Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn Chu Lai: Sợ vợ là một giá trị đàn ông!

Ngàn Mọ
Thứ ba ngày 3 tháng 2 năm 2009 5:29 AM

Có lẽ không khí mùa xuân thức tỉnh nhiều cảm giác lương thiện, nên nhà văn Chu Lai thú nhận: "Thực ra sau cái lồng ngực xù xì, vỏ ngoài xù xì của chúng tôi là những trái tim yếu mềm, mỏng manh. Cứ sau những cuộc ẩu đả dù mình thắng hay thua thì trái tim mình vẫn tan nát, đau đớn. Tôi xin cúi đầu tạ lỗi với những người tôi đã trót làm tổn thương họ"
 
@ Nhà văn Chu Lai này! Càng về già, có vẻ như ông càng thích nổi tiếng hay sao mà dạo này thấy lên nhà báo nhà đài nhiều thế? Đúng là "Gừng càng già càng cay" nhỉ.
Chu Lai: Gừng càng già càng cay là câu nói của ông bà, nó đúng với một số người nhưng có vẻ nó không đúng với tôi. Khi tôi bắt đầu vào tuổi già thì gừng của tôi nó nhạt lắm rồi, sức viết nó cạn queo rồi.  Có một câu nói ám vào tôi một cách đau đớn đó là: Năng lượng tình yêu tỉ lệ thuận với năng lượng sáng tạo. Lực yêu, lực cảm xúc, lực giới tính nó nghèo đi, mỏng đi thành ra năng lượng cầm bút nó kém đi. Ngày xưa, một ngày lên cơn viết được 10 - 15 trang, còn bây giờ không làm sao mà lên cơn được, nhiều khi cố ngồi vào bàn cho nó lên cơn thì chỉ được có nửa trang, một trang thành ra viết lách chậm chạp, ề à.
Còn khái niệm về sự nổi tiếng bắt đầu tôi đã thấy rùng mình rồi. Đồng chí Chu Lai thì chưa nổi tiếng bao nhiêu nhưng kèm theo cái nổi tiếng là những cái lằng nhằng lùng nhùng, tự nhiên mình phải giữ ý giữ tứ. Một trong những cái để tránh sự lằng nhằng lùng nhùng đó là năm nay cố gắng không lên truyền hình nữa, nếu có lên thì chỉ lên những chương trình lấy trọng một chút, sâu xa một chút. Vừa rồi phải lên, cô Mỹ Linh con ông Đình Quang lại mời lên nói về Hà Nội liệu không màu hay có màu do hội đồng Anh tổ chức, vậy là phải lên chứ còn nữa thì thôi.
@ Sao lại mời nhà văn Chu Lai đi nói về chuyện Hà Nội có màu hay không có màu. Chu Lai lại còn theo phong trào bỏ viết sang vẽ như một số nhà văn hiện nay rồi à?
Chu Lai: Ôi, không phải đâu. Không phải tôi đi vẽ, và nói về chuyện màu vẽ đâu. Chết chết! Nhầm nhọt to rồi. Có một tổ chức muốn đi khắp thế giới để có một lời cảnh tỉnh rằng: Nền kinh tế toàn cầu liệu có dẫn đến thảm họa các thành phố cũng toàn cầu tức là giống nhau. Các cô gái trên hành tinh đều có số đo giống nhau, có răng khểnh như nhau, có đôi mắt lúng liếng giống nhau thì cuộc đời này thê thảm lắm. Mỗi cô gái phải là một màu, một mùi, thì đàn ông mới mê mệt.
@ À, hóa ra là thế, Chu Lai giỏi nhiều lĩnh vực ghê nhỉ. Thế mà bảo không thích sự nổi tiếng.
Chu Lai: Thì đã bảo rồi, đã chăm chăm cái việc phải tiết chế lên truyền hình phát biểu này nọ mà có đừng được đâu. Nhiều khi cái máu thích nói nó nổi lên, trước những vấn đề mà không nói không được. Ví dụ như việc xây dựng Hà Nội là một thành phố nhiều màu xanh chẳng hạn, không nói có mà dại, sau này lại ân hận mình có cơ hội mà không góp một tiếng nói.
@ Dạo này nhà văn Chu Lai làm gì mà kinh thế?
Chu Lai: Lãng du và viết túc tắc. Sắp tới đây tập hợp được ba thằng nhà văn cựu chiến già: Ông Chu Lai, Ông Hà Phạm Phú nguyên Giám đốc Hãng phim Hội nhà văn, Ông Hà Đình Cẩn Tổng biên tập Tạp chí Hội nhà văn, Tổng biên tập nhà xuất bản sân khấu. Ba thằng cựu chiến binh, ba thằng lính già bước qua tuổi 60 nhàu nát bắt đầu đi hành hương về phương Nam đi tận cùng sâu thẳm.
