Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KỂ CHUYỆN KHÁCH VĂN

Ngô Xuân Hội
Thứ sáu ngày 12 tháng 3 năm 2021 8:53 AM



“Xởi lởi trời cho…”

Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên đường thiên lý Bắc – Nam; Nam ra, Bắc vào, Tây Nguyên xuống. Từ lâu thành phố Nha Trang đã trở thành một điểm du lịch lý tưởng của nhiều người, vì thế so với nơi khác, các nhà văn sống ở đây có nhiều bạn văn đến chơi thăm cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nhiều cỡ “Sáng đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh”, vừa tiễn khách cũ lên tàu xong, trở về đã thấy lù lù một hai vị khách mới đang ngồi chờ mình ở nhà như Trần Chấn Uy thì không có người thứ hai. Hỏi anh có biện pháp “kích, cầu” gì mà hay thế? Uy cười:

- Núi không đến với Muhammad thì Muhammad đến với núi.

Quá đơn giản. “Núi” đầu tiên mà Muhammad Trần Chấn Uy tìm đến có tên là Kim Lân. Đầu năm 1987 nhà văn Kim Lân và nhà văn Thao Trường (Nguyễn Khắc Trường) vào Nha Trang làm thầy, đọc bản thảo cho các cây bút thuộc quân chủng Phòng không Không quân đang tham gia Trại viết của quân chủng mở ở đây. Uy gặp cụ, một ông già U70 mặc một chiếc quần jean levis rất thời trang. Kim Lân muốn tắm biển, đi một mình hãi, cụ rủ Uy đi cùng.

Tới biển Uy trút bỏ quần áo, mình trần nhảy ào xuống nước bơi thẳng ra vài chục mét, quay lại, thấy cụ vẫn mặc nguyên quần áo quỳ trước biển, hai tay chắp trước ngực, miệng lẩm bẩm, rồi làm nhất – nhị – tam - tứ bái. Ngạc nhiên, Uy hỏi:

- Cụ vái gì vậy?

Cụ bảo:

- Tớ vái ông biển, ông biển kinh lắm. Ông rừng cũng kinh, nhưng trong rừng còn có chỗ đứng chân, còn ông biển thì thăm thẳm, khiếp lắm, sẩy chân phát là chìm nghỉm.

Vái xong, cụ cởi quần áo đi rón rén xuống biển. Tới chỗ nước ngập ngang gối, cụ ngồi thụp xuống cho nước ướt đến ngực rồi đứng vụt dậy vội vàng đi lên bờ, miệng cười nhăn nhó:

- Tớ xong rồi.

“Núi” Kim Lân kính sợ biển.

“Núi” thứ hai là Hữu Loan. Sau gần 30 năm ẩn cư dưới chân núi Vân Hoàn, cuối năm 1987, nhà thơ Hữu Loan đã lần đầu tiên vào miền Nam theo lời mời của báo Tuổi trẻ. Trên đường đi ông ghé thành phố biển. Uy gặp ông ở Hội Văn nghệ Nha Trang, 6A Lý Tự Trọng. Hồi ấy đất nước manh nha mở cửa, không khí còn e dè. Thích “Đèo cả, Hoa lúa, Màu tím hoa sim…” nhưng không ai dám đón ông về nhà. Thấy vậy, Uy mời ông về nhà mình nghỉ. Hữu Loan ở nhà Uy hai tuần. Ông già đầu râu tóc bạc hiền lành ngủ trên chiếc giường một kê cạnh cửa sổ. Uy và Năm Hùng (một anh bạn ngoài văn chương của Uy) chở ông đi chơi khắp thành phố biển. Hữu Loan cảm động lắm. Rồi nhân có chiếc xe ô tô tải hiệu Giải phóng của thằng em rể từ Bình Dương chở gốm sứ ra Nha Trang bán, Uy giao nó chở nhà thơ vào thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi rời đi, Hữu Loan đã chép tặng Uy bài thơ mới của ông: “Tôi, cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời/ Đã làm thất bại mọi âm mưu/ đẽo tròn/ để muốn tùy tiện/ lăn long lóc/ thế nào/ thì lăn lóc. Chân lý đấy/ hỡi/ rìu/ bào/ phó mộc”. Đến khi về lại núi Vân Hoàn, “núi Hữu Loan” giữ đúng lời hứa, gửi Bưu điện vào cho Uy một lọ mật ong rừng để trị chứng tưa lưỡi cho đứa con gái đầu của vợ chồng anh khi ấy mới hai tuổi rưỡi.

