Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGA- ĐÓI TÁC CẤP THẤP CỦA TRUNG QUỐC

Alexander Gabuev
Thứ tư ngày 24 tháng 8 năm 2022 11:14 PM


Chiến tranh ở Ukraine đã biến Moscow thành đối tác cấp thấp của Bắc Kinh như thế nào

FOREIGN AFFAIRS by Alexander GabuevAugust 9, 2022

(Alexander Gabuev là một thành viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế – Carnegie Endowment for International Peace)

Ba Sàm lược dịch

Cuộc chiến ở Ukraine đã cắt đứt Nga khỏi phần lớn thế giới phương Tây. Bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt, bị tố cáo trên các phương tiện truyền thông quốc tế và bị tẩy chay khỏi các sự kiện văn hóa toàn cầu, người Nga đang ngày càng cảm thấy cô đơn. Nhưng Điện Kremlin có thể dựa vào ít nhất một trụ cột hỗ trợ chính: Trung Quốc. Quyết định xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã buộc Nga phải quay sang ngả mũ trước người đồng chí – gã khổng lồ Á-Âu của mình.

Trong thế kỷ 20, Liên Xô coi Trung Quốc – ít nhất là cho đến khi Trung-Xô chia rẽ vào những năm 1960 – như một người anh em họ nghèo hèn hơn, một quốc gia cần được dẫn lối chỉ đường và trợ giúp trong quá trình phát triển phù hợp hướng tới vị thế được tôn trọng. Nhiều thập kỷ sau, cục diện đã thay đổi một cách rõ ràng. Trung Quốc trong một thời gian đã tự hào về một nền kinh tế mạnh mẽ và năng động hơn, sức mạnh công nghệ lớn hơn và ảnh hưởng hơn về chính trị và kinh tế toàn cầu so với Nga. Vị thế bất đối xứng đó được dự báo sẽ chỉ trở nên rõ rệt hơn trong những năm tới vì chế độ của Putin phụ thuộc vào Bắc Kinh để tồn tại. Trung Quốc có thể sẽ ngấu nghiến được nhiều hơn trong thương mại nói chung với Nga. Nó sẽ trở thành một thị trường thiết yếu cho hàng xuất khẩu của Nga (đặc biệt là tài nguyên thiên nhiên) trong khi người tiêu dùng Nga sẽ ngày càng phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Và nó sẽ tận dụng tình trạng khó khăn của Nga để khẳng định đồng Nhân dân tệ vừa là một đồng tiền quốc tế chính và lại vừa thống trị trong khu vực.

Để giữ cho Trung Quốc hài lòng, các nhà lãnh đạo Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các điều khoản bất lợi trong các cuộc đàm phán thương mại, ủng hộ vị thế của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, và thậm chí cắt giảm quan hệ của Moscow với các nước khác, chẳng hạn như Ấn Độ và Việt Nam. Trong bài viết của nhiều nhà phân tích phương Tây, Trung Quốc và Nga thường xuất hiện như một cặp đôi, hai cường quốc độc tài lớn đang tìm cách thay đổi trật tự quốc tế. Nhưng mối quan hệ của họ không phải là bình đẳng. Sự phụ thuộc của Điện Kremlin vào Trung Quốc sẽ biến Nga thành một công cụ hữu ích trong một cuộc chơi lớn hơn đối với Trung Nam Hải, một tài sản to lớn trong cuộc cạnh tranh của Bắc Kinh với Washington.

