Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÔNG NGỌC HÂN THÍCH GÌ NHẤT ?

Ngọc Dương
Thứ sáu ngày 12 tháng 8 năm 2022 8:55 AM
Khoảng năm 2001, một lần anh Huy Thức, hội viên nhiếp ảnh công tác ở Văn phòng hội đi sáng tác về đưa tôi bài thơ của một người gặp trên đường. Tôi xem bài thơ thấy hay, bèn chuyển cho TS Trần Hữu Sơn, Tổng biên tập Tạp chí văn nghệ của Hội, Tạp chí cho in.
Huy Thức kể, anh chụp hình ảnh một phụ nữ đang đập đá ở ven đường Bảo Yên, khuôn mặt bịt kín vừa để bảo hộ lao động, vừa như không muốn tiếp xúc với mọi người… Nhưng chụp xong, anh bắt chuyện với “người mẫu”. Tên chị là TỐNG NGỌC HÂN.
Hân hỏi: “chú công tác ở đâu?”. - “Chú là người của hội VHNT tỉnh”. Hân vui mừng: “Úi may quá, mấy khi gặp được người của Hội VHNT. Vậy cháu mời chú về nhà cháu chơi”. Về nhà, Hân lôi ra quyển vở học sinh, nơi có chép tay những bài thơ Hân viết đưa cho ông đọc. Huy Thức xem xong bảo, để tôi mang một bài về gửi Tạp chí của Hội xem có đăng được không.
Từ đó, Thỉnh thoảng Hân lại gửi một bài thơ. Bài nào cũng được in. Theo Quy chế của Hội, một trong những tiêu chí xét kết nạp Hội viên là tác giả có ít nhất hai tác phẩm được in trên Tạp chí của Hội hoặc các báo, tạp chí VHNT khác. Năm 2003, Tống Ngọc Hân được kết nạp làm Hội viên Hội VHNT tỉnh Lào Cai.
Sau khi trở thành Hội viên, như có thêm “chất kích thích”, Hân rất chịu viết. Cuộc sống tuy còn gặp nhiều khó khăn, từ hai bàn tay trắng phải mưu sinh kiếm sống, nhưng không vì thế mà chị không say sưa sáng tác.
Sau một thời gian trở thành Hội viên Hội VHNT tỉnh, cùng với thơ, Hân bắt đầu viết văn. Thỉnh thoảng chị gửi cho tôi một đĩa CD copy những truyện ngắn đầu tay và khiêm tốn đề nghị, cháu nhờ chú đọc, cho ý kiến và sửa giúp cháu nhé. Tôi bảo, chú chỉ làm quản lý chứ không phải nhà văn… Nhưng Hân vẫn nhờ. Tôi đọc truyện ngắn của Hân thấy chị viết có phong cách riêng, giàu vốn sống, đặc biệt là sự hiểu biết văn hóa, lối sống của nhiều tộc người vùng cao, nhất là người Mông, người Tày, người Dao đỏ. Năm 2009, Tống Ngọc Hân được kết nạp vào Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Rồi 2013 chị trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, một nữ “Nhà văn Trung ương” đầu tiên của tỉnh Lào Cai.
Sau khi xuất bản 3 tập truyện ngắn: Khu vườn yên tĩnh, Sợi dây diều và Đêm không bóng tối (năm 2012), Tống Ngọc Hân bắt đầu viết tiểu thuyết.
Từ “suối nhỏ”, ra “sông lớn”, bút lực của Hân càng ngày càng sung sức. Đến nay, chị đã xuất bản 10 tập truyện ngắn, 3 cuốn tiểu thuyết, 2 tập truyện thiếu nhi và 2 tập thơ.
Tống Ngọc Hân đã thực sự là một nữ sĩ nổi lên trên văn đàn quốc gia. Năm 2017 chị chuyển về quê Phú Thọ, vừa trông coi quán tạp hóa của gia đình, vừa không ngừng viết, tranh thủ từng phút rỗi rãi, gom nhặt từng chữ cho những tác phẩm của mình. Mà toàn thao tác bằng điện thoại, chứ không có thời gian ngồi máy tính, vì còn phải bán hàng kiếm sống.
Không hiểu sao, mỗi lần nghĩ đến Tống Ngọc Hân tôi lại liên tưởng đến Nguyễn Ngọc Tư. Hai nữ sĩ ở hai đầu đất nước. Tống Ngọc Hân xuất thân viết văn ở Lào Cai, tuyến đầu Tổ Quốc, còn Nguyễn Ngọc Tư ở mãi cực Nam – Đất Mũi. Tưởng chả dính líu gì với nhau, nhưng xem ra cũng có nhiều điểm tương đồng. Thứ nhất, cả hai đều “cầm tinh con Rồng” – sinh năm 1976, đều có vẻ ngoài nhang nhác giống nhau: dáng người hơi đậm, khuôn mặt tròn, tóc cắt ngang vai…, lại cùng chung tên đệm (Ngọc Hân, Ngọc Tư). Họ giống nhau cả việc học hành không được đến nơi đến chốn, đến việc sinh ra, lớn lên ở những vùng nông thôn nghèo khó. Tôi không có ý định so sánh, nhưng thấy hai chị đều nổi tiếng, tuy mỗi người có những cách nổi tiếng khác nhau…
Tôi hỏi Tống Ngọc Hân: “Với một khối lượng “khủng” về đầu sách văn học của mình, Hân có ấn tượng nhất với tác phẩm nào?”.
Chị đáp: “Với những tác phẩm đã xuất bản cháu không thể nói được cháu ấn tượng tác phẩm nào nhất… Chỉ riêng truyện ngắn thì càng khó nói. Khoảng 170 truyện ngắn đã xuất bản và hơn 100 truyện ngắn đã được các Đài đọc, nhiều truyện ngắn được chuyển thể thành kịch bản phim, kịch bản truyền thanh, độc giả người ưng cái này, người thích cái kia. Cháu thì chỉ thích duy nhất một thứ thôi. Đó là viết. Viết bất cứ lúc nào rảnh rỗi, từng mẩu thời gian ngắn cũng tận dụng để viết…”.

tên bài TNc đặt lại
Nguồn FB Ngọc Dương
Có thể là tác phẩm nghệ thuật về một hoặc nhiều người
88Bạn, Chau Hong Thuy, Đỗ Ngọc Dũng và 85 người khác
23 bình luận
3 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