Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIẤC MƠ NGÔN NGỮ THẾ GIỚI CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC

Nguyễn Hải Hoành
Thứ bẩy ngày 26 tháng 12 năm 2020 7:26 AM




Năm 2010, Trung Quốc xuất bản sách Giấc mơ Trung Quốc của Đại tá Giải phóng quân Lưu Minh Phúc, cho thấy người Trung Quốc đang làm một giấc mơ vĩ đại -- mơ ước trở thành quốc gia nhất thế giới trong mọi lĩnh vực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, văn hoá, xã hội v.v... tranh giành ngôi “Số Một thế giới” từ tay nước Mỹ.

Giờ đây họ lại mơ ước đưa tiếng nói và chữ viết của họ trở thành ngôn ngữ hàng đầu toàn cầu. Nguyện vọng đó thể hiện trong bài Làm gì để tiếng Trung Quốc trở thành ngôn ngữ thông dụng thứ hai thế giới đăng trên tờ Quang minh nhật báo ngày 4/1/2020, tác giả là Giáo sư Lý Vũ Minh (Li Yuming), nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Ngôn ngữ quốc gia, Chủ tịch Hội ngôn ngữ học quốc tế Trung Quốc, Bí thư Đảng uỷ Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh [1].

Vì sao người Trung Quốc lại có mong muốn như vậy?

Tất cả chỉ vì ngôn ngữ đem lại sức mạnh. Lịch sử cho thấy nhờ có tiếng nói mà loài người biết tập họp lại, kết nối với nhau, phát huy sức mạnh trí tuệ và sức mạnh cơ bắp của tập thể, trở thành loài mạnh nhất trong muôn loài động vật. Từ thế kỷ XX trở đi, ngôn ngữ trở thành trọng tâm nghiên cứu của triết học; các nhà ngôn ngữ học trở thành nhà triết học. Triết gia Charles Taylor gọi loài người là “Động vật ngôn ngữ (Language animal)”; Martin Heidegger nói ngôn ngữ là “Ngôi nhà của sự tồn tại con người (the house of being)” và con người sống trong ngôn ngữ [2]. Tóm lại, ngôn ngữ vô cùng quan trọng. Người Trung Quốc không thể không nắm lấy vũ khí này.

Hiện nay tiếng Anh là ngôn ngữ mạnh nhất thế giới, được trọng dụng nhất trong hầu hết các nước. Điều đó đem lại sức mạnh cho những nước dùng thứ tiếng này. Thập niên 60 thế kỷ XX, lãnh tụ Lý Quang Diệu một mình chống lại sức ép của cộng đồng người Hoa chiếm hai phần ba số dân Singapore, kiên quyết chọn Anh ngữ là ngôn ngữ chính thức của đảo quốc này. Ngày nay ai cũng thừa nhận đây là lựa chọn khôn ngoan của Singapore. Biết tiếng Anh trở thành một ưu thế bất cứ người lao động nước nào cũng muốn có, ai giỏi tiếng Anh sẽ dễ xin được việc làm. Hầu hết thanh niên Trung Quốc đều hăng hái học tiếng Anh.

Hán ngữ có nhiều người dùng hơn bất cứ ngôn ngữ nào khác, nhưng đó đơn giản chỉ vì người Hoa đông nhất mà thôi. Ngoài Trung Quốc ra, các nước còn lại đều rất ít sử dụng tiếng Hán. Tuy là một trong 6 ngôn ngữ làm việc của Liên Hợp Quốc nhưng Hán ngữ chỉ có tỷ lệ sử dụng ở mức dưới 1%, trong lúc tỷ lệ sử dụng tiếng Anh là 80%, tiếng Pháp – 15%, tiếng Tây Ban Nha – 4%.