MẤT CẢNH GIÁC

Trước cuộc tấn công vô cớ của Nga vào Ukraine ngày 24 tháng 2, các quan chức ngoại giao và tình báo Trung Quốc đã cố gắng tìm hiểu sự tập trung quy mô của quân đội Nga tại biên giới với Ukraine và đánh giá những cảnh báo của Mỹ rằng một cuộc chiến đang diễn ra. Bắc Kinh tỏ ra nghi ngờ về những cảnh báo mà Washington đưa ra, khi cho rằng giống như nhiều chính phủ châu Âu, chi phí cho cuộc xâm lược đối với Nga sẽ lớn hơn nhiều so với bất kỳ lợi ích tiềm năng nào. Bất chấp những đồn đoán rằng Putin ít nhất đã thông báo trước một phần cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kế hoạch của ông ta, chiến tranh bùng nổ dường như khiến Trung Quốc giật mình và đặt ra cho nước này một bài toán khó: Mình nên đứng ở vị thế nào? Nếu Trung Quốc ủng hộ Nga, nước này có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và mất quyền tiếp cận với công nghệ và thị trường phương Tây, một viễn cảnh khó lường. Nhưng nếu Trung Quốc chỉ trích hành động của Putin, nó có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ của họ với Nga.

Bắc Kinh coi mối quan hệ của mình với Moscow là tối quan trọng vì một số lý do.

Hai nước có chung đường biên giới dài 4.200 km. Mối quan hệ kinh tế của họ hoàn toàn bổ sung cho nhau: Nga giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng cần công nghệ và đầu tư, trong khi Trung Quốc có thể cung cấp công nghệ và đầu tư nhưng cần tài nguyên thiên nhiên.

Nga cũng là nguồn cung cấp vũ khí tinh vi chủ chốt cho Trung Quốc, lượng vũ khí đã gia tăng trong thập kỷ qua.

Là các quốc gia độc tài, cả hai đều ủng hộ lẫn nhau trong các thể chế quốc tế, trong đó đứng đầu là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Họ hạn chế chỉ trích lẫn nhau về các vấn đề nhân quyền và thực hiện các cách tiếp cận tương tự đối với nhiều vấn đề toàn cầu, chẳng hạn như đặt ra các tiêu chuẩn về quản trị Internet mà cả hai quốc gia đều cho rằng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn ở cấp quốc gia.

Tập và Putin có quan hệ gần gũi, đồng thời có chung mong muốn đưa đất nước của họ trở lại vị thế huy hoàng trước đây. Mối giao hảo song phương được thúc đẩy bởi cảm giác bất bình và có chủ đích — chủ yếu nhắm vào Hoa Kỳ, kẻ mà Trung Quốc và Nga cáo buộc đang tìm cách phủ nhận vị thế chính đáng của họ trên thế giới — một tình cảm chỉ phát triển mạnh mẽ hơn khi mà các thể chế chính trị của Trung Quốc và Nga đã trở nên chịu ơn với lối cai trị theo chủ nghĩa cá nhân của Tập và Putin.

Những lối nghĩ đó đã định hình phản ứng có thể đoán trước của Trung Quốc đối với cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai. Bắc Kinh đã chuyển sang cách tiếp cận từng được thử nghiệm và thấy đúng đắn của mình trong các cuộc khủng hoảng trước đây do chủ nghĩa phiêu lưu của Điện Kremlin gây ra, chẳng hạn như cuộc chiến năm 2008 ở Gruzia, việc sáp nhập Crimea năm 2014 và hành động can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.

Trung Quốc đã kiên định chiến thuật chân trong chân ngoài. Với những người đối thoại từ Ukraine và phương Tây, các quan chức Trung Quốc lưu ý rằng chính phủ của họ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và tìm cách kết thúc nhanh chóng cuộc chiến. Với những đối tác Nga, các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng mối quan hệ thân thiết với Nga vẫn không bị xáo trộn, rằng Bắc Kinh phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây và họ chấp nhận quan điểm của Nga, rằng việc mở rộng NATO và sự sốt sắng của Washington nhằm thúc đẩy các liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu trên toàn thế giới đã tích tụ nên cuộc xung đột.

Những nỗ lực của phương Tây nhằm đưa Trung Quốc ra khỏi thế đứng trung lập này cho đến nay đã thất bại.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không nghĩ rằng họ có nhiều lợi ích khi có lập trường chỉ trích các hành động của Nga. Họ biết rõ rằng nguyên nhân sâu xa của những bất đồng giữa đất nước họ và phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, sẽ không biến mất nếu Bắc Kinh đứng về phía Ukraine.

