Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tôi tìm tôi trên mạng

Phạm Quang Đẩu
Thứ bẩy ngày 14 tháng 2 năm 2009 5:35 AM
Thời gian làm báo vừa qua tôi ưa lùng sục thông tin ở lĩnh vực khoa học, công nghệ và quen biết nhiều người trong giới này, bởi thế vẫn tò mò muốn xem họ có thực giỏi hay không. Điều đã biết về họ thường chỉ là đã có trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc qua lời đồn đại. Thói đời vẫn hay chuộng cái danh hão, chẳng hạn cứ thấy người học hàm học vị cao là nghĩ người đó giỏi rồi, thực chất thế nào không hay, vả lại cũng có điều kiện gì đâu mà kiểm chứng. Một hôm anh bạn thân với tôi là Nguyễn Xuân Tấn, giáo sư, tiến sĩ khoa học thuộc Viện Toán học Việt Nam bảo, cứ vào mạng “Chkolar” khắc biết học thật, học giả. Quả nhiên, khi đánh tên nhà khoa học quen biết nào đó, là có ngay các dữ liệu: tổng cộng công trình nghiên cứu đã đăng ở tạp chí chuyên ngành nước ngoài; mỗi công trình có số người đã sử dụng và tần xuất trích dẫn là bao nhiêu. Có người lâu nay danh nổi như phao, tiếng vang như mõ, thường được báo chí trong nước tâng là “lớn” hay “đầu ngành”, mà chỉ nhõn vài công trình từ đời nảo đời nao; người thì có công trình đấy nhưng chẳng ma nào trích dẫn, hoặc có trích thì chính là một, hai học trò mà người đó hướng dẫn làm luận văn…Qua đây còn giúp tôi phải ngả mũ chào một số nhà học… thật. Tôi vẫn thấy họ lẫn trong những người bình thường, ấy vậy mà thống kê công trình họ vừa nhiều vừa mới và được người khác viện dẫn với số lần vượt trội. Thời đại Internet sướng thế, có thể định lượng được cả tài năng con người!
Vâng, tôi cũng không thoát được cái tầm thường của kẻ thích ngắm mình. Tôi tự hỏi: viết lách cũng khá lâu niên rồi, liệu đến giờ có được thứ gì trữ trong kho tri thức chung không nhỉ? Thế là tôi liền đánh tên vào ô trống của Google, tìm các dữ liệu trên mạng toàn cầu liên quan đến “Phạm Quang Đẩu”. Trước tiên thấy thiên hạ có danh xưng “Phạm Quang” không ít đâu.  Nào là Phạm Quang Trung, Phạm Quang Phất, Phạm Quang Lễ, Phạm Quang Tuấn, Phạm Quang Hoà…Song tần suất xuất hiện nhiều nhất trên mạng lại là Phạm Quang Nghị. Ông này đang giữ trọng trách cao ở thủ đô, hay đi thăm thú, đọc diễn văn, chỉ thị, tất nhiên tất cả các báo trong nước đều nhất loạt đưa tin. Là tôi nhưng không phải tôi có vài trường hợp. Dẫn ra từ Việt Báo: “Ông Phạm Quang Đẩu ngày ngày tự nguyện cầm gậy chỉ đường ở ngã tư quốc tế, người Sài Gòn thường gọi thế, nơi giao nhau giữa đường Bùi Viện và Đề Thám đang mở rộng”. Còn có Phạm Quang Đẩu nuôi lợn nái siêu nạc quy mô nhất tỉnh, được dẫn ở báo Lao Động số 195, ngày 14/7/2003: “Ông có cuộc đời rất hạnh phúc sau khi thành hôn với bà Phạm Thị Phú vào năm 1939 tại Sài Gòn…” Ở ta cái tên Đẩu tôi vốn ít bị trùng (không như những cái tên đẹp như Hùng, Tuấn, Sơn, Thành, Quang…chẳng hạn). Hồi bé, thầy giáo lên lớp dẫn ra tiểu thuyết Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, nhân vật chính là “ông Đẩu nghèo”, bạn cùng lớp cứ nhạo tôi bằng cái tên ấy, lớn lên tôi vẫn giữ ấn tượng là tên mình xấu xí nên ít người đặt. Vậy mà nay cũng có người trùng tất tật như vậy. Dù sao tôi cũng được thơm lây bởi đấy là những người tốt việc tốt được biểu dương. Cũng phải nói thêm là, vừa rồi có đại tá Phạm Quang Đẩu ở TP.Hồ Chí Minh từ trần trong mục tin buồn trên báo Nhân Dân và Quân đội nhân dân, tôi đọc cũng giật thót: quái, lại có bác trùng họ tên còn trùng cả quân hàm! Và đã có ông bạn hốt hoảng gọi điện đến nhà…chia buồn.
