Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ “GIỠN”, MỘT CÁCH NHÌN ĐỜI CỦA MARIA HOÀN NGUYỄN

Đặng Văn Sinh
Thứ ba ngày 20 tháng 7 năm 2021 9:47 AM




Từ lâu nay Maria Hoàn Nguyễn vẫn được xem là “người đàn bà làm thơ” có nhiều phong cách mà phong cách nào cũng để lại ấn tượng mạnh, tuy rằng đã hơn một lần chị “có nhời” với dân làng, mình chỉ “là kẻ rong chơi trên miền chữ nghĩa”. Riêng tôi nghĩ, đấy chỉ là cách nói hình ảnh, còn thực chất, cái kiểu “rong chơi” như Hoàn Nguyễn là nỗi khao khát cháy bỏng của không ít “thi huynh”, “thi muội”, hội viên của những hội văn chương sang trọng từ tỉnh lẻ đến kinh thành, chỉ mong có một hai câu thơ được thiên hạ nhớ đến. Hóa ra, cái nghiệp “thi khách” cũng gian truân lắm, không phải cứ nhãn mác đầy mình là thành ngay ông nọ bà kia nếu vẫn cứ tự sướng với type thơ “xay lúa” ý tứ nhợt nhạt, từ ngữ mòn sáo, cảm xúc hời hợt.

So với mảng thơ tình có yếu tố sex, hay gần hai chục bài “Thị Mầu” vừa chao chát vừa đong đưa, cái mà Hoàn Nguyễn gọi là thơ “giỡn” không phải dòng chính. Đó là loại thơ thường xuất hiện khi tinh thần “Cô Dở” bấn loạn hoặc tâm trạng buồn bực. Khá nhiều bài không đặt tiêu đề, thậm chí chỉ một cặp lục bát xuất thần trong khoảnh khắc, nếu không ghi kịp thời, ít phút sau là biến mất vô tăm tích.

Làm thơ “giỡn” không dễ, trước hết phải có khiếu hài hước, bởi lẽ “giỡn” là một từ thuần Việt có nội hàm khá rộng chỉ sự trêu đùa, châm chọc nhưng không có ác ý bởi phía sau nó là tiếng cười dân gian có tác dụng điều chỉnh những hành vi không phù hợp với quy ước văn hóa cộng đồng. Viết thơ “giỡn” lại phải có cái nhìn tinh tế, phải tìm ra những thứ bất bình thường trong sự bình thường của đối tượng mà người khác không thể nhìn ra. Phương tiện chủ yếu để thực hiện hành vi “giỡn” là hệ thống từ ngữ giầu sắc thái biểu cảm với tính đa nghĩa, đồng âm dị nghĩa, những từ láy đôi, láy ba, đặc biệt từ nói lái luôn có khả năng tạo ra tiếng cười. Mục đích của thơ “giỡn” là tiếng cười, nhưng không hiếm trường hợp sau tiếng cười lại là sự ấm ức, đôi khi cả tiếng khóc nữa.

Đọc rồi mới biết, thơ “giỡn” của Hoàn Nguyễn đã đạt đến độ tinh quái vì “Cô Dở” tim được kho từ vựng phong phú đến mức bất cứ ai cũng thèm muốn. Đây chính là nguồn nguyên liệu tuyệt hảo để khi cần sẽ “gọi” ra dễ như lấy đồ trong túi, chẳng hạn “vắt veo”, “thim thíp”, “tửng từng tưng”, “lửng lừng lưng”, “mọng mòng mong”, “nõn nòn non”, “già ắc già ơ”, “tích tình tình tang”…Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, Hoàn Nguyễn đã vận dụng hệ thống từ loại khá hiếm hoi này đặt vào từng văn cảnh, từ đó nảy sinh những tình huống khiến người đọc phải bật ra tiếng cười. Một trong những đặc trưng ở thơ “giỡn” Hoàn Nguyễn là giễu cợt loại người trí tuệ nông cạn, phông văn hóa mỏng nhưng lắm tham vọng, lúc nào cũng nghĩ mình là “rốn vũ trụ”. Sự đối lập giữa nội dung và hình thức ấy, trước đám đông, rất dễ trở thành lố bịch. Bài “Giỡn” có thể xem như một thể nghiệm, tuy chỉ hai cặp lục bát bẻ dòng theo kiểu thơ bậc thang nhưng lại thừa thãi yếu tố bi hài:

“Cho anh

mượn

cái

đàn bà

Làm thơ

giết

mấy gã ba hoa

tình

Rồi còn

riêng mỗi đôi mình

Tha hồ

mà lại tính tình

tình tang”

Theo văn bản thì đây là một đấng mày râu muốn mượn “cái đàn bà” của người phụ nữ, làm thơ “giết” mấy gã ba hoa. Nhưng thật ra đó chỉ một hình thức thác lời của thi pháp ca dao để làm nhẹ bớt sự “khiêu khích”, vì rằng người làm thơ để “giết” ai đó không phải nam nhân mà chính là cô gái kia. Có thể nói, “cái đàn bà” ở đây đã trở thành vũ khí lợi hại của phái đẹp, một kiểu ẩn dụ thông minh đặt trong sự tương quan với “mấy gã ba hoa”. Theo tôi, “cái đàn bà” ở đây được xem như là sự sáng tạo độc đáo của Hoàn Nguyễn mang yếu tố hài hước. Nó vừa nghiêm túc vừa giễu nhại, ám chỉ một thứ quyền năng phái yếu, vượt lên trên thói nữ nhi thường tình có đủ bản lĩnh “điều trị” những anh chàng dở người làm thơ lăng nhăng như cách đây hai trăm năm, nữ sĩ họ Hồ đã “ghẹo” dám “nột nho”(1) tinh tướng:

“Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ?

Lại đây cho chị dạy làm thơ”

Thật ra, làm thơ tán gái không có tội tình gì, đáng yêu là khác. Ở thời trai trẻ, gã đàn ông nào chẳng có một lần lén lút nhét thơ vào cặp sách bạn gái mà anh ta si mê. Nhưng chuyện ngược đời là ở chỗ, thời nay còn vô khối ông đạo mạo U60, U70 thậm chí U80 vẫn tiếp tục làm thơ con cóc ve vãn người đẹp một cách trơ trẽn mà lúc sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gọi là “đám giặc già lăng nhăng thơ phú"(2). Đây cũng là nguyên nhân khiến tác giả dẫn hai cặp lục bát trứ danh, của nhà thơ Bùi Hoàng Tám để minh họa quan điểm của mình tuy có hơi tục một chút: “Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l…/ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l… vào thơ!”(3).

Hoàn Nguyễn nhẹ nhàng hơn. Chị gọi các thi nhân đáng kính này là “trống bỏi”, tuy không nói trắng ra nhưng ai cũng hiểu nó xuất phát từ câu thành ngữ “già chơi trống bỏi” và hệ lụy không thể tránh khói là những vụ scandal tình ái khiến không ít gia đình tan nát vì…thơ! Cho nên nữ sĩ mới ngầm cảnh báo để đám “giặc già” kia hãy tỉnh ngộ, nếu không sẽ thân bại danh liệt bởi chứng bệnh nan y “ba hoa tình”. Nhưng sự đời lắm nỗi éo le, bởi lẽ, tham vọng của các “nhà” không dừng lại ở chuyện “tình tang” mà họ còn muốn lưu danh muôn thuở trên thi đàn bằng thứ văn vần lòng thòng như rau muống bè, kẽo kẹt chẳng khác gì xay lúa. Có những vị thi hứng tràn trề in vài tập một năm, bỏ tiền thuê viết phê bình, mở hội thảo, đăng báo rùm beng rồi tìm mọi cách, kể cả “đi đêm” để có được tấm thẻ hội viên. Sau khi trở thành “nhà” chính danh, phong cách lập tức thay đổi. Ông thì tóc dài chờm vai, mỗi tuần nhuộm một lần, hễ ra đường là áo đũi khuy tầu hoặc complet cravat. Các bà, các mợ thì son phấn lòe loẹt, váy lửng, giày cao gót, giọng khinh khỉnh coi thiên hạ đếch ai bằng mình. Lại còn có ông vác hẳn tập giáo trình dày cộp kèm theo sơ đồ minh họa rậm rạp như tán cây cổ thụ lang thang khắp đông đoài dạy đám văn nhân tỉnh lẻ làm thơ. Cứ đà này chả mấy chốc xứ Đông Lào ta sẽ có rất nhiều thi sĩ tầm cỡ Nobel nếu các học viên thuộc nằm lòng lý thuyết vàng ngọc của thầy. Cho nên ta cần phải hiểu câu “làm thơ giết mấy gã ba hoa tình” như một cách phúng dụ về hiện tượng lạm phát thơ kém chất lượng, là một loại rác văn hóa cũng độc hại không kém gì rác thải công nghiệp. Thế nhưng, đến hai câu sau thì tình hình khác hẳn, không khí hài hước mở ra với biên độ khá rộng sau khi “chàng” dùng vũ khí “cái đàn bà” thanh tẩy được thứ thơ tán gái (hoặc chim giai), trả lại môi trường trong lành, lúc ấy mới là hoàn cảnh lý tưởng cho sự sáng tạo nghệ thuật:

“Rồi còn riêng mỗi đôi mình

Tha hồ mà lại tính tình tình tang”.

Đọc đến đây khó ai nén được nụ cười bởi sắc thái giễu cợt của mấy từ hóm hỉnh “tính tình tình tang” như là lời kết cho bài lục bát mang âm hưởng “giỡn”.

Cũng vẫn là thơ nhưng đôi khi thật oái oăm. Không hiếm thi nhân mà Hoàn Nguyễn gọi một cách mỉa mai là “trống bỏi” còn có biệt tài “sờ thơ”. Trong “tiếu lâm” mới chỉ thấy anh mù “ngửi thơ” chứ chưa thấy anh sáng “sờ thơ” bao giờ. Có thể xem đây cũng là một từ bản quyền của “Cô Dở”:

“Có ông già ắc già ơ

Khen thơ thì dở sờ thơ thì tài”

Không cần nói cũng biết đây là thơ trào phúng dành riêng cho những “thi hữu” có sở thích bình thơ bằng …tay! Mà đã dùng xúc giác “thẩm định” thơ thì làm quái gì còn sự tao nhã của khách văn chương. Cái khéo của Hoàn Nguyễn là cắt đôi “ắc ơ” rồi dùng từ “già” chèn vào tạo nên tổ hợp “già ắc già ơ” để chế giễu sự kệch cỡm của những lão già cốc đế nhân danh thơ để tán tỉnh chị em.

Tài “giỡn” của Hoàn Nguyễn không chỉ ở lĩnh vực văn chương. Bất cứ nơi nào có sự trái tai gai mắt đều không thoát khỏi tầm ngắm của chị kể cả tầng lớp tăng lữ Phật giáo. Ở thời mạt pháp, xuất gia là cách làm giầu nhanh nhất, không ít hương tự trở thành nơi hành lạc của những “kẻ trốn việc quan đi ở chùa”, thì cái “đường tu” ấy ắt phải là “tu hú”:

“Nghĩ cái đường tu cũng vắt veo

Lắt léo vần xoay đến lộn lèo

Trở gió tu thành ma phá giới

Chũm choẹ tang tình móc kẽ rêu”

Những từ “vắt veo”, “lộn lèo”, “ma phá giới”, “móc kẽ rêu”, ”chũm chọe” được đặt vào không gian trang nghiêm, tĩnh lặng nghe sao mà nặng mùi tình dục, báng bổ thánh thần. Là bởi chùa từ lâu đã thành tụ điểm hành nghề mê tín dị đoan như dâng sao giải hạn, cúng vong oan gia trái chủ, hay làm bùa chú trừ ma quỷ, còn các đại đức, thượng tọa thì ngồi xế hộp Mercedes bạc tỷ, tay đeo đồng hồ Rolex vài trăm triệu còn túi cà sa nhét smartphone bằng cả một gia tài người nghèo.

Nói đúng ra, “Tu hú” là bài tứ tuyệt nhị thủ, tuy không phải thơ Đường nhưng cấu trúc chặt chẽ, ý tứ lấp lửng, đặc biệt là cách sử dụng lớp từ láy sáng tạo có khả năng làm gia tăng hiệu quả thẩm mỹ. Sư đã vậy, còn các bà vãi, nhất là loại vãi non “ngứa nghề” thì sao? Xin thưa, Hoàn nguyễn cũng không tha. Vẫn với giọng đùa giỡn, chị phác thảo bằng thứ ngôn ngữ hoạt kê chân dung một nữ phật tử:

“Loạng choạng vãi lần tràng hạt son

Đường tu lắt léo biết vuông tròn

Đảo tay phẩm oản im thim thíp

Ngán cái tu hành rất dở dom”

Là cây bút đa năng, Hoàn Nguyễn đã có lúc thử sức mình ở cả mảng thơ Đường và thơ xướng họa mang tinh thần “giỡn” từ đầu đến chân. Thơ Đường chỉ mấy bài, chị làm vì danh dự. Tôi đã đọc và thật sự kính phục bởi ngọn bút tài hoa chẳng những ở kỹ thuật gieo vần, niêm luật đăng đối mà còn tái hiện được không khí Đường thi trung đại khiến đối tượng từng miệt thị “Cô Dở” im hơi lặng tiếng:

“Xuân đã gần kề anh biết không?

Hơi đông lành lạnh thắt se lòng

Nụ đào còn ngậm - hương mùa đợi

Ánh nắng chưa về - sợi tóc hong

Bên cửa sương mờ - theo gió tạt

Tàn đêm gối lạnh - lệch đèn chong

Bâng khuâng tìm lại dư âm cũ

Cho thỏa tình xưa ngỏ mắt mong”

Còn đây là bài họa lục bát của một nhà thơ tên tuổi. Bản liệt kê dụng cụ nhà bếp chỉ là màn dạo đầu cho trò diễn hấp dẫn khi mà tác giả tìm cách ghép được từ “lục bát” là thể loại thơ truyền thống của dân tộc với hành động lục xoong nồi bát đĩa dựa vào hiện tượng đồng âm. Nhưng tài tình hơn cả là ở công đoạn Hoàn Nguyễn khai thác triệt để tính đa nghĩa của từ “lục hồn” có vần “ồn” lấp lửng ngầm hướng người đọc tưởng tượng đến thứ ngoài văn chương nếu thay đổi phụ âm đầu:

“Lục bát, lục đĩa, lục mâm

Lục xoong, lục chảo, lục ăn... đầy mồm

Lục xong nổi hứng bồn chồn

Liêng biêng lại muốn lục hồn... xem thơ”

Xưa nay, họa thơ nguyên vận vốn đã khó, họa mà kết hợp được cả kỹ năng chơi chữ lại càng khó. Vậy mà “Cô Dở” còn làm được hơn thế, đấy là chưa tính đến cái từ láy “liêng biêng” cũng rất đáng được bàn thêm.

Cũng vẫn vần “ồn” rất đáng ngờ luôn ám ảnh đấng mày râu, nhưng ở bài “không đề” này, tác giả lại hướng sự đùa bỡn đến những đối tượng khác như một thông điệp ngầm cảnh báo trò ném đá giấu tay của những ai đó mà mình không cần chấp nhặt:

“Chuyến phao bìu ríu đảo điên

Gió thông thốc phút lộ thiên hiện hồn

Em che sao nổi sóng dồn

Chị không chấp thứ sồn sồn đâu em”

“Bìu ríu”, “đảo điên”, “sồn sồn” đều là những từ láy có khả năng phát sinh nghĩa mới khi được đặt vào văn cảnh khác nhau. Nó cũng thể hiện một thái độ, một cách ứng xử của chủ thể nhưng không gay gắt dữ dội khiến đối tượng được nhắc đến phải nghiêm túc suy ngẫm hướng đến thay đổi hành vi.

Phải nói rằng, Hoàn Nguyễn khá có “duyên” với những vần được xem là nhạy cảm trong ngữ âm, chẳng thế mà vần “ồn” được khổ chủ nhắc đi nhắc lại nhiều lần:

“ngờ đâu

ra cái vạ vơ

cõi người đưa đẩy

câu thơ đẫm buồn

buồn rồi ớ ẩn

mất khôn

mất khôn

Dở muốn tãi hồn ra phơi”

Đành rằng là nói thậm xưng, nhưng ai dám chắc cái món “tãi hồn” ra phơi kia là của riêng Hoàn Nguyễn. “Phơi hồn” đã là một sự trái khoáy vạy đuôi rồi nhưng tiếng Việt vốn đa nghĩa và trường liên tưởng thì vô tiền khoáng hậu, thôi thì tùy độc giả muốn hiểu thế nào thì hiểu, miễn là ta công nhận với nhau đấy là thơ “giỡn”.

