Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người kể chuyện đồng môn

Dương Quang Minh
Thứ tư ngày 4 tháng 3 năm 2009 1:16 PM

(Cảm nhận về bài thơ Bạn cũ của Dương Đức Quảng)
                                                        Dương Quang Minh
Bạn cũ
 
Bạn cũ bây giờ đứa nào đầu cũng bạc
Nhưng chân, có đứa dép, đứa giầy
Đứa sáng chiều ô tô đưa đón
Đứa lang bang năm mươi tuổi vẫn không nhà.
Bạn cũ một thời sống cùng bom đạn
Chia tay nhau chẳng hẹn ngày về
Quảng Bình, Kon Tum, Tây Ninh, Đồng Tháp...
Chiến trường nào cũng có bạn cùng nhau.
Có đứa chẳng bao giờ còn về họp mặt
Hai mấy năm rồi hài cốt biết nằm đâu
Cô bạn ngày xưa đã thành bà ngoại
Mắt vẫn rưng rưng nhắc chuyện năm nào.
Có đứa bây giờ đã là bộ trưởng
Đứa về hưu mới tính chuyện làm giầu
Đứa lang bạt trời Tây, đứa tận cùng Đất Mũi
Đứa vẫn lênh đênh, lận đận suốt đời.
Bạn cũ gặp nhau ở tuổi năm mươi
Dẫu ông nọ bà kia vẫn hồn nhiên đáo để
Chén rượu đầu xuân cùng nhau chia sẻ
Bạn bè ơi, đâu phải rượu mà say!
                                   Dương Đức Quảng
                                  Hà Nội, đầu xuân 1995 
 