Trung Quốc cũng lo ngại sự sụp đổ tiềm tàng của chế độ Putin dưới sức nặng của các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có, một kết quả rõ ràng sẽ đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc coi một nước Nga thù địch với phương Tây là tài sản, và một chế độ mới ở Moscow với khuynh hướng thân phương Tây sẽ là một cơn ác mộng chiến lược. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thức được rằng họ khó có thể thay đổi suy nghĩ của Nga về Ukraine; Putin tin rằng chiến tranh là điều cần thiết để bảo vệ đất nước và di sản của chính mình. Ngoài ra, Trung Quốc không có khả năng hoặc kinh nghiệm để đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán trong chiến tranh. Do đó, Tập và nhóm chính sách đối ngoại của ông thậm chí đã không cố gắng hỗ trợ cho hòa giải.

GẶP MAY

Trung Quốc đang đu dây, từ chối gây sức ép với Nga nhưng cũng cố gắng tránh những hậu quả kinh tế có thể xảy ra do phương Tây áp đặt. Nước này đã chọn tuân theo các quy định nghiêm ngặt của các lệnh trừng phạt và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ một cách có toan tính — ít nhất là vào lúc này. Nhiều công ty Trung Quốc đã đóng băng các dự án của họ ở Nga hoặc đang tạm ngừng hoạt động. Tương tự, các tập đoàn năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã miễn cưỡng mua vội các tài sản của Nga (hiện có sẵn với mức chiết khấu cao) trong các công ty phương Tây, chẳng hạn như BP và Shell, vì lo ngại sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt trong tương lai của Mỹ.

Nhưng việc Trung Quốc tuân thủ các lệnh trừng phạt không có nghĩa là Bắc Kinh không hỗ trợ Moscow về mặt kinh tế. Trung Quốc đã tận dụng tình trạng gián đoạn kinh tế của chiến tranh, để định vị mình là thị trường thay thế cho hàng hóa Nga từng được bán ở các thị trường châu Âu. Nó đã khai thác triệt để cơ hội mua hàng hóa của Nga với giá rẻ thông qua các thỏa thuận ngắn hạn mà không có nguy cơ bị xử phạt vi phạm.

Kể từ tháng 2, Trung Quốc đã tăng cường mua khí đốt của Nga. Khi châu Âu cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và các tài nguyên khoáng sản khác, Điện Kremlin có ít lựa chọn ngoài việc chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á – chủ yếu là sang Trung Quốc, một lựa chọn tự nhiên do địa lý, qua các đường ống trên đất liền hiện có ngoài đường biển, và khả năng cung cấp các phương tiện thanh toán bằng đồng nhân dân tệ thay thế cho các phương tiện bị ràng buộc với đô la Mỹ, euro, yên Nhật, franc Thụy Sĩ hoặc bảng Anh. Trong bảy tháng qua, xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc đã tăng 48,8% lên 61,45 tỷ USD.

Các lựa chọn của Nga đang tan biến dần, khiến Trung Quốc chiếm thế thượng phong

Kể từ năm 2014, hàng hóa Trung Quốc đã dần thay thế hàng hóa châu Âu tại thị trường Nga và vào năm 2016, Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Đức trở thành nguồn cung cấp chính máy công cụ trong công nghiệp của Nga. Tác động tổng hợp của việc gia tăng chi phí kho vận và các lệnh trừng phạt sẽ hạn chế sự sẵn có của nhiều hàng hóa châu Âu ở Nga, vì vậy người tiêu dùng và doanh nghiệp Nga cuối cùng sẽ chuyển sang nhiều lựa chọn thay thế từ Trung Quốc hơn.

Trên thực tế, trong 7 tháng qua, nhập khẩu từ Trung Quốc sang Nga đã tăng 5,2% lên 36,3 tỷ USD. Khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chính của Nga về cả xuất khẩu và nhập khẩu cho Nga, nhiều hoạt động này sẽ được tiến hành bằng đồng Nhân dân tệ. Đồng tiền Trung Quốc sẽ trở thành đồng tiền dự trữ trên thực tế cho Nga ngay cả khi không có khả năng chuyển đổi hoàn toàn, làm tăng sự phụ thuộc của Moscow vào Bắc Kinh. Sự thay đổi này đang được tiến hành thuận lợi, bằng chứng là khối lượng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ tại thị trường chứng khoán Moscow lần đầu tiên đã vượt qua giao dịch đồng euro theo cấp số nhân.

