Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRĂNG TRONG BÀI THƠ NGUYÊN TIÊU

Trần Tố Loan
Thứ tư ngày 4 tháng 2 năm 2009 4:21 PM
 
Trăng là vú mộng của muôn đời thi sĩ. Câu nói của tiền nhân quả thật linh ứng với những ai đã trót ôm mộng văn chương. Có lẽ bởi thế nên, chị Hằng đã quyến rũ bao khách văn chương để trong thơ ca cổ kim đông tây luôn rười rượi ánh trăng như thế. Từ những nhà thơ nổi tiếng nhất của Trung Quốc như Lí Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Trương Bật…đến những cây đại thụ của thi ca Nhật Bản như Myoe, Basho… không ai lại không xao xuyến trước vẻ đẹp của nàng trăng. Trăng và thơ đi liền với nhau trong thi tứ như nhiều nhà thơ cảm xúc: Đa tình chỉ hữu xuân đình nguyệt
Do vị ly nhân chiếu lạc hoa (Trương Tiết). Nhưng không chỉ thế, nhìn trăng sáng lại nhớ quê hương: Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương (Lí Bạch).
Trong lịch sử thơ ca cổ kim đông tây hiếm có nhà thơ nào suốt đời chỉ trung thành với một nguồn thi hứng nhưng ở xứ sở hoa anh đào có một nhà thơ đã trọn đời chung thủy với chị Hằng đó là thi sĩ - thiền sư  Myoe.Thơ của Myoe luôn tràn ngập ánh trăng. Là thi sĩ của ánh trăng, ông đắm mình trong thứ ánh sáng huyền diệu của chị Hằng nên chỉ thấy có Sáng và sáng mà thôi! Hãy cùng thưởng thức bài thư này của ông:
Sáng ngời
Sáng ngời ôi sáng ngời
Sáng ngời
Sáng ngời ôi sáng ngời
Sáng ngời
Sáng ngời ôi trăng
 Thật kì lạ và huyền ảo  !    
            Các thi sĩ Việt cũng dành cho trăng một địa vị trang trọng trong thơ, từ ánh trăng trong ca dao Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi đến câu thơ tuyệt tác của Nguyễn Trãi Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén hay ánh trăng mùa hè của Nguyễn Du Dưới trăng quyên đã gọi hè / Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông rồi ánh trăng tình tứ của Hàn Mặc Tử Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu /Ðợi gió đông về để lả lơi …nhưng phải đến Hồ Chí Minh trong Nguyên tiêu chúng ta mới có một vầng trăng tròn đầy, viên mãn đến thế Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên…  Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Bài thơ tràn ngập ánh trăng tròn lồng lộng nguyệt chính viên trong khung cảnh đêm rằm tháng giêng ở núi rừng Việt Bắc. Câu thơ dịch của Xuân Thủy dù đã cố gắng lột tả được vẻ tròn đầy viên mãn của ánh trăng bằng từ láy lồng lồng nhưng lại vô tình để mất tính xác định của thời gian trong câu thơ thứ nhất của nguyên tác: đêm nay rằm tháng giêng trăng đúng độ tròn. Câu thơ nguyên tác chứa đựng nhiều thông tin hơn câu thơ dịch và từ quan trọng nhất là nguyệt chính viên - phải là đúng hôm nay, trăng rằm mới có được vẻ căng mọng như thế, đêm trước đó hoặc sau đó nữa trăng sẽ khác, nếu dịch là lồng lộng thì là trăng đêm rằm nào cũng có thể như thế. Nhìn ở góc độ triết học, thời khắc ấy trăng đã đạt tới độ, trăng là điểm nút, là ngưỡng. Qua thời khắc đêm rằm trăng đã khác, phải có quá trình tích lũy về lượng  từ mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa, mồng ba câu liêm (cách so sánh trăng trong các ngày của dân gian) đến nguyên tiêu trăng mới chín mọng như vậy. Đó chính là sức sống của trăng, là trí tuệ mẫn tiệp của người ngắm trăng.