Những năm qua, cùng với sự lớn mạnh của Trung Quốc, người nước này đi du lịch ngày một nhiều, vì thế hiện nay một số sân bay, điểm du lịch, khách sạn, đường xá v.v… bắt đầu dùng Hán ngữ để thông báo hoặc quảng cáo. Các biển báo thường được viết bằng tiếng bản xứ ở dòng trên cùng, tiếng Anh ở dòng thứ 2, và chữ Hán ở dòng cuối. Dĩ nhiên dòng chữ Hán là để phục vụ người Hoa, chứ không như dòng tiếng Anh là để phục vụ người tất cả các nước. Người bản xứ chẳng vì vì có thêm các dòng chữ lạ mắt đó mà biết thêm Hán ngữ.

Dù sao người Hoa rất phấn khởi thấy thứ chữ viết khối vuông độc đáo không đâu có của họ cuối cùng đã bắt đầu được người nước ngoài sử dụng tại các nơi công cộng. Người đại lục Trung Quốc bắt đầu nhen nhóm hy vọng thực hiện giấc mơ toàn cầu hoá Hán ngữ tuy rằng họ biết đây là một ước mơ rất khó thực hiện.

Từ lâu, nước lớn đang trỗi dậy này đã lặng lẽ thực thi chiến lược đưa tiếng nói và chữ viết của mình tiến đến trở thành ngôn ngữ thế giới.

Ngay từ thế kỷ trước, Bắc Kinh đã có chủ trương dùng Hán ngữ để truyền bá ảnh hưởng của Trung Quốc. Năm 1962 Bộ Giáo dục Trung Quốc thành lập trường Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh chuyên dạy người nước ngoài học Hán ngữ và văn hoá Trung Hoa, nhằm đào tạo những người “Biết Trung Quốc, hữu hảo với Trung Quốc”. Ngày mới thành lập, cả trường chỉ có 11 học sinh nước ngoài (đều là người châu Phi), hiện nay có hơn 10 nghìn HS đến từ trên 130 nước, được gọi là “Liên Hợp Quốc thu nhỏ”, trong đó số học sinh nước ngoài nhiều hơn số học sinh Trung Quốc. Học sinh ở đây được hưởng điều kiện sinh hoạt và học tập tốt hơn nhiều trường khác, mấy năm nay tỷ lệ tốt nghiệp đều đạt 98%.

GS Lý Vũ Minh nguyên Bí thư Đảng uỷ ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh nói trường ông có vai trò truyền bá “Tư tưởng Trung Quốc”. Môn học chính ở đây là khoa học xã hội-nhân văn, chủ yếu học Hán ngữ và văn hoá Trung Hoa. Nhà trường đưa ra chủ trương “đào tạo công dân thế giới có con mắt quốc tế”. Hiện nay trường này đang triển khai đào tạo người tài trong 5 ngành học, 23 chuyên ngành, dần dần hoàn thiện mô hình đào tạo “chuyên ngành + ngoại ngữ”, “ngoại ngữ + chuyên ngành”, “ngữ chủng nhỏ + Anh ngữ”.

Ông Lý nói thế giới chỉ có một ngôn ngữ thông dụng là chưa đủ, cần có các ngôn ngữ khác đến từ những bối cảnh văn hoá đa dạng. Theo ông, từ vị trí của Hán ngữ trong thể hiện ngôn ngữ tại nhiều nước cho thấy Hán ngữ đang trở thành ngôn ngữ thông dụng thứ hai trên thế giới.

Dựa vào vai trò tác dụng của các ngoại ngữ, Lý Vũ Minh chia làm 6 loại ngoại ngữ:

1- Ngoại ngữ đối ngoại: ngôn ngữ chính thức của bất kỳ nước nào cũng cần học để giao thiệp với nước đó hoặc để nghiên cứu học thuật.

2- Ngoại ngữ lĩnh vực: một nước nào đó có lĩnh vực gì nổi bật thì những người liên quan lĩnh vực đó nên học ngôn ngữ nước này. Ví dụ muốn học thanh nhạc thì phải học tiếng Ý, muốn tìm hiểu Trung Y thì phải học chữ Hán.

3- Ngoại ngữ phiếm vực (Pan-domain foreign language): một nước đang phát triển nhanh về nhiều mặt thì ngôn ngữ của họ sẽ có nhiều người nước ngoài tìm học; đa số người học là người lớn, vì thế còn gọi là “Ngoại ngữ người lớn”.

