Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chữ nghĩa trong Văn Miếu

Phan Quế
Thứ tư ngày 28 tháng 1 năm 2009 8:52 PM

Ông bà ta xưa chọn cho cái gác gỗ sơn son trong Văn Miếu rồi đặt tên là Khuê Văn Các hẳn có ý nhắc nhở các bậc tu mi nam tử mỗi lần đến đây rằng chốn này là nơi chỉ đón chào những người hiếu văn, hiếu học.
Năm nào cũng vậy tôi cũng có đôi ba lần ghé thăm Văn Miếu. Địa chỉ văn hóa lớn này của Hà Nội nghìn năm văn hiến đâu phải chỉ cuốn hút riêng tôi, cuốn hút riêng những con dân đất Việt dù ở trong nước hay đang là người xa xứ mà còn là nơi viếng thăm, nơi tìm hiểu, nơi muốn biết của các du khách, các học giả và chính khách nước ngoài khi đến Việt Nam.
Năm nào tôi cũng có bài viết về Văn Miếu nhưng sau đó lại cảm thấy như mình còn mắc nợ về một điều đã nghĩ nhiều mà chưa nói ra được bằng lời, bằng chữ. Đó là vẻ đẹp của chữ nghĩa mình đã gặp, đã được nghe các bậc sành nho luận đàm, bàn giải ở đây.
Tại miền linh tự này, Văn Miếu luôn luôn tạo cho người đến thăm nét cổ kính lâu bền lại luôn luôn mới mẻ trong cảm xúc. Văn Miếu là chốn hành hương trong tâm thế muốn được gạn lọc và giãi bày của rất nhiều người.
Về đất học thiêng liêng này bước chân đầu tiên cũng là ánh mắt đầu tiên ta nhận ra Văn Miếu Môn bằng Hán tự xưa khi ngước mắt lên nhìn. Cúi xuống trước khi bước tiếp ta gặp hai bên tả hữu cửa là hai tấm bia nhỏ có  dòng Hạ Mã. Đây là những chữ Hán nguyên gốc cổ được phiên ra âm Hán - Việt. Nếu dịch Văn Miếu Môn là cổng vào Văn Miếu là rất đúng nhưng e chừng nôm na đơn giản.
Còn nếu nhìn rồi đọc lên theo âm Hán Việt ta cảm thấy sau ba chữ Văn Miếu Môn là gì đó thâm nghiêm, sang trọng. Nhất là dưới ba chữ đó ở hai bên lại có hai từ Hạ Mã đứng canh như một phép tắc khi vào cửa Thánh. Với hai từ Hạ Mã này không ai đến đây lại nghĩ từ đó chỉ nguyên nghĩa là xuống ngựa!
Sau cổng chính Văn Miếu Môn là Đại Trung Môn. Đấy là cổng chính đón rước khách. Cái cổng có tính lễ nghi này không gây ấn tượng nhiều cho ta bằng hai cổng nhỏ hai bên với tên cổng đầy tính hướng tâm, hướng chí đó là Thành Đức Môn và Đạt Tài Môn.
Thành Đức và Đạt Tài luôn luôn là mong muốn cùng khát vọng của kẻ sĩ, của nhân hiền, của người ham học khi muốn làm một công việc đắc nhân tâm gánh vác việc dân, việc nước kể cả những ai có hoài bão lớn muốn tề gia trị quốc bình thiên hạ theo nghĩa đẹp nhất của nó. Mỗi năm mùa xuân, người đến đây xin chữ khi đến trước cổng này ngước nhìn lên là đã nhận được chữ của Văn Miếu cho rồi.
Sau Đại Trung Môn là Khuê Văn Các. Đây cũng là một cổng vào của Văn Miếu nhưng kiến trúc lại giàu màu sắc lầu gác hơn. Nó được xây dựng theo kiểu nhà chồng diêm. Đỡ cho lầu gác phía trên là 4 trụ gạch vuông làm cột nhà cũng là cột cổng ra vào. Bên trên cổng là 8 mái kiểu lầu vuông có 4 cửa sổ hình tròn tượng trưng cho mặt trời với vòng quanh là tượng hình những tia nắng tỏa sáng.
Khuê Văn Các dịch nôm là cái gác mang tên sao Khuê. Sao Khuê là vầng sáng của tinh tú đại diện cho vẻ đẹp của văn hóa nói chung và văn học nói riêng. Văn là tâm của người. Xưa kia và bây giờ vẫn vậy. Văn học là nhân học, là nơi tìm hiểu về con người.
Nhìn Khuê Văn Các ta lại nhớ câu thơ của vị vua sáng nhà Lê có dòng chữ dâng tặng Tiên sinh Nguyễn Trãi: Ức Trai Tâm Thượng Quang Khuê Tảo - Ngụ ý ngợi ca tấm lòng và nhân cách Nguyễn Trãi cao sang, sáng đẹp như ngôi sao Khuê vào buổi ngày lúc sắp qua đêm để đón ban mai.
Ông bà ta xưa chọn cho cái gác gỗ sơn son này rồi đặt tên là Khuê Văn Các hẳn có ý nhắc nhở các bậc tu mi nam tử mỗi lần đến đây rằng chốn này là nơi chỉ đón chào những người hiếu văn, hiếu học. Chả thế bên cạnh lối vào qua Gác Sao Khuê lại có thêm 2 cửa nhỏ mang tên Súc Văn và Bí Văn.
