Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lẽ sống của anh

Nhà văn Phùng Văn Khai
Thứ bẩy ngày 31 tháng 1 năm 2009 6:12 AM

Lời tác giả: Trong hơn mười năm làm phóng viên Quân đội, tôi đã chứng kiến rất nhiều sự hy sinh của những người lính trẻ khi thực hiện nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo, nhưng có lẽ sự hy sinh tính mạng của Thượng úy Đặng Đình Hào trong đợt đắp đập cứu dân vừa qua tại Gia Tường, Nho Quan, Ninh Bình mãi ám ảnh tôi. Không hiểu sao, trong những ngày xuân ấm cúng này, tôi luôn day dứt về sự hy sinh ấy. Tôi viết bài này như một nén hương thơm tưởng nhớ đến người đồng đội trẻ của mình…

 
Ngồi trước mặt tôi là một người đàn ông nhỏ thó gần 70 tuổi. Ông ngồi lặng chìm trong những suy nghĩ dường như quá sức với một người cha. Đứa con của ông, cũng là đồng đội của chúng tôi vừa hy sinh trong đợt giúp dân đắp đập ngăn lũ. Đập vỡ, người lính quả cảm bị cuốn xoáy trong dòng nước hung tợn giữa đên khuya sau nhiều giờ dầm mưa vác đất.
 
Anh hy sinh trong đau xót tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng đội. Phía bàn bên kia, người mẹ đang nấc nghẹn trong những câu nói đứt nối về đứa con trai của mình, đứa con ngoan hiền nhất Xóm 4 vùng chiêm trũng Khánh Thủy - Yên Khánh - Ninh Bình. Nỗi lòng của mẹ trong lúc này càng cho chúng tôi hiểu thêm về những hy sinh mất mát vô bờ bến của những người mẹ trong các cuộc chiến tranh, và ít người là ở ngay trong thời bình này. Trong nước mắt, mẹ Nguyễn Thị Thùy, cô giáo viên có thâm niên hơn ba mươi năm dạy học kể về những ngày ấu thơ cơ cực của những đứa con, trong đó có anh - liệt sỹ - Thượng úy Đặng Đình Hào (ảnh). Có những lúc, đoàn công tác chúng tôi và gia đình im lặng đến hàng phút. Biết nói gì với nhau ở những giây phút như thế này. Phía góc nhà, người vợ trẻ hai mươi tư tuổi đang lịm đi trên cánh võng bộ đội còn ấm hơi người chồng mới hy sinh. Cậu bé vừa sinh, con của vợ chồng Hào-Bích mới được sáu tháng tuổi vẫn thản nhiên nô đùa, dường như nó chưa biết những người lớn nghĩ gì và việc gì đã xảy ra. Nó không biết nỗi đau đang vò xé ông bà, mẹ nó, hàng xóm láng giềng và những người lính. Một đồng đội của tôi đến bên chú bé. Nó mân mê đôi cầu vai quen thuộc và nghịch những ngôi sao trên ve áo. Một câu nói nhỏ ấm cất lên sát người vợ trẻ: Em phải cố lên nhé. Phải xứng đáng với sự hy sinh của anh Hào. Anh em, đồng đội đang nguyện sẽ học tập lòng dũng cảm của anh ấy. Người phụ nữ rịn ra những giọt nước mắt, chị không thốt lên lời. Đã mấy hôm chết đi sống lại. Có khi cả ngày chị không nói năng gì. Sao ông trời lại ác nghiệt làm vậy với mẹ con chị. Đứa con nhỏ vẫn nghịch những ngôi sao. Những ngôi sao thân thuộc của nó và bác bộ đội đây đích thị là bố chứ còn gì nữa. Người lính cũng rơi ra giọt nước mắt. Đứa bé không biết những người lớn đang khóc. Nó rúc rúc vào người mẹ, nhoẻn nụ cười mụ dạy. Người lính đứng lên đi về phía ban thờ thắp một lén hương. Khói hương vẽ lên tường nhà những vệt khói ngoằn ngoèo, mỏng mảnh. Người trong ảnh là một thượng úy còn rất trẻ, năm nay anh 31 tuổi, cái tuổi với bao nhiêu ước mơ, khát vọng, hăm hở thực hiện lẽ sống của mình, lẽ sống của người chiến sỹ.