4- Ngoại ngữ giáo dục cơ sở: là ngôn ngữ của những nước mà trình độ phát triển của họ có lợi cho nước mình, thì phải đưa việc học các ngoại ngữ đó vào chương trình giáo dục cơ sở. Trung Quốc hiện có 6 Ngoại ngữ giáo dục cơ sở: Anh, Nhật, Nga, Pháp, Đức, Tây Ban Nha.

5- Ngoại ngữ quan trọng: là ngôn ngữ của quốc gia hàng đầu thế giới về quốc lực tổng hợp, được nhiều nước khác coi là Ngoại ngữ quan trọng, thậm chí là ngoại ngữ thứ nhất.

6- Ngôn ngữ thứ nhất: ngôn ngữ của một quốc gia đứng đầu thế giới lâu dài về nhiều mặt hoặc một mặt thì thường được một số người nước ngoài coi là ngôn ngữ thứ nhất của trẻ em. Sự lựa chọn này thường có nguồn gốc lịch sử.

Theo ông, do Trung Quốc tiến nhanh trên nhiều mặt cho nên từ đầu thế kỷ XXI ngày càng có nhiều người học Hán ngữ, có thể nói Hán ngữ đã phát triển thành “Ngoại ngữ phiếm vực”. Hiện nay hàng năm có chừng nửa triệu người đến Trung Quốc học tập. Một số nước đã tổ chức dạy Hán ngữ: đến 2017 đã có hơn 170 nước bắt đầu dạy Hán ngữ.

Hàn quốc năm 1955 đi đầu đưa Hán ngữ vào chương trình giáo dục bậc cơ sở. Nhưng tiến triển chậm, đến 2007 mới có 7 nước. Năm 2010 tăng lên 17, năm 2014 – 31 nước, 2017 – 67 nước, 2019 – 70 nước dạy Hán ngữ ngay từ bậc học cơ sở.

Có thể coi đây là bước đầu tiên Hán ngữ tiến lên con đường trở thành ngôn ngữ thứ hai thế giới. Hiển nhiên, chỉ có đưa Hán ngữ vào chương trình giáo dục cơ sở thì nó mới có thể trở thành ngôn ngữ được nhân dân thế giới thường xuyên dùng.

Từ đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc ra sức đẩy mạnh dạy Hán ngữ ra nước ngoài. Năm 2004 Đảng Cộng sản Trung Quốc cử một Uỷ viên Bộ Chính trị đứng ra tổ chức hệ thống dạy Hán ngữ miễn phí trên quy mô toàn cầu. Đó là hệ thống Học viện Khổng Tử (Confucius Institute) thành lập tháng 11/2004, với việc mở HVKT đầu tiên tại Seoul. Tính đến 12/2018 đã mở được 548 Học viện và 1193 Lớp học Khổng Tử tại 154 quốc gia và vùng, hiện có 2,1 triệu học viên và hơn 46 nghìn giáo viên. Chắc hẳn Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều công của vào hệ thống HVKT này.

Đầu tiên hệ thống HVKT do Hanban (Văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo việc dạy Hán ngữ đối ngoại nhà nước) phụ trách, đứng đầu là một UV Bộ Chính trị ĐCSTQ, thành phần gồm 12 cơ quan nhà nước, từ Bộ Giáo dục cho đến Uỷ ban Cải cách và phát triển Trung Quốc. Vì để giảm nhẹ vai trò của Nhà nước mà từ 7/2020 hệ thống HVKT chuyển sang do “Quỹ Giáo dục Trung văn quốc tế Trung Quốc (China International Foundation for Chinese Language Education)” phụ trách. Quỹ này gồm 27 đơn vị, trong đó có 17 trường đại học và một số công ty liên quan.

