Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẤT THIÊNG ĐÃ MỌC CÂY LÀNH

Trần Hữu Tòng
Thứ tư ngày 16 tháng 2 năm 2022 3:31 PM



NHÂN 43 NĂM TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC CÁC TỈNH BIÊN GIỚI VIỆT NAM
(17-2-1979 - 17-2-2022)


 

Đã ba mươi ba năm rồi, tôi – người lính già làm báo – 83 tuổi, được trở lại thăm Hang Dơi.

Núi đồi Vị Xuyên, một màu xanh bao la vơi tầm mắt. Những đồi cao năm nào là điểm chốt chặn giặc: Đồi Đài, Cô Ích, Đồi Cót Ép, Cây Si, những “ Lò vôi thế kỷ”… chỉ có đất đỏ than đen, bụi vôi cay nồng thuốc súng. Nay những nơi đó ngút ngàn màu xanh trong nắng thu vàng mở ảo đẹp như tranh vẽ. Và dòng suối Thanh Thủy xanh trong chảy rì rào dưới chân vách đá trầm tư như đang kể lại bao điều kỳ tích…

Đường vào Hang Dơi đi trên những bậc đá xếp có tay vịn bảo hiểm bằng ống nhôm. Hai bên đường cỏ gừng, cỏ mật xanh non tỏa hương thơm man mát. Và kìa, những tảng đá trước cửa hàng như còn vết mòn của người lính năm nào ngồi viết thư, lau súng… Trên vách đá những dòng chữ viết bằng than, bằng vôi, bằng đá non màu nâu đỏ, cả bằng máu năm nào vẫn còn nét rõ, nét mờ “ Sống bám đá một tấc không rời. Chết hóa đá đắp cao đường biên Tổ quốc”…

… Năm ấy, tháng tám 1987 tôi được phòng văn hóa Báo Quân đội nhân dân cử lên mặt trận viết bài. Tôi háo hức lắm. Háo hức hơn cả những chuyến được theo các đơn vị vào chiến dịch “ Đường Chín Nam Lào, giải phóng Quảng Trị, Chiến trường Cực Nam Trung Bộ… năm xưa. Bởi chuyến đi lên mặt trận Vị Xuyên lần này, tôi được thăm đứa con trai – Trần Hữu Quân ở Trung đoàn 165, Sư Đoàn 312 đang trên điểm chốt Hang Dơi.

Hang Dơi là “ danh xưng” của nhiều hang đá sau vách núi cao bên bờ suối Thanh Thủy. Nếu cộng diện tích các hang, ta có đến hàng ngàn mét vuông “hầm” trong lòng núi. Và, tất thảy núi non hang đồi vùng Vị Xuyên bên bờ sông Lô đều nằm trong dải núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ giàu tài nguyên của nước ta. Tây Côn Lĩnh có đỉnh cao đến 2419 mét, có 40 loài thú quý hiếm, 130 loài chim, hơn 200 cây chè trên 300 tuổi là di sản quý của rừng Việt Nam. Tây Côn Lĩnh còn có nhiều giống gỗ quý như lim, lát, gỗ ngọc am và quế, hồi, thảo quả… Những di sản đó trong vùng đồi núi Vị Xuyên đã bị giặc dội pháo sáng thiêu đốt trụi, tàn phá sạch.Bách khoa toàn thư mở cho ta biết các vùng hoang sơn dã địa của nước ta có tới 23 hang đá mang tên Hang Dơi. Hang Dơi nào cũng phủ đầy những huyền thoại ly kỳ, thần linh bí hiểm như Hang Dơi “ Cổng nhà trời” ở Mộc Châu, hoặc vang dội chiến công như Hang Dơi ở Núi Dinh ( Bà Rịa) là căn cứ kiên cường của ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