Người cha bảo ngày bé anh là một đứa trẻ rất ngoan, thường nhịn bè bạn, anh em và học rất giỏi. Người mẹ bảo những ngày cơ cực ấy anh lam làm, thương yêu mọi người và nhất là rất yêu mẹ. Mới mấy tuần trước anh vẫn còn sà vào lòng mẹ, cái dáng cao lớn của anh lộc ngộc bên vóc dáng nhỏ gày của mẹ. Mẹ mắng yêu anh mà trong lòng ấm áp. Người cha bảo từ khi vào bộ đội anh đã trưởng thành rất nhiều, biết lo toan công việc trong họ, ngoài làng, biết kính trọng người già, nhường nhịn các chị, các em và sởi lởi, vui tính lắm. Người cha đang tính sẽ lên thăm nơi ăn chốn ở của con. Khi ấy, ông sẽ cảm ơn chỉ huy, đồng đội đã rèn luyện lên một người lính thực thụ, cho ông tự hào về con. Người mẹ khóc bảo vợ chồng mình mai kia vẫn cứ lên thăm nó, thăm các anh, các chú ấy, cứ coi như nó vẫn đang công tác ở đơn vị ông ạ. Ông nhìn vào mắt nó xem, nó đang thầm nói với vợ chồng mình thế đấy. Mẹ chấm chấm hốc mắt. Đã bao nhiêu nước mắt mẹ rơi và nước mắt mẹ sẽ còn rơi bao nhiêu nữa? Cuộc đời cha mẹ đã cho anh, cho chúng tôi hiểu thêm lẽ sống ở đời.
 
Bộ đội Binh đoàn Quyết Thắng giúp nhân dân huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá xả lũ, chống ngập trong cơn bão số 5 (tháng 10-2007). (ảnh: QDND)
 
 
Chiều hôm trước, tôi ngồi với Thiếu tá Nguyễn Đức Hưng, Chủ nhiệm chính trị Đoàn xe tăng H02 - Quân đoàn I, đơn vị công tác của Thượng úy Đặng Đình Hào. Ngoài trời mưa rả rích, sau khi vượt vài chục cây số bằng xe máy qua nhiều quãng đường lầy lội mới đến được “công trường” H02. Sở dĩ gọi là “công trường” vì toàn đơn vị đang cật lực lao động làm đường trong doanh trại tiến tới lễ kỷ niệm 50 năm. Hai phần ba quân số vừa luân phiên làm đường vừa vào đồi đào hầm xe tăng trong rừng để chuẩn bị cho diễn tập. Nhắc đến cái đêm anh Hào hy sinh, thiếu tá Hưng trầm hẳn xuống, khác hẳn với bản tính luôn sôi sùng sục của anh. Anh mời hai chiến sĩ trực tiếp bơi ra cứu Thượng úy Hào trong biển nước, trong đêm đen mịt mùng đến gặp tôi. Qua câu chuyện của các anh, các chiến sĩ, tôi dần dần hình dung được sự hy sinh dũng cảm của anh…
 
 Doanh trại Đoàn H02 1giờ 45 phút đêm 1 tháng 11.
Tín hiệu báo động khẩn cấp phát ra toàn đơn vị.
Trời tối mịt mùng. Mọi người chìm trong giấc ngủ sau một ngày lao động và huấn luyện mệt mỏi nhanh chóng vùng dậy theo hiệu lệnh. Bóng những chiến sĩ lao vun vút trong đêm mưa về khu tập trung. Mệnh lệnh của thủ trưởng quân đoàn là đơn vị lập tức hành quân lên đường cứu đập Gia Tường -  Nho Quan. Đập sắp vỡ. Những người lính im phăng phắc, trong tim ai nấy sôi lên khi hình dung cảnh bà con đang chiến đấu với giặc nước. Sau khi đọc mệnh lệnh, 100 cán bộ chiến sĩ lập tức hành quân xuyên đêm đen, xuyên mưa gió tiến về biển nước đang ngày một dâng cao uy hiếp con đập mỏng manh.