Theo số liệu của Trung Quốc, số người nước ngoài học Hán ngữ đã tăng từ 100 triệu năm 2010 lên 150 triệu người năm 2013, năm sau nhiều hơn năm trước. Ba châu Âu, Mỹ và Á mở được nhiều HVKT hơn cả. Tại châu Á, nhiều nhất là Hàn Quốc, Nhật và Thái Lan, lần lượt có 19, 13 và 12 HVKT (Việt Nam có 1).

Tuy vậy, việc phát triển và duy trì hệ thống HVKT cũng gặp một số trở ngại [3]. Một số HVKT ở Mỹ và châu Âu đã phải đóng cửa.

GS Lý Vũ Minh cho rằng để trở thành sản phẩm chung của toàn thế giới, Hán ngữ cần đạt 3 điều kiện sau: - Tải được tri thức văn hoá, KHKT tiên tiến của loài người; - Từ ngữ phong phú và chuẩn hoá cao; - Có triết lý giáo dục tiên tiến về Hán ngữ, có phương pháp giáo dục tiên tiến.

Do hàm lượng KHKT của văn bản Hán ngữ quá thấp nên hiện nay Hán ngữ ít được dùng trong các hệ thống văn bản trích dẫn trên thế giới. Như trong Chỉ số trích dẫn về khoa học tự nhiên SCI, tỷ lệ dùng Hán ngữ chỉ bằng 0,28% (Anh ngữ: 98,05%). Xét về tỷ lệ sử dụng trong Chỉ số trích dẫn về khoa học xã hội SSCI, Hán ngữ xếp thứ 22 (Anh ngữ xếp thứ nhất với 96,2%); trong Chỉ số trích dẫn về ngành Nghệ thuật và Nhân văn A&HCI, Hán ngữ xếp thứ 10 trong khi Anh ngữ xếp thứ nhất với tỷ lệ 75,3%.

Để trở thành ngôn ngữ thứ hai thế giới, Hán ngữ cần làm được chức năng giúp loài người khám phá thế giới, trình bầy thế giới và thích ứng với thế giới. Như đã nói, trong SCI, tiếng Anh chiếm tỷ lệ 98,05%, trong đó tỷ lệ đóng góp của học giả Mỹ chiếm 28%, cao nhất; thứ nhì là đóng góp của học giả TQ, chiếm 17%. Tuy vậy giới học giả Trung Quốc lại chưa có đóng góp tương xứng trong việc cung cấp tri thức quốc tế cho Hán ngữ, khiến cho các văn bản Hán ngữ chiếm tỷ lệ quá thấp trong SCI.

Tháng 1/2018, Bắc Kinh công bố Sách Xanh về phát triển ấn phẩm KHKT TQ định kỳ, thống kê tình hình vào/ra luận văn SCI của 14 nước đưa ra nhiều luận văn nhất thế giới, phát hiện chỉ có Hà Lan, Anh, Mỹ thuộc loại “luận văn chảy vào”, còn lại 11 nước thuộc loại “luận văn chảy ra”, trong đó Trung Quốc có luận văn chảy ra nghiêm trọng nhất. Nói cách khác, phần lớn kết quả nghiên cứu khoa học của Trung Quốc được viết bằng tiếng Anh, "chảy ra" nước ngoài, cho người ta đọc; còn luận văn viết bằng Hán ngữ để người Trung Quốc đọc thì lại quá ít. Trung Quốc nên khuyến khích các học giả (kể cả học giả nước ngoài) viết bài bằng 2 ngôn ngữ: ngoại ngữ và Hán ngữ. Việc trang mạng tạp chí y học quốc tế The Lancet ngày 26/12/2019 đăng bài của học giả Trung Quốc viết bằng Hán ngữ là một tín hiệu đáng mừng.

Giới ngôn ngữ Trung Quốc đề xuất 8 biện pháp tăng cường chức năng ngôn ngữ của Hán ngữ:

1-Tăng cường sự đồng thuận của người Hoa ở hải ngoại nhằm duy trì số người coi Hán ngữ (còn gọi là Hoa văn, Hoa ngữ) là tiếng mẹ đẻ;

2-Tăng số người coi Hán ngữ là ngôn ngữ thứ hai; hiện nay số này còn quá ít. Tiếng Anh có số người coi là ngôn ngữ thứ hai đông nhất, rồi đến tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha.