… Biết tin tôi lên, đơn vị cho Quân và chiến sĩ Hồng ra Nà Cáy đón. Từ đó đến bờ suối Thanh Thủy, tôi và hai chiến sĩ đi trong đường hào. Quân nói với tôi “Chừng 15 đến 20 phút, giặc lại dội sang một đợt pháo. Nghe tiếng nổ đầu nòng, chúng con ẩn vào ngách hào… chỉ khổ cây rừng cháy và đá núi hóa vôi thôi…”. Đến bờ suối, sau loạt đạn pháo giặc nổ, chúng tôi vượt nhanh qua dòng nước ấm nóng đỏ ngầu. Đến gần cửa Hang Dơi tôi nhìn thấy một mảnh dất có sắc thái lạ sát bên vách núi. Mảnh đất chỉ bằng nửa sân bóng chuyền đá sỏi nhấp nhô loang lổ màu đen thẫm, rải rác những mảnh vải. Quân kéo tay tôi “ Bố vào hang đi. Rồi con sẽ kể cho bố nghe về “ mảnh đất thiêng” này.

Bữa cơm đầu tiên trong Hang Dơi để lại cho tôi ấn tượng nhớ đời. Chiến sĩ Tụ người Xứ Nghệ cầm củ mài to bằng bắp tay giơ cao, nói “ Đây là bữa cơm Quân đón mừng bố, chúng con chiêu đãi Nhà báo Quân đội nhân dân đây nhé”. Thì ra củ mài đó chiến sĩ Phương tìm được trong buổi đào công sự. Bữa cơm ấy có món canh củ mài, rau rừng nấu với thịt hộp ăn với nắm bột mì luộc và xôi nếp. Món xôi ngũ sắc ấy là quà đặc biệt của hội phụ nữ do chị Hội trưởng Chúng Thị Phà vừa mang lên tặng. Đang ăn thì loạt pháo giặc bắn sang nổ dọc bờ suối, cửa hang. Xoong canh chao đảo trên nền đá, Phương phải bỏ bát xuống hai tay giữ chặt hai quai xoong. Hùng, người lính quê tỉnh Thanh nhìn tôi “ Nhà báo cứ ăn ngon. Nó chỉ cắn trộm thôi. Những lúc như thế này anh em chúng con đọc những câu thơ vui. Xin đọc nhà báo nghe “ Làm trai cho đáng nên trai. Hang Dơi đã trải. Đồi Đài đã qua”. “ Lò vôi”, Cót Ép là nhà. Hát trên Hang Cáo mới là chí trai”. Ăn cơm xong, tôi mở chiếc máy chụp ảnh Ki-ép ra ( ngày ấy phóng viên Báo Quân đội nhân dân được trang bị máy ảnh của Liên Xô). Tôi chụp cho các chiến sĩ. Nhưng lần nào đưa máy lên ngắm, Phương cũng quay mặt đi, Phương nói “ Cháu vừa bị sốt rét. Mặt cháu bị phù. Cháu xin chú lần sau”. Đâu ngờ tôi trở về Tòa báo được hơn tháng thì nhận được thư của Quân. Quân báo tin Phương đã hy sinh vào ngày 10 tháng 10 năm 1987 bên suối Thanh Thủy lúc ra đón đồng đội chuyển vũ khí và thư, báo lên. Vậy là chiến sĩ Lê Văn Phương không có tấm ảnh nào để lại. Lúc làm lễ tưởng nhớ Phương ở đơn vị và ở gia đình – Ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên – Hà Nội, phải lấy tấm ảnh của người anh trai sửa vài nét cho giống Phương đặt lên bàn thờ.

Trong thư gửi về, Quân viết rằng “… Mảnh đất ở cửa hang nơi bố đứng nhìn, con đã kể cho bố nghe rồi. Chúng con gọi đó là “ mảnh đất thiêng”. Đó là nơi đồng đội của chúng con hy sinh ở phía trên chuyển về và cả Phương nữa đều nằm ở đấy. Chờ đến tối, chúng con mới đưa được qua suối về phía sau. Hôm Phương, và đồng đội nằm ở đó, chúng con không ai còn quân trang, khăn áo lành lặn, sạch sẽ để đắp che mặt và thi hài. Chúng con đã phải bóc gói báo vừa chuyển lên lấy tờ báo Quân đội nhân dân trải rộng phủ lên mặt và che thi hài cho Phương và đồng đội”.