 Đập Gia Tường 2 giờ 30 phút.
Trời đen đặc, sát nhau không trông thấy gì, con đập như một con trăn khổng lồ đang oằn mình chống cự sức nước mỗi ngày một lên ào ạt. Các lực lượng hội ý chớp nhoáng, 100 cán bộ, chiến sĩ Đoàn H02 mau chóng chia làm hai thê đội tiến vào vùng xung yếu. Trung tá Nguyễn Bá Ngọc, Phó trung đoàn trưởng -Tham mưu trưởng dẫn đầu thê đội một gồm 50 đồng chí tiến vào đoạn đập xung yếu nhất. Thân đập ùng ình lùng bùng chuyển động dưới chân, một số đoạn nước đã tràn qua, một số đoạn bà con đang kêu gọi í ới vật lộn với giặc nước. Các chiến sĩ nhanh chóng, hối hả vác bao cát đắp vào những chỗ bị sạt nước tràn. Trời vẫn mưa xuống. Nước vẫn dâng lên. Những chiến sĩ thoăn thoắt chuyền tay nhau từng bao cát chặn dòng nước hung hãn. Nước càng ngày càng lên dữ dội, những người lính gội mưa gió trong bùn đất nhão nhoét sau hàng tiếng đồng hồ vật lộn đã thấm mệt mà nguy cơ vỡ đập dường như đang hiện rõ. Ở điểm nguy hiểm nhất, một con sóng ào lên đánh sạt những bao cát lớn ngay dưới chân Đặng Đình Hào. Anh hô lên: “Các đồng chí mau vác bao cát vào đây” và tự mình vác bao cát lao đến chỗ bị sạt. Anh vừa chèn bao cát vào đó thì ùng ình, ục… đất đá sụt dưới chân, dòng nước hung tợn thắng thế phá toang con đập mỏng manh cuốn phăng anh vào xoáy nước. Ở một độ chênh gần năm mét nước, chỗ vỡ như một con thác ngầu đất cát cuốn phăng mọi thứ dìm xuống tút hút. Mọi người kêu to: Chết rồi! Vỡ đập rồi các đồng chí ơi! Có người bị nước cuốn rồi! Trung tá Nguyễn Bá Ngọc hô lớn: Có đồng đội đã bị nước cuốn, có đồng chí nào bơi giỏi không? Có tôi! Có tôi! Tiếng những người lính vang lên đáp lại tiếng hô của chỉ huy. Trung tá Nguyễn Bá Ngọc hét lớn: Cột chão vào người rồi hãy tiến ra! Các đồng chí cẩn thận! Tiếng nước réo ùng ục, tiếng người í ới trong đêm đen, không khí vô cùng căng thẳng…
… Ngồi bên cạnh tôi là thiếu úy Nguyễn Quốc Tiến và trung sĩ Nguyễn Quốc Việt, hai người có mặt và xung phong bơi xuống cứu đồng đội mình lúc ấy. Khi đập vỡ, Nguyễn Quốc Việt lập tức bị nước cuốn phăng ngay sau Đặng Đình Hào. Là một người giỏi bơi lội quê biển Tiền Hải, Thái Bình, sau cơn choáng váng đầu tiên, trong dòng nước xiết, trung sĩ Việt lựa dòng nước bơi vòng về phía cồn nổi bên cạnh loi ngoi cỏ lác. Đang bơi, Việt phát hiện có người đang bị xoáy nước cuốn nhờ chiếc áo phao phản quang lóa nhóa. Việt nhào đến xốc vào nách đồng đội. Khi ấy, Đặng Đình Hào đã bị choáng ngất. Việt hô lớn: Cứu! Cứu tôi! Có người bị nước cuốn! Tiếng của Việt bị át đi trong tiếng nước ùng ùng. Việt vừa dìu vừa níu người bị choáng không cho dòng nước đẩy ra xa. Khi sắp kiệt sức cũng là lúc Nguyễn Quyết Tiến và Trần Văn Phú đến được bên hai người. Đồng đội phía trên kéo các anh lên và lập tức sơ cứu sau đó đưa Đặng Đình Hào đến bệnh viện đa khoa Nho Quan cấp cứu. Do va đập quá mạnh giữa dòng nước xiết và uống nhiều nước cộng với dầm mưa gió kiệt sức, Đặng Đình Hào đã hy sinh vào 6 giờ 30 phút. Đó là rạng sáng ngày 1 tháng 11 năm 2008, khi anh tròn 31 tuổi.