Những giao dịch như vậy với Trung Quốc sẽ gây tốn kém cho Nga. Trung Quốc sẽ không thể bù đắp cho những thiệt hại của Nga tại các thị trường châu Âu. Hơn nữa, sự phụ thuộc của Moscow vào Bắc Kinh sẽ tạo cho Trung Quốc đòn bẩy to lớn, và nước này có thể thu được những nhượng bộ từ Nga mà trước đây người ta coi là phi lý một chiều. Ví dụ, trong các cuộc đàm phán hiện tại về một đường ống mới sẽ kết nối các mỏ khí đốt ở Tây Siberia với thị trường Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có thể thực thi một công thức giá có lợi cho khách hàng Trung Quốc, biến đồng Nhân dân tệ trở thành đơn vị tiền tệ của hợp đồng và giới hạn nghĩa vụ pháp lý của họ đối với việc chỉ mua công suất tối thiểu của đường ống. Do đó, việc mua thêm khí đốt tùy thuộc vào mong muốn của Bắc Kinh. Moscow có khả năng sẽ đồng ý với các điều kiện này – không có lựa chọn nào khác – bằng việc cung cấp cho Bắc Kinh không chỉ khí đốt giá rẻ mà còn là đòn bẩy trong tương lai cho các cuộc đàm phán với các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng, chẳng hạn như Qatar và Hoa Kỳ.

Chỉ một năm trước, những điều kiện như vậy sẽ không thể chấp nhận được đối với Điện Kremlin. Nhưng giờ đây, các lựa chọn của Nga đang tan biến dần, khiến Trung Quốc chiếm thế thượng phong. Các quan chức Nga không mù quáng trước động thái này, nhưng chiến tranh đã tạo ra một chủ nghĩa thực dụng đầy ác cảm đối với Điện Kremlin. Miễn là Trung Quốc cung cấp một dòng tiền có thể giữ cho chế độ tồn tại và duy trì cuộc đối đầu với phương Tây, Điện Kremlin sẽ chấp nhận các yêu cầu của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, thách thức chính sẽ là quản lý rủi ro từ các biện pháp trả đũa của Hoa Kỳ, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các giao dịch tiềm năng của Trung Quốc với các thực thể Nga bị trừng phạt hoặc vi phạm các chế độ kiểm soát xuất khẩu. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng họ sẽ thoát khỏi việc khiêu khích đối tác Hoa Kỳ nếu hoạt động kinh doanh của họ với Nga không vi phạm rõ ràng các lệnh trừng phạt. Theo họ, Hoa Kỳ khó có thể bắt đầu một cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, giữa bối cảnh một cuộc suy thoái kinh hoàng đang bùng phát trong nỗ lực cố gắng phá vỡ bộ máy chiến tranh của Putin.

MỐI LỢI CHO BẮC KINH

Ở Moscow, thực tế đang bắt đầu ảnh hưởng. Nhiều quan chức Nga, kể cả những cấp cao nhất trong bộ máy quyền lực, đang lo ngại rằng việc xích lại gần Trung Quốc – mà không đồng thời cải thiện quan hệ với các nước phương Tây và làm cho nền kinh tế Nga trở nên cạnh tranh hơn – sẽ hạn chế quyền tự chủ chiến lược của Nga. Tuy nhiên, quan hệ với Trung Quốc vẫn phát triển ổn định. Trước khi Putin sáp nhập Crimea vào năm 2014, Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng thương mại của Nga; đến cuối năm 2021, Trung Quốc chiếm 18%. Con số này chỉ có thể tăng lên sau cuộc chiến ở Ukraine. Sẽ là không thực tế khi tưởng tượng một tương lai gần khi Trung Quốc kiểm soát hơn một nửa dòng chảy thương mại của Nga và trở thành nguồn cung cấp công nghệ chính trong các lĩnh vực quan trọng như viễn thông, vận tải và sản xuất năng lượng. Trong một kịch bản như vậy, Bắc Kinh sẽ có đòn bẩy to lớn đối với Nga mà họ không ngại sử dụng. Ví dụ, trong tương lai, Trung Quốc có thể yêu cầu Nga từ bỏ quan hệ quốc phòng với Ấn Độ và Việt Nam, hoặc lên tiếng ủng hộ các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và yêu sách của họ đối với Đài Loan.

