Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN LÊ BẦU - VIẾT VÀ DỊCH

Vũ Từ Trang
Chủ nhật ngày 8 tháng 2 năm 2009 6:33 PM
               
                                              Vũ Từ Trang

Đấy là năm 1962. Theo thông lệ, buổi sáng thứ hai đầu tuần, cả trường tập trung chào cờ. Sau phút sơ kết công việc dạy và học của toàn trường, thầy hiệu trưởng trịnh trọng cầm tập truyện mới xuất bản - tập "Thông reo" giơ cao cho toàn thể học sinh nom theo. Thầy hiệu trưởng nói:
- Các em có biết tác giả tập truyện ngắn "Thông reo" này là ai không? Đó là nhà văn Lê Bầu, người từng là học sinh cũ của trường Hàn Thuyên chúng ta!...
Ánh mắt thầy hiệu trưởng lấp lánh vui và chan chứa tự hào.
Trong mấy trăm học sinh chào cờ bữa đó, có Chu Bá Bình (tên thật của Đỗ Chu), có Vũ Công Ứng (tên thật của Anh Vũ), có Dương Thu Hương, cú Nguyễn Thanh Kim, Trần Anh Trang... mắt tròn xoe ngưỡng mộ.
Ngày đó, được vinh dự là nhà văn, tác giả của tập sách riêng, là coi sự thành đạt lớn lao không gì sánh nổi. Phải chăng xã hội thời đó còn tốt đẹp, con người nhiều khát vọng trong sáng, hay ít ra, là số học trò chúng tôi mê văn chương thuở đó thần thánh hoá vai trò sứ mệnh của các nhà văn nhà thơ. Nên tôi như thấy Lê Bầu là một người sớm thành đạt, đem lại vinh quang cho cả chúng tôi, cánh học trò, dù chỉ học qua một thời gian ngắn ở cùng trường hoặc khác trường Bắc Ninh khi đó.
Thời đó, tôi có đọc thấp thoáng một số truyện ngắn của Lê Bầu in rải rác trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, báo Văn Học. Mãi sau này, vào những năm đầu thập kỷ bảy mươi, tôi mới có dịp gặp ông ở Hà Nội. Hội văn nghệ Hà Nội khi ấy còn đóng trụ sở tại phố Hàng Dầu, ngay trong cơ quan Sở Văn hoá, Lê Bầu đang là một nhân viên ở đó. Ông đi cái xe đạp cũ càng, ăn vận tuyềnh toàng, dáng người hơi cũ, nom như một lão nông hơn là dáng vẻ nhà văn. Tôi nghĩ, người như thế kia vất vả là phải. Nhưng được cái khi tiếp xúc với ông, ông lại có điệu cười xoà rất thoải mái.
Khi ấy, tôi chưa rõ hết nỗi truân chuyên vất vả của con đường văn nghiệp mà ông phải gồng gánh. Chỉ biết ông là một trong mấy người ở Hội vẫn phải lăn ra viết để kiếm sống. Ông viết báo, cộng tác với nhiều tờ báo, mà xem ra lại toàn cộng tác cho các chuyên mục phụ. Nói theo nghề báo chí, thì đó là những mục phụ, chẳng đem lại vinh quang, tiếng tăm gì cho người viết, mà cốt viết để lấy tiền nhuận bút. Mà nhận bút thời đó lại quá còm cõi. Hai đồng. Ba đồng. Hoạ hoằn lắm có báo mới trả năm đồng bạc cho một mẩu tin, một giai thoại văn học, hoặc một câu đố vui, một nụ cười.
Lê Bầu là một người siêng năng làm việc. Ông là người năng nhặt chặt bị, chịu khó cầy cuốc để kiếm cơm. Tờ báo tôi làm khi ấy loè nhoè chẳng có tiếng tăm gì lớn. Đó là tờ báo tuần của một ngành. Ấy vậy, trang cuối bao giờ cũng có một góc nhỏ thư giãn. Đó là câu đố, hoặc nụ cười, hoặc tranh vui, tranh biếm hoạ. Ông Lê Bầu đã cộng tác với báo chúng tôi từ ngày đó, với những mục đó. Rồi báo mở ra những chuyên mục mang tính khảo cứu "Chuyện các làng nghề", "Chuyện các tổ nghề"... Những mục này, bài vở có thể kéo dài trên dưới ngàn chữ. Ông Lê Bầu trở thành cộng tác viên tích cực của chuyên mục chúng tôi làm. Dạo đó ông có cái máy chữ cổ lỗ, tự tay ông mổ cò đánh bài. Giấy đánh bài toàn là giấy tiết kiệm, có khi đã dùng một mặt, hoặc giấy seo thủ công , dầy, mặt nhẵn mặt nhám. Cái máy cũ, chữ nét đậm nét nhạt, dưới góc bài thường ký tên P. H hoặc Phan Hà.