Địch thị là tôi được dẫn ở hàng đầu tiên trên Google là chùm thơ đã đăng trên Dien dan /Forum, gồm 6 bài. Báo mạng này đến nay là duy nhất tôi cộng tác kể từ khi về hưu năm 2007(và đây là tờ báo vô vị lợi không có nhuận bút). Số là ngày đó tôi làm thêm cho một tờ báo, cần đặt bài một số nhà khoa học, ông bạn học thời phổ thông là Nguyễn Xuân Hãn, giáo sư của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội liền cho vô khối địa chỉ e.mail các đồng nghiệp trong và ngoài nước. Thời nay đặt bài hay cộng tác với các báo rất sướng, cứ ngồi nhà nhắp chuột là xong. Tôi gửi e.mail cho giáo sư toán học Bùi Trọng Liễu ở Paris, Pháp, bởi đã được đọc bài của ông trên nhiều báo viết trong nước về đề tài cải cách giáo dục, mời ông cộng tác. Giáo sư Liễu không những đáp ứng ngay, còn bảo tôi vào mạng Dien dan. org nơi ông thường góp mặt (ông đã có webiste: www. Buitronglieu.net). Tôi biết Dien dan/Forum từ đó và nhận thấy đây là báo mạng hải ngoại khá “sạch sẽ” ở sự thẳng thắn và có thiện chí. Thực ra cái đầu tiên tôi gửi cho Dien dan. org không phải là thơ mà là truyện ngắn Sao khờ thế chàng trai núi, không hiểu sao đây đưa thơ lên đầu. Có người bạn từ Sài Gòn điện ra bảo, đọc chùm thơ rồi, thích, nhưng coi chừng bị “quy” đấy. Đúng là trước đây khoảng 15-20 năm nếu viết cái gì ngoài gam “hồng” tức “ngợi ca” thì đều bị quy kết nặng nề, xa hơn nữa khoảng nửa thế kỷ trước, tôi có biết trường hợp bác Phùng Quán, vì yêu quá tính trung thực của Đảng mà làm bài thơ Lời mẹ dặn, chỉ viết nếu ai cầm dao doạ giết, cũng không nói ghét thành yêu mà bị đi cải tạo lao động hàng chục năm, chìm đắm cả sự nghiệp giữa lúc vừa có tiểu thuyết Vượt Côn Đảo danh nổi như cồn. Thời nay ngôn luận đã được cơi nới hơn, tất nhiên, báo mạng hải ngoại thì rất khác báo mạng trong nước. Bài đầu trong chùm thơ có tựa Mặc và cởi. Bao thế kỷ qua, những luận thuyết, triết thuyết sinh sản quá nhiều, song đời sống xã hội loài người cùng sự phát triển theo quy luật tự nhiên có chấp nhận nó hay không lại là chuyện khác: Thuở hồng hoang trụi trần/ Cổ đại- đàn bà bọc kín vải quanh người như cái kén/ Cận đại- bớt ngại ngần, phơi bầy rón rén/ Hiện đại- vứt phắt nhiều phần/ Trở về hai mảnh/ Học thuyết mọc ra tựa nấm sau mưa, hàm chứa bao thị phi đỏng đảnh/ Như tấm vải che thân nay thế này mai thế khác khó hoàn lương/ Triết lý cao siêu đút nút ống bương/ Tự ràng buộc và tự làm khó/ Đời sống- tấm thân mang mang trôi trong cõi vô thường/ Hồn nhiên mặc và hồn nhiên cởi bỏ(13-1-07). Bài nữa là Dưới chân cầu Long Biên ra đời cách nay  hơn 20 năm, đến khi gần đây in trên báo Văn nghệ mới sửa thêm vào. Ngày trước tôi vất vả làm nhà bên kia cầu Long Biên, ngày ngày lóc cóc đạp