       Bác bàn việc quân với các đồng chí ở nơi thâm xứ, trên đường về, cảnh non sông, đất nước, ánh trăng vàng bát ngát trong đêm xuân nơi núi rừng Việt Bắc đã tạo cảm hứng cho người viết nên câu thơ thật đẹp - Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền... Nửa đêm ra về thì trăng đã đầy thuyền. Nếu người làm thơ thất ngôn tứ tuyệt luôn xem 28 từ trong một bài thơ là 28 ông thánh ông hiền thì người thưởng thức thơ phải nhìn cho được mắt thơ. Từ mãn trong câu thơ này chính là nhãn tự - mắt thơ. Mãn là tràn đầy nguyệt mãn thuyền cộng hưởng với nguyệt chính viên làm nên một vầng trăng căng tròn, chín mọng trong thi ca. Nếu dịch là trăng ngân đầy thuyền thì phải xem dịch giả Xuân Thủy là người đồng sáng tạo, câu thơ dịch thật hay vì đã lồng vào ánh sáng thứ âm thanh trong trẻo nhưng có lẽ dụng ý của Bác lại khác. Người muốn miêu tả ánh trăng vào thời khắc đẹp nhất trong tháng, Người muốn mượn ánh trăng tròn viên mãn kia để thể hiện sự thăng hoa trong tâm hồn khi việc quân, việc nước đã bàn xong, đây là giây phút thư thái nhất của Bác sau một ngày bận rộn. Một vầng trăng tròn đang rải ánh bạc xuống núi rừng Việt bắc tươi đẹp hay đó chính là niềm lạc quan của người trước tương lai tươi sáng của dân tộc?  Hình ảnh nguyệt mãn thuyền gợi ta nhớ đến câu thơ trong Ngư nhàn của thiền sư Không Lộ: Ngư ông thụy trước vô nhân hoán/ Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền. Nguyệt mãn thuyền là sự viên mãn của đêm trăng xuân cũng là sự tràn đầy cảm xúc trong tâm hồn thi sĩ Hồ Chí Minh.
         Trăng vốn là một thi đề quen thuộc trong thơ và theo các nhà nghiên cứu thì Trăng trong thơ của Lý Bạch nói riêng và Trăng trong thơ Đường nói chung là một màu trăng ảm đạm, là ánh trăng phủ kín sương mờ, Trăng đẹp, nhưng Trăng đắm chìm trong hoài cổ, Trăng khát vọng mơ hồ. Trăng trong thơ của Trần Nhân Tông là Trăng vô sự chiếu người vô sự. Trăng trong thơ Lý-Trần là ánh trăng mang tâm sự, đến Thơ mới trăng dù đẹp nhưng lại mang nét buồn bã của chủ thể trữ tình. Còn trong thơ Bác dù ở hoàn cảnh nào trăng cũng đẹp và tươi sáng, phới phới niềm lạc quan cách mạng, trăng không còn là thi liệu nữa mà đã trở thành người bạn âm tri kỉ của Bác.
        Bác vui với cảnh non sông, đất nước, với ánh trăng ngàn Việt Bắc giữa đêm rằm tháng giêng rất thiêng liêng, với mùa xuân đầy hứa hẹn của dân tộc. Từ nguồn thi hứng ấy, Người đã viết bài Nguyên tiêu. Bài thơ hay là ở cái tứ chặt chẽ và hình tượng đẹp Nguyệt Mãn Thuyền - Cái đẹp của thiên nhiên hòa nhập với vẻ đẹp cốt cách, tâm hồn hào sảng, trí tụê uyên bác của Người. Sau khi việc quân, việc nước đã bàn xong, trong lòng Bác thấy thanh thản, Người lại làm thơ, lại Đối trăng:
Việc quân, việc nước bàn xong,
Gối khuya ngon giấc, bên trong trăng nhòm
        Thơ của Bác không chỉ tả cảnh thiên nhiên mà còn phản ánh trí tuệ, tâm hồn của Người. Bài Nguyên tiêu của Bác tràn ngập ánh trăng xuân của chiến khu Việt Bắc và bao la bát ngát tình trên khắp núi sông đất Việt. Trăng trong thơ Bác thật đẹp và thi vị, đọc Trung thu, Vọng nguyệt, Báo tiệp ta có thể thấy Người dù bận trăm công ngàn việc vẫn dành cho thiên nhiên nói chung và trăng nói riêng một nơi neo đậu trong trái tim và tâm hồn mình, bởi vậy nên trăng và thơ, trăng và người đã đồng cảm nổi niềm Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ / Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.   (Vọng Nguyệt) 
      Đọc lại toàn bộ di sản thơ của Bác, ta dễ dàng nhận ra hình tượng vầng trăng là hình tượng thường trực rất nhiều trong thơ của Người. Với Bác, mỗi bài thơ viết về trăng đều rất khác nhau và mỗi bài đều mang một vẻ đẹp rất riêng. Những vẻ đẹp rất riêng ấy chính là nhờ được khúc xạ qua tâm hồn yêu thiên nhiên của Người. Rằm tháng giêng chính là vẻ đẹp viên mãn về trăng trong thơ Bác.