Súc là chữ nghĩa giàu có thể hiện sự sung túc, và Bí cũng vậy - thể hiện sự sáng đẹp trong lung linh huyền diệu của những giá trị tinh thần trên. Như vậy là ai qua hai cửa này, nhìn chữ nơi mặt cổng chí ít cũng phải cầu phải mong cho mình có được một chút Súc Văn và Bí Văn để không hổ thẹn trước sách đèn khi được đứng dưới vòm sáng của Khuê Văn Các.
Thật hoàn hảo khi dưới bóng Khuê Văn Các là vuông vức một khoảng mặt đất ánh nước như tấm gương thu vào vẻ đẹp của sao, của trời với cái tên chữ Hán là Thiên Quang Tỉnh. Với đôi bên giếng Trời là 82 tấm bia tiến sĩ làm thành đôi hàng tiêu tự sang trọng trong quyền uy của nền học vấn cha ông nhằm giữ gìn, tôn tạo và phát triển cho đạo học của đất nước.
Tấm bia đầu tiên khắc tên những người đỗ Tiến sĩ  nhằm khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3, năm 1442 đời Vua Lê Thái Tông là do Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung biên soạn. Thân Nhân Trung là người đỗ Tiến sĩ năm 1469 khoa Kỷ Sửu. Trong văn bia đầu tiên này có những câu chữ tiêu biểu, hàm súc về sự học và cái quan trọng của sự học:
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Vì thế thánh đế minh vương không ai không coi việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí là công việc hàng đầu…
Câu dẫn trên của văn bia do Tiên sinh Thân Nhân Trung vâng mệnh vua soạn nguyên văn chữ Hán đã được phiên âm dịch nghĩa ra tiếng Việt và được trình bày trên giấy để trong nhà Thái Học. Thiết nghĩ  đây là một đoản văn kiệm chữ nhưng giàu nghĩa, sức lan tỏa rộng, có ích cho mọi người và cho mọi đời khi muốn nói về nhân tài và sự quan trọng của việc đào tạo tri thức, của học hành.
Câu chữ vàng son ấy nếu chỉ đứng khiêm tốn như vậy trong góc nhà Thái Học e rằng muôn người không được tận hưởng nét thâm hậu và quảng bác trong lời dạy của cha ông xưa. Nên chăng, trong khuôn viên Văn Miếu và cả trên những không gian văn hóa khác nữa ta chọn nơi thật trang trọng viết lại những lời dạy này, khắc lại những lời dạy này để con cháu được đọc, được hiểu, được ngẫm trước những lời quý hơn châu báu ấy của cha ông.
Nhà thờ chính của Văn Miếu thờ Đức Khổng Tử. Trên đầu ngài có bức hoành phi sơn thếp sang trọng nổi lên dòng chữ Vạn Thế Sư Biểu ngợi ca Đức ông là người thầy giáo vĩ đại tiêu biểu của muôn đời.
Đức Khổng Tử là người Trung Quốc nhưng sự nghiệp dạy chữ và rèn người của ông đã thuộc về phương Đông, thuộc về nhân loại. Thờ ông và khắc chữ tụng ca công đức ông, một người không phải người Việt Nam để thấy sự học của người Việt không chỉ bó hẹp trong lãnh thổ mà mở mang, tiếp thu những tinh hoa nhân loại để phụng sự cho nền học vấn của dân tộc mình.
Mỗi lần đến Văn Miếu, ngay nhà Đại Bái, cửa lễ lớn đầu tiên trong chốn Khổng Trình này tôi thường ngước mắt nhìn lên chỗ gần chái nhà bên phải để ngắm  một bức hoành phi nơi xà ngang, màu sơn thếp đã cũ nhưng vóc chữ vẫn nổi lên bốn khối Hán Tự đẹp: Cổ Kim Nhật Nguyệt.
Bức hoành phi này được cụ Nguyễn Nghiễm thân phụ đại thi hào Nguyễn Du làm cùng quả chuông Bích Ung cung tiến cho Văn Miếu năm 1768. Bức hoành phi ở trên cao có vẻ khuất lấp và chữ nghĩa của bức hoành phi như chẳng có gì nếu dịch nó ra theo cách nôm na. Ngày tháng xưa nay hoặc cũ mới và năm tháng. Rộng ra là mặt trăng mặt trời, là âm và dương với thời gian trôi đi trong cũ mới của xưa nay, trong cái dằng dặc của thời gian và sự chuyển đổi của không gian. Cao sâu hơn nữa là vầng sáng vĩnh hằng của đạo học và sự học! Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy là chưa đủ, chưa thấu…
Giữa ồn ã của cuộc mưu sinh ta vẫn luôn luôn có nơi để được nhẩm đọc câu Hạ Mã khi vào chốn thiêng, biết ngước nhìn vầng mặt trời trên Khuê Văn Các, soi mặt nơi Thiên Quang Tỉnh, trang trọng đọc câu Hiền tài là nguyên khí của quốc gia và ra về cứ nhẩm mãi câu của bậc túc nho xứ Tiên Điền mà thấy trân trọng biết bao trước cái nôi của sự học đất nước trong Cổ Kim Nhật Nguyệt của thời gian, không gian, vũ trụ và con người.
Mỗi ngày càng mỗi thấm hơn vẻ đẹp chữ nghĩa chốn Miếu Văn, nơi mà mình mới chỉ biết chỉ hiểu được phần nào trước nguồn di sản lớn lao, vô giá cha ông để lại