“Núi” tiếp theo là Tố Hữu. Năm 1989, sau khi thôi giữ các chức vụ, vợ chồng nhà thơ Tố Hữu làm một chuyến hành phương Nam với tư cách nhà thơ. Anh em văn nghệ sĩ Nha Trang nhờ Giám đốc khách sạn Ban Mê – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Minh Ngọc đứng ra làm chủ chi tiếp cụ. Uy lĩnh ấn tiên phong đón cụ từ nhà nghỉ của văn phòng Trung ương Đảng T78 đến khách sạn. Khi vào thang máy cụ bảo:

- Đi thang máy như đi máy bay, tớ cứ có cảm giác rờn rợn.

Uy nghe, ngứa mồm hỏi ngu một câu:

- Thế có nghe mùi Nam Tư không bác?

Chả là mấy năm trước, Bí thư thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt nỗ lực cho thành phố xé rào, phát triển kinh tế tư nhân để cứu đói và xa hơn, làm giàu cho thành phố. Trên một chuyến bay toàn các cụ lớn từ Hà Nội vào kiểm tra, khi máy bay giảm độ cao để hạ cánh. Tố Hữu phán một câu xanh rờn: “Chưa đến Sài Gòn đã nghe mùi Nam Tư, Sáu Dân đang đi theo tư bản”. Nay nghe một thằng nhóc là Uy nhắc lại, cụ quay nhìn nó như nhìn một thằng phản động, nói:

- Cậu chỉ được cái hay cạnh khóe.

Đến khi nhập tiệc, cụ vẫy Uy lại ngồi cạnh, gắp vào bát Uy cái đùi gà quay, tủm tỉm:

- Cậu ăn đi, mùi Nam Tư đấy.

Rồi cụ cười rất sảng khoái. Uy cũng cười, nghĩ cụ đã tha thứ cho mình. Nhưng không phải. Mấy năm sau cụ lại đến Nha Trang, lần này Uy dẫn một đoàn sinh viên khoa Văn trường CĐSP Nha Trang đi đón cụ. Vừa trên máy bay xuống, cụ cười rất tươi khi nhận bó hoa từ một em nữ sinh viên xinh đẹp. Cụ ghé tai Uy nói nhỏ:

- Bó hoa bay mùi Nam Tư, Uy hỉ!

Hóa ra cụ “thù dai”, chẳng quên gì cả.

“Núi, lại núi, lại núi…” (1) là hai bác Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Phê. “Hai núi” này tự tìm đường đến với Mohammad Uy. “Núi Phê” tính cẩn thận, chuẩn bị vào Nha Trang, từ Huế ông điện thoại báo cho Uy trước. Uy Ok ngay, xong mới thấy gay. Ông Phê thì khỏi lo, dù gì thời chống Mỹ ông cũng là cán bộ Ty Giao thông Quảng Bình, nằm hầm ngủ đất đã quen, nay kê liếp ngủ trên đất vài đêm không sao. Nhưng bác Viện đã lớn tuổi, lại chỉ còn một lá phổi, để ông ngủ trên đất sao đành. Thế là Uy tìm gặp ông Năm Thường, Chánh văn phòng tỉnh ủy Khánh Hòa nhờ giúp đỡ. Năm Thường vui vẻ. Hai anh em nhà Nguyễn Khắc ở nhà khách tỉnh ủy Khánh Hòa năm ngày. Khi các ông rời đi, ông Năm Thường gọi điện cảm ơn Uy rối rít. Lý do, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thuộc hàng Nguyên khí Quốc gia. Đi đâu, làm gì nhà chức trách cũng phải biết để quản lý, bảo vệ. Từ đó mỗi khi nhà có khách, Uy lại cố gắng nâng khách lên hàng “Nguyên khí Quốc gia” sao cho vừa với tầm ngắm của nhà chức trách Năm Thường. Thế là cả người nhờ lẫn người được nhờ đều vui vẻ. Nhờ chiêu này của Uy mà tôi, một tiểu tốt trong làng văn Việt, từng ở Nha Trang năm năm, được nhiều bạn văn ở đây biết, có thể tới Nha Trang bất cứ lúc nào mà không phải bận tâm đến nơi ăn nghỉ.

