Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà thơ Đỗ Thị Tấc Chỉ có tình yêu người bản?

Tĩnh Phan
Thứ hai ngày 2 tháng 2 năm 2009 11:55 AM

Bây giờ làm đến chức Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, nhà thơ Đỗ Thị Tấc vẫn không thôi mong muốn xuống bản, gặp những ông già - những kho văn hoá. Chả thế mà chị quan niệm chẳng có tình yêu gì cả, chỉ có chuyện tình người bản.
Xét trong công việc, tôi thấy chị là một người cần mẫn như 1 con ong rừng, tức là lấy hương hoa của rừng rồi làm ra thứ mật ngào ngạt mà không phải vay mượn một thứ đường đã bày sẵn trên đĩa. Chị làm miệt mài, mải miết, làm nhiều đến mức đổ bệnh. Còn xét về hạnh phúc cuộc đời, tôi thấy chị hao khuyết rất nhiều thương yêu dù khi trò chuyện với mọi người chị có lấp liếng bằng những câu nói hóm hỉnh thế nào.
 
Với nghề: Sợ sự hư hao
 
Tất cả những điều khô cứng nhất tôi được biết về chị là những điều được in sau cuốn thơ thứ 2 của chị. Đỗ Thị Tấc, sinh năm 1963, quê quán Hưng Yên, hiện đang công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, từng đoạt giải cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1995. Tác phẩm Sữa Đá và Những người mẹ núi, xuất bản bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Còn lại thì là một cô Tấc, chị Tấc, mẹ Tấc với đủ những đam mê, tội - tình, khôn - dại và cả tưởng bở nữa.
Tôi vào nhà chị, lúc ấy như một hàng xóm sang chơi. Có một người ló đầu ra bảo: Có đoàn nhà báo Hà Nội lên, chị Tấc phải đi tiếp khách rồi. Thấy bóng người loáng thoáng trong buồng, người hàng xóm của chị đi cùng tôi reo lên a...a! Tấc ở trong nhà, Tấc trốn khách.
Bị bắt đúng bài, chị từ trong buồng lao ra cười ngượng, phân trần: Vừa có một đoàn vào, váng hết cả đầu. Tiếp khách tốn nhiều thời gian quá, còn bao nhiêu việc. Rồi chị vừa đi pha trà ấm mời khách, vừa cười khà khà cho bớt ngượng.
Làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, chịu trách nhiệm nội dung cho cuốn Tạp chí Văn nghệ Lai Châu, chăm lo công tác hội, làm công tác nghiên cứu văn hoá các dân tộc miền Tây Bắc, lo đi họp hành, báo cáo, giao ban... Bận rộn với những công việc hữu ích và vô ích.
Chị bảo: Khát thời gian để ghi lại thật nhanh những tìm tòi về các dân tộc, có nhiều khi tôi trốn khách nhưng lần này không được, phải gác việc lại đã, rồi chị nhoẻn miệng cười, cái cười như không thể tươi tỉnh được hơn nữa.
Mặc cái áo len đan theo kiểu chằng chịt các hoa văn dân tộc, đủ các loại chim cò, cây cối. Áo che gần đến đầu gối của chị. Lúc trước khi gặp chị tôi đã được người bác họ, nhắn nhủ về chị Tấc hàng khủng luôn, khi gặp chị dù đã thấy lạ lẫm bởi cái vẻ ngoài kia nhưng tôi không thấy thế. Chỉ thấy một người phụ nữ hơi lạ, ở cả cái cách ăn mặc lẫn cách cư xử với mọi người.
Chị ngồi xuống ghế, kéo ấm trà lại và pha mời khách, trong khi chờ chè ngấm, chị quờ quạng tìm cái điếu, sau đó gói thuốc và sau cùng là cái bật lửa. Chị làm 1 mạch, 7 điếu thuốc liên tục, thở ra rất khoan khoái và xen giữa những điếu thuốc là chuyện bà mẹ già ở cùng, chuyện nhà, chuyện phố, chuyện cơ quan. Để bớt trống trải, sau 1 chầu hút, chị lại đi loanh quanh, lúc thì tìm sách, lúc thì tìm báo, lúc thì tìm nải chuối. Khi chị ngồi xuống ghế là lại vớ điếu và hút thuốc tiếp.
 
Chỉ nhìn chị là thấy sự vất vả, những trăn trở ở Đỗ Thị Tấc.