 Thiếu uý Nguyễn Quốc Tiến và trung sĩ Nguyễn Quốc Việt rơm rớm và dường như chưa hết bàng hoàng sau cái khoảnh khắc ghê gớm ấy. Tiến bảo: Thường ngày anh Hào sôi nổi lắm. Em biết anh Hào đã lâu và cũng từng là chiến sĩ của anh. Trưởng thành từ trưởng xe tăng T54 rồi được đi học khóa trung đội trưởng chỉ huy, anh Hào rất hiểu chiến sĩ đặc biệt là các thành viên trong kíp xe nên trong công việc cũng như ngoài đời, khi giữ cương vị Phó đại đội trưởng Kỹ thuật anh rất hòa đồng với anh em chiến sĩ. Chiến sĩ xe tăng vác nặng nói to bỗ bã với nhau nhưng thương yêu nhau lắm anh ạ. Bọn em cũng đang chuẩn bị đào hầm xe tăng phục vụ diễn tập mà cái khoản hầm hào anh Hào rất giỏi. Bây giờ anh ấy hy sinh, chúng em như thấy mất mát một cái gì quá lớn trong chặng đường phía trước. Ai ngờ được, sĩ quan xe tăng cứng cựa lại hy sinh trong biển nước như thế. Nhân cách và tấm lòng của anh đã cho chúng em thêm sức mạnh và hiểu thêm lẽ sống ở đời. Trung sĩ Nguyễn  Quốc Việt hốc hác nhiều sau những ngày vật lộn với mưa lũ và chứng kiến sự hy sinh của người anh, người đồng đội nhiều lúc cứ thảng thốt, ngơ ngác. Cùng trong đoàn tuyển thủ vừa tham gia hội thao TDTT cấp Quân đoàn, Việt nhớ về những kỹ năng và sự chăm chỉ luyện tập của anh Hào. Phong cách thể thao cũng giống như tính nết con người, ở anh Hào luôn toát lên lòng quyết tâm và tinh thần cầu thị mỗi khi thi đấu và luyện tập. Đoàn tuyển thủ mất đi một trụ cột. Việt như thấy mất đi một cái gì mà ở lứa tuổi 20 của mình nó quá lớn nao. Việt tâm sự thêm: Em càng quyết tâm phục vụ lâu dài trong quân đội anh ạ. Tôi bỗng thấy suy nghĩ và hành động của những người lính saoquá đỗi giản dị, bình thường mà chỉ khi đứng trước ranh giới cái sống và cái chết họ mới bộc lộ hết.
Buổi tối ở Đoàn H02.
Trời vẫn mưa nặng hạt, báo hiệu mưa gió sẽ còn tiếp biến dai dẳng.