xe đi về, thấy dưới chân cầu có một người đắp lên mình bao nhiêu là dẻ rách, chai lọ, rổ giá  bất động như pho tượng, mặc dòng người trôi trước mặt và rầm rầm những chuyến xe lửa trên đầu. Bài thơ viết: Dưới chân cầu Long Biên/ Có một người đứng yên trong giá rét/ Chắc hẳn kẻ khùng điên/ Lại cuốn quanh mình nhiều dẻ rách/ Dòng người trôi trôi/ Sông Hồng trôi trôi/ Xe lửa ầm trôi cùng hồi còi đắc thắng/ Chỉ hắn bọt bèo mắc lại/ Đến một ngày hắn biến khỏi chân cầu thực tại/ Mà hình hài vẫn ám vào tâm tưởng những ai qua/ Ôi giữa cảnh phồn hoa/ Hắn như pho tượng khổ đau/ Tạc vào thế kỷ/ Của văn minh vùn vụt lướt trên đầu.
VietFun Thơ(không biết mạng ở đâu?) lấy lại bài Vần này lục bát của tôi đã đăng trên Văn nghệ, điều bất ngờ là họ biên tập lại câu cuối. Hồi ấy, có một người bạn “ra bài tập”: không làm theo thể tự do nữa mà phải là lục bát! Tôi cố ý láy hai từ “lục bát”. Lúc đầu viết “lục bát này để…”, khi đưa cho Hồng Thanh Quang, một bạn thơ khá thân cùng cơ quan toà soạn báo Quân đội nhân dân, thì Quang bảo nên sửa thành “vần này lục bát”. Bài được hoàn chỉnh là: Vần này lục bát trao em/ Giọt sương chắt tự trời đêm đợi chờ/ Vần này lục bát mộng mơ/ Bờ môi mềm đến bao giờ biết say/Vần này lục bát cầu may/ Xin trời cho trọn một ngày với nhau/ Vần này lục bát mà đau/ Niềm xưa quên lãng chắp câu nhân tình/ Vần này lục bát tâm linh/ Nỗi lòng trống vắng chúng mình chở che/ Vần này lục bát lắng nghe/ Tiếng con tim gọi nửa kia đoạn đường/ Vần này lục bát yêu thương/ Thiên tình cũ lại viết chương mở đầu. Trưa hôm ấy tôi và Quang ngồi uống bia ở ngõ Hàng Hương, phố Lý Nam Đế(Hà Nội), thì gặp bác Phạm Tiến Duật đi qua (anh Duật sinh năm 1941, hơn tôi 7 tuổi, hơn Quang 21 tuổi). Bác cạn xong một vại, tôi xì bài thơ mới toe nhờ giám định. Nhà thơ đọc xong gật gù, gấp đôi tờ giấy đút tọt vào túi áo ngực, bảo sẽ đăng. Lúc đó bác Duật đã thôi làm ở báo Văn nghệ, cứ nghĩ bác nói khéo vậy cho đẹp lòng chứ quyền đâu. Chỉ nửa tháng sau mặt báo đã thấy bài, về sau còn vào tuyển Thơ tình thế kỷ 20 (tôi cũng có chút “sướng” khi được ngồi cùng chiếu với khối cụ tiên chỉ làng văn trong tuyển). Có điều là, trên mạng VietFun người biên tập đã sửa hai từ trong câu cuối để thành: Thiên tình cũ lại vết thương mở đầu, xem ra “gay cấn” hơn nguyên mẫu là viết chương mở đầu. Nói thêm một chút. Mạng này có mục toàn thơ thể lục bát, liền với bài tôi là những bài có cái tên rất tình tứ như: Nằm đêm anh cứ thương em; Kỷ niệm; Thân em; Lạ; Có em; Đánh em đau… Mở đọc, hoá ra toàn của cụ “trùm tình tang” Xuân Diệu. Đắm đuối thật: Nằm đêm anh cứ thương em/ Rơi nghiêng nước mắt một bên gối nằm/ Thế này cho hết trăm năm/ Đến muôn năm vẫn âm thầm thương em.