Nhưng chiêu này chỉ áp dụng được với những “núi” quen lặng lẽ xanh. Còn với những “núi” đi đâu cũng hút xách, thơ phú um sùm như các bác Hoàng Cầm, Phùng Quán… thì Uy tìm cách khác. Vì thế mà bác Hoàng Cầm đã một lần đặc cách cho Uy hút thuốc phiện cho biết mùi đời, khiến Hoàng Kỳ con trai trưởng của ông ganh tỵ:

- Gớm, ông cho thằng Uy hút mà không bao giờ cho con hút (Hoàng Kỳ lớn tuổi hơn Uy).

Cụ Cầm cười:

- Nhà thơ thì có quyền hư.

Và trong lúc Uy đang nằm lim dim với nàng tiên nâu, cụ đuổi con trai của mình đi, mà rằng:

- Mày trẻ con, ra chỗ khác chơi.

“Hai núi” Phùng Quán và Hoàng Phủ Ngọc Tường thì nửa đêm gõ cửa nhà Uy nói trọ trẹ bằng giọng Huế:

- Rượu choa đủ rồi, nhưng có cái chi nóng nóng nước nước mi cho choa một bát choa húp.

Vợ anh nghe vậy, ra chuồng gà. Oác một tiếng. Lát sau chị bê lên một nồi miến nghi ngút khói với một chai rượu Đức Thọ. Nhà thơ Phùng Quán mở nút chai rượu chiết vào ly nếm thử, thấy rượu ngon ông rót mời mọi người. Hóa ra rượu choa vẫn chưa đủ! Lúc ăn canh miến, không hiểu vì xúc động hay vì đói, mà ngay miếng xương gà đầu tiên Phùng Quán đã thành dịch giả, “diệt” thật hai câu ca dao của cha ông: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên mụ, canh gà Thọ Xương” thành một bài thơ bốn câu kỳ khôi: “Cuồng phong lay cành trúc/ Đổ xuống tà vẹt đường/ Vợ trời đánh một hồi chuông/ Canh gà húp vội, hóc xương mấy lần”. Mấy lần nhỉ? Không nhớ, nhưng bữa ấy “thi sơn” Phùng Quán đã hơn một lần “thọ xương”. Một lần giải quyết xong cái “thọ xương”, ông cười bảo: “Trước mắt việc ruổi mãi/ Trongmồm già đến rồi” (2)khiến mọi người cùng cười vui.

Núi không đến với Muhammad thì Muhammad đến với núi”… Nhưng “núi” không đến với Mohammad thì đến với ai? Nhất là khi Mohammad đang trên đường thành “núi”. Năm cuối cùng của Thế kỷ 20 “hai núi” Nam bộ, Nguyễn Quang Sáng và Anh Đức ra Nha Trang công tác, ở nhà khách Tỉnh ủy Khánh Hòa. Nhận phòng xong, Anh Đức rủ Nguyễn Quang Sáng đến thăm nhà thơ Giang Nam. Dải đất miền Trung này ông không lạ. Bà Nguyễn Thị Huỳnh, nguyên mẫu của chị Tư Hậu trong “Một chuyện chép ở bệnh viện” của ông, quê Khánh Hòa. Mỗi lần ra Nha Trang, ông lại có cảm giác như sắp sửa gặp chị Tư đâu đó trên đường phố. Tác giả “Cánh đồng hoang" phẩy tay:

- Để tôi kêu Trần Chấn Uy đến đưa ta đi.