Có lúc chị vỗ vào thân điếu mà rằng xưa quê tôi bán thuốc lào. Già, trẻ, trai, gái hút thuốc lào tất. Tôi cũng thế, hút lâu nghiền nên khó bỏ. Sắm cái điếu cày to, hút thuốc lào mới sướng. Trong lời chị Tấc lúc này có cái phê của việc hút thuốc lào, có niềm tự hào về truyền thống hút thuốc lào của quê hương.
Khi hỏi chị về bệnh tật, chị giơ bàn tay 5 ngón ra mô tả Tôi đi chụp x-quang rồi, phổi bị đen có 1 góc thôi. Có thời gian mà hút được thuốc lào còn may, lúc bận rộn phải hút thuốc lá, tai hại hơn gấp bội. Hút thuốc lào, sành thuốc lào không thua kém đàn ông. Hình như với chị, vịn vào hơi thuốc lào để sống ung dung tự tại, để ứng xử với đời, để làm lên một chị Tấc chẳng giống chân dung của một người đàn bà nào cả.
Vốn từ một giáo viên dạy thể dục, chị đến công việc làm báo (Đài Truyền hình tỉnh Lai Châu), rồi cũng đi học báo chí, rồi lại làm thơ, viết văn và nghiên cứu văn hoá dân tộc. Văn học, nghệ thuật, văn hoá các dân tộc ít người cứ vận vào cuộc đời chị như duyên như nghiệp.  Chị làm những nghiên cứu và thống kê về 3 dân tộc chính là Thái, Hà Nhì, Lự.
Bây giờ chị làm đến chức Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, có xe ôtô đưa đón khi đi làm, chị vẫn không thôi khắc khoải vị trí Chủ tịch ngốn của chị quá nhiều thời gian, không còn thời gian đi nữa. Chị muốn đi xuống bản, muốn gặp những ông già ở bản mà trò chuyện, họ là một kho văn hoá mà đang lay lắt sớm mai. Họ mà đi, khi mình chưa kịp đến thì sẽ có rất nhiều nét văn hoá bị chôn vùi, hao phí.
Thỉnh thoảng hàng xóm hay thấy chị Tấc đón những người già ở bản về nhà nuôi như mẹ như cha. Chị nấu cơm để họ ăn, sắc thuốc cho họ uống, nhờ họ dịch lại những bài ca dao dân tộc. Đêm đêm ở thị xã Lai Châu, trong gian nhà nhỏ của chị Tấc, các cụ già được ngủ trong chăn ấm đệm êm hay mang đàn, sáo nhị ra thổi. Cái hứng ấy nhờ chị Tấc khơi lên, và cũng chỉ chị tiếc, thèm, ao ước giữ lại.
Tây Bắc là xứ sở quyến rũ và mê hoặc người đàn bà máu nghề này. Chị kể lại lịch sử về chuyến đi rừng ròng rã suốt 2,5 tháng trời vào ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào. Chuyến đi làm chị hiểu văn hóa, thỏa tò mò nhưng lại là chuyến đi mà chị bị vắt kiệt sức lực (bị rụng hết tóc do sốt rét rừng), bị kỉ luật của cơ quan vì đi quá số ngày trong công lệnh nhưng không vì thế chị sợ đi, mà nghỉ lâu không đi, làm việc trong văn phòng là chị lại nhớ bản. Chị nói bằng cách nói của người đàn bà được mách bởi bản năng, kiểu nhớ nghề và ngứa nghề vậy.
Chị là người ủng hộ cho sự đa dạng văn hoá, cũng như ao ước được giữ những giá trị truyền thống. Từ tộc người đến con người nên sống như chính văn hoá của mình là thế. Chị là người kĩ tính khi nghiên cứu, kĩ đến từng thanh dấu của 1 câu ca dao chỉ một dấu, một thanh trong một bài ca dao của người Thái thôi, mình ghi sai, chép sai, sẽ thật là tai hại....
 
Với đời: Chỉ có tình yêu người bản?
 