Mạng có cái tên “Tây” lạ hoắc: MaxReadinh.com được Google dẫn ra từ mục “Văn học trong nước/Các nhà văn Việt Nam thế kỷ 20”. Ở sưu tập này có ảnh chân dung, tiểu sử tác giả và trích riêng một bài. Điều làm tôi ngạc nhiên là, lâu nay trong nước lạm phát thơ, không bán (mà có bán cũng không ai mua) chỉ để tặng, không hiểu sao cái mạng “Tây” ấy lại có cuốn Rào tơ nhện của tôi (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 1999) để có tư liệu mà trích dẫn. Mạng này giới thiệu tổng cộng 280 nhà văn Việt Nam hiện đại (Sao chỉ có vậy nhỉ, khi hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện đã ngót một nghìn?)  Mỗi nhà văn được giới thiệu một tác phẩm, có ghi số lần được đọc, bài của tôi có 60 người đọc (những tác giả “hot” như Nguyễn Huy Thiệp 123 người đọc, Nguyễn Ngọc Tư 30 người đọc). Cả tập Rào tơ nhện 39 bài, họ chọn bài Xa vắng cũng là điều làm tôi bất ngờ. Bài này chỉ mới đưa vào tập mà chưa in báo nào, tôi vẫn thú ở giọng điệu buồn da diết và lưu luyến của đôi tình nhân chia tay nơi cuối đường: Xa vắng/ Là vắng lặng nơi cuối đường/Chờ đợi, rồi song hành bước dạo/Những ánh mắt ngỡ chừng tỉnh táo/ Mà ngỡ chừng bồng bột lẫn đam mê/ Xa vắng/Là bồn chồn suốt thời khắc cách chia/Là điệu cũ chẳng thẻ nào đổi khác/Là điệu mới…/Trong buổi ấy mùa đông xao xác/Gió lang thang và hai bóng xiêu xiêu/Xa vắng/Là bỗng nghe chim liếu điếu gọi chiều/Hoan hỉ gió mang cánh chim về lại/Thì xa vắng biến thành thực tại/Thì cuối đường thực tại đến bên nhau.
Đến giờ tôi mới biết báo mạng quen thuộc VnExpress đã từng đăng bài Gió lang thang của tôi khá lâu rồi, vào thứ Tư 26/9/2001. Ở đây tập hợp nhiều thơ cùng truyện ngắn, truyện dài như một thứ “tuyển”. Chẳng hạn: Đêm trăng, truyện của Thế Lữ (ngày22/9); Hai nửa vầng trăng, thơ Hoàng Hữu (22/9); Nơi ấy, thơ Lưu Quang Vũ (23/9); Mưa đêm, thơ Nguyễn Thị Tuyết (24/9); Màu tím hoa sim, thơ Hữu Loan (24/9); Từ phía ngày tắt nắng, thơ Vi Thuỳ Linh (25/9); Người Mỹ trầm lặng(phần 53) truyện…Bài Gió lang thang tôi làm khoảng năm bốn mươi tuổi, cái tuổi chưa già cũng không còn trẻ. Chỗ tôi ngồi làm việc ở toà soạn ngày ấy gần hành lang, thường thấp thoáng các nàng xinh xinh qua lại. Tôi để ý  đến cô hoạ sĩ trình bầy báo trắng trẻo mặt trái xoan mới về. Thế là tức cảnh sinh tình mà viết, còn tự gõ máy chữ (lúc đó chưa có vi tính) đề tặng nàng hẳn hoi, tất nhiên là cô hoạ sĩ khá cảm động, về sau đôi lần trong lúc vui vẻ có đọc nhỏ vài câu cho tôi nghe lại. Bài này đăng lần đầu trên báo Hà Nội mới, rồi không hiểu sao may mắn lọt vào tuyển Thơ Việt Nam hiện đại của Hội nhà văn. Toàn bài: Đam mê như ngọn gió/Đam mê như lá cỏ/ Đam mê như dòng sông ngầu đỏ/ Đam mê/ Em/ Nỗi đam mê muộn mằn thật đến hồn nhiên/ Bỗng trẻ lại trong ánh mắt nụ cười em trẻ/ Bỗng mới lại trong tim điều không còn mới mẻ/ Bỗng vụng dại chút gì như thuở ấy ngày xưa/ Khoảnh khắc nào không biết nữa, hay chưa/ Rồi vụt biến sau làn mây chân trời tím biếc/ Gió lang thang tìm ai tha thiết/ Cỏ la đà nuối tiếc/ Dòng sông, dòng sông ngươi cuồng