Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ngô Thảo lên lão 70

Nguyễn Thị Vừng
Thứ ba ngày 10 tháng 2 năm 2009 2:20 PM
 
Nguyễn Thị Vừng
Lão Thảo lên Ngũ Động Sơn, trấn Hà Nam, cạnh con sông Đáy đúng ngày 6/2 dương lịch. Nhà lý luận phê bình Ngô Thảo bỗng dưng tổ chức sinh nhật trước ba ngày (Ngô Thảo sinh ngày 9/2/1941). Nghĩa là ông vẫn ở tuổi 69 và hình như không chịu sang tuổi 70. Thế mới “chây”. Ai bảo lên lão, ai dám!
Một thân hình nặng ký, một bộ não minh mẫn (không chỉ lý luận mà còn phê bình, không chỉ lý luận phê bình mà còn kinh tế), những câu chuyện hóm hỉnh của ông ngắn mà không thể không cười, vừa cười vừa đau. Còn dáng đi hoạt bát, giao lưu (kể cả chạy sô), ăn nhậu với bạn bè, đàm đạo văn chương, đàm đạo sự đời thì khỏi phải nói. Ông từ giã cái ghế “thủ trưởng” ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu mà còn tất bật quá một “ông quan”. Ông còn tất bật, tận tuỵ vì một lẽ nữa là “trả nợ đời”. Phóng khoáng cũng là Ngô Thảo. Ăn ở có trước có sau cũng là Ngô Thảo, yêu thương đủ mọi hạng người bất chấp tuổi tác, trên dưới cũng là Ngô Thảo. Ông Thảo thích cho đi, ông Thảo thích chia sẻ mà chẳng thấy ông phàn nàn bao giờ. Chỉ cười thôi như ông vẫn có câu cửa miệng sau mỗi lần tàn cuộc nhậu: “Đời thế là vui. Ta thế là lãi, đâu có gì quan trọng”. Thế mới là Ngô Thảo.
Tôi còn nhớ như in kỷ niệm thời ông còn làm Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu. Lần ấy ông mời tôi với tư cách một chuyên viên quản lý. Đến buổi họp báo tổng kết cuối năm của Hội, căn phòng nhỏ chật ních phóng viên hình như không thiếu một nhà báo nào. Ông Thảo tổ chức sự kiện giỏi thế cơ chứ. Hình như người ta đến với ông không phải vì cái phong bao lì xì, chả vì ông Thảo oai, chả vì sân khấu nước nhà đã vượt qua những bĩ cực đến hồi thái lai mà vì một ông Thảo đầy cá tính, sắc sảo, nhưng lại rất dung hoà với nhiều người trong đời sống, trong việc tiếp nhận các phong cách khác nhau để thành ông Thảo vừa là chính ông, vừa là nhiều người, không lẫn được, đố mà quên, đóng đinh trong trí nhớ dù chỉ là một lần.
… Còn bây giờ ông đang ngồi đó, thừ ra, chẳng có dáng vẻ gì lý luận phê bình, một Trương Chi ở tuổi 70 trên khúc sông đa tình một trưa tháng Giêng (âm lịch). Con thuyền nan chở ông và tôi xuôi dòng sông Đáy về Chùa Bà Đanh. Không hiểu định mệnh nào đã đưa Ngô Thảo đến đây. Một người quen sống với đô thị nhộn nhịp, với bè bạn, với những câu chuyện cười ra nước mắt, lên lão 70 lại đến với nơi vắng vẻ như Chùa Bà Đanh thế này. Hình như Phật vẫn cứu rỗi linh hồn, đưa ta từ náo nhiệt về với chốn tiêu sơ, đưa ta từ cát bụi phàm trần về với thiêng liêng hoa cỏ, với chuông chùa, với hương khói, với khấn lạy niệm cầu. Thế là Ngô Thảo đã đi một chuyến đò thú vị để lên lão 70 ở Ngũ Động Sơn.
Đi đâu cái lão 70 cũng mừng tuổi. Mừng tuổi từ lão hàng cơm đến cụ dẫn đền, mừng tuổi từ lão hàng nước đến cô lái đò. Đến là sốt ruột. Hình như mệnh “lão” phải thế, lằng nhằng với dương gian và trả nợ đời mới là lão. Thiếu mỗi lão mừng tuổi cây lộc vừng hơn lão 7-8 chục tuổi gì đó ở bến nước, hay cây đào tiên mọc ở góc chùa suýt cũng được lão mừng tuổi. Người thế là quý lắm. Bà gác chùa nói lão là loại người “quý hoá” giữa cái thời người tốt hình như chỉ còn là thiểu số.