Ông Sáng bốc điện thoại. Chừng mươi phút sau Uy đánh ô tô đến chở hai ông đi. Tại nhà Giang Nam, ba người được tác giả bài thơ Quê hương đãi nước trà và kẹo lạc. Xong cuộc thăm viếng, trở ra ông Sáng hỏi Uy:

- Ở đây có quán rắn không em?

- Các bác muốn ăn rắn?

- Ừ.

- Rồi, để em chiêu đãi các bác.

Uy chở “hai núi” lên quán Đồng xanh trên Ngọc Hiệp. Khi rượu đã sần sần, ông Sáng rủ Uy:

- Mày vào Sài Gòn với anh Hai đi.

Uy cười:

- Em vào, lúc anh Hai ra đây thì ai thù tiếp anh Hai?

Ông Sáng ngẫm ngợi:

- Mày nói phải.

Cụng ly.

Xong công việc, hai ông về Sài Gòn, Uy tiếp tục ở lại Nha Trang cho đến hôm nay. Nhờ vậy mà năm 2002, chuẩn bị kỷ niệm 350 năm Khánh Hòa (1653 – 2003), “núi” Lê Lựu và sau đó là “núi” Phạm Tiến Duật vào Nha Trang cùng bạn văn Nguyễn Khắc Phục viết kịch bản phim tài liệu “350 năm Khánh Hòa” mới có Uy cập kè. Một buổi sáng Uy dẫn Lê Lựu đi ăn sáng ở quán phở Bắc Hải trên đường Pasteur. Lê Lựu hỏi ông Giang chủ quán:

- Quán có xương phở không?

Ông Giang nghe vậy, mang ra một tô xương phở đầy ụ. Lê Lựu mắt sáng trưng, cười bảo:

- Món này mới hợp với tớ.

Phạm Tiến Duật thì uống bia với Uy đến một giờ sáng ở bên bờ kè ven biển. Ông hỏi Uy về chuyện gia đình. Khi biết Uy đã ba lần lấy vợ, Duật ngạc nhiên trước đàn em “tuổi trẻ tài cao”. Trở ra Hà Nội, ông viết: “Cái tên Trần Chấn Uy đọc lên nghe như một vị tướng lẫm liệt. Cái uy trấn thủ của họ nhà Trần. Nhưng vị tướng này, trong đời tư của mình không tự trấn thủ được và thành trì này không phải một lần đã từng thất thủ…”

Muộn hơn một chút có “núi Tô Hoài”. Năm 2005 đoàn Hội Nhà văn Việt Nam gồm “núi Tô Hoài” và các “núi” Hữu Thỉnh, Thanh Quế, Trần Đăng Khoa, vào Nha Trang công tác theo chương trình của Ban Tổ chức một cuộc vận động viết bên Bộ Giáo dục & Đào tạo. Uy chiêu đãi đoàn ở nhà hàng Đèn lồng đỏ, sau đó mời mọi người đi massage. Cụ Tô Hoài thích lắm. Trong lúc “núi” Hữu Thỉnh đòi cô nhân viên phục vụ một cái quần đùi mới chưa xong, “núi” Thanh Quế vào bồn tắm sục khí trên đầu vẫn đội nguyên chiếc mũ nồi, thì cụ Tô Hoài đã hồn nhiên thoát y rồi nằm ngay lên giường, ra ý cho cô nhân viên “Muốn làm gì tôi thì làm” (3).

Hôm sau cụ hỏi “gò, đống” Cao Duy Thảo, khi ấy là Chủ tịch Hội Văn nghệ Khánh Hòa:

- Không biết chiều nay thằng Uy nó có mời nữa không?

