Trang chủ » Truyện

VỀ VỚI BA VÌ-NÚI TẢN

Vinh Anh
Thứ sáu ngày 24 tháng 9 năm 2010 10:07 PM

     Ký
Ồn ào một dạo, sôi động một dạo vì trục tâm linh, vì sự linh thiêng, vì những gì trong chiều sâu ẩn chứa của mỗi con người. Núi Tản nơi Sơn Tinh bay về trời hoá Thánh, vị Thánh thứ nhất trong tứ bất tử của dân ta, trong những ngày này cũng được nói đến nhiều hơn. Sự mẫn cảm, linh thiêng và lòng kính trọng trong tâm của người Việt như được khơi gợi lại. Một huyền thoại cổ xưa từ bao ngàn năm lại được nhắc đến. Con cái chúng ta và cả chúng ta nữa trong những ngày này như được sống cùng với lịch sử, hiểu biết rành rẽ hơn và tất nhiên sâu sắc hơn.
Chúng tôi về Ba Vì, ban đầu không bởi sự linh thiêng. Về để tìm một người bạn, đồng đội cùng sống với nhau trong những ngày chiến tranh. Kỷ niệm về chiến tranh không dễ phai với  những con người thuộc thế hệ chúng tôi. Lứa đó đến hôm nay, đều đã qua tuổi sáu mươi. Các cụ xưa nói, đã qua tuổi trời cho. Giờ đây đã lên lão cả.
Vi vu đường nhựa. Trời khô ráo. Thu vừa vào. Nắng hè vẫn còn lưu luyến đâu đây. Cây bên đường xanh ngắt toả bóng mát và bầu trời xanh ngắt lững thững mây. Gió nhẹ. Thanh thản và tràn trề hi vọng chuyến đi sẽ thành công.
Một sự trùng lặp. Đơn vị của chúng tôi ngày xưa cũng xuất phát về hướng trời Nam chính từ Núi Tản-Ba Vì, điểm đầu tiên hành quân lên đường chống Mỹ của trung đoàn Pháo binh chúng tôi. Nghĩa là trước khi lên đường, chúng tôi được rèn rũa ở Ba Vì.
Ngày đó, cái độ năm 1966 đó, chúng tôi khí thế lắm và cũng măng tơ lắm. Tất cả chỉ mười tám đôi mươi. Tài, người bạn mà chúng tôi định đến thăm hôm nay, ngày đó mới hai mươi. Vừa lấy vợ, một cô gái mười tám có cái tên rất đẹp, Định Thị Hồng Tiên.
Phải nói thêm, hai đứa chúng tôi (tôi và Điệp) về tìm bạn không có một địa chỉ rõ ràng. Địa chỉ của bốn chục năm về trước đã thay đổi sau những lần hợp vào tách ra và cái điểm chuẩn chính là núi Chẹ, cái hòn núi nhỏ xinh như hòn non bộ đặt trên một bãi đất bằng phẳng, rià con sông Đà hung dữ với muôn vàn thác ghềnh hùng vĩ và hiểm trở. Xa xa là ngọn Ba Vì, trong nắng thu sớm, nhìn rõ mồn một ba ngọn uy nghiêm với cả sự linh thiêng thần bí.
Trước khi về đến quê của bạn chúng tôi, xe máy chúng tôi len lỏi trong khu rừng và những thôn làng gần Đá Chông-K9, một địa danh lịch sử nổi tiếng ngày nay, nơi Bác Hồ chọn làm ATK bí mật. Một địa danh thể hiện được mọi tính ưu việt: gần với dân, gần với núi, gần với sông, gần cả với đường bộ, nhưng lại vẫn giữ được sự cách biệt với tất cả, bí mật với tất cả. Ngày nay, để phục vụ dân sinh, các con đường mòn xưa đã được phủ bê tông nhẵn bóng, chỉ đôi chỗ đi tắt, chúng tôi mới phải đi trên đường đá dăm. Vừa đi vừa ngắm địa thế nơi đây, một nơi “sơn cùng thuỷ tận” của ngày xưa, nơi mà Thánh Tản- Sơn Tinh ngự trị, thấy nao nao một nỗi niềm với tổ tiên. Nhâm nhẩm trong lòng lòng biết ơn và mong các ngài phù hộ cho chuyến đi xuôn xẻ.