@  Xem ra nhà Chu Lai sính đi lãng du ghê? Năm vừa rồi nhà văn cũng đã có một cuộc nổi đình nổi đám về việc ăn Tết trên đường, thậm chí đi giữa thời bình mà y như thời chiến khi Chu Lai viết di chúc để lại cho con trai vì sợ... bố không về. Đúng là vẽ chuyện quá!
Chu Lai: Ờ, thì Chu Lai là thế mà lị. Năm kia tự nhiên thấy chán cái chật chội của Hà Nội, chán những cái bắt tay, những câu chúc tụng mòn nhạt, những cái nhìn và miệng cười một khẩu hình như nhau của Hà Nội thành ra mới bỏ đi. Thế là quyết định "bắn" lên trên Buôn Mê Thuật ở qua Tết, thuê một cái phòng con, không quen biết ai, lắng lại và nghĩ, mình sướng thật, có lúc bỏ hết mọi thứ trở về với cõi tình đất trời. Nhưng còn một chuyến đi quan trọng hơn! Bà xã vốn là nhà văn quân đội, dân chiến trường ra, sau 15 năm làm chính trị thì chính trị nó hủy diệt tất cả những mầm mống và cảm hứng văn chương của người đàn bà này.
Viết báo cáo, nghị quyết "trong không khí phấn khởi ngày hôm nay..." quen rồi đến khi viết văn cần lãng mạn, lung linh, run rẩy thì không viết được nữa. Nàng văn rất nghiệt ngã, chỉ cần lơ mơ không chung thủy với nó một đêm thôi thì nó quay mặt lại ngay.
Đồng chí Chu Lai mới đưa vợ xuyên Việt trở về chiến trường xưa, hâm nóng cảm xúc văn chương nhưng chưa hâm được. Động viên nàng lên núi, hồ Đại Lải lần thứ hai thì hình như mầm mống văn chương bắt đầu cựa quậy. Đó là chuyến đi nịnh vợ.
@ Dào ôi! Các nhà văn, nghệ sĩ khi được phỏng vấn đều nhắc đến vợ mình với thái độ một mực tôn kính. Ai cũng tranh thủ nịnh vợ, đến như Chu Lai, hay tuyên bố hùng hồn thế mà cũng "anh hùng râu quặp gớm nhỉ". Tôn trọng vợ thật hay là sợ vợ đây?
Chu Lai: Cả hai. Một là họ giữ gôn cho mình, họ tử thủ bong ke, lô cốt cho mình để mình lang thang. Cái thứ hai là sợ vợ theo nghĩa khác. Sợ vợ ở đây là một giá trị đàn ông. Vì ta sợ cái mỏng, cái nhẹ chứ không sợ quyền lực, tiền bạc, cho nên ta không hèn.
Thằng lính như tôi đẻ được một đứa con ra không thiếu mắt, mũi, tay chân là quý lắm rồi, nhiều khi coi nó như bố mình, như phản ánh lại thời kỳ xanh tươi tuổi trẻ mình mất đi ở trong rừng. Bây giờ có một người đàn bà đẻ ra bố mình thì đó là bà nội mình. Cho nên sợ vợ là phải, vậy thì hỡi những người đàn ông chân chính hãy biết biến thành con của vợ mình, hãy nể phục vợ mình để nó tha cho mình mọi tật nguyền, tội lỗi, vì nghệ sĩ nhiều tội lỗi lắm.
@ Nghe đồn nhà văn Chu Lai là người đàn ông nam tính, vậy thì Chu Lai có dám nói về những bóng hồng đã đi qua cuộc đời mình không?
Chu Lai: Không ai có thể quang quác đứng giữa nắng trời mà nói rằng ta là hảo hán, ta là nam tính sần sùi bởi vì cái đó để dành cho những bưởng trưởng đào đá đỏ, cho những giang hồ đường dài, buôn lậu đường xa.
Khi đã mang danh cây bút thì dù mặt mũi có hầm hố dường nào đi chăng nữa, có bụi bặm phong sương như thế nào đi chăng nữa thì bên trong vẫn là trái tim dễ nát. Và trái tim dễ vỡ này mà không có đàn bà thì không cầm bút được nữa nên tôi có một câu thế này: Những bọn đàn ông hầm hố râu ria đều yếu đuối hơn bọn đàn ông nhẵn nhụi. Còn những bóng hồng đã đi qua cuộc đời thì dám nói đến nhưng nói thầm thôi chứ nói to ở vào cái tuổi này sợ bị tổn thương người khác, làm tổn thương người khác một thì mình bị tổn thương mười cho nên trong những cuộc ẩu đả bút chiến văn chương phê bình tôi cố gắng im lặng, tránh cho xa mặc dù nhiều lúc trong lòng cuộn sôi lên.
Còn đối với phụ nữ thì khi nào anh không còn rung động, không còn nhấm nháp lại những kỉ niệm bóng hồng thì khi đó anh bằng không theo nguyên lý cảm xúc tình yêu tỉ lệ thuận muôn đời với cảm hứng sáng tạo. Năm hết Tết đến rồi, tôi không muốn bà Đại tá của tôi đang rục rịch trở lại với văn chương lại vấp vào những câu chuyện tình yêu của tôi nữa.