Hết giỡn thiên hạ rồi đến lúc tự giỡn mình. Hóa ra “Cô Dở” cũng lắm chiêu trò. Bài “Đi tu” là một trong số đó. “Đi tu” chỉ mỗi cặp lục bát mà khá nổi đình đám:

“Em đi tu

Anh đi tu

Ước gì hai đứa thành sư một chùa”

Đã mang danh “tu hú” thì chuyện này cũng là lẽ thường. Tình yêu, một mặt nhân đạo hóa con người, mặt khác lại có khả năng cải tạo hoàn cảnh cho tốt đẹp hơn kể cả tôn giáo do chính con người đặt ra. Chớ nên lo lắng cho thế hệ các chú tiểu, cô tiểu mới ra đời. Tương lai là của họ, do họ tự định đoạt. Lúc ấy có khi chúng ta đã vào sáu tấm hoặc lên Đài hóa thân Hoàn Vũ. Bài thơ như một màn kịch rất ít lời thoại mà trọng tâm là câu tám. Khi nút thắt được gỡ ra “trò diễn” kết thúc làm người xem ngỡ ngàng bởi tình huống bất bình thường mang đậm tinh thần “giỡn”.

Phong cách ngôn ngữ của Hoàn Nguyễn gần như đã trở thành sự chuẩn mực của dòng thơ giễu nhại. Với bài “không đề” dưới đây, người đọc lại nhận ra một Hoàn Nguyễn dịu dàng, e ấp chẳng khác gì nữ tử “cấm cung” thấm nhuần đạo “tam tòng tứ đức” nhưng vẫn thấp thoáng đâu nó nụ cười nửa miệng:

“Sáng nay ưng ửng nắng vàng

Gặp người tưng tửng - liếc ngang em cười

Muốn đưa đẩy gió trao lời

Mà lưng lửng thấy ngại ơi ngại à...!”

Hình ảnh “tưng tửng - liếc ngang” hay trạng thái tâm lý “ngại ơi ngại à” đều là ngôn ngữ chèo, dân ca bắt nguồn từ khẩu ngữ được vận dụng một cách linh hoạt làm cho bài thơ có hồn vía, đã đọc một lần khó có thể quên.

Khác với dòng thơ đám đông, cứ nhắc đến CHIỀÙ là phải “hoàng hôn”, “khói”, “tím” hay ”hoang hoải” ; nói đến MƯA, NẮNG không thể thiếu “gầy” ; còn HOA PHƯỢNG hay HOA GẠO dứt khoát phải là “cháy”, “cháy đỏ”, “thắp lửa”…, Hoàn Nguyễn tìm được lớp từ “lạ” của riêng mình cho dù không ít lần chị bị mất quyền sở hữu trí tuệ như “lồng tồng”, “mĩm cỏ”, “vạ vơ”, “bẻ cong một câu Kiều”, “xoắn bóng đêm”, “áo mỏng phây phây”, “lấn bấn tim”, “tụt váy trời”…

Để khép lại mấy lời thô thiển về thứ thơ Hoàn Nguyễn gọi là “giỡn” này, không gì thuyết phục hơn là dẫn ra đây đoạn lục bát trong bài “Toan tụt váy trời” của chị để bạn đọc xa gần thưởng lãm:

“Quên đau đi- lúng liếng phiêu

Tuột say- lấp khuyết cô liêu bến tình

Chén cay đắng- cạn riêng mình

Chén này lăn lẳn mà khinh khích cười

Với tay tụt váy mây trời”

Nếu gặp cơ may được “Cô Dở” mời cái món “lăn lẳn” ấy, liệu rằng bạn có dám nâng cốc cùng nàng?

Bến Tắm, những ngày nóng chảy mỡ

(04.7.2021)

Đ.V.S.

(1) Nột nho: từ gốc Hán, chỉ anh học trò dốt

(2) Chữ dùng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong bài “Trò chuyện với hoa thủy tiên và sự nhầm lẫn của nhà văn”, Tạp chí Ngày Nay, Hà Nội, số 6, 15.3.2004

(3) Thơ Bùi Hoàng Tám được Nguyễn Huy Thiệp dẫn trong bài “Trò chuyện với hoa thủy tiên và sự nhầm lẫn của nhà văn” Tạp chí Ngày Nay, Hà Nội, số 6, 15.3.2004