Tôi biết Phương và Quân là bạn học cùng trường Chu Văn An. Hai chàng trai Hà Nội cùng nhập ngũ một đợt, cùng được biên chế về một đơn vị. Rồi hai chú lính Hà Nội cùng lên giữ điểm chốt Hang Dơi. Phương có người bạn gái cùng học tên là Yến. Hai người đã gắn bó với nhau. Những ngày ở Hang Dơi, mỗi lần nhận được thư của Yến, Phương có đọc vài đoạn cho anh em nghe.Ở điểm chốt các chiến sĩ có nếp vui chung như thế. Nên niềm vui của một người trở thành niềm vui của tất cả. Những lúc im tiếng súng, Phương kiên tâm mài, uốn cái vòng sắt quả đạn B40 vào vách núi đá để mong thành cái vòng tay. Nhưng cái vòng tay ấy Phương làm còn dang dở… Lúc Phương bị thương, mất máu nhiều, anh ôm chặt lấy Quân nói thều thào “ Quân ơi! Quân thăm mẹ tôi với. Gặp Yến, Quân nói tôi thương Yến nhiều…”

Cuối năm, Quân từ Vị Xuyên về Hà Nội. Đến Bến Nứa Quân xuống đi thẳng đến nhà Phương thắp cho bạn nén hương. Quân gặp Yến. Yến đang chăm sóc sức khỏe cho mẹ của Phương. Yến chạy ra ôm chặt lấy tay Quân. Cô nghẹn ngào “ Anh Quân ơi! Có thật anh Phương đã hy sinh ở Hang Dơi Vị Xuyên rồi không. Vì đêm nào em cũng gặp anh ấy về thăm em…”.

Ngày Quân về có cầm cái vòng tay bằng sắt Phương đang mài uốn chưa xong về. Lúc đi học xa, Quân trao cái vòng ấy cho tôi giữ. Tôi đã lồng cái vòng tay ấy vào cổ con “ cu li”. Đó là cái gốc cây rừng có bộ lông màu vàng giống con thú hoang dã. “ Con thú” ấy ở núi Hang Dơi, anh Vũ Xuân May Trung đoàn trưởng 165 tìm được hôm đi chuẩn bị trận địa với chiến sĩ. Anh tặng cho tôi con “ cu li”. Anh nói “ Quà chiến trường tặng Nhà báo Quân đội đấy nhé”. Những kỷ niệm Vị Xuyên 33 năm trước của hai bố con, đến nay tôi vẫn trân trọng đặt trên bàn làm việc. Hôm ấy đứng ở cửa hầm Hang Dơi, nơi tôi nhận tặng phẩm và cũng là nơi tôi tặng các chiến sĩ hai câu thơ: “ Hang Dơi Thanh Thủy vùng biên máu. Đồng đội nằm đây xin chớ quên”.

Giờ đây hai câu thơ ấy đã được Hội Cựu chiến binh khắc lên đá đặt trước cửa hang.

Rời Hang Dơi, tôi , Quân, Hùng với những cựu chiến binh đã ở đây 33 năm trước cùng vị tướng Hùng Sinh người từng chỉ huy chiến trận Vị Xuyên đứng trước “ mảnh đất thiêng”. Một cây sung – ngái đã mọc lên giữa mảnh đất này. Từ gốc cây bậm bạp đã trồi lên tám nhánh cái. Cả tám nhánh vươn thẳng như nòng súng. Các ngọn lá xanh hình mũi mác, lưỡi gươm tua tủa chĩa ra tám hướng rừng. Và những chùm quả xum xuê giống hình quả mìn thu nhỏ từ gốc lênđến mút cành.

Chiều thu Vị Xuyên dịu hiền, trầm lắng phảng phất khói sương. Gió núi mơn man lá cành nghe như tiếng ai thì thầm nơi xa vắng. Những con bướm cánh màu đen đốm trắng bay lượn vờn từng vỉa đá rồi xếp cánh trên các chùm quả tạo thêm cảnh thâm u huyền bí. Chúng tôi đứng lặng. Quân, Hùng chăm chú nhìn “mảnh đất thiêng” như cố nhận ra nơi nào … nơi nào năm ấy Phương và đồng đội đã nằm. Còn vị tướng dạn dày trận mạc bỏ mũ đứng nghiêng mình. Bao ký ức quá khứ đang hiện về trong tâm tưởng của ông. Sau những trận đánh giữ đất, ông vui mừng với những chiến thắng, và ông cũng đau đớn nhìn những tập thư từ phía sau gửi lên vẫn đểtrên đá lạnh trước cửa Hàng Dơi không còn người nhận. Ông đưa mu bàn tay gạt nước mắt. Ông nói nho nhỏ “ Đúng là sống bám đá núi, chết thành cây xanh bất tử…”