3- Tăng cường tác dụng của Hán ngữ trong các tổ chức quốc tế. Tính đến 2018, toàn thế giới có khoảng 62 nghìn tổ chức quốc tế, nhưng tác dụng của Hán ngữ trong các tổ chức đó còn ở mức thấp, ví dụ tỷ lệ dùng Hán ngữ trong soạn thảo văn bản ở Liên Hợp Quốc chỉ dưới mức 1%. Hiện nay Trung Quốc ngày càng có vai trò quan trọng trong các tổ chức quốc tế, mức hội phí Trung Quốc nộp cũng đứng hàng đầu, số người Hoa làm việc hoặc đứng đầu trong các tổ chức đó cũng ngày một tăng. Tình hình trên cho phép có điều kiện tăng cường tác dụng của Hán ngữ.

4- Phát triển KHKT và giáo dục, làm ra nhiều sản phẩm tốt để tăng cường hàm lượng KHKT và văn hoá, tăng cường thanh danh của các văn bản Hán ngữ..

5- Coi trọng sinh hoạt ngôn ngữ trong không gian ảo, tăng số lượng văn bản có chất lượng cao. Trung Quốc có 700 triệu dân mạng (nhất toàn cầu), số lượng văn bản trên mạng đứng thứ 2 thế giới, chỉ kém tiếng Anh, và nhiều hơn gấp đôi số văn bản tiếng Tây Ban Nha (xếp thứ 3).

6- Tăng cường dịch thuật, coi trọng dịch văn bản Hán ngữ ra ngoại ngữ, cũng coi trọng dịch ngoại ngữ ra Hán ngữ. Không chỉ dịch ra Anh ngữ mà phải dịch ra 20 ngôn ngữ thứ hai và thứ ba.

7- Sử dụng danh nhân, danh vật để nâng cao hàm lượng văn hoá của văn bản Hán ngữ. Trung Quốc xưa và nay có không ít danh nhân, danh vật và các tư tưởng nổi trội. Nếu khéo sử dụng, có thể tăng được hàm lượng văn hoá trong các văn bản Hán ngữ, biến thành sức mạnh của ngôn ngữ.

8- Phát triển kinh tế, qua đó tăng được sức mạnh của Hán ngữ. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia là hậu thuẫn hùng mạnh của ngôn ngữ. Gần đây các học giả lại nêu ra khái niệm “Đại Hoa ngữ”, tức ngôn ngữ chung của người Hoa trên toàn thế giới, thể hiện sức mạnh tổng hợp các mặt kinh tế, văn hoá, KHKT, giáo dục của Vùng Đại Hoa ngữ. Sức mạnh đó lớn hơn quốc lực của Trung Quốc. Sức mạnh tổng hợp đứng đằng sau Hán ngữ càng mạnh thì Hán ngữ mới đủ tư cách trở thành sản phẩm chung của thế giới.

*****

Theo phân tích của chúng tôi [4], giấc mơ ngôn ngữ nói trên không dễ trở thành hiện thực. Hiện nay mới có khoảng 80% người Trung Quốc nói Tiếng Phổ thông (Mandarin), nghĩa là Mandarin chưa trở thành tiếng nói chung ở chính nước này, suy ra nó sẽ khó phổ cập toàn cầu. Chữ Hán còn khó phổ cập hơn, vì nó là chữ biểu ý (ideograph), có đặc điểm khó học, khó viết, khó nhớ, khó dùng đối với người dân hầu hết các nước còn lại đã quen dùng chữ biểu âm (phonograph).