dại vì đâu/ Ôi đêm nay/ Đêm nay/ Sợi tóc trên đầu/ Rụng trắng câu thơ tôi viết…Một lần Hồng Thanh Quang dẫn nhạc sĩ Phú Quang đến toà soạn chơi, anh đọc bài thơ ấy và bảo ngay, sẽ phổ nhạc. Chỉ mấy tháng sau bay từ TP.Hồ Chí Minh ra, nhạc sĩ mang theo băng casset có tựa Mùa hạ còn đâu do Nhã Phương hát, trong đó bài phổ thơ tôi, chỉ sửa câu cuối cho dễ hát là rụng trắng câu ca buồn và đổi tên bài hát thành Lời tình muộn cho mùi mẫm. Và anh rút ví đưa tôi 50 nghìn đồng, bảo nhuận bút lời (nhạc sĩ có thói quen phổ thơ nhiều người và gặp là trả nhuận bút tắp lự như vậy). Khoảng một năm sau đó, Phú Quang lại mang ra một băng casset mới có Lời tình muộn, lần này Bảo Yến hát. Đến khoảng năm 1998 thời băng casset đã cáo chung, đĩa CD lên ngôi, người nhạc sĩ tháo vát trong kinh doanh ấy đã ra CD mới  Cho một người tình xa do cô ca sĩ bụ bẫm Mỹ Linh đảm nhiệm, trong đó cũng lồng bài ấy. Chưa hết, năm 2006 nhạc sĩ lại cho ra CD mới toang nữa, lần này hát Lời tình muộn là ca sĩ rất “đàn ông” Kasim Hoàng Vũ. Tôi thì thấy bài tuy liên tục được tái bản trong nhiều băng đĩa, song lại chẳng thấy ca sĩ nào biểu diễn trên tivi, hoặc thí sinh nào chọn để biểu diễn trong Sao mai điểm hẹn, ngay quán caraoke sặc mùi thê thiết là vậy cũng không. Phú Quang vốn nhạy cảm với thương trường, có lần anh bảo tôi: bài này ăn ở hậu vận. Google dẫn ra mạng Nhac dinh.com/Life is music: “Lời tình muộn, thơ Phạm Quang Đẩu. Nhạc chất lượng cao, nhạc đỉnh, online music, free music…” khi mở ra, nghe rành rành là bài Mùa hạ còn đâu, thơ Thảo Phương, vậy là người biên tập mạng này đã cắm râu tôi vào cằm cô Thảo Phương!
Thời gian qua tôi đã đăng một số truyện ngắn ở báo trong nước, vậy nên cũng có vài truyện lọt vào mắt xanh của báo mạng. Van tuyen.net một mạng hải ngoại nghe đâu tại Mỹ, có tiêu chí rất hoành tráng là “Hội ngộ văn chương toàn cầu”, trong đó tập hợp tới gần 6000 tác giả trên thế giới các thời đại, song quá tạp pí lù. Có mặt những tác phẩm của các thiên tài như V.Hugo; H. Banzac; L.Tolstoi; Lỗ Tấn; A.Puskin; E.Heminue; Nam Cao; Vũ Trọng Phụng…đến cả những người tên lạ hoắc chưa từng nghe bao giờ; nhất là có không ít những vị chẳng văn chương gì mà hoàn toàn vì mục tiêu làm “chính trị”. Dù sao phần văn học nào là thứ thiệt vẫn rõ ra đấy, không thể lẫn với các thứ tạp nham khác. Tên họ các tác giả được xếp theo vần A,B,C… Tôi nhắm vào Ph. thấy mình có 3 truyện: Một lần thuyền trưởng(đã đăng trên tạp chí Nhà văn); Ông gác cổng Bộ X(Nhà văn) và Con dại cái mang(Văn nghệ). Trong mỗi truyện đều có ghi số người đã đọc truyện đó, chẳng hạn đến ngày 21/11/2008 truyện đầu có 1274 người, truyện hai 1478 người, truyện ba 2012 người. Truyện Con đường lầm lỗi của tôi đăng trên Văn nghệ công an thì eTruyen. Com và VNthư quán lưu giữ. Như trên đã nói, truyện ngắn Sao khờ thế chàng trai núi lần đầu tiên tôi gửi báo mạng Dien dan. org thì lại được Dien dan dan chu. org đăng lại, về sau tôi gửi truyện này vào TP.Hồ Chí Minh đăng ở tạp chí Kiến thức ngày nay của Hội Nhà văn TP.