Đêm xuống rất nhanh, điện mất từ chiều, chúng tôi quây quần bên nhau trong ánh nến phập phù chỉ trực tắt ngóm. Trung tá Ngưyễn Bá Ngọc, thiếu tá Nguyễn Đức Hưng và một số anh em vừa mới trở về sau khi kiểm tra hầm hào cho cuộc diễn tập vào ngày tới. Anh Ngọc bảo: Thằng Hào nó hy sinh bất ngờ quá. Lúc đang dầm mưa cùng với anh em, khi đập quá núng đã chuẩn bị phương án xả lũ thì vỡ đập. Lúc bị nước cuốn chắc nó đói và rét lắm. Anh em ai cũng đói rét cả. Báo động đi giữa đêm có kịp ăn uống gì đâu. Đã nhiều lần chứng kiến anh em hy sinh ở Trường Sa thời tôi ở đấy thì đây là lần xúc động nhất. Thời nào và ở đâu, những người lính của chúng ta vẫn chịu nhiều gian khổ, hy sinh. Giọng anh nghẹn đi, một người nổi tiếng nóng nảy Trương Phi như anh bỗng chốc ắng đi đến hàng phút. Cũng nóng tính và luôn sôi sùng sục mà đã lâu, thiếu tá Hưng không nói một câu nào. Tôi nâng ly rượu nhỏ và đề nghị mọi người nâng ly tưởng niệm anh Hào, người đồng đội mà cho đến lúc ấy tôi chưa hề nhìn thấy mặt, cho dù là qua một tấm ảnh. Nhưng tôi vẫn mường tượng ra anh, người con vùng chiêm trũng quê Khánh Thuỷ – Yên Khánh – Ninh Bình với vẻ mặt hiền từ luôn nhường nhịn đồng chí đồng đội và sôi nổi trong các hoạt động phong trào. Anh hẳn phải là một người cẩn trọng và tỉ mỉ khi đảm đương công tác kỹ thuật của một đại đội tăng. Từng là người lính xe tăng, tôi rất hiểu những vất vả, cực nhọc của các anh. Anh hẳn phải là một người con ngoan, một người chồng tốt và một người cha rất yêu đứa con mới chào đời của mình. Ở tuổi ba mươi mới có con, cái giây phút làm cha chắc là thiêng liêng lắm. Mọi người không ai bảo ai đều im lặng.
Suốt đêm ấy chúng tôi lục xục không ngủ, ai nấy đều đeo đuổi những suy nghĩ riêng tư của mình, ai cũng nghĩ đến anh, một người lính tuổi ba mươi ngã xuống giữa dòng nước xiết để lại người vợ trẻ hiền mới hơn hai mươi và đứa con trai sáu tháng tuổi. Cháu sẽ lớn lên mà không có vòng tay của bố nhưng chắc chắn cháu sẽ được ở trong vòng tay của hàng chục, hàng trăm đồng đội của anh. Ban chính trị gần như thức trắng đã nhiều đêm lo bộn bề công việc. Tôi cũng không ngủ được. Ngoài trời mưa và rét. Vội vã nhận nhiệm vụ công tác, tôi không kịp mang theo một thứ gì. Tôi đến bên các anh, đồng đội của anh Hào, cùng tham gia một số văn bản đề nghị trong việc của anh và sáng mai dù mưa gió hay bão lũ chăng nữa, dù đi bằng phương tiện gì cũng phải đến thắp cho anh Hào nén hương. Các anh nhìn tôi, một cái nhìn ấm áp và tin cậy. Các anh hẳn đã làm nhiều báo cáo, thế mà hôm nay luôn phải cân nhắc, đắn đo từng chữ, từng câu, trĩu nặng, bồn chồn…
...Đoàn 202 nhận được thông báo của UBND và Ban Chỉ huy quân sự huyện Nho Quan về tình hình nước lũ đang dâng mạnh có nguy cơ ngập làm vỡ đê đập tràn tại hai xã Gia  Tường và Đức Long lúc 19h30 ngày 31/10/2008.Đoàn nhận lệnh của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân đoàn sẵn sàng cơ động ứng cứu giúp nhân dân huyện Nho Quan. Đúng 1h45, với quân số 100 cán bộ, chiến sĩ và đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ của Đoàn đã cơ động đến xã Gia Tường huyện Nho Quan lúc 2h30 đề giúp đỡ nhân dân. Trong điều kiện đêm tối, trời mưa to, song với tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ, chiến sĩ Đoàn đã cùng với lực lượng ứng cứu tại chỗ của địa phương vận chuyển đất, cọc tre để lấp các vị trí rò rỉ và nơi có nguy cơ vỡ đê đập tràn xả lũ. Mực nước ngày một dâng cao, cán bộ, chiến sĩ Đoàn và địa phương tập trung mọi nỗ lực để cứu đê đập tràn xã Gia Tường. Đồng chí Trung uý Đặng Đình Hào - Phó đại đội trưởng kỹ thuật, đại đội 2, tiểu đoàn 66 chỉ huy và cùng đơn vị tổ chức ngăn chặn nước chảy thì bất ngờ đoạn đê nơi đồng chí Hào đang ngăn chặn bị vỡ, nước lũ mạnh đã cuốn trôi đồng chí Hào vào lúc 4h30. Đơn vị đã kết hợp với địa phương tìm kiếm và cứu chữa sơ bộ, sau đó đưa đồng chí Hào đi cấp cứu tại bệnh viên đa khoa huyện Nho Quan. Song do thời gian bị ngạt nước lâu nên đã không qua khỏi và đồng chí đã anh dũng hy sinh lúc 6h30 cùng ngày...
