Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGẪM NGHĨ VỀ 'KẺ SỸ TRƯỚC THỜI CUỘC" CỦA NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI

Hoàng Bích Nga
Thứ tư ngày 31 tháng 5 năm 2023 2:03 PM

KẺ SĨ TRƯỚC THỜI CUỘC - Hoàng Quốc Hải – NXB Phụ Nữ Việt Nam (bìa mềm) -  BINHBANBOOK


Tôi đã được nhà văn Hoàng Quốc Hải tặng cuốn sách Kẻ sĩ trước thời cuộc. Những tác phẩm ông viết đã mở mang tầm hiểu biết về lịch sử, xã hội và con người cho tôi. Vốn biết tôi thích đọc sách và cũng hiểu biết về giá trị, nội dung của những sách lựa chọn để đọc nên nhà văn mới tặng sách cho tôi.

Tôi đã đọc nhiều cuốn sách viết về các văn nhân, nghệ sỹ, những trí thức , chí sỹ, quốc sĩ …yêu nước nên cũng có sự hiểu biết về họ để ngưỡng mộ, tin yêu những tài năng cốt cách của họ. Khi đọc tác phẩm của ông Hoàng Quốc Hải tôi lại càng hiểu sâu sắc hơn về con người, phẩm hạnh và lòng dũng cảm của Kẻ sĩ.

Trước hết tôi đề cập tới các bài viết về văn nghệ sĩ của ông, có bài viết rất kỹ, rất dài, nhưng có bài chỉ vài nét chấm phá mà cốt cách, tài năng văn chương của họ vẫn đủ đầy và thú vị.

“Những trang văn những trang đời” trong tác phẩm Kẻ sĩ trước thời cuộc, ông viết về văn nghệ sĩ, những người ông yêu quí đã chọn lọc để viết.

Trước tiên là Nguyễn Du. Qua bài viết Nguyễn Du và những bước thăng trầm trên con đường giải thoát (tham luận viết cho Hội thảo Quốc tế nhân 250 năm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ). Ông chỉ chấm phá vài nét đáng ghi về tài năng thơ qua tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, ông khẳng định vị trí số một của nó trong lòng công chúng Việt Nam. Sau đó ông đi sâu vào phân tích nội dung và tính tư tưởng sâu sắc của Nguyễn Du qua các tác phẩm viết bằng chữ Hán .

Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du thăng trầm theo lịch sử, bài viết của ông Hoàng Quốc Hải đã khẳng định chí khí và bản lĩnh của Nguyễn Du qua thời cuộc. Nguyễn Du nhận thức được bản chất dối trá của xã hội đương thời của nhà Nguyễn Việt Nam và Trung Hoa khi ông đi sứ, nhưng ông ngưỡng mộ các gương mặt nhân tài có chí khí của nền văn hóa, văn thơ của Việt Nam và Trung Hoa. Ông cảm thông sâu sắc với người dân nghèo khổ của Trung Hoa, qua bài viết Thái bình mại ca giả, Nguyễn Du mô tả một người mù hát rong, vẻ tiều tụy có một đứa bé dắt, đói khát hát đến nỗi đói lả, miệng trào bọt trắng trong khi bọn người giàu có lại đang ăn uống thừa mứa, muốn nghe hát nhưng không cho họ ăn, trả cho ông cháu số tiền quá ít ỏi. Ông đã viết :

Ngã xạ kiến chi bi thả tân

Phàm nhân nguyện tử bất nguyện bần

Chỉ đạo Trung Nguyên tận ôn bão,

Trung Nguyên diệc hữu như thử nhân?

Nhà văn Trần Lê Văn đã dịch nghĩa:

Ta chợt thấy thế buồn lại xót,

Phàm người mong chết chẳng mong nghèo

Chỉ nghe nói ở Trung Nguyên người người đều no ấm,

Trung Nguyên cũng có người thế này sao?

( trang 107 – Kẻ sĩ trước thời cuộc)


“Nguyễn Du không chỉ là bậc thi bá đã sáng tạo ra kiệt tác phẩm Truyện Kiều, mà ông còn là nhà nhân đạo chủ nghĩa, hơn thế ông còn là người có con mắt trông suốt sáu cõi và tấm lòng hiểu thấu ngàn đời. Vượt lên tất cả, ông là vị Bồ tát đang hóa độ cho mọi loại chúng sinh. Rõ ràng Nguyễn Du đã đi từ Vị ngã đến Vô ngã và ông đạt tới Tính không”. (trang 116 Sách đã dẫn)


Viết về các nhà văn hiện đại, những trang viết của ông Hải rất hay và sinh động.

Ví như viết về nhà thơ thiền Minh Đức- Triều Tâm Ảnh, ông Hải rất ngưỡng mộ văn thơ của ông khi đọc tập truyện ngắn “ Người trồng hoa và chàng Tu sĩ”, tác phẩm thơ “ Chèo vỡ sông trăng”, “Đá trắng chiêm bao”. Trong làng văn chương có người không hay đọc tác phẩm của người khác viết, ít có sự ngưỡng mộ họ. Ông Hải đọc và nêu ra những điều thú vị qua các tác phẩm của Triều Tâm Ảnh là mang phong vị thơ thiền của các đời Lý Trần, là người hiểu đạo nhưng không lìa bỏ thế gian, tâm hồn nhập thế, đầy chất trượng phu giữa Đời và Đạo.

Về “Tản mạn Thạch Lam”, bài viết của ông vừa tình cảm vừa ngưỡng mộ tài năng, đức độ của Thạch Lam. Với nhà văn tài năng này ông Hải có nhiều ưu ái, ông viết : “Điểm chung nhất trong các truyện của Thạch Lam là dễ đọc, dễ hiểu, nhưng không dễ quên. Nói cho đúng là không thể quên được”.

( Trang 121 sách đã dẫn).

Đó là những lời nhận xét vàng ngọc mà mỗi nhà văn đều mong ước khi bạn đọc luôn nhớ tới tác phẩm của mình.

Những truyện ngắn ông Hải dẫn ra ở đây như truyện “Dưới bóng Hoàng lan”, “Nhà mẹ Lê”, “ Hà Nội 36 phố phường”, “Sợi tóc”…cho ta hiểu Thạch Lam có tài quan sát đặc biệt, ông nhìn qua cái nhỏ nhất, cái bình thường nhất để suy ra cái lớn.

Qua “ Dưới bóng hoàng lan” ta thấy cái đẹp của tình người, qua “ Nhà mẹ Lê” thấy được cái khổ của người nghèo và sự độc ác của kẻ giàu vô lương tâm, qua “ Sợi tóc” thấy con người phải đấu tranh khốc liệt với bản thân giữ được lòng tự trọng không để cái tham chế ngự sai khiến, qua “ Hà Nội 36 phố phường” thấy được cái đẹp, cái sang, sự tinh tế của con người Hà Nội và phong tục tập quán của Việt Nam từ đó thêm yêu Hà Nội và đất nước .

Ông viết: “Thạch Lam lặng lẽ giữ gìn những giá trị văn hóa cổ truyền, như gìn giữ ngôi đền thiêng bằng các tác phẩm vừa giàu tính nhân văn vừa sâu sắc chất phong tục” ( Trang 129 sách đã dẫn). Lời nhận xét của nhà văn Hoàng Quốc Hải quá đúng.

Cuộc đời, cách ứng xử của Thạch Lam với bạn văn được ông Hải ghi lại khiến ta càng trân trọng Thạch Lam hơn, đó là cách ứng xử với nhà văn Vũ Bằng. Chính Vũ Bằng đã thổ lộ, Thạch Lam im lặng khi Vũ Bằng hạ nhục Thạch Lam trên báo chí. Sau này khi biết Thạch Lam ca ngợi tác phẩm “Một mình trong đêm tối” của mình Vũ Bằng mới ân hận và viết: “…phải nói ngay rằng đọc xong tôi ngạc nhiên nhất là về Thạch Lam. Vì lúc đóThạch Lam làm quản nhiệm tờ Ngày nay, toàn quyền trong tay anh, anh muốn hạ nhục tôi thế nào mà chẳng được, mà trái lại, Thạch Lam lại viết một bài rất lịch sự, khen cuốn tiểu thuyết của tôi với những luận cứ làm cho tôi cảm động và đôi chỗ cũng chê nhưng chê một cách nhẹ nhàng và xây dựng…hóa ra tôi lầm. Lầm một cách khốn nạn”

( trang 126 sách đã dẫn)

Thạch Lam , “ Văn là Người” , đúng như vậy.


Với nhà thơ Ngân Giang ông ca ngợi “ Ngân giang với bài Trưng Nữ Vương”có vốn từ ngữ sáng tạo hình tượng từ ngữ mới như thổi hồn mình vào các vốn từ đã có sẵn trong dân gian, thơ bà hội đủ nghệ thuật của cấu tứ, , nghệ thuật của ngôn ngữ và hình tượng.

Bài viết “Thơ Ngân Giang”ông Hải thấy ngòi bút bà Ngân Giang tung hoành vời những vần thơ tranh đấu, nêu lên trách nhiệm của người cầm bút trước thời cuộc:

Trang lại từng trang giở trước đèn

Ngàn xưa kẻ sĩ há cầu yên

Và: Kiếm kích có yên bao trận địa

Văn chương cũng chuyển cả sơn hà

Tài nhân danh sĩ ngàn thu trước

Đuổi vạn hùng binh nửa khúc ca.

( Trang 167 sách đã dẫn)

Kẻ sĩ trước thời cuộc đã được một nữ sĩ thấm nhuần như vậy đó. Ông Hoàng Quốc Hải đã viết về đời và thơ của bà Ngân Giang đáng ngưỡng mộ, vừa can đảm, can trường chịu mọi khó khăn gian khổ hiểm nguy để cống hiến tài năng, tâm huyết cho sự nghiệp cứu nước ( như vụ cứu giải nhạc sĩ Đỗ Nhuận và hai bạn của ông cuối năm 1945, đầu năm 1946 ) cũng như chịu đựng đời sống nghèo khổ lúc cuối đời. Những dòng viết về đời bà Ngân Giang, ông Hải rất ưu ái về các bạn văn của bà, họ đã luôn quan tâm đời sống tinh thần và vật chất, đến thăm bà và chia sẻ với những nỗi đau và khó khăn của bà. Đúng là Kẻ sĩ, luôn có trách nhiệm và quan tâm đến mọi người

Với nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết xứ Hà Tiên ông cảm hoài và ca ngợi tài thơ của họ gắn với xứ sở tuyệt vời tươi đẹp, gắn kết mối giao lưu thân thiết giữa con người, văn hóa Thăng Long với con người và văn hóa của Hà Tiên.

Dí dỏm và độc đáo nhất là ông viết về nhà văn Nguyễn Tuân- “ Nguyễn Tuân tái bản sách” và“ viết lấy mà cắt”. Nguyễn Tuân là văn tài độc đáo, tài năng và cốt cách của ông khiến nhiều người phải kính nể. Trong “ Nguyễn Tuân tái bản sách” và “ Viết lấy mà cắt” ông Hải kể chuyện nhà văn giữ lại ý kiến của mình khi tái bản tập truyện ngắn Tóc chị Hoài và không cho cắt bản thảo của mình khi gửi bài cho tòa soạn bài viết“ Cho giặc lái Hoa Kỳ nó ăn một cái tết ta”, ông Nguyễn Tuân kiên quyết không bỏ câu : “ …nói tóm lại là nó khen ta biết đánh nhau, chỉ khen về mặt hùng hục ác liệt, còn ngoài ra hình như cho ta là không biết đến những gì khác nữa ở cuộc sống nhiều mặt này” . Nguyễn Tuân trả lời thẳng cho người nhận bài trực tiếp Nguyễn Bắc :” Muốn cắt thì viết lấy mà cắt”, bản lĩnh của nhà văn thật tuyệt vời.

Viết về nhà văn Lê Văn Chương, ông Hải giúp hậu sinh biết thêm những nét độc đáo trong việc giao tiếp với bạn bè, qua việc xâm nhập thực tế không giống ai của ông. Tiếp xúc với con nhà văn Lê văn Chương, ông Hải ghi chép lại cuộc đàm đạo này rất sắc nét để chúng tôi hiểu về nhà văn tiền chiến có nhiều tác phẩm văn chương đáng nể vì trước đây chúng tôi ít được đọc văn của ông.

Viết về nhà văn Vũ Bằng ( Nỗi niềm đau đáu một phương trời) ông không chỉ viết về văn tài của Vũ Bằng qua hai tác phẩm để đời Như Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai và những tác phẩm văn học khác , mà ông Hải còn đi sâu vào phân tích nhận thức đúng đắn của ông Bằng về nghề báo : “Người làm báo chân chính không sợ uy vũ, không bị mê hoặc vì danh lợi, không chịu để cho ngòi bút mình tủi hổ, cho nên cũng vì thế nhà báo vẫn là trong số những người đáng kính nể nhất” ( tr182 – Kẻ sĩ trước Thời cuộc).

Về nhân cách của Vũ Bằng ông Hải viện dẫn cách tự nhận ra sai lầm của ông Bằng khi ứng xử với Thạch Lam khiến chúng ta hiểu được, kẻ sĩ không sợ sai lầm của chính mình, luôn dũng cảm đối diện với những hậu quả xấu do mình gây ra.

Trong bài viết “ Hoàng Hữu Đản- Nhà dịch thuật lão luyện” ông Hoàng Quốc Hải không chỉ đi sâu vào công việc khó khăn của người dịch thuật mà còn nêu được việc làm cần mẫn, tài năng của họ. Bởi quan niệm của nhiều người, người dịch thuật không phải là người có tài năng sáng tạo, vì họ chỉ dựa vào tác phẩm của người khác viết để chuyển ngữ sang tiếng Việt mà thôi.

Ông Hoàng Hữu Đản dịch hơn 50 tác phẩm văn học các nước Pháp, Bỉ, Đức, Hy Lạp từ Pháp ngữ sang Việt ngữ. Qua bài viết của nhà Văn Hoàng Quốc Hải chúng ta thấy số lượng các tác phẩm dịch của ông Hoàng Hữu Đản thật đồ sộ. Ông Hải còn đánh giá chất lượng các tác phẩm văn học ông Đản dịch rất công tâm. Các tác phẩm dịch không những giữ được nội dung , nghệ thuật văn chương của nguyên tác mà còn thể hiện sự nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam với ngôn ngữ, văn hóa Pháp, Hy Lạp, Đức, Bỉ.

Ông Hải viết: “Có lẽ chưa một ai chuyển dịch kỳ công đến thế, cả hai tác phẩm Iliade và Odysse với ngót 2000 trang in và hơn 30 000 câu thơ. Dịch rất sát với nguyên bản mà vẫn giữ được nét riêng phong cách của câu thơ 6 nhịp của thơ ca Hy Lạp cổ đại. Dịch giả Hoàng Hữu Đản làm được điều này trước hết ông yêu và biết rõ giá trị của hai tác phẩm kinh điển đó. Sau nữa, ông có khát vọng truyền thụ tri thức cho tầng lớp tinh hoa của nước mình. Song điều quan trọng nằm ở chỗ ông thông thạo ngôn ngữ của tác phẩm. Tức là ông không chỉ giỏi tiếng Pháp mà còn nắm chắc tiếng La tinh và tiếng Hy Lạp cổ. Tuy nhiên, nếu ông không giỏi tiếng Việt thì tất cả các tri thức kia cũng trở thành bất lực” ( Trang 224 sách đã dẫn)

Đọc bài ông Hải càng thấy rõ tài năng của các nhà văn dịch thuật, chính họ đã bắc cầu cho sự giao lưu văn hóa, ngôn ngữ Việt với văn hóa, ngôn ngữ các nước khi đất nước mở cửa và hội nhập quốc tế.

Các bài viết về tài năng, nhân cách của các nhà văn Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Lê Văn, Hứa Văn Định, Hoài Thanh, Nguyễn Huệ Chi, Vũ Bão, Băng Sơn, Nguyễn Xuân Khánh, Thúy Bắc, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Hoài Anh, nhà nhiếp ảnh Đỗ Kha cũng rất sâu sắc. Ông Hoàng Quốc Hải viết rất chân thực về các văn nghệ sĩ khiến chúng ta tự hào về các văn nghệ sĩ chân chính, luôn đóng góp tài năng của mình cho nền văn học , nghệ thuật nước nhà. Gắn sự nghiệp của mình với sự phát triển của văn hóa, xã hội. Các văn nghệ sĩ thực sự là Kẻ sĩ đầy bản lĩnh trước thời cuộc.

Nhưng những trang viết về những người có chức có quyền cao nhất trong lịch sử với những cống hiến của họ cho đất nước, về nhân cách, tài năng, khí chất của kẻ sĩ được bộc lộ rõ ràng nhất mới thấy cái nhìn sâu sắc và biết ơn các bậc tiền nhân của ông Hải, những bài học về quản lý đất nước chặt chẽ, chống tham nhũng, hối lộ, quấy nhiễu dân của người đứng đầu đất nước- Vua- đến các quan văn, quan võ đã lưu danh trong lịch sử. Từ vua Trần Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông đến những bậc quốc sĩ như trạng nguyên Nguyễn Trực , danh nhân văn hóa Phùng Khắc Khoan, Lê Đại Cang, Đặng Đức Siêu…đều bộc lộ những phẩm chất cao quí, tài năng trị quốc và ý chí kiên cường vì dân, vì non sông đất nước của họ.

Viết về Trần Nhân Tông trong bài “ Việc đạo việc đời và phương lược xuất xứ tùy duyên của Thượng hoàng, Phật hoàng Trần Nhân Tông” chúng ta thấy nhà vua hiện lên là một người song toàn, tài năng và phẩm hạnh, Ông không chỉ là người xây dựng, củng cố đất nước và giữ nước giỏi mà ông còn rất thương dân, không chỉ ở nước Việt và cả nước Chăm Pa. ông sử dụng tài ngoại giao mềm dẻo để hai nước giữ được sự hòa hảo, không để xảy ra chiến tranh. Với những tư liệu rất ít ỏi mà các sử gia ghi chép lại. ông Hải đã có những suy luận hợp lý nêu bật được công lao của Trần Nhân Tông. Ông vua toàn tài này được tái hiện trong bài viết của ông Hải, vừa giỏi lãnh đạo vừa hài hòa với những ước nguyện của bản thân, đến với Phật giáo và xuất gia, Có trách nhiệm với bản thân, với đất nước là phẩm chất cao quí của vua Trần Nhân Tông.

Với Lê Thánh Tông trong bài “ Nếu như Lê Thánh Tông còn sống”ông đã nêu lên những quyết tâm của ông vua này trong việc chống lạm quyền của quan lại khi tiến cử người tài thân quen một cách bừa bãi như trường hợp hai vị thượng thư như Nguyễn Như Đổ và Lương Như Hộc khiến các quan không dám tiến cử bậy để ăn hối lộ và gây bè phái. Lê Thánh Tông còn chú ý đến những việc làm trong sạch bộ máy lãnh đạo rất cụ thể như : “Cấm các quan khi đổi đi chỗ khác không được lấy các đồ dùng ở nhà công”. Vua còn truy cứu trách nhiệm với Binh bộ thượng thư Nguyễn Vĩnh Tích, cách tuột về làm dân vì nhận đút lót. Khi quan thiếu trách nhiệm thì bị phạt rất nặng như trường hợp như “Viên ngoại lang Dinh thiện là Hoàng văn Biền bị hạ ngục và phạt tiền 50 quan, hữu thị lang Công bộ là Trịnh Công Đán bị phạt tiền 30 quan, vì cớ bỏ phơi nắng những gỗ lạt của công” (tr536 sách đã dẫn),

Ông Hải có so sánh với những trường hợp vô trách nhiệm hiện nay của một số quan chức đã khiến tài khố quốc quốc gia thất thoát hàng ngàn tỷ đồng… Những tư liệu ông Hải so sánh thời xưa với thời nay là những con số và sự việc có thực rất đáng tin cậy. Lòng tin của dân được xây dựng bởi những người lãnh đạo có phẩm cách như Trần Nhân Tông và Lê Thánh Tông.

Các quan được ông viện dẫn ở tác phẩm này cũng đáng được chúng ta ghi nhớ và trân trọng.

Trong “Những bậc quốc sĩ” ông viết về trạng nguyên Nguyễn Trực mới 25 tuổi khi viết bài Đình đối để trả lời trực tiếp với nhà vua khi ông đậu trạng nguyên năm Nhâm tuất 1442. Vua Lê Thái Tông hỏi thẳng việc tìm người hiền tài và việc dùng người, Nguyễn Trực đã viết và trả lời như sau: “ Thần cho rằng, bọn Ngân, Sát đã gián cách nhà vua, ngăn trở quan trên, che lấp người hiền, hãm hại người tài, chúng lấy bọn phụ theo mình làm hiền lương, lấy bọn xảo mép làm tài nghệ, mua quan chức, làm án tội, hối lộ ngang nhiên, chúng đẩy Cẩm Hổ ra phương xa, bãi chức quan của Thiên Tước, những việc như vậy đâu phải vì nước tiến cử người hiền , lấy người phò vua?, Thế quân tử do đó khó tìm, tiểu nhân do đó khó biết…”.

Nguyễn Trực đã nói rõ, khi người giữ mệnh nước đa nghi, cái tâm không chính, người hiền lương trung thực bị gạt bỏ, vua chỉ tin theo bọn bất tài ton hót biết dò đón ý vua thì thế nước sẽ đi vào trì trệ, rối nát ( tr 543 – bài “ qua 6 thế kỷ, bài Đình đối của Trạng nguyên Nguyễn Trực vẫn nguyên giá trị”).

Ông được trọng dụng qua ba đời vua. Là người tài trí ông luôn ý thức được, một nước tiến bộ hay lạc hậu đều do năng lực của bộ máy cầm quyền.. Ông rất khiêm nhường, nhiều lần từ chối danh hiệu vua ban, và xin cáo quan nhưng các vua không cho. Chất kẻ sĩ của ông là dám nói thẳng, nói thật, ông quan niệm giúp vua là giúp nước, đấng quân vương phải là tấm gương sáng để mọi người noi theo:

“ Vua có nhân không ai không nhân, vua có nghĩa không ai không nghĩa, vua chính không ai không chính, trước nhất vua chính thì nước mới định được”

( tr546 )

Thời Lê Thánh Tông ông Thân Nhân Trung đã soạn bài ký cho vua như sau: “ Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn, Vì thế mà các bậc đế vương thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp …”( Tr545”). Nếu biết coi trọng người hiền tài thì đất nước vững bền và ổn định.

Trong bài Thái độ kẻ sĩ trước thời cuộc viết về Phùng Khắc Khoan. Ông là người có tài, từ tu thân đến chọn hướng đi , thi triển tài năng, khí phách trượng phu thể hiện rất rõ thái độ của kẻ sĩ trước thời cuộc. Sinh ra và lớn lên dưới đất nhà Mạc nhưng ông không phù nhà Mạc bởi ông thấy thái độ thấp hèn của nhà Mạc trước kẻ thù của dân tộc, quỳ gối sang dâng đất cho nhà Minh. Trong thời kỳ rối ren của đất nước, phía Bắc nhà Mạc đã lên ngôi ở Thăng Long , còn phía nam Nhà Lê vẫn danh nghĩa giữ ngôi. Mặc dù nhà Mạc có nhiều cải cách cho đất nước nhưng thài độ của ông vua đầu tiên ( Mạc Đăng Dung ) hèn kém trước nhà Minh đã khiến cho nhiều kẻ sĩ không muốn cộng tác với nhà Mạc, trong đó có Phùng Khắc Khoan. Ông không thể chấp nhận nỗi nhục của kẻ cầm quyền, muốn giữ ngai vàng mà quì gối dâng đất cho kẻ thù đã thua từng dày xéo Tổ quốc mình. Chí khí của ông đã thể hiện qua những vần thơ từ thủa tráng niên :

Tùng bách khởi kham hàng tuyết đống

Kình nghe na khẳng luyến sầm đề

Nam minh tằng kiến côn bằng phấn

Vũ dực siêu thăng giữ Hán tề

( Cây tùng cây bách đâu chịu hàng phục trước tuyết giá

Cá kình cá nghê đâu chiụ lưu luyến vũng nước chân trâu

Bể Nam thường hiện cá côn hóa chim bằng tung cánh

Vỗ cánh bay cao ngang với dòng sông thiên hà)

( tr551 sách đã dẫn)

Nên khi phải lựa chọn , ông cương quyết đi theo nhà Lê và hết lòng phụng sự cho đất nước. Ông cống hiến trí tuệ và tài năng văn chương cho nền văn hóa nước nhà. Những tác phẩm của ông đời sau vẫn ngưỡng mộ ( Như tác phẩm Mai Lĩnh sứ, Hoa thi tập, , Ngôn chí thi tập). Đó chính là bản lĩnh của kẻ sĩ trước thời cuộc khi chọn con đường đi đàng hoàng của mình.

Trong bài “ Nhân cách bậc quốc sĩ”viết về danh nhân lịch sử Lê Đại Cang, ông Hải tỏ lòng ngưỡng mộ tài năng của Lê Đại Cang khi ông giữ chức Đê chính sứ Bắc thành. Chỉ trong 3 năm ông đã hoàn thiện khảo sát, viết sách và thực thi hệ thống đê điều ở các vùng từ Hà Nội đến Ninh Bình. Công việc này cần sự hiểu biết thực tế và tài năng điều hành thực thi xây dựng đê điều.

Những việc làm của Lê Đại Cang khiến ta phải so sánh với hiện tại để thấy sự quản lý công việc và trách nhiệm của người đứng đầu phụ trách công việc đê điều quan trọng như thế nào mới hoàn thành công việc nhanh chóng và có kết quả cao như thế.

Trong cuộc đời làm quan gặp nhiều trắc trở có lúc nguy cả tính mạng nhưng ông Lê Đại Cang đàng hoàng thấy việc cần làm vẫn làm không so đo , tính toán.

( đọc tr 560)

Khi về hưu ông Lê Đại Cang chỉ đem về hai vật quí là chiếc đòn khiêng và thanh long đao ( lịch sử đã ghi trong bài viết) không như một số quan lại khi về hưu thường lo xây cất dinh thự và trưng cờ biển vua ban. Ông còn viết di chúc dặn con cháu không được ra làm quan. Và cuối đời, ông mở thiền tự Giác Am hiệu là Giác Am cư sĩ thanh thản xa hẳn cuộc sống bon chen của chốn quan trường.

Với bài viết Đôi nét về danh nhân Đặng Đức Siêu ( 1755- 1813) ông Hải đã nêu bật sự lựa chọn minh chủ- Nguyễn Ánh- và từ chối lời mời của chúa Trịnh và nhà Tây Sơn cho thấy sự nhìn xa trông rộng thời thế của Đặng Đức Siêu. Qua những mưu lược ông giúp Nguyễn Ánh chiếm cảng Thị Nại và thành Phú Xuân cho thấy tài năng Quân Sự của ông. Sau nữa, qua những bài văn tế ông viết:

1/ Vua Gia Long tế Bá Đa Lộc

2/ Hoàng tử Cảnh tế Bá Đa lộc

3/ Tế phò mã Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ thượng thư Ngô Tùng Châu

Ta thấy tài năng văn, võ song toàn của ông Đặng Đức Siêu.

Trong tác phẩm Kẻ sĩ trước thời cuộc của ông Hoàng quốc Hải có rất nhiều nội dung ông đề cập tới, có liên hệ giữa xưa và nay khiến ta ngưỡng mộ sự hiểu biết lịch sử, văn đàn và các nhân vật nổi tiếng của ông. Đồng thời văn phong của tác phẩm trong sáng khiến ta đọc tác phẩm rất dễ hiểu và có nhiều suy ngẫm .

Ông Hoàng Quốc Hải là người điền giã không mệt mỏi, có thể vì công việc của nhà quản lý văn hóa khiến ông phải đặt chân đến hầu hết các tỉnh trong cả nước, nhưng có lẽ nguyên nhân thôi thúc ông đi đến nhiều nơi bởi ông là một Kẻ sĩ muốn biết rõ thời cuộc và khai thác những ứng xử sáng suốt của các văn nghệ sĩ, của các quốc sĩ trước thời cuộc.

Đi nhiều và gặp gỡ nhiều tài năng trong làng văn chương, các trang viết của ông Hải đã nêu bật tâm hồn cao cả, nhân cách và tài năng đáng trọng của họ. Tác phẩm của các văn nghệ sĩ luôn mang hơi thở của thời đại và hồn thiêng sông núi, sống động không thể quên.

Qua tấm gương của các bậc minh quân và quốc sĩ tài năng ông cho chúng ta biết cách điều hành đất nước, cách nhìn và đánh giá con người một cách sáng suốt của họ,

Các bài viết trong Kẻ sĩ trước thời cuộc thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, con người và biết ơn sâu sắc các bậc tiền bối. Ông Hải còn nói rõ, nếu biết vận dụng những bài học kinh nghiệm về giữ nước, xây dựng đất nước của cha ông- Vì dân, vì nước - thì dân tộc Việt Nam sẽ có vị thế nhất định trên trường quốc tế./.