Mốc đến là núi Chẹ. Ngọn núi xinh đẹp trong ký ức tuôỉ trẻ chúng tôi là thế, bây giờ như đã bị phạt đi quá nửa. Đúng lúc chúng tôi chạm vào khu vực đất núi thì tiếng mìn nổ vang. Người công nhân cảnh giới trên đường lúc mìn nổ, tay cầm bộ đàm vẫn bình thản ngồi trên thảm có mép đường. Mìn phá núi Chẹ để lấy đá. Mầu xanh rêu đậm chất núi, chất rừng không còn nữa. Núi Chẹ đang khoác trên mình chiếc áo hai mầu. Một mầu trắng quay mặt ra phía chúng tôi, một mầu xanh, nhìn xuống sông Đà than thở và như thể muốn tìm lại bóng mình dưới nước. Vậy là để phục vụ cho việc chỉnh trang đất nước, quê hương, có lẽ nay mai người dân Ba Vì sẽ mất núi Chẹ. Chúng tôi đến sớm, vẫn còn thấy hình hài của nó, một sự xơ xác, tan hoang. Cảnh công trường phá núi lấy đá thời đang xây dựng. Ở đâu chẳng thế!
Với những ký ức như chất chồng của ngày xưa, Điêp, người bạn cùng đường của tôi, nhắc đi nhắc lại biết bao kỷ niệm, bao nỗi nhớ. Tôi nhớ nhất chuyện Điệp bị nước cuốn bên dòng sông Đà khi về thăm mẹ ốm. Đêm, gọi đò không được, Điệp quyết định bơi sang sông. Điệp bơi rất giỏi, nhưng vẫn cẩn thận chặt một cây chuối làm phao, quần áo tư trang buộc vào cây chuối và buộc vào cổ tay. Vậy mà vẫn bị dòng xoáy cuốn vào. Dòng nước vật lộn với cậu ta, mà không, cậu chàng vật lộn với dòng xoáy mới đúng. Nghe Điệp nói lại, chẳng hiểu đúng bao nhiêu, cả tiếng đồng hồ sau, cậu ta mới thoát ra được và bị trôi đi đến cả cây số. Sông Đà trong trí nhớ Điệp vẫn là con sông hung dữ.
Còn bây giờ, chúng tôi dừng xe, phía dưới kia là sông Đà lặng lờ. Lặng lờ đến nỗi không biết nước xuôi về phía nào. Giữa dòng có một doi cát, Điệp nhớ ngày xưa không có doi cát này. Sông đang mùa cạn hay biến đổi này do con người gây nên? Điệp trầm ngâm nhớ ngày xưa, ít nói hẳn đi.
Trong trí nhớ của Điệp, mặc dù thời gian trôi qua đã hơn bốn mươi năm, Điệp vẫn nhớ cái bến Vũ bên kia sông, cái kho gạo xuôi xuôi xuống một cây số, lần về thăm mẹ ốm phải ôm cây chuối vượt khúc sông này… và nhiều kỷ niệm tuổi trẻ với các cô gái Mường nơi đây. Có thể vì vậy mà Điệp trầm tư?