Báo cáo làm xong thì trời cũng vừa sáng.
Tờ mờ sáng. Trời mưa rả rích, bầu trời xám ngoét ập xuống mặt đường ngổn ngang đất đá.
Những hạt mưa quất rát rạt vào mặt, tay tôi. Chúng tôi hành quân đến nhà anh bằng xe máy băng qua những vùng đất trũng. Có những đoạn không đi nổi hai anh em phải đẩy xe sục trong bùn nhão nhoét. Bao nhiêu ổ trâu ổ voi và có những đoạn không còn nhìn thấy con đường sẽ tiến về đâu. Chỉ đá hộc thỉnh thoảng nhô lên ngáng đường, có khi chúng còn nằm phục trong những vũng bùn. Như hai con trâu đằm trong mưa gió lấm bùn từ đầu đến chân, tôi ôm khư khư cái cặp chỉ sợ nó rơi xuống vũng bùn hỏng tài liệu ghi chép được về anh. Còn vài chục cây số nữa mới đến nhà thì tôi và anh Toản, trợ lý dân vận đoàn H02 sa vào một vũng lầy tưởng chừng không vượt sang bên kia được. Chúng tôi khấn thầm anh phù trợ và dùng hết sức đẩy chiếc xe giờ như không còn hình thù gì sang phía bên kia đoạn đường lầy. Đến gần trưa, chúng tôi mới đến được Xóm 4- Xã Khánh Thủy quê anh và ngồi bên người cha, người mẹ mất con, ngồi bên vợ và đứa con nhỏ của anh, ngồi bên các anh các chị. Chúng tôi ngồi và trò chuyện rất nhiều về anh mà trong ấy phần lớn là những độc thoại nội tâm vì chúng tôi, những đồng đội của anh đã không ít lần đứng trước những đau thương mất mát như thế này. Trong suốt cuộc trò chuyện phần lớn là không lời ấy, tôi như thấy được những giọt nước mắt của người cha thầm lặn vào bên trong, trái tim ông hẳn là đau đớn lắm khi nói về tuổi thơ đói kém, lam lũ, cơ cực của mình, của gia đình mình. Người cha vốn xuất thân giáo viên đôi vai lún thấp xuống trước sức nặng những đớn đau số phận mà ông không thể ngờ rằng lại phải trải ngay vào ngày hôm nay, khi vợ chồng đang dần bớt vất vả lo toan, các con đang trưởng thành, các cháu đang sinh sôi đầm ấm, hạnh phúc. Nhưng ông cũng hiểu rằng, lẽ sống của con ông, người liệt sĩ trong thời bình này đã là một cái gì đó rất thiêng liêng không còn của riêng gia đình ông nữa. Đứa con trai đã trưởng thành của ông đang thắp cho ông một ngọn lửa, niềm tin vào những cái lớn lao hơn ở cuộc đời. Anh là người lính, anh là BỘ ĐỘI CỤ HỒ mà nhân dân hằng tin tưởng. Hành động cũng là lẽ sống của anh đã và đang góp phần soi rọi những bước đi mạnh mẽ của cả một thế hệ trẻ trong đời sống hôm nay.
 
PHÙNG VĂN KHAI