Chị Tấc nổi tiếng là người phụ nữ hay đi. Cứ mang theo vài lạng thịt, một bó rau là chị ở hẳn với người bản, ăn nhờ cơm, uống nhờ nước. Chị đi khắp các bản mường, Pắc Ma mùa mật ong, Khuổng Lào, Pín Nhừ, Phay Cát, Mường Ẳng, Bản Bông, Pa Khoang... Những nơi xa lắc lơ, nơi nào chị bảo mình cũng cảm thấy ấm áp tình người ở bản. Những chuyến đi thật dài vì nghề, đã làm chị chịu 1 định dạng chua cay cuộc đời một phụ nữ: 45 tuổi (trong giấy khai sinh) - 49 tuổi (tuổi thực) mà chưa có chồng. Có 1 người con đẻ vắng cha và vài đứa con nuôi.
Hỏi chị về chuyện tình yêu, chị nghiêm khắc chẳng có tình yêu gì cả, chỉ có chuyện tình người bản. Chị hay bảo ở môi trường sống nào người ta cũng cần yêu thương nhau, chị đã được sống ở 1 tập thể có nhiều người yêu thương chị. Thế nhưng một nơi quan trọng nhất, ấm áp nhất thì chị lại khuyết. Thế nên khi đọc những câu thơ chị viết, người ta lại thấy những yêu thương tự nhiên vỡ oà:
Nói rằng: Người ta nhìn vào thắt lưng/ Trợn mắt/ Người ta nhìn hàng cúc bướm/ Lườm như muốn ăn thịt/ Người ta nhìn vào mắt/ Bỏ đi/ Không nói ra thì không chịu được/ Nói rằng thương/ Không phải/ Nói rằng nhớ/ Không đúng/ Nói rằng yêu/ Làm gì.../ Nói ra rồi cũng không chịu được/ Người như trăng no muốn vỡ/ Ra suối cởi thắt lưng/ Bung hàng cúc bướm/ Vắt lên đầu/ Lội dòng nước sâu/ Trốn vào nước/ Trăng vỡ loăng ngoăng/ Buồn cả ngực/ Tức cả mắt/ Buồn cả ngực/ Tức cả mắt/ Thế này thì chết mất/ Chẳng biết mai/ Người ta có sang.
Chị bảo thơ chị lộc khà lộc khộc, tôi cũng thấy thế thật. Tôi đọc cái lộc khà lộc khộc ấy cả trăm lần mà không chán, bởi càng đọc càng ngấm cái lý trong mỗi câu thơ. Cái mà trong câu chuyện hằng ngày nói với nhau nó hơi gượng gạo. Đọc thơ chị thấy tình yêu mang một mật mã riêng. Cái nhớ, cái quên, cái hẹn hò đời đời kiếp kiếp ... Ông vẫn đi khắp chợ, nhìn mặt từng người/ Luôn mồm lẩm bẩm/ Em hẹn ta goá bụa về già/ Nếu thành ma cũng về báo mộng/ Ta đã goá/ Người ta bảo rằng em cũng goá/ Mộng chẳng thấy/

 Người không về Sàng ơi.
 
Tôi hỏi chị về những công trình nghiên cứu đã được in thành sách, chị chỉ cười. Đi nhiều, viết càng nhiều nhưng nó vẫn chất trong buồng, ở 1 đống cao ngút... hay thỉnh thoảng có bạn bè lấy tên in hộ. Có nhiều người bảo chị là Tấc ngu dại, chị ậm ừ, ngu dại mới là Tấc, còn khôn ngoan đã là người khác rồi. Chị không tham danh, không tranh thủ, chị làm vì sợ văn hoá dân tộc sẽ hư hao, thiếu hụt. Chị bảo, chị sắp trốn việc... Chị sẽ đổ họp hành, giao ban, các công việc xã giao cho phó, để chị đi xuống bản, ở đó chị có tình yêu người bản.
Tôi cầm trên tay cuốn thơ những người mẹ núi của chị, đọc mãi không chán. Những câu thơ lộc khà lộc khộc, cái cách mà chị viết để lý giải tên mình cũng lạ lùng: Cha mồ côi/ Mẹ mồ côi/ Lấy nhau mơ Tấc đất cắm dùi/ Ước mơ/ Vận vào tên tôi/ Đất làng chật chội/ Cha mẹ mang dùi lên cắm núi/ Mọc dễ/ Thành cây.
Ngồi với chúng tôi hơn 1 tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng chị cười rất to, thỉnh thoảng lại nói nhẹ như hơi thở. Những câu chuyện của chị kể lúc vui vẻ, hóm hỉnh, lúc lại se sắt lòng người. Hút tổng cộng 18 điếu thuốc lào. Chị thở ra 1 câu nói, nhẹ vương như khói thuốc không chu toàn được mọi thứ, vừa đúng vừa xa xót. Có một khắc chị Tấc cũng chỉ vào mặt tôi mà rằng mày là con gái, mày cũng làm báo, nếu hết mình với nó thì cay cực lắm.... Bây giờ nhớ lại mỗi câu chị nói như xắt vào tim tôi, mỗi khi 1 mình nhớ lại, một mình nhớ chị, trong bất giác tôi hay gọi nghề ơi? đời hỡi?
 
 
Tĩnh Phan