Chúng tôi tình cờ biết được địa chỉ chính xác của Tài nhờ vào trí nhớ của một anh bạn cùng thời, qua cái di động thời hiện đại. Nhà Tài ở thôn Bắt Còn. Vậy mà cứ loay hoay suốt hai giờ đồng hồ từ lúc đặt chân vào khu vực núi Chẹ. Trời đất thương chúng tôi và cảm động vì tình cảm những người bạn cũ với nhau, đã cho ông bạn ở Hà Nội sau bao năm lại nhớ ra cái địa danh đó. Hoá ra, chúng tôi vẫn cứ lởn vởn trong phạm vị một cây số vuông. Nhà Tài nằm trong vùng đó, xe máy ào vài phút là tới. Vậy mà hỏi thăm biết bao nhiêu chỗ, bao nhiêu người và đi đi lại lại không biết bao nhiêu đường đất. Nụ cười tươi trên mặt bết mồ hôi của tôi, của Điệp và của ông bạn người địa phương, rất nhiệt tình dẫn đường.
Cuộc sống người dân thôn Bắt Còn, quê Tài đã có nhiều thay đổi: đường xá đã mở rộng và như vẫn còn đang được mở rộng, nâng cấp để không bị ngập nước, lún sụt. Hai ba chiếc xe ủi, xe xúc cùng những chiếc ôtô ben trọng tải lớn đang làm việc ngay sát nhà Tài.Một con đường rộng trên chục mét đã hình thành nối vào chiếc cầu bê tông đang ngổn ngang sắt thép. Đất Ba Vì còn rộng lắm. Với con mắt người Hà Nội, đất đai nơi đây tiềm trữ trong mình cả đống của.
Vậy mà tuyệt nhiên, tôi không nghe một lời nào nói về tiềm năng của đất của người nơi đây. Tâm hồn Tài và bà con thôn Bắt Còn vẫn trong veo làm sao. Những thương trường là chiến trường, những bất động sản và chứng khoán, những phi vụ tầm cỡ quốc gia và xuyên quốc gia không mò vào nơi đây. Tất cả còn xanh ngắt như lá trên cành, trong veo như dòng nước bắt nguồn từ Núi Tản đang chảy qua chiếc cầu bê tông đang xây. Tôi thoáng thấy lại ngày xưa trẻ thơ của mình, lũ trẻ đang cùng tắm với trâu bên dòng suối trong veo đó. Cảm thấy như tất cả vẫn là hoang dại không pha lẫn bụi trần.    
Có lẽ cũng như bao nhiêu cuộc gặp gỡ khác của mọi người sau nhiều năm xa cách, tíu tít bắt tay, tíu tít hỏi thăm. Nghe không kịp nghe, hỏi không kịp hỏi, trả lời cũng không kịp trả lời... Lũ con cháu gia đình Tài và bạn bè chỉ đứng xa nhìn ngó và cười cười. Phải chăng chúng nó thấy ngồ ngộ, là lạ. Thứ tình cảm mà chúng chưa hề bao giờ thấy thể hiện ở ông chúng và các vị khách đến thăm.
Bữa cơm ấm cúng và quê kiểng được dọn ra lúc mặt trời đã về đâu đó bên kia núi Tản. Cùng dự bữa cơm quê đặc sệt đó còn có những ông em của Tài. Tại sao lại đặc sệt? Bởi vì lễ nghĩa ở một vùng quê xa lắc vẫn được duy trì. Mâm cơm chúng tôi ngồi toàn đàn ông bậc cha chú của các cháu trong nhà. Đàn bà và con cháu không được ngồi chung. Từ rất lâu trong tôi không còn sự phân định đó. Vì thế nó mới mang ý nghĩa một bữa cơm đậm chất quê kiểng và nề nếp cổ xưa. Tôi thích thú với những bữa cơm như vậy. Đấy mới là quê hương, đấy mới là đậm đà bản sắc dân tộc. Cứ ra rả nói những điều đâu đâu về bản sắc, về dân tộc, nghe xa vời và khó vào đầu lắm. Hồn quê chật ních và thấm đượm làm sao! Những lúc xa quê, cô đơn xứ người, bữa cơm đầy đủ con cháu như vậy thật sự gợi nỗi nhớ da diết về quê hương.
