Cả hai bài thơ này đã được đưa vào tập “Thơ ca miền Nam 1955-1970”, do chính nhà thơ Tế Hanh chọn lọc, giới thiệu, sau đó đã được tặng giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu.
Có một điều thú vị, bài thơ “Tình em” có lúc đã không còn được mang đúng tên mình mà phải “thay tên đổi họ”!
Trong tuyển tập “Thơ miền Nam chọn lọc 1961-1965” và sách giáo khoa chương trình nghiên cứu bình giảng văn học cách mạng miền Nam, bài thơ “Tình em” đã được đổi tên thành “Gửi em dưới quê làng” và bị cắt bớt một số câu. Sau này, khi có dịp gặp nhà thơ Thu Bồn trên chiến trường Khu V thời chống Mỹ, Hồ Ngọc Sơn mới biết, năm 1964 chính Thu Bồn đã “thay tên đổi họ” bài thơ “Tình em” và cắt bớt một số câu trong bài thơ của anh. Lý do cũng thật đơn giản: “Lúc bấy giờ thơ mà nói về tình yêu đôi lứa, anh anh em em nhiều quá thì chưa được đồng tình”. Và thế là “Tình em” thành “Gửi em dưới quê làng” cho “an toàn”, vừa phù hợp với khung cảnh chiến tranh vừa phù hợp với không khí chính trị xã hội chung ngày ấy!…Thảo nào có lần tại chiến trường, Hồ Ngọc Sơn được nghe một chiến sĩ trẻ, vốn là sinh viên miền Bắc nhập ngũ, kể chuyện là đã từng bị phê bình vì ở chiến trường mà còn hát bài Tình em” lãng mạn tiểu tư sản! 

Làm thơ như thể ghi nhật ký, là tâm sự riêng tư, đâu có nghĩ để cho nhiều người đọc, lại càng không nghĩ là sẽ được đăng báo, được phổ nhạc và lại còn được nhuận bút! Năm 1973, có dịp ra Bắc, anh đến thăm nhà thơ Tế Hanh, lúc đó là Giám đốc Nhà xuất bản Giải phóng để cảm ơn nhà thơ đã chắp cánh cho bài thơ “Tình em” của mình để bài thơ hay hơn, bay bổng hơn. Nào ngờ anh còn nhận được 20 đồng tiền nhuận bút hai bài thơ của mình in trên báo Văn Nghệ! Số tiền ấy cũng khá “to”, bằng suất ăn trong một tháng của một sĩ quan trung cấp quân đội lúc bấy giờ. Song, với anh, giá trị tinh thần số tiền này còn lớn hơn rất nhiều, bởi nó chứa đựng tình cảm của những người bạn, của một nhà thơ đàn anh và của nhiều bạn đọc đối với anh, một người lính làm thơ.
 
Tình cảm của các nhạc sĩ và ngót nửa thế kỷ “Tình em”
 