Đêm VịXuyên, tôi nghỉ lại trong doanh trại Đơn vị 313 bên bờ suối Thanh Thủy. Bên kia suối là Đài hương tưởng niệm các liệt sĩ. Người lính già thao thức, ngậm ngùi. Khuya. Tiếng gió Tây Côn Lĩnh dội về từng cơn rì rào, rậm rịch như đất trời thao thức. Tiếng sóng nước sông Lô réo rắt, ầm ào giống như tiếng người rên rỉ, nỉ non… Tiếng gió, tiếng nước Vị Xuyên linh thiêng đêm nay người lính già cứ tỉnh tỉnh, mơ mơ như thoảng nghe tiếng nói, tiếng hát năm nào từ trên các điểm tựa Đồi Đài, Cót Ép... vọng về:

“Tình yêu có từ Hang Dơi.

Băng qua Hang Mán, Làng Lò

Sông Lô của người Thanh Thủy.

Bốn mùa nước chảy lững lờ.

Anh lên đồi cao giữ chốt.

Làng Pênh, Nà Cáy em chờ...”

Tôi bàng hoàng ngồi dậy, bật máy hỏi “Bách khoa toàn thư mở” về loài cây sung, cây ngái… Các nhà khoa học đã cho biết rằng, Sung, ngái và cây vả là loài cây nhiệt đới, giống cây đặc hữu của vùng đất Đông Dương. Loài cây này là giống thực vật có hoa, có quả nằm trong họ dâu tằm có tên khoa học Moracae. Loài cây này đã được các nhà khoa học miêu tả đầu tiên vào năm 1782. Đây là loài cây đẹp, quý thân thuộc với người Việt Nam ta. Nó có đặc tính mọc nơi hoang dã và có sức sống mạnh mẽ ở những môi trường đất ẩm như bìa rừng, bờ sông suối, ao hồ… không cần sự chăm sóc. Từ xa xưa, loài cây này được ông bà ta xếp vào cây phong thủy, cây tạo nên cảnh đẹp, tỏa ra khí mát, gió lành . Trồng loài cây này trong vườn sẽ mang về tài lộc, may mắn, hạnh phúc viên mãn cho cháu con. Các cụ chơi cây cảnh đã xếp loài cây này vào bộ tam đa: “Đa – đinh – sung – lộc”; “Mai – cúc – đào – sung”. .. Các nhà khoa học còn cho ta biết loài cây sung, vả, ngái là nguồn lợi cho con người về thực phẩm. Và ngành Đông y thì bào chế ra thuốc chữa được hai mươi sáu loại bệnh tật cho con người…

Vậy là “Đất thiêng” đã mọc lên cây lành. Tôi cứ thầm nghĩ rằng có phải ở Vị Xuyên này những nơi máu của đồng đội chúng ta thấm đất, đất đã mọc lên những cây gỗ lim, gỗ lát, gỗ ngọc am; đất mọc lên rừng quế, rừng hồi, rừng thảo quả… làm đẹp làm giàu, làm bền vững vùng biên cương của tổ quốc. Lòng người lính già nhớ về đồng đội xin gửi gắm câu thơ:

“ Đất thiêng đã mọc cây lành

Nơi anh nằm đã dựng thành núi non

Quả sung muôn thuở vẫn tròn

Hang Dơi muôn thuở vẫn còn tên Anh

Suối ngàn Thanh Thủy biếc xanh

Cùng Anh hát khúc quân hành … Vị Xuyên

Bốn mùa mây xuống trăng lên

Gió khuya thao thức vọng rền nhớ Anh”.

Tháng 9 – 2020

Trần Hữu Tòng