     *****
Như mọi người đã biết, Thánh Tản-Sơn Tinh hoá Thánh tại vùng núi Ba Vì, Ngài là một trong tứ bất tử của dân tộc Việt. Nguyễn Trãi viết “Núi ấy là núi Tổ của nước Đại Việt ta đó”.
Rất tình cờ trong mâm cơm, tôi được Đinh Xuân Lộc, em Tài, một cán bộ của Uỷ Ban Nhân Dân xã, nói về một ngôi chùa này, sau những thăng trầm của lịch sử, từ một cái am nhỏ bé trên núi Ba Vì, trở thành ngôi đền thờ Thánh Tản.
Bởi có sẵn trong tâm lòng ngưỡng mộ với Sơn Tinh, khi nghe Lộc giới thiệu sơ sơ về lịch sử ngôi đền và tha thiết mời chúng tôi ở lại, hứa tự mình dẫn đường, gọi điện cho thủ đền bố trí để cho nghe một số băng nói về lịch sử ngôi đền, về Thánh Tản và còn nhiều chuyện khác xung quanh ngôi đền, chúng tôi quyết định sẽ lên tìm hiểu và viếng đền, viếng các Thánh núi Tản. Truyền thuyết và truyện cổ tích về Sơn Tinh và Thuỷ Tinh chúng ta đều đã được đọc từ hồi ấu thơ. Sự linh thiêng của các Thánh, người được coi như là Nam Thiên Thánh Tổ, thượng đẳng tối linh Thần, đã nhập về và hướng đạo, phù hộ chúng tôi trong chuyến đi.
6h sáng, những tưởng mây núi Tản Viên vẫn che phủ đỉnh núi Ba Vì, nhưng không, ba đỉnh của núi Ba Vì lại nhìn rõ mồn một. Điệp chỉ cho tôi sự khoáng đạt, tươi sáng và thông thoáng của ba đỉnh trong buổi sớm mai như một điều khác lạ nơi đất thiêng. Tôi bỗng nhớ và tự hỏi. Tại sao lại “Nhất cao là núi Ba Vì, thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Tam Đảo cao những 1500mét, Ba Vì chỉ cao 1281mét. Và tự trả lời, cái sự cao đây chính là sự linh thiêng. Trong tâm hồn người Việt, Thánh Tản luôn có vị trí trang trọng và thành kính nhất.
Ngôi đền chúng tôi đến là một trong nhiều đền, miếu mà dân ta dựng lên để tưởng nhớ công đức các Đức Thánh đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác ở khắp vùng Tam Đảo, Ba Vì. Trong việc giữ gìn giang sơn bờ cõi, mở mang khai khẩn đất đai, có nhiều sự kiện và hiện tượng chưa thể giải thích được. Chuyện về Sơn Tinh và Thuỷ Tinh chắc cũng là một trong các hiện tượng đó. Thánh Tản là vị Thánh trong mong đợi, ước nguyện của muôn dân.
Núi Tản Viên hình tú lệ, chót vót lởm chởm giữa tầng không. Trên có lối đi khả dĩ nhập “vân trình” (đường mây), dưới có lối thông xuống địa phủ. Ở nước ta, phàm những ngọn núi cao, những động hang xa, đều có những lối đi quanh co dẫn vào trong. Thánh Tản cũng vậy, tháng ngày tu luyện càng thêm kinh diệu, 86 năm hốt nhiên hoá thần. Thượng đế phong làm thần Nam Nhạc, nắm giữ quyền hành Nam Tào, Bắc Đẩu, làm chủ muôn thần ở nước ta…Thánh Tản là vị thần bất tử đệ nhất (1)
Sau này, khi thấu hiểu rõ mọi điều ở nước ta, Thánh Tản tâu với Thiên đế: “Thần làm vua tại Viêm Bang, nhật nguyệt soi tới yên ổn có hạn, xin chọn vị vua chính thống làm chủ muôn dân. Thiên đế ưng chỉ, bèn lệnh cho Đinh Tiên Hoàng giáng sinh, tảo trừ giặc loạn, sáng lập triều đình. Đó là vị vua chính thống đầu tiên.