Một ngày giữa tháng 12-2006, tôi cùng anh Hồ Ngọc Sơn vào Bệnh viện Hữu Nghị thăm nhạc sĩ Huy Du. Nhạc sĩ vừa qua cuộc đại phẫu lần thứ hai trong năm vì trọng bệnh. Đây là lần thứ ba nhà thơ và nhạc sĩ gặp nhau trong suốt 45 năm, kể từ ngày bài thơ “Tình em” được phổ nhạc. Sau đó ít lâu, nhạc sĩ Huy Du qua đời.
Năm 1962, từ nhạc viện Bắc Kinh trở về, nhạc sĩ Huy Du đọc bài thơ “Tình em” của Ngọc Sơn trên báo Văn Nghệ, thấy tình cảm của tác giả bài thơ trùng hợp với tâm trạng của mình. Khi ấy, nhạc sĩ đang học ở nước ngoài, cũng phải xa cách người vợ thân yêu của mình, là nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung, cô giáo dạy nhạc của tôi hồi tôi còn học cấp 2 ở Trường phổ thông Trưng Vương Hà Nội.. Thế là, chỉ trong một đêm, nhạc sĩ Huy Du đã phổ xong bản nhạc bài thơ “Tình em”. Và từ đó “Tình em” đã trở thành một trong những bài tình ca hay nhất thời chống Mỹ.
Nhạc sĩ Huy Du cho biết, không chỉ có ông mà còn có nhiều nhạc sĩ khác, như  Hoàng Việt, Hoàng Vân, Phạm Đình Sáu, Phan Huỳnh Điểu…cũng phổ nhạc bài thơ này. Đến nay, anh Hồ Ngọc Sơn vẫn còn giữ được bản photo bài hát “Tình em” của nhạc sĩ Hoàng Việt phổ thơ anh từ năm 1963, khi ông đang học tại Nhạc viện Quốc gia Bulgarie. Nhạc sĩ Hoàng Việt viết lời đề tặng ở đầu bản nhạc: “Viết tặng vợ tôi và những tấm lòng chung thuỷ”. Không những thế ông còn viết thêm một đoạn lời ca nối vào cuối bài thơ của  Hồ Ngọc Sơn, gửi vào đó tâm trạng, mong ước và niềm tin của mình đối với người vợ ở miền Nam xa xôi:
“Anh đi xa, càng xa
Em giữ trọn tình ta
Và vẫn đợi anh về
Cho đẹp tình đôi ta”.
44 năm sau khi bài thơ ra đời, anh Hồ Ngọc Sơn không ngờ lại có thêm một nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ “Tình em” của anh. Giữa năm 2006, trước khi về Mỹ, từ thành phố Hồ Chí Minh một nhạc sĩ có tên là Hoàng Song Nhi gọi điện ra xin phép anh được phổ nhạc bài thơ “Tình em”; sau đó gửi ra tặng anh một chiếc đĩa CD có bài “Tình em” được nhạc sĩ này phổ nhạc.
Còn đối với chị Trần Thị Mỹ Hiên, thì “Tình em” chính là tình cảm vợ chồng thuỷ chung ngót nửa thế kỷ qua anh Hồ Ngọc Sơn dành cho chị. It có nhà thơ nào như anh, trong tập thơ duy nhất được xuất bản, chỉ in 35 bài thì đã có tới 3 bài thơ anh viết riêng tặng chị. Năm 1962, sau bài thơ “Tình em”, anh còn viết bài thơ “Nếu có một lần em phải khóc” dành riêng cho chị:
 “Nếu có một lần em phải khóc
Thì em ơi!
Chính ngày ấy anh về…”
“Ngày ấy anh về”, đó là vào một ngày đầu năm 1973, sau 12 năm xa cách, anh Hồ Ngọc Sơn mới có dịp từ chiến trường miền Nam ra Bắc và được về thăm chị. Chờ chồng từ năm 23, đến năm 35 tuổi chị mới được khóc để đón anh về, như lời thơ anh dặn. Thật may mắn và hạnh phúc, lần trở ra Bắc năm ấy, anh chị sinh được một cháu gái, thoả lòng mong ước bấy lâu của hai người. Ở với nhau được một thời gian ngắn, anh lại trở vào chiến trường. Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1978 anh lại tiếp tục cùng đơn vị ra trận, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và sang Campuchia giúp bạn. Có lần nhận được tin anh bị thương ở mặt trận đông bắc Campuchia, chị mất ăn mất ngủ, tưởng không còn có ngày được đón anh về. Mãi tới năm 1981 anh mới được về với chị, và như anh nói với tôi: “Mới bắt đầu có cuộc sống gia đình sum họp thật sự”. Khi ấy chị đã ngoài 40 tuổi, lại bị bệnh, sức khoẻ kém, không cho phép anh chị có đứa con thứ hai.
Xuân Kỷ Sửu này, nhà thơ Hồ Ngọc Sơn đã bước tới tuổi gần 80. Trước khi về hưu, anh là Đại tá, Trưởng phòng Thông tấn Quân sự thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Còn vợ anh, chị Trần Thị Mỹ Hiên, cô gái trong “Tình em” của nhà thơ cũng đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” Vợ chồng nhà thơ hiện sống trong một căn hộ nhỏ trên gác hai của Khu tập thể Nhà máy rượu Hà Nội năm xưa, căn hộ cũ kỹ xây dựng cách đây đã 50 năm. Niềm vui lớn của anh chị là thứ bảy, chủ nhật được đón vợ chồng cô con gái duy nhất và cháu ngoại về thăm. Riêng anh, còn có thêm niềm vui là làm thơ, viết báo, thỉnh thoảng vẫn có bài đăng trên một số tờ báo có nhiều người đọc.
Đầu xuân này, tôi đến thăm anh chị. Anh vẫn còn khỏe, nhưng chị yếu đi nhiều, đi lại khó khăn hơn trước. Năm 2000 nhà thơ Hồ Ngọc Sơn có bài thơ thứ ba tặng chị, nhan đề “Màu tình yêu xanh mãi”. 38 năm về trước, năm 1962 giữa rừng Trường Sơn trên đất Gia Lai, anh làm bài thơ “Tinh em” gửi ra Bắc tặng chị, trong đó có hai câu: “Mặt trời lên đỏ mọng/Như môi em tươi hồng…”. Nay trong bài thơ thứ ba này tặng chị, anh muốn nhắc lại ý thơ đó như khẳng định tình yêu thủy chung của anh dành cho chị suốt mấy chục năm qua:
“Giờ tóc nhuốm màu mây
Em ơi! gì còn lại?
- Môi em tươi thời gian
Màu tình yêu xanh mãi”.
Nhắc lại bốn câu thơ trên, chị Hiên nói vui với tôi: “Chị bây giờ già rồi, đâu còn trẻ nữa mà trong bài thơ “Màu tình yêu xanh mãi” anh Sơn lại viết “Môi em tươi thời gian”. Anh phải viết “Môi không tươi thời gian” mới đúng chứ!”.
Anh Hồ Ngọc Sơn nhìn vợ, cười hiền hậu. Thế là đã qua gần nửa thế kỷ “Tình em”, bài thơ và cũng là tình yêu của một người lính làm thơ dành cho vợ và cũng là ngót nửa thế kỷ ca khúc phổ thơ này sống trong lòng người đọc, người nghe.
Mỗi lần nghĩ tới hạnh phúc của vợ chồng nhà thơ “Tình em” khi đã ở vào tuổi “đầu bạc răng long” là tôi lại tự hỏi: Mấy ai giữ được tình yêu thủy chung như thế, nhất là trong “Ngày tình nhân” 14-2 này ai cũng mua hoa tặng người mình yêu!
 
                                                                         Hà Nội, 14-2-2009