Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lê Kim và thơ vui chiến sĩ

Phùng Văn Khai
Thứ tư ngày 4 tháng 3 năm 2009 1:14 PM

(Câu chuyện này nhớ trong buổi giao lưu giữa sinh viên khoa Báo chí và nhà thơ Lê Kim năm 2004 do tôi làm kịch bản. Đôi chữ có thể nhớ lầm xin nhà thơ lượng thứ)
Nhà thơ Lê Kim, tuổi tròn 80 mà vẫn rất khỏe mạnh, vui vẻ, hài hước như những câu thơ và giai thoại về ông. Ba thằng một cái chăn bông. Nằm thẳng cũng khổ, nằm cong cũng phiền. Đắp dọc thì hở hai bên. Đắp ngang thì lạnh như tiền cái chân… Hôm đã lâu, tôi trêu bác: “Bác ơi! Ba thằng đàn ông ngủ với nhau gớm chết, chả chính qui tí nào”. Lê Kim cười trơ lợi bảo: “Úi dào, bọn tớ ngày ấy còn bốn năm thằng ấy chứ. Cánh dân công Điện Biên chị em cũng thế cả. Vui đáo để mà hồn nhiên chết người. Nghĩ mình ngày ấy cũng khờ quá đi”. “Vâng, bác ơi, bác viết thế này bố cô nào sán đến nữa: Mấy lời nhắn nhủ mẹ cu. Một năm là đúng hai mùa của anh... Bền gan gắng đợi tí ti. Giặc tan nhất định anh về với... con... thì bố cô nào dám đến với bố”. Này, này, có đấy có đấy. Các mẹ ngày ấy có biết chữ đâu, nhưng thơ ca thì cỡ tớ phải phục lăn. Nghe đây xem có ghê không. Gặp anh em sướng rơn rơn. Anh nắm anh kéo lên đồn khiêng bom. Anh bảo Coóc-xê một hòm. Tưởng bở em mới... hú hồn vàng ươm. Anh ơi mai lại công đồn. Coóc-xê thu được em hôn anh nhày (nhảy). Tôi cười sặc sụa la to: “Con lạy bố. Thơ của bố. Thơ Lê Kim”. Lê Kim cười lục khục: “Chưa ăn thua đâu. Các mẹ ấy bảo: Đêm qua trông dải Ngân Hà. Lòng em khấp khởi tưởng là sông Lô. Tim em đập như máy ô tô. Anh ơi giữ hộ cái chỗ này cho em. Tim anh sao đập leng keng. Chỉ giữ đã hãi thì xem thế nào...  “Bố ơi! Con lạy bố’. Ấy ấy, còn còn. Các mẹ ấy còn bảo: “Con đò trong bãi nằm dài. Em tắm sạch lắm đợi hoài các anh. Có đến thì đến đầu xanh. Đừng đến đầu bạc mà hành nhau ra. Có đến thì mang cái ca. Đếm đầy bơ lạc thì tha cho về. Không nhịn được cười, nước mắt giàn giụa, chưa mở miệng xin Lê Kim phanh lại bác đã đọc tiếp: Sông Lô có mấy con thuyền. Bao nhiêu tấc nước, mấy nghìn khúc quanh. Bộ đội chủ lực mấy anh. Gặp em đây cũng tan thành khói mây... Mình mới cáu tiết, ngứa nghề, Lê Kim bảo, tớ mới đọc, nó thế này: Khóc mây cũng mặc, anh bay. Anh đánh thắng giặc anh cày với em. Anh cày đồng lạ đồng quen. Ruộng trên ruộng dưới anh lèn, anh tôm. Anh bừa, anh đập, anh trồng khoai môn. Nhổ khoai anh nướng đưa mồm anh xơi. Anh sẽ đưa em vào đời... Úi dà, các mẹ cười ré lên, chụm nhau vào, đặt quang gánh xẻng cuốc xuống. Phen này thì chết với các mẹ ấy, một mẹ tớn lên. Gớm nhỉ. Chuồn chuồn được mấy tí thịt. Này nghe đây: Anh ơi em bảo anh này. Có tí giống má những cày, những tôm. Ừ anh dẻo miệng dẻo mồm. Có giỏi mai mốt về ôm chị nhà. Kẻo mà các chị không tha. Một hai ba bốn thành gà không lông. Chưa hoàn hồn, một mẹ nữa bước sấn đến, trông mẹ cứ nung núc nung núc mà tớ ngày ấy đâu có ba mấy cân, sợ mẹ ấy thổi cái, mình bay vèo xuống vực thì khốn. Mẹ ấy ỏn ẻn thổi luôn: Nhà em ở chỗ kia kìa. Có gan chốc nữa cứ lìa sang đây. Em kiêng đã mấy năm nay. Còn da lông mọc còn cây nảy chồi... Ôi cha mẹ ơi. Mẹ này mà mẹ ấy ấy thì xương không còn. Nghĩ thế nhưng tớ cũng cứng vía lắm. Gì thì gì mình cũng là lính chủ lực, là thằng đàn ông thơ phú tây tàu, tiếng Pháp, tiếng Anh làu làu. Sĩ lên, tớ bảo: “Còn xương anh quyết dùng xương. Rắn như giặc Pháp anh tương cũng chờn. Anh đành đánh món võ vờn. Càng nhiều càng ít anh chờn chi ai. Dẫu khoai nát vẫn là khoai. Xong trận chiến thắng anh toài cũng cam. Nói chưa dứt lời, một mẹ giọng xứ Nghệ tiến ngay ra: Chi nờ khoai, chi nờ cam. Chi nờ xương thịt nát tan chi nờ. Chi nờ toài nờ chi mô. Chi nờ vờn vỡn chi mô chi nờ...
Úi giời ơi! Tối tăm mặt mũi chi nờ chi nờ mình bí quá dịch không nổi còn biết đánh trận làm sao. Bèn đánh bài chuồn: Thôi thôi xin nói điều này. Đánh đấm chẳng được cuốc cày chẳng xong. Trồng ngô thì lại ra bông. Tưởng gái tơ hóa nạ dòng xin thua. Mấy mẹ thấy mình đấu dịu xin tha, bèn nói: Kể thì mặt mũi khôi ngô. Có tí chữ nghĩa nhưng khờ quá ta. Gặp chị em nhớ tránh xa. Gặp giặc hãy đến kẻo mà ăn bom. Chúng em đây, thực còn son. Bao giờ chiến thắng em còn em cho. Đừng nghĩ quá mà sinh lo. Cơm gạo còn đó sẽ vo có ngày. Chào chủ lực, chúng em đi đây...
Bác Lê Kim nước mắt nước mũi giàn giụa trong tiếng cười của tôi. Ôi chao các bố các mẹ. Ngày xưa đánh giặc cũng giỏi mà tếu táo cũng khiếp vía ông bà ông vải. Tôi thành kính chắp tay. Con lạy bố!
 
-------------------------
* Câu chuyện này tôi nhớ trong buổi giao lưu giữa sinh viên khoa Báo chí và nhà thơ Lê Kim do tôi làm kịch bản. Đôi chỗ có thể nhớ nhầm xin nhà thơ lượng thứ.