“Núi” Vĩnh Nguyên thì ghi dấu ấn theo một cách riêng. Khi in xong tập thơ đầu tay“Mây đá nhớ nhau”, từ Huế ông đã gửi 50 cuốn vào nhờ Uy bán hộ. Ok Vĩnh Nguyên, Uy mang cục thơ sang quán cà phê của bạn văn Lê Ký Thương ở 6A Lý Tự Trọng ngồi. Hễ thấy một người quen nào xuất hiện, úp cái mo vào mặt Uy hỏi mượn gấp 10.000 đồng. Số tiền chẳng là bao nên ai cũng đưa ngay, dù thấy kỳ. Rồi mọi người vỡ lẽ khi ngay sau đó Uy thanh toán lại cho họ bằng thơ. Người đưa 10.000 đồng, Uy trả một tập; 20.000 đồng trả hai tập (giá một tập thơ 10.000 đồng)… Bằng cách ấy, chưa hết ly cà phê sáng 50 tập thơ “Mây đá nhớ nhau” của Vĩnh Nguyên được Uy bán hết veo. Vĩnh Nguyên mừng lắm, nghĩ thơ mình hay, được nhiều người yêu thơ xứ Trầm hương ưa chuộng, tự tin gửi tiếp vào cho Uy 50 cuốn nữa. Không thể bổn cũ soạn lại, Uy bỏ tiền túi thanh toán cho Vĩnh Nguyên, còn thơ anh đem tặng hết bạn bè. Sau này trong một lần tới Nha Trang uống rượu với Uy, cảm động về mối chân tình của bạn Vĩnh Nguyên đã đem vùi cái chai rượu uống dư xuống cát, sau đó lên tàu với những câu thơ hào sảng: “Tôi tạm biệt Nha Trang với lời thề trên cát/ Hẹn ngày trở lại bới chai lên…”.

“Núi” Nguyễn Tùng Linh duy tình hơn người, sang Úc định cư rồi vẫn nhớ Uy. Năm 2015 khi biết Uy sắp sang xứ sở chuột túi chơi, ông đã điện nhờ Uy mua cho mình chè Thái Nguyên và cà phê Trung Nguyên, mỗi thứ hai cân. Ông cũng gọi cầu may thế thôi chứ không mấy hy vọng. Không ngờ nửa tháng sau tại Melbourne, nguyên Chủ tịch Hội đồng Văn học công nhân Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận được một vali hàng đúng như yêu cầu. “Núi” mừng đến nỗi đột phát bệnh Alzheimer’s, quên phắt việc trả tiền lẫn việc mời Uy về chơi thăm “tệ xá”. Trong một tuần Uy ở Melbourne, Tùng Linh lặn mất tăm, không điện thoại, không vãng lai. Khi Uy đã về lại Việt Nam, “núi” tự dưng phục hồi trí nhớ nhớ ra những sơ sót này. Áy náy, ông gọi điện cho Uy nói về kế hoạch làm ăn của mình ở Úc. Theo đó, mỗi ngày ông sẽ bỏ ra 10 AUD (Đô la Úc) mua một tấm vé số… và sẽ trúng giải độc đắc 1 triệu AUD… và sẽ bay về Việt Nam chơi cho thỏa chí tang bồng... và sẽ… Tội nghiệp nhà thơ đàn anh, lượng hẹp trôn kim, đạt tới giấc mơ Úc rồi vẫn không nguôi giấc mơ của anh lái đò Hải Phòng giàu tưởng bở, Uy cười bảo:

- Nếu bác trúng giải độc đắc 1 triệu AUD, em chỉ xin một cốc trà đá, không hơn.

Khách sinh ra khách, đám càng đi càng dài, A, B, C… rồi X, Y, Z… và quá Z, hầu như văn nhân nào tới Nha Trang cũng gọi Uy.