Ngay cả trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine, mối quan hệ Trung-Nga đã ngày càng trở nên thiên lệch

Tình trạng phân ly với phương Tây sẽ không được sửa chữa chừng nào Putin còn ở trong Điện Kremlin và thậm chí có thể cả khi ông ta không còn trị vì. Nga đang biến thành một Iran khổng lồ ở Á-Âu: khá cô lập, với một nền kinh tế nhỏ hơn và lạc hậu hơn về công nghệ nhờ sự thù địch với phương Tây, nhưng vẫn quá lớn và quá quan trọng để bị coi là không liên quan. Trung Quốc sẽ là đối tác bên ngoài lớn nhất của Nga, một khách hàng xuất khẩu lớn, một nguồn nhập khẩu chính và một đối tác ngoại giao lớn (đặc biệt khi Ấn Độ tiếp tục rời xa Nga để hướng tới các nền dân chủ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu). Tầng lớp cầm quyền lớn tuổi ở Điện Kremlin, vốn dĩ đã bị ám ảnh một cách thiển cận về Washington, sẽ càng hào hức hơn để đảm nhiệm vai trò như là chư hầu của Trung Quốc khi nước này vươn lên trở thành đối thủ không đội trời chung của Hoa Kỳ.

Trung Quốc sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Bắc Kinh khó có thể bảo lãnh cho Moscow hoặc giúp hiện đại hóa nền kinh tế Nga một cách đáng kể. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ làm đủ để duy trì một chế độ thân thiện trong Điện Kremlin – và thúc đẩy lợi ích quốc gia của Trung Quốc – bằng cách mua tài nguyên thiên nhiên của Nga với giá thấp, mở rộng thị trường cho công nghệ Trung Quốc, thúc đẩy các tiêu chuẩn công nghệ của Trung Quốc và biến đồng Nhân dân tệ trở thành mặc định trong khu vực tiền tệ của Bắc Âu-Á.

Với vị thế đòn bẩy ngày càng tăng của mình, Bắc Kinh sẽ có thể rút ra từ Moscow một điều mà một năm trước đây không thể tưởng tượng được: tiếp cận với các loại vũ khí tinh vi nhất của Nga và các mẫu thiết kế của chúng, quyền tiếp cận ưu tiên tới Bắc Cực của Nga, điều kiện cho các lợi ích an ninh của Trung Quốc ở Trung Á, và sự ủng hộ của Nga – với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – đối với các lập trường của Trung Quốc trong tất cả các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Trên thực tế, Điện Kremlin sẽ tự bảo vệ mình khỏi áp lực của phương Tây với cái giá là mất quyền tự chủ chiến lược ở mức độ rất cao. Tình trạng này có thể sẽ tồn tại và có khả năng nằm ngoài quyền cai trị của Putin. Trung Quốc có thể phản ứng thái quá bằng cách thúc ép Nga quá mạnh và quá nhanh, điều này có thể dẫn đến phản ứng dữ dội bởi tinh thần dân tộc và gây áp lực lên Putin để chống lại các yêu cầu của Trung Quốc.

Nhưng một sự thay đổi thực sự trong mối quan hệ sẽ đòi hỏi khả năng sẵn sàng từ phía Điện Kremlin để tự giải phóng mình hoàn toàn khỏi vòng tay vững chắc của Trung Quốc và thái độ cởi mở của phương Tây muốn nối lại quan hệ với Nga. Và trong tương lai gần, cả hai điều đó đều không có khả năng xảy ra.