Một bữa, tôi đem chuyện ký tên tác giả ra trao đổi cùng ông. Ông nói: "Tớ cũng muốn ký thật tên mình lắm, nhưng các báo nó không in cho". Tôi thầm nghĩ "Vô lý. Ông Lê Bầu này có tội tình gì mà lại chẳng được ký thật tên mình trên bài viết của chính mình? Văn bản nào? hay chỉ là thói quen dị nghị?". Thế là, đến kỳ nộp bài cho Ban biên tập, tôi đã tự tay chữa chữ P. H thành chữ Lê Bầu cho rõ ràng. May cho tôi và cũng may cho ông Lê Bầu, là ông Trưởng ban biên tập của tôi lại là bạn học thuở thiếu sinh quân bên Trung Quốc cùng ông Lê Bầu. Vì thế, việc lấy lại cái tên Lê Bầu, tưởng khó mà lại đâm dễ thế. Nếu tôi không lầm, thì tên tác giả Lê Bầu được ký trở lại dưới bài viết trên báo, là in đầu tiên trên tờ báo "Tiểu công nghiệp, Thủ công nghiệp" mà chúng tôi làm. Ấy rồi tên tác giả Lê Bầu dần xuất hiện trở lại trên các báo sau một thời vắng bóng do một ngoại cảnh vớ vẩn nào đó. Sự đời chỉ việc cỏn con thôi, mà ngẫm lại, đôi khi buồn ứa nước mắt.
* *
*
Thực ra, nhà văn Lê Bầu có bị dính líu, can án văn chương thật. Đấy là những năm tình hình văn nghệ ở nước ta đang có làn sóng âm ỉ của "hậu nhân văn". Chẳng biết khi ấy Lê Bầu có tụ tập tuyên ngôn hoặc bình phẩm những gì? có bị theo dõi ra sao? Chứ trên các trang viết của Lê Bầu lúc đó là bị xăm soi. Sau cái vui tưng bừng của "Thông reo" vừa được bạn đọc hoan nghênh, Lê Bầu có tập hợp tập truyện mới, trong đó có hai truyện "Con gà quạ tha" và "Hòn đá lang thang" bị cơ quan quản lý văn hoá đánh giá là có vấn đề. Nghi ngờ truyện có sự ám chỉ cái gì đó với cấp trên, nhưng Lê Bầu không được trình bầy, không được giải thích lại. Từ một nhà văn trẻ đang cảm tình Đảng, Lê Bầu bị tống đi thực tế ở các xí nghiệp, nhà máy với hình thức của sự đi cải tạo. Nhà văn trẻ Lê Bầu đang hăm hở viết, đang cười hơ hớ trước cuộc sống, bị cuộc sống quất trở lại, sinh ra hoang mang và buồn chán. Lại những ngày dài lăn lộn ở công trường xí nghiệp, "ba cùng" với các người thợ, trước trang giấy trắng, nhà văn Lê Bầu không dám cầm cây bút viết lên những dòng tâm tư của mình nữa. Mà cũng không chỉ riêng anh, có mấy người bạn anh cũng bị lao lý. Ấy là Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Dậu, Vũ Bão... Con mắt nhòm ngó, soi xét của mọi người, làm nhóm bạn bè kia ngại cả gặp gỡ nhau.
Không biết có phải là dát? Hay ngại sự dính líu lằng nhằng? Lê Bầu đã thôi viết văn, mà quay ra viết báo, viết sử sách truyền thống cho một vài cơ quan để lấy tiền tồn tại.