“Tư thế đẹp nhất của khách là nhìn từ lưng”, dù rất hiếu khách mà trong một số trường hợp Uy buộc phải thừa nhận nhà thơ Gamzatop xứ Đaghextan nói đúng. “Núi” Nguyễn Trọng Tạo là một. Đêm, như Tôn Quyền nằm gác chân lên bụng Chu Du, Tạo nằm gác chân lên bụng Uy, tưởng không còn gì thân thiết hơn. Sáng dậy đã: “Mày ngu!”. Nhưng Tạo vẫn là người yêu Uy nhất, cứ nhìn những bìa sách ông làm tặng thằng em thì biết.

Lại nữa, mùa Thu năm ngoái (2019) “núi” Hoàng Minh Tường vào Nha Trang thăm nhà văn Văn Biển theo lời ủy thác của con cụ ở Đức. Vé mua xong, chỉ còn chờ ngày đi thì ông nhận được điện thoại của tác giả “Cô bê 20” báo mình bị ốm đang nằm viện, nếu Tường vào lúc này sẽ không tiếp được. Làm sao bây giờ? Vé đã mua rồi, bỏ thì tiếc, mà vào thì quá bằng tự đem thân bỏ chợ. Hoàng Minh Tường điện cho tôi hỏi giải pháp. Tôi bảo:

- Anh điện cho Trần Chấn Uy để hắn lo.

Hoàng Minh Tường:

- Trần Chấn Uy ư ? Mình không ưa gì hắn, hắn cũng không ưa gì mình, nhờ chắc đâu hắn giúp.

- Hắn sẽ giúp nếu anh đi đúng bài. Như sau: 1)… 2)…3)...

“Dạy đĩ vén váy”. “Đĩ” Hoàng Minh Tường làm theo chỉ dạy của tôi, chưa xong bài thứ nhất các cúc váy đã mở toang. Khi chiếc Vietjet Air đáp xuống cảng hàng không sân bay Cam Ranh, nhà văn bước qua cửa kiểm soát đã thấy kẻ “Bất cộng đới thiên” với mình đánh ô tô riêng tới chờ sẵn từ bao giờ, sau đó điều khiển cho xe chạy thẳng về Euro Star Hotel, một khách sạn 4 sao nằm trên đường Trần Phú. Nhà văn tắc thở vì không có tiền. Trong khi đó kẻ “Bất cộng đới thiên” với ông thì cứ như không, đãi ông năm giờ một tiệc lớn, ba giờ một tiệc nhỏ. Đến ngày thứ ba, bỏ qua sự mặc cảm, nhà văn quyết định hỏi thẳng nhà thơ chuyện tiền nong ăn ở. Nhà thơ phẩy tay. Nhà văn thở phào nhẹ nhõm, rút ra hai cuốn sách: Tiểu thuyết“Những mảnh rồng” và tập bút ký "Từ Ba Tư đến Bắc Mỹ” viết trân trọng, “Thân yêu tặng Trần Chấn Uy”.

Nhưng “thân yêu Trần Chấn Uy” không chỉ có “núi” Hoàng Minh Tường. “Núi” Thanh Thảo, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam nửa đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020, qua vài cuộc họp Hội đồng đã coi Uy là tâm phúc. Một lần sau khi họp xong, Uy đang định ra quán cơm bình dân ăn rồi về nghỉ thì Thanh Thảo gọi giật lại:

- Đi nhậu với anh. Trưa này thằng Trần Cương (nhà thơ Hoàng Trần Cương) mời.

Thế là Uy đi. Cuộc nhậu diễn ra vui vẻ. Mọi người nói nhiều về thơ. Chủ hơn khách ở chỗ, ngoài thơ, cả hai (Hoàng Trần Cương và bạn anh, một “soái ca” ở Nga về) còn là những chuyên gia kinh tế, nên nhiều vấn đề về quốc kế dân sinh to lớn được họ xướng lên, những khi ấy phía khách chỉ biết im lặng lắng nghe. Đến lúc trả tiền, lạ lùng là phía chủ ngồi im, mà lệ thường dân nhậu xứ An Nam ta, chủ mời là chủ chi. Thái độ ấy của Hoàng Trần Cương khiến Thanh Thảo nản. Ông bảo Uy:

- Uy có tiền đấy không, trả, rồi ta về thôi em.