Thời gian trôi đi, dẫn lứa đồng môn chúng tôi: Khoá Tám, Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963-1967) tới nhiều đổi thay. Trong bài thơ Bạn cũ ra mắt bạn đọc Tết năm 1995, Dương Đức Quảng, một thành viên của lớp, chỉ nêu một nét đổi thay về ngoại hình: “Bạn cũ, bây giờ đứa nào đầu cũng bạc”. Còn hoàn cảnh riêng tư, anh đề cập nhiều thứ lắm. Tóm tắt, có hai cảnh chênh nhau: “Đứa sáng chiều ô tô đưa đón/ Đứa lang bang năm mươi tuổi vẫn không nhà”; hoặc: “Đứa bây giờ đã là bộ trưởng/ Đứa vẫn lênh đênh lận đận suốt đời”. Tôi nghĩ, sự khác cảnh này chỉ có thể giải thích bằng số phận. Bởi xét ở góc độ nhiệt tình với công việc chung thì những con người cùng lứa này đều hoà theo một nhịp đập của trái tim, đúng như tác giả viết:
Bạn cũ một thời sống cùng bom đạn
Chia tay nhau chẳng hẹn ngày về
Quảng Bình, Kon Tum, Tây Ninh, Đồng Tháp...
Chiến trường nào cũng có bạn cùng nhau.
Đọc Bạn cũ của Dương Đức Quảng, tôi nhớ cả trăm khuôn mặt lớp tôi đã cùng chung đèn sách tại Ký túc xá Láng, Ký túc xã Mễ Trì, Thủ đô Hà Nội rộn rã, rồi vùng Tràng Dương, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ngút ngàn rừng núi, ngút ngàn trời xanh và ngút ngàn mộng mơ. Buổi chia tay trường tại Việt Bắc hiện về trong tôi như một giấc mơ đẹp. Cả cánh con trai lẫn cánh con gái đều vui vì mang đầy kỳ vọng rồi đây sẽ thực hiện được những điều mình muốn, song ai cũng phảng phất buồn, bởi đoán chắc sẽ không bao giờ gặp lại nhau đông đủ được nữa. Điều này, gần ba mươi năm sau Dương Đức Quảng trải lòng mình trong Bạn cũ: “Đứa lang bạt trời Tây/ Đứa tận cùng Đất Mũi” và thật xót xa: “Đứa chẳng bao giờ còn về họp mặt/ Hai mấy năm rồi hài cốt biết nằm đâu?”.
Tôi muốn dành cảm nhận thơ của mình ở ý thơ này để khóc bạn Đinh Dệ của chúng tôi. Là một học sinh quê Bình Định, theo cha tập kết ra Bắc năm 1954, Dệ vào học tại Trường học sinh miền Nam, rồi cùng chúng tôi trúng tuyển vào lớp Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Dệ chắc khoẻ, ham học, yêu đời, tận tình với công việc chung và giúp đỡ bạn bè hết mình – mang đậm tính cách lớp học sinh miền Nam trên đất Bấc thuở ấy. Ra trường, Dệ nhận công tác tại báo ảnh Việt Nam. Tháng 4-1969, anh được phái vào chiến trường miền Trung (nơi có nhiều bạn cùng lớp như Trần Vũ Mai, Phan Văn Kính, Thu Hoài, Hoàng Sỹ Ngọc, Ngô Thế Oanh, Hoàng Chu, Dương Đức Quảng, Đoàn Tử Diễn, Hoàng Chung...) góp sức cùng toàn dân giải phóng miền Nam. Vượt được đoạn đường đầy gian lao dài cả nghìn cây số, khi về tới thượng nguồn sông Côn, chỉ còn cách huyện Phù Cát, quê anh 30 km - nơi má và ba em gái đang thấp thỏm mong chờ, thì anh rơi vào ổ phục kích của địch. Anh vĩnh viễn ra đi trong một chiều xuân, ở tuổi đời 28. Bọn lính xâm lược ác độc đoán biết đồng đội Dệ sẽ tìm anh bằng được, chúng đặt lên ngực anh bức thư của người vợ trẻ từ Hà Nội mà anh vừa nhận được, rồi gài mìn vào thi thể anh. Bởi vậy mới có chuyện “Hai mấy năm rồi hài cốt biết nằm đâu?”.
Đinh Dệ ơi! Kể từ ngày ra trường tới nay, lớp Văn ta hầu như đầu xuân nào cũng họp mặt. Trong số bạn bè vắng mặt, người vắng nhiều nhất là Dệ đó! Song Dệ lại là người được đồng môn nhắc tới nhiều nhất. Tết này bạn ở đâu? Về Bình Định hưởng hương khói gia đình hay ra Hà Nội với Thu Hương người vợ cũng là đồng môn mà anh gửi lại thời còn xuân sắc với những năm ròng đợi chờ anh đến cạn nước mắt. Dù anh ở đâu, chúng tôi cũng tin anh không quên trường cũ, thầy xưa và phù hộ cho chúng tôi mọi điều tốt lành. Riêng tôi, quá nhớ Dệ-nhớ nhất là những ngày đi rừng chặt cây, lấy nứa dựng trường nơi sơ tán, hai đứa ta nằm trong số bạn bè khoẻ nhất lớp cùng lao động hùng hục như trâu. Tôi dành những ngày đầu Xuân này để viết vài cảm nghĩ về thơ văn của bạn bè lớp ta , như Phan Cung Việt, Vũ Duy Thông, Trần Vũ Mai, Ngôn Vĩnh, Nguyễn Quang Lộc, Hồng Duệ, Nguyễn Ngọc Thiện,Bùi Công Hùng, Nguyễn Thái Ninh, Nguyễn Phú Trọng... và hàng chục bạn bè khác cũng nhằm có thêm cơ hội biến nỗi nhớ thành lời văn khóc Dệ và những đồng môn của chúng ta đã mất.
Bạn cũ được Dương Đức Quảng viết cách đây đã 14 năm. Hồi ấy:
Bạn cũ gặp nhau ở tuổi năm mươi
Dẫu ông nọ bà kia vẫn hồn nhiên đáo để
Giờ đây, thời gian được cộng thêm hơn một thập niên nữa rồi. Chúng tôi đã ngoài sáu mươi cả, song tình bạn, tình đồng môn vẫn thế! Chúng tôi muốn thưa với các thầy cô kính yêu, những người đã có công đào tạo chúng tôi tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rằng: Sinh viên Khoá Tám, Khoa Văn tuy không còn tuổi xuân nữa, nhưng sức xuân sáng tạo vẫn còn, và hơn thế, tình bạn ngày càng khăng khít, đúng như Dương Đức Quảng diễn tả bằng trái tim nồng hậu của mình:
Chén rượu đầu xuân cùng nhau chia sẻ
Bạn bè ơi, đâu phải rượu mà say!
D.Q.M