Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LƯU QUANG VŨ - NHÀ THƠ KHAO KHÁT HÒA BÌNH

Giang Nam
Thứ hai ngày 29 tháng 8 năm 2022 3:07 PM




Lưu Quang Vũ
(sinh 1948, mất ngày 29 tháng 8 năm 1988) là nhà thơ, nhà soạn kịch và nhà văn hiện đại Việt Nam.

Từ 1965 đến 1970 sau trung học, anh nhập ngũ làm chiến sĩ trong quân chủng Phòng không – không quân. Đây là thời kỳ thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu nở rộ.
 Từ 1970 đến 1978: xuất ngũ và lăn lộn nhiều nghề để mưu sinh, làm ở Xưởng cao su đường sắt, làm hợp đồng cho Nhà xuất bản Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường, vẽ pa-nô, áp-phích cho sân khấu,… Từ 1978 đến 1988: Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 với tổng số gần 60 vở kịch giàu chất thơ trong đó phần lớn đã diễn trên sân khấu toàn quốc (kịch nói, chèo, cải lương). Khi vở diễn của anh tràn ngập sân khấu, đài và báo chí thường xuyên đưa tin, một nhà viết kịch lão thành “cách mạng”, bậc cha chú của anh, ngồi xem và bần thần nói với bạn “Nó mới thực là bậc thầy của mình đấy”. Có thể nói kịch tác gia Lưu Quang Vũ, nhà văn Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Huy Thiệp với tổng biên tập báo Văn nghệ Nguyên Ngọc là những cây bút tiên phong đổi mới bứt phá trước khi Đảng chính thức “đổi mới”.

Tập sách của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên mang tên “Nhà văn như Thị Nở” gồm 51 chân dung nhà văn, trong đó công bố những di cảo thơ chép sổ tay của Lưu Quang Vũ ít người được biết suốt hơn bốn chục năm qua.

“Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều
Rách tan cả những làn sương đẹp nhất”.

“Tuổi hai mươi khốn khổ của ta ơi
Tuổi tai ương dằng dặc trận mưa dài”.

Anh nghĩ về những thanh niên trẻ lên đường ra trận:
“Những đứa trẻ buồn ướt lạnh”
Lòng chỉ muốn yêu thương
mà cứ phải suốt đời căm giận”.

“Giết xong quân giặc
Chẳng thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm,
Chỉ nỗi buồn trĩu nặng
dâng lên như đá trên mồ”.

Và trong mắt những đứa trẻ buồn cầm vũ khí giết người ấy, hình ảnh kẻ thù hiện ra thế này:

“Xác ngụy nằm ruồi muỗi bâu đầy
Những đôi mắt bệch màu hoa dại
Những gương mặt trẻ măng xanh tái
Những bàn tay đen đủi chai dầy.
 Các anh ơi, đứng trách chúng tôi,

Các bà mạ, tha thứ cho chúng tôi.
Chúng tôi chẳng thể làm khác được
quả đồi cháy như một phần quả đất,
bao đời người ta đã giết nhau
Với các anh, tôi oán hận gì đâu,
Nhưng còn có cách nào khác được !”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tin rằng đó chính là nỗi buồn và đau có thực, đau buốt ngực Vũ. Và dù anh có nói theo truyền thông thời cuộc là phải bắn giết nhau như thế để “con người được làm con người trở lại” thì:
“Nhưng mãi mãi chẳng bao giờ sống dậy
những tháng năm đã mất,
những nhịp cầu gãy gục
những toa tàu đã sụp đổ tan hoang”.

Khi Lưu Quang Vũ viết những câu thơ trên trong sổ tay thì ở bên kia chiến tuyến một người lính nhà thơ tên Nguyễn Bắc Sơn in ra tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi” có những câu thơ đồng điệu:
“Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước,
Vì căn phần người xui khiến đó thôi”.

Nghĩ về vụ thảm sát phố Khâm Thiên do không quân Mỹ gây ra, anh viết như một nhà thơ, không phải chính khách, anh chưa cần gỉai thích căn nguyên, anh trách tất cả những kẻ gây ra đổ máu:
“Những bộ óc chế súng bom hủy diệt
Các tư tưởng cầm quyền các nước
Lãnh tụ tối cao của mọi Đảng trên đời,
Các ông kêu vì hạnh phúc con người
Nay con người chết đi
Cái phúc ấy ai dùng được nữa!