Uy cười (lại cười), rút trong túi ra gần năm triệu đồng thanh toán cuộc nhậu.

Bực mình vì ông bạn xấu chơi, trên đường về Thanh Thảo chửi ầm trong taxi:

- Đ… mẹ thằng Trần Cương!...

Vì thế, chẳng có gì lạ khi ở trang đầu tập thơ “Chờ mãi cơn mưa rào rất lạ” mới in của ông, nhà thơ Thanh Thảo viết: “Thân yêu tặng em Trần Chấn Uy và gia đình”. Đọc lời đề tặng, nhà thơ Phạm Đương, một đàn em của Thanh Thảo ở Quãng Ngãi, bảo:

- Tao chưa thấy ông Thảo yêu ai như mày.

Nhưng Thanh Thảo dù sao cũng đã từng làm việc với Uy. Còn “núi” Nguyễn Duy, một người sang, đi đâu cũng có người lo hậu cần, quen Uy ba chớp ba nhoáng trong một cuộc gặp hồi đã lâu ở Hà Nội. Từ đó mỗi Tết in lịch, mỗi lần ra sách, ông lại gửi qua Bưu điện tặng Uy, ra Nha Trang chơi phải gọi bằng được Uy tới nhậu. Lần ra Nha Trang gần đây nhất của Nguyễn Duy cùng tác giả “Bên thắng cuộc”, nhà báo Huy Đức ngày 16-4-2020, ông lại gọi Uy. Hành trang của nhà thơ xứ Thanh cho cuộc đi có ba tập thơ: “Vợ ơi”, “Distant Road” (song ngữ Việt – Anh) và “Con đường trong giọt sương” . Hai tập đầu của ông, tập sau của Nguyễn Duy Sơn, con trai ông. Tất cả mới in xong. Trong lúc người khác chỉ được ông tặng một tập. Uy trái lại, được ông biệt đãi tặng ba tập luôn.

……………..

* *

*

Tuy vậy, không phải với ai Uy cũng được yêu. Một trong số đó là ông anh con cậu tôi, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Ông này tính xưa như trái đất. Nghe tôi kể chuyện Uy ba lần lấy vợ, ông bảo:

- Tay ấy đạo đức kém. Chú giỏi, gần mực mà không đen!

Tôi khoái quá, cất ngay vào kho trí nhớ, nghĩ sẽ có dịp dùng. Rồi dịp ấy đến, đó là hôm nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (chơi thân với Uy) ở Huế vào thành phố Hồ Chí Minh thăm con ở chung cư Thế kỷ 21, phường 25, quận Bình Thạnh. Tôi đến chơi. Chị hỏi:

- Uy dạo này thế nào em?

Tôi nghiêm mặt:

- Tay ấy đạo đức kém!

Mỹ Dạ không nói gì, khi tôi về rồi chị điện ngay cho Uy:

- Em chơi với thằng Hội phải cẩn thận. Thằng ấy tốt nhưng tính tình cũ lắm, không mới mẻ như chị em mình…

Uy cười:

- Tay ấy đạo đức kém!

Mỹ Dạ ngớ người, giây sau hiểu ra chị lầm bầm:

- Cả hai đứa bây đều đạo đức kém.

Oan cho tôi.

Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày giãn dịch Covid 19

1. Thơ Chính Hữu: “Nhật ký biên giới”

2. Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư: “Trước mắt việc ruổi mãi/ Trên đầuu già đến rồi”

3. Tên tiểu thuyết của nữ nhà văn hiện đại Mỹ, Joyce Carol Oates.