@  Càng nói càng thấy nhà văn Chu Lai là một con người đa nhân cách, khôn khéo để không bộc lộ mình rõ ràng. Ông thừa nhận ngoại hình hầm hố của mình đánh lừa cảm giác của người khác, có nghĩa trong Chu Lai một nửa thì đàn ông, nửa kia lại là đàn bà.
Chu Lai: Ở, thì phải nói thế này, nam tính và nữ tính luôn luôn ấn vào nhau, lao và nấp dựa vào nhau. Hoàn cảnh này cần nam tính thì nó nam tính đến cực độ, cần một chuyện lãng du bụi bờ, một chuyến bát ngát thì đòi hỏi tính phong trần nam tính thế, còn khi ngồi trong căn hộ của mình, ngồi trước thiên nhiên vào mùa chớm lạnh thế này tự nhiên trong lòng tan nát ra, mà đấy là nữ tính có thể như vậy nó tạo nên một đa nhân cách, đa cảm hứng và nuôi dưỡng nguồn văn chương của mình chăng? Tôi nghĩ phải biết nuôi dưỡng cái gì là hạt nhân còn lại thì cho qua.
@ Bây giờ, phụ nữ chúng tôi nhìn đàn ông đang ngày một nữ tính hóa đi. Chu Lai nhìn về giới của mình trong thế hệ hôm nay thấy vậy không?
Chu Lai: Trong thời chiến, chỉ cần một đoàn quân vượt Trường Sơn để lại ở nhà sự ấm no, hạnh phúc gia đình thì đó là nam tính. Còn thời đại ngày nay dành cho những người đàn bà. Trai thời loạn, gái thời bình mà. Đàn ông thì nó như một đám đông mênh mông, không mùi vị vì đàn ông thời nay cũng phải bươn chải mưu sinh, đếm củ dưa hành, đo lọ nước mắm chứ ngày xưa họ chỉ đếm những cây số hành quân, đẹp phiêu linh và cái mắt nhìn của họ xa xăm, bây giờ mắt nhìn của họ cạn dần đi. Nam tính do lịch sử quy định, khi xã hội nó phát triển lên rồi thì nam tính lại trở lại, đàn ông lại lo việc lớn, mắt nhìn lại rộng mở ra.
Định nghĩa nam tính là một cái hóc hiểm, một người đàn ông có thể trả lời trong một đời, cũng có thể trả lời trong một giây. Tôi thì tôi nghiệm ra người đàn ông nam tính nhất là người đàn ông nữ tính nhất. Nam tính là khi họ hướng trọn đến thế giới sâu thẳm, mênh mông, hút hặm của đàn bà, khi nào họ vô cảm với đàn bà thì họ mất nam tính. Cảm hứng tình yêu là cảm hứng mẹ của mọi cảm hứng, nó nuôi dưỡng mọi cảm hứng khác, kể cả cảm hứng yêu nước.
@  Chu Lai từng tuyên bố, ngày xưa, trong những cuộc hành quân, mỗi một đêm dừng lại ở đâu là Chu Lai để lại ở đó một chuyện tình? Xét về phạm trù đạo đức thì nghe có vẻ không ổn?
Chu Lai: Thế mà đúng mới hay chứ. Không hiểu trung đội trưởng của tôi hiểu tôi thế nào mà cứ khi nào dừng chân lại chọn nhà nào có đàn bà, con gái. Ngày xưa tôi còn trẻ mới 21 tuổi, chạy như ngựa hoang cứ mỗi đêm ở lại như vậy lại có một chút thấp thoáng gì đó của tình yêu, không nói đến tình dục vì nói như vậy làm tổn thương. Những cô gái ấy, bà chủ nhà ấy mà có chút gì để lòng với tôi thì đó là vì chủ nghĩa nhân văn, không phải vì giá trị của tôi. Họ dâng hiến cho người lính ra chiến trận có thể không bao giờ còn quay trở về. Tình cảm đó là chỗ dựa, là điểm tựa tinh thần cho tôi tạm làm người cầm súng tử tế suốt mười năm, nếu không có chắc mình gục ngã rồi.
@ Chu Lai hời quá đấy, nhưng rõ ra thì Chu Lai làm đau nhiều người đàn bà lắm đấy?
Chu Lai: Có chứ vì họ cũng làm đau lòng tôi không kém. Thực ra sau cái lồng ngực xù xì, vỏ ngoài xù xì của chúng tôi là những trái tim yếu mềm, mỏng manh. Cứ sau những cuộc ẩu đả dù mình thắng hay thua thì trái tim mình vẫn tan nát, đau đớn. Tôi xin cúi đầu tạ lỗi với những người tôi đã trót làm tổn thương họ.
 
Nguôồn: NGÀN MỌ - Đàn Ông