Theo bản gốc Hán Nôm “Đại hoá thần kinh” nói về sự tích các vị Thánh Tản, bản gốc lưu tại Chùa Kho-Ba Vì, bản dịch của Bùi Xuân Chất, Viện Hán Nôm Nghệ An, tại đây đền ngoài thờ Thánh Tản, Đinh Tiên Hoàng, còn rước về thờ Đức Thánh Trần. Vậy là ngôi đền nhỏ này, từ xa xưa, thờ hai vị thánh bất tử của nước Nam ta. Không thiêng sao được. Nên chăng, các nhà khảo cổ và sử học cần có kết luận chính xác. Đặc biệt là những tư liệu còn lưu tại chùa Kho, vốn là một ngôi đền làm từ tranh tre nứa lá, được dựng lên và tồn tại đến ngày nay hoàn toàn nhờ vào ý thức và sự tự nguyện của người dân Ba Vì.
Vậy các vị Thánh Tản là những ai? Theo “Đại hoá thần kinh”: Thời Hùng Vương thứ 18, ở Ái Châu có ông Nguyễn Cao Khang và vợ là Đinh Thị Doan, vốn là hào trưởng lương gia, chăm chỉ, hiền lành. Quanh năm làm lụng mà không đủ ăn. Ông Khang có người em là Nguyễn Cao Hạnh, nhập cư bên quê vợ, gia tư hào phú. Nhớ tới tình tôn tộc, ông Khang dọn về ở cùng em. Sau ba năm buôn bán bè mảng, canh tác ruộng dân, trở nên giàu có. Duy có điều cả hai tuổi cao, anh đã gần tuổi “tùng tâm”*, em cũng đã dư “tri thiên mệnh” nhưng con cái chưa có dấu hiệu gì.
Hai anh em bàn, chắc hẳn nhân sự có điều khiếm khuyết nên chưa thấu lòng trời. Vậy nên hết lòng với đạo làm người, chịu đựng số trời, lập đàn trai giới, hành lễ tự nguyện, thỉnh bái thập phương, rước thầy về tìm nơi cát địa.
Ba ngày sau, trong khi đi săn, ông gặp một thầy địa lý, chỉ cho chỗ để di táng thân sinh. Hai anh em nghe lời. Trong khi đang chôn cất thì thấy trời đất mù mịt, rồng vàng bay lên, ai ai kinh sợ.
Từ ấy, thái bà gia huynh Nguyễn Cao Khanh đi đâu cũng thấy diều hâu bay ứng điềm lành. Bà mang thai 14 tháng. Tới rằm tháng giêng năm Đinh Tỵ, cảm thấy thân mình nhẹ nhàng, gió đưa tới bên giếng, mà sinh Đức Thánh Tản (huý Tùng), con Nguyễn Cao Khang.
Còn bà Doan vợ Nguyễn Cao Hạnh, năm 49 tuổi, mộng thấy trên núi hai con hổ đấu nhau. Chúng thẳng tới bà nắm tay, tỉnh dậy, bà cảm thấy có thai.
Vào ngày tháng giêng, năm Mậu Thìn, trời đất mịt mù, gío mưa nổi dậy, bà sinh hạ một bọc hai trai cao lớn, mắt phượng, mặt rồng, thần phong lẫm liệt. Hai anh em là Hiển Công và Sùng Công.
