Trang chủ » Tin văn và...

Hồn thơ Việt trên xứ sở Bạch Dương - Đêm Thơ Nguyên Tiêu lần thứ 11 tại LB Nga

Điệp Anh
Thứ hai ngày 9 tháng 2 năm 2009 9:19 PM
 
Cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga dẫu còn muôn nỗi vất vả với  cuộc sống mưu sinh ở xứ người nhưng đã từ lâu, những nỗi nhọc nhằn đó không làm phai  những hồn thơ, những xúc cảm nghệ thuật. Từ năm 1995, với sáng kiến của những hội viên đầu tiên của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga như Nguyễn Đình Chiến, Châu Hồng Thuỷ,  Nguyễn Huy Hoàng, .. vào đúng dịp Rằm tháng Giêng, “Đêm thơ Nguyên Tiêu” đã được tổ chức và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của nhiều người yêu thơ. Và chiều tối qua (8/2), ở trụ sở Đại sứ quán Việt nam tại LB Nga, “Đêm thơ Nguyên Tiêu” lần thứ 11 đã diễn ra đầy xúc động.
Tham dự đêm thơ, không chỉ những cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, đông đảo bà con cộng đồng Việt Nam đang học tập, làm ăn, sinh sống tại LB Nga mà còn rất nhiều những người bạn Nga là các nhà Việt Nam học từng có nhiều năm gắn bó với Việt Nam bởi nghề báo, nghiên cứu, giảng dạy về Việt Nam và những  sinh viên Nga đang học  tiếng Việt tại một số trường Đại học ở Mat-xcơ-va.