Có một chuyện mà đến nay kể lại, nhiều người không tin, song đó là sự thật, mà nó vẫn ám ảnh ông. Đó là dạo ấy một số người quản lý còn nghi cho ông làm chân tay gián điệp. Họ bố trí để kiểm tra sổ sách, tài liệu, tư trang của anh, bằng cách bắt một nhà thơ cùng cơ quan phải dựng chuyện bố ở Hải Phòng chết, cơ quan cử Lê Bầu cùng về phúng viếng. Khi hai người đáp tàu hoả về Hải Phòng, thì thấy bố của nhà thơ kia vẫn ung dung ngồi uống trà với bạn hữu; nhà văn Lê Bầu liền quay ngay về Hà Nội. Khi ấy, chỗ ở của Lê Bầu đang bị lục xoát lung tung. Ngày đó, quyền tự do của công dân chưa được coi trọng, nhà văn không dám kiện cáo cơ quan xúc phạm đến tự do của mình, mà chỉ dám chỉ mặt nhà thơ kia vốn là bạn mình: "Mày hèn lắm, muốn được cảm tình cấp trên, mà phải dựng chuyện bố chết ?!". Nói xong, Lê Bầu tự thấy ân hận. Nhà thơ kia thì cũng ngớ người ra, đến nỗi rơi vỡ cả cặp kính. Thực ra, nhà thơ kia cũng chỉ là nạn nhân của một thời thế. Xưa các cụ đã nói: Thời thế, thế thời phải thế ! Nhà thơ quê Hải Phòng kia, nay cũng đã khuất núi, mỗi lần nghĩ lại cơ cảnh ấy, nhà văn Lê Bầu lại thêm thương thân mình và thương nhà thơ bạn mình.
Trở lại chuyện in lại tên tác giả Lê Bầu lên báo. Một buổi ông Tổng biên tập báo tôi đi họp giao ban, có nghe nhiều ý kiến dị nghị tại sao in như thế? Ai quyết định cho in?! Tuy nhiên, rồi chuyện đó cũng dần bỏ vào lãng quên và có lẽ xu hướng xã hội đã khác. Sự cởi mở, đổi mới đã le lói. Tiếp đó, tôi có đề nghị in thơ của nhà thơ nữ Trương Thị Kim Dung lên trang thơ báo tôi làm. Trương Thị Kim Dung, cô gái vùng Kinh Bắc, có mẹ lao động tần tảo bên lò vôi Đáp Cầu, vốn là sinh viên tổng hợp văn, đã từng có những bài thơ đắm say in trên nhiều báo chí. Bẵng một dạo dài, Dung không được báo nào dùng thơ nữa, vì đời sống Dung có một trắc trở. Tôi thấy, đó là điều bất hợp lý. Có văn bản kỷ luật nào cấm in thơ Trương Thị Kim Dũng đâu? Tôi thấy thơ Dung hay, và mạnh dạn đề xuất với Ban biên tập. Ban biên tập đồng ý in. Thế rồi từ đó, lác đác các báo lại in thơ của Dung. Bây giờ, Trương Thị Kim Dung là một cây bút vững vàng của báo Phụ nữ Thủ đô. Thi thoảng, nghĩ lại chuyện này, tôi thấy cuộc sống vốn vô cùng phức tạp, vô cùng vô lý. Bị vướng mắc như thế, nếu nhà văn không có lòng tin ở chính mình, hẳn đã bị ngã gục, không còn đủ sức mạnh để cầm bút, hành trình tiếp trên con đường sáng tạo.
Bị can gián, bị "tai nạn nghề nghiệp", mà hoàn cảnh gia đình ông lại quá ngặt nghèo, Lê Bầu đã phải lao vào viết kiếm sống là phải. Bạn bè ví ông như cái đầu tàu cũ nát vẫn phải cố phì phì vận hành, để kéo theo mười mấy toa tầu đói khát. Mười mấy cái toa tầu há mồm ở Bắc Giang, tháng tháng vẫn chờ sự tiếp tế của nhà văn. Mà nhà văn chỉ biết viết báo, viết mẩu chuyện cười in góc trang báo, kiếm dăm bảy đồng nhuận bút còm cõi. Cái đầu tàu này xem ra sớm tàn tạ về thể xác. Giá ông không dính vào nghi án văn chương, giá ông không phải lo cứu đói cho mười mấy toa tầu kia, thì chắc hẳn ông đã viết được nhiều trang văn hay hơn, thấm đẫm lòng người hơn. Vì ngoài ba mươi tuổi, ông đã có "Thông reo" cơ mà !