Thời Hùng Vương mạt vận, quốc thế cáo chung, “Duệ” vương sinh hoàng tử đều bước vào làng tiên, còn hai người con gái đều tinh thông hiền hậu. Công chúa thứ nhất là Tiên Dung gả cho Chử Đồng Tử. Công chúa thứ hai là Mỵ Nương. Vương đang mở hội kén rể. Tùng Công được tin, gọi hai em là Hiển Công và Sùng Công cùng vào ứng thí.
Khi ba thánh ra trường, anh hùng bốn biển đều xanh mắt. Tùng Công ra trước, hô gió gọi mưa, dời non lấp biển, biến hiện ly kỳ, thần thông quái dị, một tiếng gọi tứ linh(lân, ly, quy, phượng) đều giáng… Vương gọi Tùng Công đến, gả My Nương cho, phong làm Nhạc phủ kiêm thượng đẳng phúc thần. Vương công cũng phong Hiển Công làm Tả nhạc phủ phán quan làm Cao Sơn đại vương, Sùng Công là hữu nhạc phủ phán quan làm Quý Minh đại vương.
Khi Thục Vương (Thục An Dương Vương-tức Lào bộ chủ, miên duệ của Hoàng gia Ai lao) nghe tin “Duệ Vương” ta tuổi đã cao, không có người nối dõi, tất sẽ nhường ngôi cho con rể. Thục Vương bèn góp binh lương hơn 30 vạn, chia làm hai đạo thuỷ bộ tiến công.
Duệ Vương triệu thánh Tản tới bàn kế sách. Thánh Tản xin thay lao giá** và cùng với hai em là Cao Sơn và Quý Minh khâm lãnh 10 vạn hùng binh, chia làm hai đạo quân đánh Thục binh đại bại, truy chém hơn nghìn tên khiến Thục Vương một thuyền không thoát, một ngựa không còn.
Dẹp xong loạn, Thánh Tản thu quân về động Quang Húc, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, Đạo Hưng Hoá. Sau đó Thánh Tản lên núi Tản, Thánh Cao Sơn lên nuí Non Sơn, Thánh Quý Minh lên núi Lạng. Cả ba đều lên đỉnh núi. Bỗng nhiên mây mù ngũ sắc, bốn bề mưa to gió lớn, mọi loài thú về chầu. Ấy là lúc ba vị Đại Vương cùng cưỡi mây lên trời hoá thành bất diệt.
     *****
Để lên đền Chúa Kho, tên gọi ngày nay là Bảo Linh Sơn, Lộc và Tài dẫn chúng tôi đi bằng xe máy. Vẫn như cái thời chưa xa, cơ động nhất với nước ta, dân ta vẫn là phương tiện xe hai bánh. Ngày trước là xe đạp, bây giờ là xe máy, bon bon khoảng dăm phút trên đường bê tông, chúng tôi đã đến chân núi Ba Vì. Gửi xe trong sân của người anh em của Lộc và Tài ngay dưới chân núi, chúng tôi bắt đầu leo dốc lên đền. Không hiểu sao, cứ đi lễ đền, lễ chùa, tôi thấy cách hành hương thành tâm nhất là phải đi bộ. Tôi quá cũ kỹ rồi chăng?
Mất khoảng nửa tiếng vừa đi vừa nghỉ thì lên đến đền hạ. Nghe Lộc nói, đền nằm ở độ cao khoảng 5, 700 mét. Một khoảng đất bằng rộng đến nghìn mét vuông trải ra trước mắt chúng tôi. Từ độ cao này, chúng tôi thấy gần toàn cảnh sự hùng vĩ của Ba Vì. Sông Đà vẫn là vật chuẩn nhất để chúng tôi định hướng. Phía trên kia là sông Lô và sông Thao. Nơi hội tụ của ba con sông là ngã ba Hạc. Vùng đất của các vua Hùng. Ruộng lúa đang xanh. Con đường bê tông mới mở lẫn với mầu đỏ tươi của đất đồi. Một dải trăng trắng ngoằn ngòeo của bê tông xen lẫn với mầu xanh của cây, của ruộng trông như những vệt nắng, vệt mây của xanh xanh núi đồi Ba Vì.