Thực tế cho thấy phong trào cải cách chữ Hán tiến hành rầm rộ trong gần trăm năm tại TQ kể từ cuối thế kỷ XIX cuối cùng chỉ thực hiện được hai mục tiêu là đơn giản hoá (bớt nét) một số chữ Hán và dùng chữ cái Latin làm ra phương án phiên âm (Pinyin) chữ Hán (Scheme for Chinese phonetic alphabet). Phương án này là cầu nối chữ Hán với tiếng Hán, đã tạo thuận tiện lớn cho việc học và dùng chữ Hán, rất thích hợp thời đại máy tính và điện thoại thông minh. Nhưng mục tiêu cuối cùng --- Latin hoá chữ Hán nhằm hoà nhập chữ Hán với chữ viết của hầu hết các nước trên toàn cầu --- đã không thể nào đạt được; từ 1986 Trung Quốc đã từ bỏ mục tiêu này (nhà ngôn ngữ Châu Hữu Quang nói cần 500 năm để thực hiện mục tiêu đó).

Có thể kết luận: chừng nào Hán ngữ còn là ngôn ngữ đơn âm tiết (monosyllabic) và nghèo âm tiết như hiện nay thì không thể thay chữ Hán bằng loại chữ viết biểu âm Latin hoá, cho nên chữ viết của người Trung Quốc sẽ vẫn khó học, khó viết, khó nhớ, khó dùng, và do đó mong muốn đưa Hán ngữ trở thành ngôn ngữ chung số hai toàn cầu sẽ khó thực hiện được.

Ghi chú:

[1] https://blogs.lse.ac.uk/lsereviewofbooks/2016/04/29/book-review-the-language-animal-the-full-shape-of-the-human-linguistic-capacity-by-charles-taylor/

[2] http://www.china-language.edu.cn/yw/mtsd/202001/t20200106_31310.html;

Charles Taylor: The Language Animal: The Full Shape of the Human Linguistic Capacity" (2016)

http://www.china-language.edu.cn/yw/mtsd/202003/t20200303_31334.html

[3] Đọc thêm: http://nghiencuuquocte.org/2015/01/04/muoi-nam-hoc-vien-khong-tu/

[4] https://tiasang.com.vn/-van-hoa/Mot-vai-tim-toi-ve-ngon-ngu-25266.

------------



李宇明,北京语言大学语言资源高精尖创新中心主任,教授,博士生导师。国际中国语言学会会长(2016-2017年) [Hội ngôn ngữ học TQ quốc tế 国际中国语言学学会(International Association of Chinese Linguistics, 简称IACL.)19926月在新加坡成立。出席当时成立仪式以及首届国际中国语言学会议的学者和来宾有三百多位,分别来自19个国家和地区。 [1]]

中国语言学会语言政策与规划研究会会长,中国中文信息学会副理事长, 《语言战略研究》杂志主编。曾任国家语委副主任,名词委第四届全国委员会副主任,教育部语言文字信息管理司司长,教育部语言文字应用研究所所长,中国社会科学院研究生院语用系主任,华中师范大学副校长,北京语言大学党委书记。

1994年成为湖北省有突出贡献的中青年专家,并享受国务院发放的政府特殊津贴;1996年被评为湖北省劳动模范,全国妇联和国家教委授予全国优秀家长称号;1997年获全国五一劳动奖章;1998年确定为湖北省跨世纪学术带头人;2000年成为教育部人文社会科学跨世纪优秀人才2012年获第八届全国五好文明家庭标兵户称号; 201311月荣膺香港理工大学杰出中国学人荣誉;20158月入选北京榜样

主要研究领域为理论语言学、语法学、心理语言学和语言规划学。出版《儿童语言的发展》《语言的理解与发生》(合作)《汉语量范畴研究》《语言学习与教育》《语法研究录》《中国语言规划论》《中国语言规划续论》《中国语言规划三论》《Language Planning in China》《当代中国语言学研究》等著作10余部,发表论文480余篇。主编《全球华语词典》《全球华语大词典》。主持编写《中国语言生活状况报告》数年,与李嵬联合主编的《THE LANGUAGE SITUATION IN CHINA(Volume 1—3)由德国DE GRUYTER出版社与商务印书馆联合出版。研究成果译为蒙、藏、维、日、韩、俄、法、英等多种文字。