Bao nhiêu năm làm báo tôi đã viết khá nhiều, song lạ là chỉ gần đây mới thấy vào Google. Gần đây lên mạng nhiều là bài Chuyện đồ cổ…sexy, từ báo viết Sài Gòn tiếp thị Tết Kỷ Sửu 2009, các báo mạng trong nước như Vietnam.net,VnExpress, Dan trí.com, Khám phá 24h đều đăng lại. Ký Báu vật của người Pu Péo, gửi Dien dan. org Tết 2009 và bài “Pho sử sống” về cách mạng trên tờ Quân đội nhân dân viết về một vị lão thành cách mạng quê Quảng Nam có trí nhớ phi thường ở tuổi 90 cũng thấy lưu. Blob của bác Trần Nhương (Trannhuong.com) cũng một lần trích cuốn tiểu thuyết mới hoàn thành của tôi Một ngày là mười năm, song có lẽ do phông chữ không hợp mà bác ấy để ít bữa rồi rút, vậy mà báo mạng cũng dẫn ra, chỉ có tiêu đề còn nội dung thì…trắng phớ.
Cách đây khoảng 30 năm, tôi có viết một cuốn sách khoa học kỹ thuật chuyên ngành với nhiều hình vẽ thiết bị máy móc (tôi vốn là kỹ sư cơ khí bỏ nghề), chính tôi cũng quên cuốn ấy, mà trong kho tư liệu của Google còn dẫn ra cuốn này hiện ở thư mục số KHPL6C6.6.08 của thư viện tổng hợp Bình Định.
Liên quan đến cái tên tôi trên Google, nhắp chuột đến lần thứ 33 thì sạch bách. Ngẫm ra ai cũng có thể làm như tôi, khi muốn tìm những “dấu tích” của mình trên mạng toàn cầu. Tôi cũng nhận thức được rõ ràng rằng, việc có lưu tác phẩm của tôi trên mạng, khác xa lắm việc có các công trình nghiên cứu của nhà khoa học cũng được lưu trên mạng. Các công trình của họ đều là các bài báo khoa học gửi về các tạp chí chuyên ngành uy tín trên thế giới, được kiểm nhiệm rất công bằng và ngặt nghèo, chắc hẳn đều to tát, tầm cỡ, không chỉ cần thiết cho giới khoa học trong nước mà cả với quốc tế. Rõ ràng việc lựa chọn những bài viết, những sáng tác(thơ, truyện) như của tôi là khá dễ dàng với số đông, ai cùng nghề cũng được như vậy cả, không nhiều thì ít. Vả lại việc lựa chọn còn phụ thuộc vào chủ kiến rất khác nhau của các báo mạng rất khác nhau về chính kiến và trình độ thẩm định, nên không thể khẳng định được ngay là với tác giả này có chất lượng, tác giả khác không chất lượng. Về số lượng tuyển cũng thế, nhiều ít phụ thuộc vào quan điểm(ý thích) nơi tuyển chọn. Bởi vậy, vài thứ của tôi do được báo mạng nào đó ngẫu nhiên “vớt” được trong dòng xa lộ thông tin cuộn chảy tháng ngày, thì chắc gì đã “mua vui cũng được một vài trống canh”! 
                                                       Khương Đình 12/2/2009
                                                                       P.Q. Đ