Từ bãi đất rộng trước đền Hạ, nhìn ra xung quanh, những con đường bê tông xen lẫn với đường sỏi đá dăm, đưa chúng ta đến những địa danh như “đồi Đùm đứt quai, đồi Vai lọt sọt” hay Bãi Đá Chông hay Thuỷ quái ở Ghềnh Bờ-sông Đà, Thuồng Luồng ở Cầu Hang sông Tích, thôn Rắn giải ở Phụ Khang , Đường Lâm là những trận đồ của chiến tướng Sơn Tinh và bại tướng Thuỷ Tinh
Thủ đền Thành, cũng là một người bà con của Lộc và Tài, tiếp chúng tôi. Tôi muốn tìm hiểu sự lâu đời có tính cổ xưa của ngôi đền. Ông chỉ có thể kể lại cho chúng tôi những gì viết trong “Đại hoá thần kinh”. Những gì viết ra trong “Đại hoá thần kinh” cũng đa phần mang tính truyền miệng trong dân gian. Hoá ra, một vùng đất Tổ với những vị Thánh bất tử được tôn thờ trong lòng dân tộc Việt vẫn chưa được nghiên cứu kỹ. Tôi rất tiếc chỉ có trong tay những ghi chép sơ sài trong “Đại hoá thần kinh”.
Đền hạ, đền đầu tiên ta gặp khi hành hương lên, giống như đền Trình ở nhiều nơi, mới được xây dựng. Chúng tôi vào làm lễ, thắp hương và tiếp tục lên đền chính.
Công trình vẫn còn đang xây dựng. Vượt qua trên 150 bậc, chúng tôi tới đền chính. Tại đây, thờ cả Thánh Tản và Phật. Phía bên phải còn có tượng thờ cả Đức Thánh Trần. Nơi thờ Thánh Gióng và Chử Đồng Tử không có. Có lẽ vì quá yêu và tôn trọng ngôi đền mình quản lý, thủ đền đã nói quá lên chăng?
Dẫu sao, khi được đứng trên mảnh đất này, vẫn thấy trào lên trong lòng niềm tự hào về một vùng đất thiêng, cổ xưa và kỳ bí mang đầy tính truyền thuyết về nòi giống dân Việt. Những sự tích thần thoại từ thời Văn Lang, Hùng Vương như vẫn còn in dấu vết đâu đây bởi các địa danh. Chúng ta chẳng vẫn tự hào về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của mình đó sao.
Về Ba Vì, đứng dưới chân Ba Vì, ta còn biết thêm nơi đây không chỉ là ngọn núi huyền thoại về Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, mà con biết nơi đây, Vua Đường từng coi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt về phương Nam(dãy Trường Sơn). Để nước Nam không phát được Vương, vua Đường cử Cao Biền (vị tướng kiêm phù thuỷ) dùng pháp thuật cho đào 100 cái giếng xung quanh núi Ba Vì để trấn yểm ta, triệt long mạch nước ta, nhưng cứ đào gần xong, giếng lại bị sập. Cao Biền phải bỏ cuộc bởi Ba Vì là dãy núi thiêng của Đại Việt. Kẻ nào đụng đến sự linh thiêng của dân tộc Việt chắc chắn kẻ đó sẽ thất bại. Ngẫm về hôm nay, khí phách và lòng nhân hậu của Sơn Tinh, sự linh thiêng của Ba Vì-Núi Tản, chẳng như vẫn dạy con cháu muôn đời về sự toàn vẹn của đất nước.
         Vinh Anh-9/2010

(1) Các tư liệu lấy từ “Đại hoá thần kinh”
(2) *Tùng tâm-70 tuổi. Lấy từ câu “Thất thập nhi tùng-tâm sở-dục bất-du củ”.
** Lao giá: Vị vua khó nhọc