* *
*
Sau đận ở tá túc tại đền Ngọc Sơn, Lê Bầu được cơ quan phân cho căn phòng 105 Phùng Hưng. Có thể coi là sự đổi đời với ông, mặc dù căn phòng nhỏ lại được chia đôi bằng vách cót che chắn ! Người ở nửa phòng còn lại mà chung vách liếp với Lê Bầu, là nhà thơ Huyền Tâm, có bài "Thóc lép qua cầu gió bay..." được phổ nhạc rất hay. Cả hai ông đều sống độc thân. Ông Huyền Tâm ít nói, còn ông Lê Bầu trời phú cho cái tính bô lô bô la, như để che lấp sự cô đơn của mình. Ông Huyền Tâm thì thường nằm phủ phục ra chiếu mà viết ca dao. Còn ông Lê Bầu thì có "tân thời" hơn, ông dùng cái máy chữ cũ xin được của ai, đem về mổ cò viết văn. Ông Lê Bầu có kê cái bàn nhỏ gỗ tạp ở ngay sát cửa sổ. Cái máy chữ cổ lỗ ông đặt ở đấy, để hành nghề. Bạn bè qua phố nom thấy ông lụi hụi mổ cò, là lại sà vào chơi. Tiện đường, cũng là cái khổ vì phải tiếp khách liên miên tối ngày. Ông là người tốt tính, sởi lởi, vì vậy bất kể thân hoặc sơ, ai cũng hay ghé vào tào lao góp đôi ba câu chuyện, hoặc làm chén nước chè nhạt. Tôi thấy ái ngại cho ông, vì ông bị chia vụn thời gian quá thể. Có khi vừa ngồi gõ máy chữ chưa đủ dòng, lại có ông bạn vào chơi. Căn phòng chật, có lúc năm bảy người bạn kéo vào, ngồi kín cả cái chiếu cũ trải nền nhà tiếp khách. Ông tốt tính cứ cười cười thôi, chứ tôi hiểu ruột gan ông đang sôi lên vì chưa kịp bài để nộp báo. Chưa có bài cho báo, là không có tiền tiêu. Cái đời sống cơm áo gạo tiền cứ thúc đít ông, thôi thì chống đói trước mắt hơn là lo cái vĩ đại cao sang bất tử?! Tôi đã chứng kiến cảnh ông vừa bắc bếp nấu cơm, vừa mổ cò máy chữ. Cơm là chính, thức ăn là phụ. Mà thức ăn thường là lạc rang mặn, hoặc nồi thịt kho lẫn dừa cùi. Rau đại đa là bí xanh, bí đỏ và mướp. Một lần tôi đến thăm ông, trùng phùng đúng lúc ông đang chuẩn bị bữa cơm của mình. Ông lúi cúi trông nồi cơm bé bằng cái bát canh đặt trên bếp dầu xó nhà, một tay đang gọt vỏ bí xanh, mắt thì đang dán vào trang sách chữ Trung Quốc. Thì ra vừa nấu cơm, ông vừa tranh thủ đọc sách. Tôi buột miệng hỏi:
- Bác nghiện bí xanh hay sao, mà bữa nào em cũng thấy bác dùng món này?
Ông trả lời:
- Đâu phải. Nhiều bữa ớn đến tận cổ. Nhưng vẫn dùng nó, vì bí xanh rửa tốn ít nước. Thèm món rau muống luộc lắm. Nhưng rửa mớ rau muống là phải tốn ít ra là một xô nước. Cậu biết không, một vài xô nước sạch, ở đây là quý lắm.
Chả là nơi ông ở rất hiếm nước dùng. Đã vậy, vòi nước chung ở mãi sân nhà trong, muốn lấy nước hoặc đi vệ sinh lại phải vòng vào tít ngõ sâu, mỗi lần đi lại phải cửa khoá cửa mở đến là lách cách.
Tới dạo cháy chợ Đồng Xuân, cơ may lại đến với ông. Chả là chợ tạm họp ở trước cửa nhà ông. Chủ các cửa hàng thuê nhà ông để biến thành kho hàng vải. Tháng tháng họ trả tiền thuê nhà, ông lại dành dụm gói ghém chờ dịp về Bắc Giang tiếp tế cho mấy mẹ con trên ấy. Cái bàn đặt máy chữ được dọn tít vào góc trong, cái chiếu tiếp khách được cuốn lên để xếp vải. Thôi thì đủ loại vải len dạ, vải tơ tằm đẹp và mốt, như vây bọc lấy ông. Nhưng nhà văn Lê Bầu vẫn lếch thếch bộ quần áo ngủ màu gụ đã bạc thếch, ngồi lọ mọ gõ máy chữ ở cuối phòng. Những người thuê gửi hàng tại nhà ông, họ quá yên tâm, dù hàng ngổn ngang, mà chẳng thất thoát mảy may tẹo nào.