Mở đầu đêm thơ, nhà thơ Châu Hồng Thuỷ, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga giới thiệu về truyền thống tốt đẹp mà Hội đã khởi xướng và duy trì được từ suốt gần 15 năm qua, đó là tổ chức “Đêm thơ Nguyên Tiêu” hàng năm, thu hút sự tham gia của đông đảo những người yêu thơ trong Cộng đồng. Trong đêm thơ lần thứ 11 này, nhiều nhà thơ chuyên nghiệp và không chuyên, từng được nhiều người trong Cộng đồng người Việt biết tiếng như Nguyễn Huy Hoàng, Châu Hồng Thuỷ, Đặng Hữu Trung, Lê Anh Tuấn, Phan Đăng Xiêm, Ngô Xuân Bính v.v... lại đọc cho đông đảo đại biểu cùng nghe những sáng tác mới của mình. Đó là những dòng cảm xúc về quê hương, đất nước, về mùa xuân, tình yêu v.v... Những bài thơ như “Xuân về”, “Tình câu Quan họ”, “Tết xa”, “Mùa xuân trên Quê hương”, “Về quê”, “Em về”, “Mái tóc” v.v... đã được đón nhận hết sức xúc động và có lúc cả hội trường như lắng xuống bởi nỗi nhớ quê nhà da diết dội lên trong lòng những người Việt xa xứ. Đặc biệt, những bài thơ viết về quê hương, đất nước, về tình yêu đôi lứa và cả về cuộc chiến tranh oai hùng của dân tộc Việt Nam được phổ thành bài hát đã được các “nghệ sỹ không chuyên” thể hiện rất thành công, được đón nhận rất nhiệt thành.
 Những người bạn Nga đến với đêm thơ cũng gửi gắm không ít tâm tư và tình cảm của mình với đất nước, con người Việt Nam qua những vần thơ dù viết bằng tiếng Nga rất điêu luyện hay tiếng Việt còn chưa thật chuẩn xác. Nhà Việt Nam học Ev-ghê-nhi Kô-bê-lev có bài thơ viết bằng tiếng Việt theo thể lục bát để tặng người bạn thân của mình cũng là một nhà Việt Nam học tròn 65 tuổi. Nhà báo Xec-gây A-phô-nhin đã đọc tặng các đại biểu tham dự đêm thơ một bài do ông mới sáng tác bằng tiếng Nga và tự dịch sang tiếng Việt. Dẫu vần điệu ở tiếng Việt còn chưa thật hay, ngôn từ chưa thật chuẩn xác... nhưng tình cảm ông gửi gắm qua bài thơ đã thể hiện rất sinh động về truyền thống quan hệ hai nước Nga - Việt Nam và truyền thống đấu tranh anh dũng của hai dân tộc.
“Thảo nguyên Nga – Thung lũng Việt Nam. Cách không xa trên hành tinh ta. Người ta đẹp đẽ vì tâm hồn - Vì ta trong một gia đình. Cánh đồng Ku-li-kô-vô, Pôl-ta-va, Bô-rô-đi-nô, Sta-lin-grat - Bước ngoặt trong số phận thế giới. Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên, Sài gòn - Những mốc chiến công vẻ vang. Việt Nam là người chiến thắng. Dân tộc Nga và Việt Nam - Gần gũi hơn bao giờ hết. Mat-xcơ-va – Hà Nội là sức mùa xuân. Hai chúng ta gắn bó vĩnh viễn!)
Xúc động trước tình cảm cao đẹp này, Võ sư, lương y, nghệ sỹ không chuyên Lương Ngọc Huỳnh đã “xuất khẩu” sáng tác ngay một bài thơ về “hồn thơ Nga với Việt Nam” và ngay tại đêm thơ ông tự phổ nhạc và hát cho bạn bè cùng nghe về dòng cảm xúc ấy của mình. Một nữ tâm lý học Nga còn rất trẻ, chị A-na-sta-xia Stu-pac, con gái của một nhà Việt Nam học cũng tặng các đại biểu dự đêm thơ những vần thơ rất hay mà chị sáng tác và đã được dịch sang tiếng Việt.
Chiếm cũng không ít trong số các bài thơ được giới thiệu trong đêm thơ là những dòng cảm xúc về con người Nga, về đất nước Nga, một quê hương thứ hai của những người Việt Nam từng có nhiều năm học tập, làm ăn, sinh sống tại LB Nga. Những bài thơ như “Tôi gắn đời tôi với số phận của Người”, “Vẫn còn nước Nga của Hồn tôi”, “Tạm biệt nước Nga” ... được viết với những dòng cảm xúc thật nhất đã nói hộ rất nhiều người Việt Nam đang sống ở nước Nga về lòng biết ơn của mình đối với nước Nga, nhân dân Nga, về cảm xúc tuyệt vời trước thiên nhiên Nga, cảnh đẹp Nga, tâm hồn Nga.
Tham dự “Đêm thơ Nguyên tiêu”, ông Ô-lêch Ba-vư-kin, Trưởng Ban Đối ngoại - Hội Nhà văn Nga, mặc dù không biết tiếng Việt nhưng cảm nhận được những nét đẹp trong hoạt động văn hoá rất đáng nhân rộng này. Ông đã phát biểu hoan nghênh và bày tỏ hy vọng quan hệ giao lưu giữa các nhà văn, nhà thơ Nga và Việt Nam sẽ được mở rộng hơn thông qua những hình thức sinh hoạt như thế này.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga phát biểu kết thúc đêm thơ bằng những đánh giá cao việc Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga đã khởi xướng và tổ chức được những đêm thơ đầy ý nghĩa này: “Qua đêm thơ này đã bày tỏ được tình cảm của chúng ta với quê hương, đất nước, với Đảng, với nhân dân, với những người thân yêu nhất của chúng ta ở nước nhà, đồng thời cũng thể hiện được tình cảm của chúng ta đối với nước Nga, đối với nhân dân Nga, đất nước và con người đã bao nhiêu năm hỗ trợ và giúp đỡ Việt Nam nói chung và cưu mang, hỗ trợ cho chúng ta sinh sống học tập tại LB Nga. Phải nói, “Đêm Thơ Nguyên Tiêu” đã mang lại rất nhiều lợi ích cho sự nghiệp chung, cho tình hữu nghị, hợp tác hai nước và cho mỗi chúng ta trong cuộc sống riêng tư của mình và cuộc sống cộng đồng. Mỗi chúng ta sẽ càng cảm thấy yêu quê hương hơn, nhớ quê hương hơn, gắn bó với quê hương hơn và càng gắn bó với nhau hơn, gắn bó tình cảm Nga - Việt”.
“Đêm thơ Nguyên Tiêu” lần thứ 11 tại LB Nga kết thúc, lưu lại trong tâm trí những người bạn Nga và Việt Nam những tình cảm thật đằm thắm.
Điệp Anh
Chu thich: Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Đêm Thơ