Chục chiếc B.52
Không đổi được một trẻ nghèo Ngõ Chợ
Không thể nhân danh bất- cứ -cái- gì
Bắt máu vạn dân lành phải đổ”.

Năm 1973 sau Hiệp định Paris, Lưu Quang Vũ viết:
“Hòa bình đến mong manh
Nhiều tin đồn mà chẳng có gì ăn”.

Bài thơ năm 1973 mang tựa đề “Nơi tận cùng”:
“Nơi tận cùng mọi con đường
một chiếc mũ rách
úp trên nấm mồ sỏi cát.
Nơi tận cùng mọi con đường
Pho tượng đá cụt đầu đứng sững.
Nơi tận cùng hoàng hôn
trên vỏ chai trống rỗng”. Giai đoạn cuối chiến tranh Việt Nam, sống cùng một không khí mà có ba giọng thơ khác nhau.

Tố Hữu viết:
“Ôi Việt Nam tổ quốc thương yêu
Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều”.

Đó là một câu thơ thùng rỗng kêu to quen thuộc của Tố Hữu.

Chế Lan Viên thì chơi xiếc chữ:

“Ta mọc dậy trước mắt nhìn nhân loại,
Hai tiếng Việt Nam đồng nghĩa với anh hùng”.

Thơ Chế lúc ấy vẫn theo giọng chủ âm vô cảm như Tố Hữu cấp trên thôi (may cuối đời Chế Lan Viên còn để lại Di cảo thơsám hối).

Cùng lúc đó, Lưu Quang Vũ xót xa, lặng lẽ viết:


“Nước Việt thân yêu, nước Việt của ta,
sao người phải chịu nhiều đau đớn thế,
thân quằn quại mọi tai ương rách xé”

Anh lờ mờ nhận ra một cuộc đua tranh ý thức hệ tai hại mà Việt Nam là miếng mồi cho họ giằng xé. Và nhà thơ đưa câu hỏi nặng lo âu:
“Tất cả sẽ ra sao
Mảnh đất nghèo máu ứa
Người sẽ đi đến đâu
hả Việt Nam khốn khổ?
Đến bao giờ bông lúa
là tình yêu của người ?”

“Máu con người không phải thứ bán mua”.

Từ tháng 5/1975 Lưu Quang Vũ giữa cảm xúc bời bời khó tả khi đất nước thống nhất, đã nhận thấy một thời kỳ hậu chiến khó khăn khác thường “Sắp tới là những ngày khó nhất”vì phải xây dựng lại đất nước đổ vỡ và hàn gắn chữa chạy vết thương.

Chuẩn bị bước vào kịch trường thời hậu chiến để trở thành ngọn cờ đầu sân khấu toàn quốc suốt thập niên 80, 90, anh viết những dòng thơ này vừa tự nhủ vừa gửi tâm sự đến đồng nghiệp:

“Anh hãy đập vào ngực mình giục giã
Hãy nổi gió cho cánh người rộng mở
và mai sau, sẽ có những nhà thơ
đứng trên tầng cao ta ao ước bây giờ.
Họ sẽ không ngừng đập cửa,
không ngừng lo âu, không ngừng phẫn nộ
bởi vô biên là khát vọng của con người”.
 Những câu thơ Lưu Quang Vũ nồng nàn cảm xúc và dễ hiểu đến mức chẳng còn gì phải bình luận thuyết minh, như cảm nhận của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Nhà phê bình vẽ ra một Dáng đứng Lưu Quang Vũ “Người nổi gió. Người đập cửa. Người mở cửa”. Anh là nhà thơ nhân dân, nhà thơ yêu nước – danh hiệu cao quý nhất chỉ dành cho rất ít người.

.

*) Tên bài được chúng tôi đặt lại. Tên gốc là "Lưu Quang Vũ – nhà thơ phản chiến đầu tiên ở miền Bắc trước 1975".