Có tiền thuê nhà, đỡ một phần viết báo kiếm cơm, nhà văn Lê Bầu dành thời gian ra tấm ra món để dịch sách, để viết văn. Ông dịch "Ô sin", dịch "Tể tướng lưng gù", "Thị trấn phù dung", dịch "Cổ án Trung Hoa", dịch "Hoài niệm sói", "Quỷ thành"... rồi dịch tản văn của Giả Bình Ao. Nói tới mảng văn học Trung Quốc thời gian qua, là phải nói tới sự đóng góp của Lê Bầu.
Ông đã cho ra đời mấy tập truyện. "Những năm tháng trôi qua"; "Hai người buồng bên kia" và tiểu thuyết "Ngã ba cô đơn". Hình như sự cô đơn thấm trong người ông, ông muốn dấu, nhưng có lúc vẫn lộ ra. Tôi đã vô tình chứng kiến cảnh ông một mình ngồi xếp bằng tròn trên tấm chiếu cũ, hút vã thuốc lá. Đấy là cái phút cô liêu thoáng trên khuôn mặt hay cười của ông. Có thể ông nghĩ về vợ con ở Bắc Giang trên kia, hoặc nghĩ về sự thăng trầm gì đó của đời mình. Văn chương chưa phải đã đem lại vinh quang lớn lao gì cho ông. Ông thấy đó là cái nghiệp của đời mình. Sách sáng tác, sách dịch đã gần hai chục đầu sách sách rồi đấy, nhưng hình như ông vẫn cảm thấy sự chơi vơi, thăm thẳm xa xôi... Ông muốn viết một cái gì hơn nữa những cái ông đã viết. Ông viết và ông lại không bằng lòng với chính mình. Bạn bè thân từ thuở lâm nạn chữ nghĩa, nay vẫn thường gặp gỡ nhau. Ông Bùi Ngọc Tấn, sau "Chuyện kể năm 2000", đã có "Rừng xưa xanh lá". Nguyễn Xuân Khánh có "Hồ Quý Ly". Mình phải làm gì? Ông suy nghĩ và dằn vặt.
Con đường từ Hà Nội lên Bắc Giang không phải là xa. Nhưng cũng đôi ba tháng ông mới trở về thăm nếp nhà nhỏ ở xóm Thùng Đấu ven thị ấy được. Mười mấy toa tầu kéo theo, nay đã có phần đỡ gánh, ấy vậy, nó vẫn níu buộc ông. Có lần vô tình tôi buột miệng hỏi ông: "Sao không chuyển gia đình về Hà Nội sinh sống, cho ông đỡ phần vất vả?". Ông buồn bã trả lời "Về làm sao được. Về sống ra sao? Thôi số mình nó thế, một mình và một mình !". Tôi ân hận vì chạm vào sự cô liêu của ông. Cuộc sống mỗi người một số phận. Đã mấy chục năm nay ông quen sống một mình. Một người đàn ông lọ mọ sống một mình. Ông không có vui thú đùm đúm quán xá bia bọt, không lăng nhăng trăng gió. Cũng có thể ông có thích, song phải ghìm lại những ý thích đó. Vì đời sống của ông còn lắm nỗi chật vật. Cũng có một vài người phụ nữ mà tôi đã gặp ở nhà ông, nom họ hiền thục lắm, thương cảm cảnh sống độc thân của ông, họ tới khâu cho ông miếng vá ở vai áo, ống quần, hoặc tiện qua chợ ghé mua dùm ông mớ rau, lạng thịt. Ấy cũng chỉ là quý nhau thế thôi, chẳng hơn gì thế. Họ đi rồi, ông lại đơn độc còng lưng bên cái máy chữ, ông chỉ có niềm vui làm việc. Làm việc, để lấp đậy sự cô đơn  của chính mình.

            
       VŨ TỪ TRANG