Quê gốc ở xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cái miền ấy chỉ có cát trắng thôi. Vũ điệu của cát trắng cả mắt, trắng cả lòng. Lão sinh ra ở một chiến trường oanh liệt bậc nhất, miền đất khô cằn và nghèo bậc nhất, người Mỹ chắc sợ quê lão bậc nhất vì tính kiên cường và gan góc. Nhà lý luận phê bình Ngô Thảo đã sinh ra từ cái chảo lửa Quảng Trị nên tính tình cũng rất chi Quảng Trị.
Tốt nghiệp Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1964, Ngô Thảo được phân công về Viện Văn học. Một năm sau, gia nhập quân đội, từng là binh nhì lên đến trung đội trưởng trinh sát pháo binh, rồi cán bộ tuyên huấn trung đoàn, hoạt động ở chiến trường Bình Trị Thiên, về Học viện Chính trị một thời gian, 1971 ông được Tổng cục Chính trị điều về tạp chí Văn nghệ Quân đội, Trưởng ban Biên tập Lý luận. Năm 1985, chuyển sang tạp chí Sân khấu, Nhà xuất bản Sân khấu. Từ 1988 ông là Ủy viên Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Năm 1990, ông là ủy viên thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu, rồi Phó Tổng Thư ký Hội. Ngô Thảo lắm chức nhưng cũng lắm sách: Từ cuộc đời chiến sĩ (phê bình, tiểu luận, 1978); Nhà văn bàn về nghề văn (sưu tầm, biên soạn, 1980); Năm tháng chưa xa (sưu tầm, biên soạn sổ tay ghi chép của Nguyễn Thi, 1985); Một tài năng, một đời người (viết chung với Vũ Hà, 1988); Một thời đại mới trong văn học (nhiều tác giả, in 1990, tái bản 1995); Chiến trường sống và viết (sưu tầm, tuyển chọn, tập I, tập II, 1995); Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi toàn tập (sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu, 1996); Như cuộc đời (những bài viết về văn hóa nghệ thuật, 1995); Đời người đời văn (2000); Văn học với đời sống, đời sống với văn học (2000); Sân khấu Việt Nam trong cơ chế thị trường (2000); Văn học về người lính (2001, 2003); Mây bay về núi (2006). Và Ngô Thảo còn lắm lý luận. Lý luận đến nỗi suýt nữa thì không còn Ngô Thảo bây giờ.
Nhưng chẳng sao, cuộc sống vẫn hậu đãi những người tốt, những người sống không chỉ vì mình, những người có chút nhìn xa trông rộng. Viễn thị như Ngô Thảo là đo được cái đích đến, cái đích sẽ phải đến dù đó là quy luật văn chương hay quy luật đời sống.
Hôm nay lên lão 70, lão lại nói: “Giá 70 năm nữa được thế này thì vui”. Lão hóm hỉnh đúng lúc mặt trời đang khuất núi.
Tôi chẳng biết viết gì vì tôi ít biết về lão. Cái con người cởi mở ấy, phóng túng ấy, toang hoang ấy lại có trích yếu hết sức tiết kiệm về thân thế, sự nghiệp của mình. Kể cả việc đương thì 69 lão sang tận trời Âu, trời Phi cất công đi tìm Dấu tích ba vua tôi cũng chỉ được nghe như pháo nổ cái đoành. Lão bình tĩnh và quyết liệt đến chết.
Tôi ngắm nghía chân dung lão trên đò dọc sông Đáy. Thấy lão trầm ngâm. Hình như  lão đang chiêm nghiệm về chuyến đò đời: khổ có, sướng có, nhục có, sống có, chết có, sấp ngửa có, đen có, trắng có, thuận có, ngược có… đủ cả. Thế mới là nếm mùi đời. Con đò này không giống như đời lão: có tre xanh, có cánh cò, có bờ bãi, có một mùa hoa cải vàng rực ven đê. Thiên nhiên chào đón lão: lãng mạn, đa tình, rừng rực. Đường về cõi Phật bao giờ cũng thế thôi: thánh thiện, hiền hoà, êm dịu. Và ta trôi, cứ thế, chẳng biết đến bao giờ, tuổi tác chẳng còn ý nghĩa gì nữa, đừng nói đến 70, thấm tháp gì. Chuyện nhỏ!

Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc