Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ALEKSEY TOLSTOY CÓ PHẢI LÀ GIÁN ĐIỆP ANH?

Phạm Xuân Nguyên dịch
Thứ năm ngày 18 tháng 5 năm 2023 11:39 AM
Aleksey Tolstoy (1883 – 1945), vị “bá tước đỏ” của văn học Liên Xô, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng “Pie Đại đế” (giải thưởng Stalin 1941), “Con đường đau khổ” (giải thưởng Stalin1943). Mới đây ở Nga đã ra mắt cuốn sách “Aleksey Tolstoy chơi chính mình” của tác giả Aleksey Varlamov (người được giải thưởng uy tín “Sách Lớn”) viết về cuộc đời nhà văn. Trong cuốn sách này A. Tolstoy hiện ra là một người nhiều mâu thuẫn: kẻ lưu vong và người yêu nước, nhà hoạt động nhà nước và kẻ vô chính phủ, kẻ ích kỷ và ông chủ gia đình mẫu mực, do đó chân dung ông không giống như nhiều người từng quen thuộc. Đây là một trích đoạn trong sách.
*
Mùa hè 1945 khi đến dự lễ tang A. Tolstoy, nhà văn A, Fadeev đã kể cho nhà phê bình Kornelii Zelinsky nghe cuộc nói chuyện của mình với Stalin vào mùa đông cuối cùng của cuộc chiến tranh.
“Stalin gọi tôi đến gặp. Ông mặc quân phục nguyên soái. Ông từ bàn đứng lên đi lại phía tôi nhưng không mời ngồi (tôi cứ đứng nguyên suốt buổi) và bắt đầu đi lại trước tôi:
-Nghe này, đồng chí Fadeev, - Stalin nói với tôi, - anh phải giúp đỡ chúng tôi.
-Tôi là người cộng sản, thưa đồng chí Iosif Vissarionovich, mà mỗi người cộng sản đều có bổn phận phải giúp đỡ đảng và nhà nước.
-Anh nói người cộng sản, người cộng sản cái gì thế. Tôi nói nghiêm túc rằng anh cần phải giúp đỡ chúng tôi trên tư cách là người lãnh đạo Hội nhà văn.
-Đó là bổn phận của tôi, thưa đồng chí Stalin, - tôi đáp.
-Hề, các anh ở Hội nhà văn cứ luôn mồm nói “bổn phận của tôi”, “bổn phận của tôi”, - Stalin bực tức. Nhưng các anh không làm gì để giúp nhà nước đấu tranh với kẻ thù. Như anh đấy, là người lãnh đạo Hội nhà văn mà anh có biết mình đang làm việc với ai đâu.
-Sao lại không biết? Tôi biết hết mọi người mà tôi dựa vào.
-Chúng tôi giao cho anh cái chức to “Tổng thư ký”, vậy mà anh không biết vây quanh anh là những tên gián điệp quốc tế cỡ bự. Anh có biết điều đó không?
-Tôi sẵn sàng vạch trần bọn gián điệp nếu chúng trà trộn vào hàng ngũ các nhà văn.
-Các anh toàn đồ lẻo mép, - Stalin nói gay gắt khi dừng lại trước tôi và nhìn thẳng vào tôi đang đứng nghiêm như một người lính. – Các anh toàn đồ lẻo mép. Anh là tổng thư ký gì mà lại không biết là có những tên gián điệp cỡ bự ngồi kề bên mình.
Phải thú thực là tôi lạnh cả người. Tôi không còn hiểu giọng điệu và tính chất cuộc trò chuyện mà Stalin đang nói với mình là sao nữa.
-Nhưng bọn gián điệp ấy là ai? – khi đó tôi hỏi.
Stalin cười một trong những cái cười từng khiến một số người chết ngất và như tôi biết là không hứa hẹn điều gì tốt đẹp.
-Sao tôi phải cho anh biết tên của những kẻ gián điệp ấy khi anh có bổn phận phải biết chúng? Nhưng nếu anh là con người yếu đuối như vậy, đồng chí Fadeev ạ, thì tôi sẽ mách cho anh biết cần phải tìm chúng ở hướng nào và anh cần phải giúp chúng tôi việc gì. Thứ nhất, tên gián điệp cỡ bự là Pavlenko, người bạn thân của anh. Thứ hai, anh biết rõ Ilya Erenburg là tên gián điệp quốc tế. Và cuối cùng, chẳng lẽ anh không biết Aleksey Tolstoy là gián điệp Anh?
Bệnh coi ai cũng là gián điệp, thói đa nghi quái đản, việc tạo ra các vụ án hình sự xuẩn ngốc và kết án những người vô tội của Stalin thì ai cũng biết, cũng như ai cũng biết Stlain thích những câu chuyện đùa chết người và những trò khiêu khích độc ác, nhưng dẫu sao cũng đáng suy nghĩ: liệu có một cơ sở nào không trong sự khẳng định A. Tolstoy là gián điệp Anh?
(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga)
Tất cả cảm xúc:
Bạn, Van Anh Nguyen, Dạ Ngân và 137 người khác